Suy tưởng, Giấc mơ, Viết…
Suy tưởng, Giấc mơ, Viết…*, cuốn sách phê bình, tiểu luận đầu tiên của tác giả Khánh Phương, được tích luỹ và thực hiện trong vòng mười năm trở lại đây, gồm 27 bài tiểu luận, chân dung, phê bình xoay quanh các hiện tượng, vấn đề văn học thu hút được sự chú ý của dư luận, từng gây nhiều thách thức về mặt nghệ thuật.
Trong khi đời sống văn học, phê bình…còn thưa vắng tiếng nói công tâm, khoa học, hướng tới giá trị tri thức, thì một thái độ vừa trân trọng những nỗ lực sáng tạo vừa nghiêm khắc về học thuật là điều cần thiết. Với mục đích quan trọng nhất là giúp cho bạn đọc nhận thấy, ẩn sau vẻ ngoài tưởng chừng nhàn nhạt, mông lung, tầm phào của các sự kiện, chính là những bước chuyển dời đích thực không dễ gì có được của văn chương trong nhiều năm qua, cuốn sách mang đến những phân tích bình luận, nhận định kịp thời về các hiện tượng gây nhiều dư luận trên văn đàn: Nguyễn Nhật Ánh, Phan Việt, Trang Hạ, Di Li, Nguyễn Đình Tú, Dương Bình Nguyên, Dương Thuỵ… trong phạm vi dòng văn học giải trí, ích dụng; Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nguyên Phước, Đinh Thị Như Thuý, Nhã Thuyên, Nguyễn Thuý Hằng, Trần Thiện Huy, Lưu Diệu Vân… trong những nỗ lực và cả thất bại (tạm thời), kiếm tìm con đường đóng góp những giá trị tinh lọc cho nghề nghiệp.
Tác giả không quên đưa đến với bạn đọc cái nhìn về tiến trình văn học trong sự vận động trưởng thành cũng như những “đột biến” của nó, từ những đóng góp của thế hệ nhà văn được thừa hưởng nền giáo dục Pháp, như Ngọc Giao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa… Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn… cho tới lớp nhà văn nhà thơ sinh ra và trưởng thành ở hai miền Nam, Bắc qua hai cuộc chiến tranh.
Không chỉ dừng ở mô tả những gì đang diễn ra, người viết còn so sánh, khái quát, tổng kết để cho bạn đọc một cái nhìn về những khuynh hướng nghệ thuật đang dần rõ nét, nguyên do cũng như ý nghĩa của các khuynh hướng ấy, bắt rễ sâu xa từ những nét tinh tế và phức tạp trong đời sống tinh thần của người Việt hiện thời, cũng như cho thấy năng lực nghề văn của các cây bút Việt Nam đương đại, trong dòng chảy lịch sử văn học nói chung.
Viết về các hiện tượng văn chương thế giới giàu sức cuốn hút cũng như gây tranh cãi- nữ nhà văn hậu – hiện đại Margaret Atwood, nhà văn đoạt giải Man Booker, 2005 John Banville, nhà thơ của sự thông tuệ Joseph Brodsky, hay nhà văn Nhật Bản hàng đầu Haruki Murakami…, tác giả luôn cố gắng xuất phát từ cái nhìn khoa học và phát hiện, dựa trên những tương đồng và khác biệt về văn hoá, để khắc hoạ những phẩm chất đặc thù của nghệ thuật viết hay từng tác phẩm, trở thành nét gần gũi, dễ hình dung, thụ cảm đối với nhiều tầng lớp độc giả. Đó chính là khám phá cách tư duy và tổ chức nghệ thuật của các hình tượng văn chương như sự phóng chiếu của những biểu hiện thuộc về cốt cách, bản chất sâu xa, bí ẩn của con người nói chung, dù ở Đông hay Tây.
Con đường sáng tạo của các nhà văn nước ngoài, tác phẩm văn học nước ngoài, được lọc qua cảm thụ và tri thức của chính người viết, trở thành những chân dung riêng biệt, mà bạn đọc nhiều tầng lớp có thể đồng cảm và chia sẻ, có thể nhận thấy công việc viết văn cũng gần gũi với nhận thức thông thường và nghệ thuật thực ra là niềm vui, để làm cho cuộc sống đời thường trở nên phong phú và sâu sắc.
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ KHÁNH PHƯƠNG:
Tên thật: Đỗ Khánh Phương
Sinh năm: 1975 tại Hà Nội
Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư Phạm I Hà Nội năm 1994
Từ năm 1992: Viết văn, viết báo, làm thơ và viết phê bình văn học
Tác phẩm đã in:
In chung trong các tập Hoa Lạ (Tác phẩm Tuổi xanh, 1994, NXB Thanh Niên), Truyện ngắn hay Hải Phòng 1945- 1995 (NXB Hải Phòng), Tuyển tập 1000 năm thơ Huế (NXB Thuận Hoá, 2010), Hoàng Cầm và giai điệu thơ Kinh Bắc (NXB Trẻ, 2004), Hoàng Cầm- Hồn thơ độc đáo (NXB Hội nhà văn, 2011)…
Hai bầu trời (Tập thơ), NXB Hội nhà văn 2010 và Bách Việt Book.
Giải thưởng:
Giải Ba truyện ngắn Tác phẩm Tuổi xanh, 1992 (Bút danh Diệp Minh Châu)
Giải thưởng duy nhất cuộc thi bình thơ Lá Diêu bông (Hoàng Cầm) báo Hoa học trò, 1993.
Tập thơ Hai bầu trời nhận được 2/5 phiếu bầu chung kết giải thưởng thơ Bách Việt, 2009.
___
(*) NXB Hội nhà văn, tháng 6/2011