Tại sao phải phê bình văn chương?

Cuốn sách này của Đỗ Lai Thúy trước hết đưa ra “một cái nhìn lịch sử” của ông về phê bình văn học-lý thuyết văn chương ở cấp độ khái niệm, dạng thức và tư tưởng - một cách trình bày đã ngay lập tức nâng phê bình lên tầm mức triết học, như là một mỹ học để giải thích thế giới.

Tiếp đó, các trình thuật trong sách chia đại thể làm hai phần có thể gọi là phần lịch sử của phê bình văn học ở Việt Nam và phần chân dung các nhà phê bình tiêu biểu của cái lịch sử ấy – cũng được trình bày như đồng thời mang chứa một cách lịch sử toàn bộ cái lộ trình tự nhận thức trong văn chương nước nhà, thật sự đã lần đầu tiên đưa đến một cái nhìn nhất lãm về nghiên cứu – phê bình văn học ở Việt Nam, cho dù là một cái “nhìn nghiêng từ phương pháp” như tác giả tự định nghĩa.

Bản thân là một nhà phê bình, một nhà nghiên cứu và dịch thuật trong số ít người đã có công ra sức giới thiệu các trào lưu tư tưởng hiện đại châu Âu về văn học vào Việt Nam những năm đầu mở cửa, Đỗ Lai Thúy là một chặng đã đi trong cái lộ trình nói trên và bằng vào kinh nghiệm thực tiễn đó mà nhìn nhận vai trò như một “con vật lưỡng thê” của người phê bình văn học, trong đó có ông.

Có lẽ một trong những điều thú vị ở đây chính là cái hình ảnh ví von đó không được giải thích gì nhiều ngoài vài lời vắn tắt, chẳng hạn coi văn chương vừa là thứ sản phẩm để tiêu dùng vừa là một sản phẩm để chơi, và theo đó phê bình vừa có tính chất khoa học vừa có tính chất nghệ thuật… Sự khai thác các thế lưỡng phân như vậy sẽ dễ dàng kéo ra cả một danh mục. Nhưng đó không chỉ là một vấn đề của phong cách (chữ “ấy” trong cụm “Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy” khiến ta thấy nó có ý cảm thán, như lối tự trào của nhân sĩ ngày xưa), hay thực ra nó chính là một vấn đề của phong cách ở tầng sâu hơn, nơi cái phong cách tự kiến tạo: đó là cái dồn nén vô thức của vấn đề từ các hiện trạng đến các mục đích của phê bình và câu hỏi sẽ bật ra từ hiện trạng – phê bình văn học sẽ đi về đâu?

Dường như cụm từ “lưỡng thê” hay lưỡng cư không phải để biểu thị một tính chất mà để diễn đạt một tình thế: xét theo nguồn ảnh hưởng mà cuốn sách này trình bày về phê bình văn học Việt Nam, phê bình hoặc phải trở thành nghệ sĩ như Sainte-Beuve hoặc phải trở thành người lập thuyết như Roman Jacobson (chứ không lơ lửng “hai trong một” hiện trạng).

Nhưng thời hiện đại của văn học nước nhà mà toàn bộ lịch sử của phê bình nằm trọn trong đó là một thời lịch sử liên tục “bãi bể nương dâu” và chia cắt, các nhà phê bình mang con người nghệ sĩ cùng con người chính trị của kỷ nguyên dân tộc cách mạng, và như một hệ quả, tính chất cực đoan của phê bình nơi họ, được trình bày rõ ở đây, là tính cực đoan trong hay bởi các quan điểm chính trị hay chủ thuyết chính trị, chứ không phải cực đoan nghệ thuật hay học thuật. Bởi vậy mà các thế nước đôi của việc phê bình sẽ chẳng dẫn về đâu, cũng như những sự cực đoan cách ấy cùng lắm sẽ ghi tên mình vào lịch sử chứ không phải vào nghệ thuật hay học thuật, trừ vài “ca” ngoại lệ như với Thi nhân Việt Nam mà cuốn sách này đã trình bày.

Tất nhiên, hay cũng bởi khuôn khổ việc cấu trúc các chặng đường đã qua của phê bình văn học nước nhà như một lịch sử các tư tưởng, việc vạch ra lộ trình “phương pháp” sẽ phải đưa đến việc chỉ ra một mục tiêu, một “cứu cánh” của lịch sử nếu đó là một “lịch sử”. Đỗ Lai Thúy viết ở chương kết luận (tr.273) phần các phương pháp-tư tưởng trong phê bình văn học Việt Nam rằng phê bình đó cần một tầm nhìn mang tính lý thuyết để “nhận diện văn học Việt Nam đương đại”.

Điều này gợi lên một cái “tội tổ tông” của nghiên cứu và phê bình văn học: việc định nghĩa xem văn học là gì; hay nói cách khác: những gì được xem là nằm vào trong phạm trù văn học?

Ông cũng đã sử dụng ở đây một vài khái niệm tương đương với định nghĩa như “hệ thống văn học” (gồm tác giả-tác phẩm-người đọc) hay “tính văn học” (khi đề cập tư tưởng của các phái hình thức chủ nghĩa trong lý thuyết văn chương), nhưng đó vẫn có vẻ là một tiền giả định áp đặt ngay từ trang đầu dòng đầu khi ông bắt tay vào định nghĩa phê bình văn học là gì; hoặc ta sẽ phải ngầm hiểu rằng trong việc trình bày một lịch sử các tư tưởng – rõ ràng là hết sức khác nhau – thì một khoảng chiết trung hay mơ hồ sẽ là một khoảng trống cần thiết.

Khoảng trống đó được tạo ra ở đây qua việc định nghĩa về phê bình văn học như “một cuộc đối thoại theo đúng tiêu chí của cái đẹp, nhằm thúc đẩy văn chương dấn thân vào cuộc phiêu lưu tìm kiếm những giá trị thẩm mỹ mới”, hơn nữa là một “cuộc đối thoại bình đẳng của thứ quyền lực mới, quyền lực của trí tuệ” (tr.24, 22). Cái “con vật lưỡng thê ấy” cũng xuất hiện dưới dáng vẻ ấy, thở bằng cả hai hệ hô hấp – của thẩm mỹ và của kiến thức khoa học, và, nhất là, của “ý thức cá nhân phát triển” và của “quyền uy” (tr.22, 23). Toàn bộ đó là một dự phóng có tính lý tưởng, đặc biệt với ý niệm về một dạng “quyền uy sạch” dựa trên tri thức và (do đó) uy tín cá nhân. Và vậy thì mặc nhiên văn chương đã là một bên đối thoại cho trước: chỉ cần nó (hầu như tất lẽ phải) có “ý thức cá nhân phát triển”, có đáp ứng “đúng tiêu chí của cái đẹp” hay đang “phiêu lưu tìm kiếm những giá trị thẩm mỹ mới” – một văn chương mang tính cấu trúc siêu cá thể. Mà “cái đẹp” và “giá trị thẩm mỹ” thì trong thực tiễn vẫn thường rơi vào tình trạng một no-man-land trong các tình thế “đối thoại”, cho đến khi có một bên vượt lên.

Do vậy, ý niệm về “các giá trị thẩm mỹ mới” nói đến ở đây cũng là một tiền giả định nữa không luận chứng, cùng với ý niệm “văn học” – cả hai cùng định vị cho khái niệm về “phê bình”.

Biện luận của Đỗ Lai Thúy như đã trình bày ở lời đầu sách, là ông kiến lập một “lịch sử tư tưởng” của các phương pháp trong phê bình văn học (ở Việt Nam, nhưng cũng do “lịch sử” mà gắn chặt theo những lối khác nhau tùy bối cảnh xã hội với các trào lưu có trước tương ứng ở thế giới) bằng cái giá tách rời nó đến mức có thể khỏi những liên lụy rắc rối của thực tiễn văn chương. Nỗ lực đó thanh lọc “tư tưởng” khỏi các vướng bận trần tục, dường như muốn tạo ra một cõi đô thành của những bữa tiệc đối thoại vắng mặt cả các nhà văn nhà thơ.

Sự tách rời đó lấy ra một “lịch sử tư tưởng” từ lịch sử văn học, lại trung lập hóa các lộ trình tư tưởng hữu quan đó bằng cách sắp đặt chúng như một trình thuật về những “phương pháp” áp dụng vào phê bình văn học, đặt chúng kế tiếp nhau như trong một liên hệ lịch đại riêng (dù vẫn lưu ý sự “gắn liền với hệ thống văn hóa và qua nó là toàn bộ đời sống xã hội”, tr.75) theo đó khi một “phương pháp” này phát triển đến mức chạm trần các giới hạn của chính nó thì sẽ xuất hiện một hay vài ba tư tưởng và “phương pháp” thay thế kế tục.

Một lịch sử như là quá trình tiến bộ như thế sẽ phải đặt ra câu hỏi về chính nó – những “câu hỏi bản thể luận” như tác giả cuốn sách này đã đặt ra ngay từ trang đầu tiên (“Phê bình văn học là gì?”) nhưng đã trả lời bằng cách chỉ ra cái chân trời nó hướng đến. Và khi mà phê bình ấy có vẻ đã chuyển sang lãnh địa cuối cùng trong “hệ thống văn học” mà nó vạch ra trong tiền giả định cho lý thuyết của mình, hệ thống “tác giả – tác phẩm –  người đọc”, thì dường như nó vẫn chưa trả lời dứt khoát được câu hỏi về lý do tồn tại của nó: tại sao phải phê bình văn chương?

Rất có thể một vài câu hỏi loại đó sẽ tái khởi động cả quá trình.

*Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấyTư tưởng phê bình văn học Việt Nam, một cái nhìn lịch sử, Đỗ Lai Thúy, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2011

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)