Sức mạnh của tình thương

Lo âu, sợ hãi và đau khổ không thể giúp chúng ta tìm ra được những giải pháp lâu dài cho các vấn đề của mình. Nếu ta có sức mạnh để đáp ứng một tình huống với thái độ bình tĩnh và thoải mái, thì chúng sẽ không thành vấn đề nữa.

Nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta loại bỏ những tư tưởng và cảm xúc đó? Làm sao chúng ta có thể duy trì được những cảm xúc tích cực, khi có quá nhiều chuyện sai trái xảy ra với thế giới này và với chính bản thân chúng ta. Nếu chúng ta yếu ớt, những cảm xúc đó sẽ ngự trị trong tâm chúng ta.
Nhìn vào nguồn gốc mà nói, mỗi chúng ta đều mạnh mẽ một cách tự nhiên. Sức mạnh trong bối cảnh nội tâm đó, có ý nghĩa giống như người Pháp nói “Joie de vivre”. Nghĩa là niềm vui của sự sống. Nó có ý nghĩa là có dự trữ đầy đủ về năng lượng, tư duy và cảm xúc tích cực, biết làm thế nào để sử dụng và duy trì những kho dự trữ đó một cách có hiệu quả, và bổ sung chúng từ nguồn nội tâm. Trong trạng thái mạnh mẽ như thế, chúng ta cảm nhận có tình thương đối với bản thân, đối với người khác và đối với cuộc sống.

 
Bà Dadi Janki tại TPHCM 6.2006

Khi bạn bắt đầu tư duy tích cực, cũng là lúc bạn bắt đầu tích lũy sức mạnh. Lòng tự tin và tính hiệu quả của bạn tăng lên. Nếu bạn để cho tư tưởng tiêu cực xuất hiện, thì tình hình giống như cái bình tâm hồn có một lỗ hổng đang khoét rộng.
Cảm xúc tiêu cực cũng khiến bạn bị tổn thất. Bạn không thể cùng một lúc vừa tiêu cực, vừa tích cực. Nếu bạn bị sa lầy vào những tư tưởng nghi ngờ và phê phán, đối với bản thân hay đối với người khác, bạn sẽ bị cạn kiệt hết sức mạnh ở trong con người bạn. Những tư tưởng và cảm xúc như vậy khiến bạn bối rối, mê mờ rồi có thể bị chán nản. Bạn sẽ mất ý niệm về điều hình như bạn đang làm, và làm như thế nào. Bạn có cảm giác mình là một người khách xa lạ trong thế giới này, không bạn bè, không mục đích.
Thế nhưng, khi bạn nhận ra và tự hỏi: “Suy nghĩ và cảm xúc ấy ảnh hưởng như thế nào đến tôi, đến thái độ của tôi, cách nhìn của tôi đối với những người khác? Suy nghĩ và cảm xúc ấy đang hủy hoại tôi?”. Đó có thể là một nhận thức đau đớn, nhưng kinh nghiệm cho thấy đó là bước thứ nhất tiến tới gây dựng lại sức mạnh. Bạn cảm nhận là bạn phải nâng cao mình lên, không những vượt lên trên những tư tưởng tiêu cực, mà cả những tư tưởng tầm thường và vô ích nữa. Vì những tư tưởng như thế làm khuấy đảo sự bình tĩnh nội tại của bạn, mà sự bình tĩnh nội tại là cần thiết để bạn có thể thu hút năng lượng và tích lũy sức mạnh.
Khi mặt nước hồ bị khuấy động, nó không phản chiếu được đồi núi hay bầu trời bao quanh. Nếu gắng nhìn vào đấy, bạn sẽ không thể thấy gì ngoài sóng và những nếp lăn tăn và mặt nước hình như tối mò. Nhưng khi mặt nước yên lặng, bạn có thể nhìn thấy đáy sâu của nó, và chỉ cần chuyển nhẹ tầm nhìn, bạn còn thấy được cả cái đẹp phản chiếu từ cảnh vật xung quanh.
Cái ta cũng vậy. Trước khi bạn có thể mở rộng tình thương, hay phát triển sự quan tâm sâu sắc đối với cái ta nội tại, thì bạn cần xem xét ý nghĩ của bạn. Bạn phải làm cho những tư tưởng đó trở nên bình tĩnh và trong sáng, dù chỉ là tạm thời.
Tư tưởng và cảm xúc của bạn cần phải thanh tịnh, trong sáng. Muốn được thế, cần phải tự tách mình khỏi những giận hờn và va chạm quá khứ, ít nhất là trong một khoảng thời gian đủ cho ngọn đèn được thắp sáng. Những lo âu và ham muốn về tương lai cũng phải đặt sang một bên.
Cũng như vậy, một cách có ý thức, bạn hãy thôi không nghĩ tới người khác trong một thời gian. So bì, ganh tỵ và phê phán tạo ra những cơn bão táp cảm xúc gây khó khăn cho việc thắp sáng ngọn đèn. Trái lại, hãy nhớ kỹ giá trị của sự bình lặng, tự chủ, để hướng đến hiện tại, bỏ qua mọi xung đột và rối loạn mê mờ.
Ý nghĩ và cảm xúc tích cực như sự bình tĩnh, hạnh phúc, sự chịu đựng và lòng mến chính là nguồn nhiên liệu thắp sáng ngọn đèn.

Nhà phê bình Mỹ thuật Bùi Như Hương: Tôi rất thích đọc các bài viết của Dadi Janki vì lời lẽ giản dị, dễ hiểu. Những lời khuyên của bà đến với xã hội Việt Nam lúc này thật quý giá, đúng lúc. Nó có thể giúp ích cho nhiều người kịp điều chỉnh lại phương châm sống của mình để thoát khỏi vòng tham lam, mê muội, vị kỷ, và những khổ đau luẩn quẩn không cần thiết do chính mình gây ra. Nó giúp chúng ta bớt đi những lo lắng, phiền muộn trong cuộc sống vốn bất trắc vô thường. Nó cũng giúp con người lấy lại niềm tin vào chính mình, niềm tin vào cuộc sống. Khi đó, mỗi người sẽ tạo cho mình một lối sống tích cực hơn với những suy nghĩ tích cực để giúp ích cho bản thân và đồng thời giúp ích cho xã hội.
Thấm nhuần và thực hiện được một phần lời khuyên của Dadi Janki chính là tiến gần tới lối sống Thiền, tĩnh tại, “im lặng và suy nghĩ”. Sống trong Thiền cũng có nghĩa là đối xử với chính mình và thế gian bằng một tâm thức ưa mến và tôn kính nhất.

BS Trương Thìn: Tôi thật may mắn là đã được gặp bà Dadi Janki và qua bài thuyết giảng của bà tại TPHCM tháng 6.2006, bà đã làm thức dậy trong tôi ý thức tự giác ngộ, khuyến khích, tạo cơ hội cho tôi khám phá những phẩm chất tốt đẹp vốn có của mình. Chính điều đó còn có giá trị hơn rất nhiều niền tin về những lời thuyết giảng của bà. Bà đến với mọi người không chỉ với tư cách một nhà thuyết giảng thông thái mà còn là người chị cả, người bạn lớn tận tình chỉ bảo cho từng người biết cách tự phát hiện những gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn mình, thắp sáng niềm tin về một cuộc sống nội tâm bình an và tràn đầy tình yêu thương.
Trong xã hội công nghiệp với nhiều lợi ích vật chất, cuộc sống con người hướng ngoại quá nhiều- một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên mọi bạo lực, khổ đau. Đó là một cuộc sống thật nghèo nàn, giành giật, tầm thường, thậm chí bế tắc trong hầu hết mọi lĩnh vực môi trường, đạo đức xã hội, sáng tạo văn hóa- nghệ thuật…
Để “cứu vãn” thực trạng này, theo tôi một trong những giải pháp quan trọng nhất là quan tâm khơi dậy và làm phong phú đời sống tâm linh của con người, đưa mọi người tới sự yên ổn trong Tâm, như mục tiêu dấn thân của cả cuộc đời bà Dadi Janki.

Dadi Janki

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)