Sức sống của gốm Bảo Toàn

Sức sống là một trong những đặc điểm làm nên sự khác biệt ở gốm của Bảo Toàn.

Nhà của Bảo Toàn chật đầy gốm. Một cái chật không gây bừa bộn khó chịu, mà ngược lại, hấp dẫn kỳ lạ đối với bạn bè, du khách. Ở đây, gốm được sắp xếp theo một thứ tự riêng, có ý có tứ. Gu thẩm mỹ thì đã đành, rất nét. Cứ thế, căn phòng bỗng nhiên trở thành một “Installation” lớn mang tinh thần Bảo Toàn. Một không gian cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, có gì đó vừa xa xưa, vừa kỳ lạ, vừa bí ẩn và đặc biệt kích thích thị giác người xem.

Đồ gốm của Bảo Toàn ít đứng riêng một mình. Chúng thường đứng quần tụ thành cộng đồng, hoặc được bày đặt trong một tương quan nào đó của họ hàng nhà gốm: từ chum, vại, bình, lọ, niêu, bát, đĩa cho đến ấm, đèn, con giống… Có nghĩa là, chúng không đứng tách biệt, lạnh lùng, kênh kiệu như đồ vật bày trong bảo tàng, mà gần gũi, thân thiện, nồng ấm, đoàn tụ, nảy nở ngay trước mắt người xem. Tất cả như sống động, phì nhiêu. Một cộng đồng đầy ắp các hình thù, dáng vẻ. Nào lớn – bé, to – nhỏ, nào “già – trẻ, gái – trai”. Tĩnh lặng hay sôi động, hiền lành hay ngỗ nghịch, mộc mạc hay kiểu cách, quen thuộc hay dị lạ… đều đủ cả.

Một trong những đặc điểm làm nên sự khác biệt ở gốm của Bảo Toàn là sức sống của gốm. Nếu quan sát kỹ sẽ thấy bề mặt gốm của anh luôn có sự chuyển động miên man. Từ các đường viền trang trí đơn giản đi thành vòng liên hồi quanh miệng gốm, cho tới các hoa văn trang trí kiểu thức chấm vạch dày đặc chạy theo luồng. Rồi đến cách tạo “chất” cho bề mặt gốm, một chút xù xì thô nhám, đây đó chìm ẩn các vân “bao tải” hay vân hình trám, không đều đặn cố tình, gợi sự xôn xao, lay động trên bề mặt. Màu gốm thậm chí cũng không nằm yên, không phẳng lỳ, chết cứng, đơn sắc. Trắng không là trắng, mà sẽ là trắng ngà và trong tự nhiên như giấy dó, xuyến chỉ, lớt phớt ẩn hiện như mây, như một lớp phấn mỏng phủ trên da thịt gốm, để lộ ánh nâu hồng và sức sống bên trong của đất.

Nói về màu trắng bàng bạc có vẻ xưa cũ này, Bảo Toàn chia sẻ, anh rất thích màu trắng của các bình vôi cổ, thích màu bạc phai “lên thành phấn” của những đồ gốm cổ. Chỉ có thời gian cùng với sự vùi sâu trong lòng đất ngàn năm mới đạt tới cái màu xa xưa huyền tích đến vậy. Nói rồi cười thủ thỉ, “mình có cách để làm được như thế, bí quyết về kỹ thuật”.


Ở nhiều đồ gốm men lam, sức sống bật ra từ những mô-tip trang trí hình cá chạy vòng liên tục không dứt hay mô-tip làng mạc, phố cổ quen thuộc nghiêng ngả chạy dài trong hội họa của Bảo Toàn được nghệ sĩ vẽ thẳng lên gốm. Cái sự đa tài của Bảo Toàn trong cả gốm – điêu khắc – hội họa, “ba trong một”, đã phát huy tác dụng khiến cho gốm của anh thêm phần độc đáo, có dấu ấn cá nhân, bản quyền chính hiệu.

Sức sống ở gốm Bảo Toàn còn là những hình dáng, đồ vật gần gũi với đời sống con người mà ta thường gặp nơi góc bếp, bàn ăn. Tuy nhiên, nếu để ý, sẽ thấy những đồ vật này đôi khi cũng có rốn, có núm, có tai, có miệng, có vòng cổ khuyên tai, có khe có vòi, có lỗ vào lỗ ra, có giống đực giống cái như một thực thể sống. Đó là cái duyên dáng hóm hỉnh đầy tính khí dân gian, ngẫu hứng trong sáng tác của Bảo Toàn. Nó hơn một lần mách bảo rằng, thứ gốm này không trang trí thuần túy, không vô tri vô giác, mà có linh hồn, niềm vui và sức sống do người nghệ sĩ ban tặng.

Nghệ thuật của Bảo Toàn, bên cạnh sức sống, luôn đậm đặc tính dân gian. Tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng phồn thực, văn hóa bản địa, quan niệm phương Đông về âm dương ngũ hành đã ăn sâu vào tâm thức, lối sống và mỹ cảm của người nghệ sĩ để rồi luôn bật ra, hiển hiện mọi nơi mọi chốn trong sáng tác: từ gốm, hội họa, điêu khắc cho đến sắp đặt đa phương tiện. Đôi khi cần có sự giải mã. Ví như, biểu tượng về người luôn đi cùng các ký hiệu: nam gạch, nữ chấm, nam bảy vía nữ chín vía. Biểu tượng về ngôi nhà thì có cửa và then cài, đó cũng là ký hiệu của âm dương. Khi vẽ các con giống, họa sĩ thường thêm vào tranh các dấu chấm: loài một móng như ngựa có một chấm, lợn hai móng hai chấm, gà và hổ đều năm móng năm chấm… Rắn bò sát không chân, nhưng lưỡi chẽ đôi nên có hai chấm. Những ký hiệu chấm – gạch âm dương này có mặt trong nhiều bố cục, góp phần “ly kỳ hóa” tác phẩm. Một tinh thần ngây thơ dân gian pha trộn giai điệu kỷ hà, lập thể, hiện đại hóa. Một mỹ cảm nguyên sơ, dị lạ, bản địa, hòa nhịp với tiếng nói đương đại.

Một trong những đề tài mà Bảo Toàn ưa thích là đề tài 12 con giống. Đề tài này được láy đi láy lại thường xuyên, thể nghiệm trên nhiều chất liệu. Khi thì được vẽ trên giấy dó, trên gốm, khi làm bằng giấy bồi đưa vào tác phẩm sắp đặt. Gần đây, nghệ sĩ làm luôn vài bộ con giống bằng gốm, khá hài hước, thú vị. Các con giống không tả thực mà là những biểu tượng giản dị cô đọng theo ý tưởng của nghệ sĩ, khuếch đại phần đầu, thể hiện nét đặc trưng và tính cách con vật. Bảo Toàn không dừng ở số 12 mà làm cả thảy 14 con. Hai con thêm vào chính là con người, “con đực” và “con cái”, biểu tượng bằng Linga và Yoni, được xếp ở chính giữa vòng giáp, vị trí chủ soái.

Bảo Toàn sống và làm nghệ thuật đều đặn hằng ngày. Lao động và sáng tạo hòa nhập làm một. Hành vi sống và hành vi sáng tạo cũng luôn lẫn vào nhau. Ý thức lẫn vô thức. Anh sống ở đâu thì ở đó trở thành không gian nghệ thuật. Ngôi nhà có cờ Đỏ, cổng Đỏ, bậc thang trải thảm Đỏ đến tận cửa là nơi đi về của anh. Đôi khi, Bảo Toàn sáng tạo ngay trên chính mình. Cứ nhìn thời trang và cách ăn mặc thì biết, thay đổi và hoan hỉ từng ngày. Một cá thể lấp lánh không trộn lẫn.

Gốm của Bảo Toàn đã có mặt nhiều nơi trên thế giới. Triển lãm gốm Đất qua Lửa và Con Giáp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần này (từ ngày 17 đến 19/12/2014), là có ý của nghệ sĩ, để kỷ niệm 20 năm triển lãm gốm đầu tiên của anh – Đất qua Lửa năm 1994, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài Hà Nội.

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)