Sự sắp đặt nghệ thuật

Câu hỏi “ta là ai? ở đâu đến? ở trong ta có năng lượng gì?” luôn là câu hỏi đặt ra cho mỗi một người. Cuộc sống của chúng ta gần như chỉ để nhằm trả lời mỗi câu hỏi đó. Tôi luôn hoang mang khi tìm hiểu về các hành vi trong cuộc sống con người và ngờ rằng không ai có thể thoát khỏi sự vô minh, hỗn độn bao trùm lên hết thảy.

Thật hoài công khi đi lý giải các mối liên hệ hay ý nghĩa nào đó ở trong cuộc sống. Thường trong cuộc sống, kẻ mạnh vẫn thắng, cá lớn vẫn nuốt cá bé, sự áp đặt (đôi khi còn nhuốm cảm giác phi luân) vẫn luôn làm nên những giá trị đặc sắc hơn là những sự phục tùng, a dua hay đức hạnh khiêm nhường vớ vẩn. Đấy là một thực tế cay đắng. Tôi thích tư tưởng sau đây của Nietzche: “Thiên tài trong hành động, trong sự nghiệp- thiết yếu là một kẻ hoang tàng, phung phí. Áp lực cực độ của những sức mạnh tuôn trào từ trong chính con người hắn ngăn cấm bất cứ một sự thận trọng hay cẩn thận nào”. Chính điều đó đã làm nên các sự kiện có tính chất tiên phong, đã làm nên các giá trị đỉnh cao ở trong cuộc sống. Chính nó đã làm nên lịch sử, đã làm cho thế giới này sinh động. Nghệ thuật cũng không ngoại lệ.
  

 
Nghề mới – Một kiểu kinh doanh tiền tệ đời mời- 20063 

Nghề cũ- Nghề vẽ tranh truyền thần đang ngày càng mai một. Cửa hàng tranh truyền thần ở phố Hàng Ngang- 2002

Trong triển lãm Việt Nam 80.000 tại Gallery 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội, những bức ảnh của Eva Lindskog, một phụ nữ Thụy Điển sống và làm việc tại Việt Nam chụp Hà Nội vào những năm 1980 và của Lê Thiết Cương vào những năm 2000 sẽ mang đến cho mỗi người chúng ta một cảm giác khác nhau. Với tôi- đó là cảm giác áp đặt về sự tử tế ở trong công việc của người làm nghệ thuật hoặc chẳng qua chỉ vô tình dính líu đến nghệ thuật mà thôi. Không có sự tử tế ấy (sự tử tế thường là rất gần với phù phiếm, xa xỉ hay phung phí)- thiếu đi sự tử tế ấy sẽ không còn gì cả, không còn các mối liên hệ con người.
Và như thế, cuộc sống sẽ chấm dứt với mỗi chúng ta! Thế giới này sẽ chết!

Nguyễn Huy Thiệp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)