Sự thật, hư cấu, và Kapuscinski

Ryszard Kapuscinski luôn mang theo hai cuốn sổ trong các chuyến du hành. Một cuốn dành cho công việc của người phóng viên – thu thập tin tức về thế giới, nộp bài đúng hạn, và vật lộn với các tư liệu để viết bài. Cuốn thứ hai dành cho niềm đam mê văn chương, ghi lại những trải nghiệm của ông về thế giới một cách sáng tạo, và thường rất trữ tình.

Thế giới có vô số nhà báo và nhà du hành, nhưng không có ai như Ryszard Kapuscinski. Từ một phóng viên vô danh của một đất nước nhỏ bé, nói thứ ngôn ngữ mà chẳng ai bên ngoài đường biên giới của họ hiểu, Kapuscinski đã vươn lên thành một cây đại thụ trong nền báo chí thế giới thế kỷ hai mươi.

Sinh ra tại Pinsk, nay thuộc Belarus, Kapuscinski là một người cộng sản nhiệt thành, từng làm việc cho một số tờ báo của Ba Lan trước khi chuyển tới Hãng Thông tấn Ba Lan (PAP) và trở thành “phóng viên thường trú ở nước ngoài duy nhất của hãng và phụ trách hơn 50 quốc gia trong suốt mười năm sau đó” [theo tiểu sử chính thức của Kapucinsky bằng tiếng Ba Lan].

Cho đến khi trở lại Ba Lan, Kapuscinski đã đi khắp châu Phi, chứng kiến tổng cộng 27 cuộc cách mạng và lật đổ, bị bỏ tù 40 lần, và bốn lần thoát án tử hình.

Những trải nghiệm đó giúp ông có được hàng chục cuốn sách và tiểu luận, giành nhiều giải thưởng về báo chí và là tác giả người Ba Lan có sách được dịch nhiều nhất, chỉ sau nhà thơ từng đoạt giải Nobel Wisława Szymborska.

Không trung thực?

Năm 2010, tròn ba năm sau ngày Kapuscinski qua đời, cuốn tiểu sử về ông với tên “Kapuscinski phi hư cấu” được phát hành và ngay lập tức tạo ra cuộc tranh luận lớn ở châu Âu.

Tác giả, Artur Domoslawski, cũng là một nhà báo người Ba Lan, chỉ ra rằng, vị tiền bối nổi tiếng của mình thường xuyên không tuân thủ các quy tắc khắc nghiệt của báo chí phương Tây, thậm chí đôi khi “sáng tạo” ra các chi tiết không thật hoặc khẳng định đã có mặt ở nơi mà thực tế chưa từng đặt chân tới.

Ví dụ, trong cuốn Gỗ mun, có đoạn Kapuscinski viết rằng, cá trong hồ Victoria ở Uganda to lớn hơn bình thường bởi ăn xác những người bị giết hại theo lệnh của Idi Amin [Tổng thống Uganda từ năm 1971 đến 1979]. Sự thật là chúng to lớn nhờ ăn các loại cá nhỏ ở sông Nile.

Một minh chứng khác là Kapuscinski thường được giới thiệu (trên nhiều bìa sách) như một người bạn của Che Guevara trong khi thực ra hai người chưa bao giờ gặp nhau. Sau này, người ta biết sự hiểu lầm đó xuất phát từ lỗi của biên tập viên làm việc với Kapuscinski. Nhưng vấn đề ở chỗ bản thân Kapuscinski lại không lên tiếng đính chính.

Báo chí phương Tây, sau một số vụ lùm xùm như vụ Peter Arnett1, lại một phen sóng gió.

Thật hơn cả sự thật

Nhưng có một điều mà báo chí phương Tây – không rõ vô tình hay cố ý – đã không nhắc đến khi bàn về cuốn sách của Domoslawski: Ryszard Kapuscinski mang theo hai cuốn sổ trong các chuyến du hành. Một cuốn dành cho công việc của người phóng viên – thu thập tin tức về thế giới, nộp bài đúng hạn, và vật lộn với các tư liệu để viết bài (để rồi được trả công rất bèo bọt bằng tiền Ba Lan, khi đó hầu như chẳng có giá trị gì bên ngoài Liên Xô). Cuốn sổ thứ hai dành cho niềm đam mê văn chương, ghi lại những trải nghiệm của ông về thế giới một cách sáng tạo, và thường rất trữ tình.

Sẽ thật sai lầm nếu không phân biệt hai cuốn sổ, hai công việc và hai con người của Kapuscinski. Nhìn chung, mọi nhà báo, có thể trừ một vài vị thánh, đôi lúc cũng “cắt gọt” lời nói [của nhân vật] hoặc thay đổi chút ít trình tự thời gian và không gian để tăng hiệu ứng cho bài viết.

Kapuscinski từng nói nhiều về cái gọi là “văn báo”. Họ không bịa ra câu chuyện và người đọc nên tin điều được kể lại, miễn đừng tin vào mọi chi tiết. Vấn đề ở đây chỉ là những người như Kapuscinski nên nói rõ cho độc giả của mình biết họ đang đọc cái gì – rất tiếc ông chưa bao giờ làm điều đó.

Một trong những ví dụ thường được dùng nhất để minh họa cho sự “dối trá” của Kapuscinski được rút từ tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, cuốn “Hoàng đế”. Tác giả đến Addis Ababa (Ethiopia) sau cái chết của vị hoàng đế đã bị phế truất Haile Selassie. Kapuscinski phỏng vấn những cựu thần của Selassie, khi đó chỉ còn là những ông già run rẩy sợ hãi.

Họ trả lời với giọng điệu rất phương Tây, thể hiện tư duy gần gũi với tư tưởng triết học và thần học châu Âu đến mức đáng ngạc nhiên, thường xuyên châm biếm, và thậm chí nói bằng ngôn từ cứ như lấy từ kinh thánh. Những điều đó đơn giản là quá hay, quá hấp dẫn để có thể tin là thật.

Kapuscinski có “biên tập” những lời nói đó không? Liệu tất cả có hoàn toàn là bịa đặt? Không có bằng chứng nào để khẳng định, nhưng với một người như Kapuscinski, chúng ta có thể tin rằng ông đã chọn lọc từ những ghi chép của mình, thay đổi trình tự chút ít, vứt bỏ những gì không quan trọng và “đánh bóng” một chút những điều đáng giá còn lại.
Kết quả là cuốn sách, và những lời nói được dẫn, đã trở nên vô cùng thuyết phục – không có gì đáng ngạc nhiên khi tác phẩm này gặt hái thành công vang dội – mặc dù độc giả sẽ không bao giờ biết được các nhân vật có thật sự đã nói đúng như sách dẫn hay không.

“Báo chí kỳ ảo”

Trên thực tế, tất cả những chỉ trích nhằm vào Kapuscinski đều không dựa trên các tin bài ông gửi về cho PAP trong nhiều năm mà dựa trên những điều ông viết trong những cuốn sách được xuất bản nhiều năm sau sự kiện.

Những gì Kapuscinski làm – và được một số nhà nghiên cứu gọi mỉa mai là “báo chí kỳ ảo” (ám chỉ chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo) – thực ra đã được “phát minh” ở Mỹ vào thập niên 1960 với tên gọi “báo chí mới”. Ngày nay, các thể loại và phương pháp mà giới ký giả hiện đại sử dụng cũng chính là “văn báo” mà Kapuscinski nói tới, trong đó, sự kiện là thật, nhân vật là thật, nhưng người viết sử dụng những công cụ, kỹ thuật của thể loại hư cấu, hay đúng hơn là của tiểu thuyết, để diễn tả từ màu sắc, hình dáng, không gian cho đến cảm xúc và nội tâm nhân vật. Bởi vì sự thật quá phong phú, quá giàu có, đến mức ngôn ngữ báo chí thuần tuý – vốn bị coi là khô khan, nhạt nhẽo – không thể chuyển tải được hết.

Có nên áp dụng “báo chí mới” hay không là cả một cuộc tranh luận dài, nhưng rõ ràng họ – đúng hơn là tất cả chúng ta – đều đã, đang, và sẽ còn làm thế. Cũng có một số người thậm chí vượt qua giới hạn và viết ra những điều họ không hề biết, không hề chứng kiến, những điều hoàn toàn bịa đặt (Stephen Glass những năm 1990 là một trường hợp bịa đặt điển hình). Nhưng Kapuscinski không nằm trong số đó.

Người kể chuyện

Hẳn không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách cuối cùng của nhà báo vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi lại kể về những ngày đầu Kapuscinski làm phóng viên thường trú ở nước ngoài và về ảnh hưởng của Herodotus, ông tổ của nghề báo và thể loại văn du ký, đến ông.
Kapuscinski không giấu giếm sự ngưỡng mộ dành cho Herodotus và cũng ít nhiều cho thấy quan điểm về báo chí: ranh giới giữa văn chương và báo chí là rất mỏng manh và tất cả sự khác biệt có lẽ chỉ là văn chương không chuyển tải sự thật một cách trực tiếp và chính xác đến từng chi tiết.

Có những người cho rằng Kapuscinski không biết đến ranh giới ấy và thường bước nhầm sang lãnh địa văn chương. Nhưng cũng không ít người tin rằng tác giả của “Du hành cùng Herodotus” luôn luôn biết rõ mình đang ở đâu, và chủ động vượt qua ranh giới mỏng manh giữa văn và báo. Niềm tin đó là có cơ sở vì chưa từng có một lời phàn nàn nào về những thông tin ông gửi về cho PAP.

Vấn đề có lẽ chỉ là, cũng như Herodotus, Kapuscinski đã quá say sưa thử nghiệm lối viết mới, quá đam mê chiêm nghiệm cuộc đời, và kể ra những câu chuyện còn chân thật hơn cả sự thật.

Ai đó có thể trách Kapuscinski đã không tuyên bố rõ ràng về thể loại mà ông theo đuổi. Nhưng cũng nên nhớ rằng Kapuscinski là người tiên phong trong khi cả thế giới còn đang viết “báo chí cũ”.

Tóm lại, không nên tin vào từng chi tiết của Kapuscinski, nhưng đừng bỏ qua câu chuyện ông kể. Bởi ông có thể không phải là một phóng viên theo đúng tiêu chuẩn hà khắc của phương Tây nhưng lại là một người kể chuyện vĩ đại.

            Hoàng Minh tổng hợp



1 Ngày 31/3/2003, Arnett đang ở Iraq tường thuật cuộc chiến Mỹ tấn công Iraq và trả lời phỏng vấn truyền hình địa phương, tỏ ý phản đối cuộc chiến. Ngay lập tức NBC, nơi Arnett cộng tác, nhận được hàng chục ngàn thư điện tử phản đối. Ban đầu NBC tỏ ý bảo vệ Arnett nhưng chỉ một ngày sau họ sa thải ông với lý do không được đưa ý kiến cá nhân khi đang tường thuật chiến sự. Trong suốt sự nghiệp, Arnett cũng nhiều lần bị chỉ trích là cường điệu hóa, đôi khi bịa đặt, các chi tiết trong bài. Tuy nhiên, đến nay Arnett vẫn được nhiều người ủng hộ.

Tác giả