Tầm nhìn xa!

Ai cũng biết rằng nếu để phim Việt Nam phải cạnh tranh với phim của Mĩ, Anh, Pháp, Italia, Trung Quốc hay Hàn Quốc... trên hệ thống rạp chiếu (tại Việt Nam) thì cầm chắc là thua sát ván. Hơn nữa, điều oái oăm là khi đã gia nhập WTO, chúng ta không còn/không có quyền ra hạn ngạch nhập khẩu phim ngoại. Trong tình thế này, có vẻ như việc bắt buộc các rạp phải chiếu 20% phim do trong nước sản xuất là một cách tháo giữ hợp lý.

Nhìn rộng ra nhiều nền điện ảnh trong khu vực và trên thế giới, nếu chúng ta biết rằng sự phát triển mạnh mẽ hiện nay của họ có phần không nhỏ là do đã quy định tỉ lệ bắt buộc về số buổi chiếu phim nội từ rất sớm, chúng ta sẽ thấy là có cơ sở để áp dụng điều này cho điện ảnh Việt Nam.
Nhưng chuyện vẫn có chỗ không đơn giản. Sự nhiêu khê ấy nằm ở con số 20% nói trên. Hãy thử làm một thống kê: năm 2006 điện ảnh Việt Nam sản xuất được chưa đến 10 phim, trong khi đó lượng phim nhập ngoại đã lên tới con số 115, nghĩa là tỉ lệ phim  do trong nước sản xuất trên phim nhập ngoại chưa nổi 10%. Các chuyên gia về điện ảnh cho biết, với thực lực của nền sản xuất điện ảnh Việt Nam, còn phải mất nhiều “mùa trăng mong chờ” nữa thì cái tỉ lệ đáng buồn kia mới có cơ cải thiện được (với giả định không mấy thực tế là lượng phim nhập ngoại không tăng). Hỏi, thì các ông Đức Quỳnh (trưởng rạp Tháng Tám – Hà Nội), bà Hà Vị Thuỷ (giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia), ông Khải Hoàng (giám đốc điều hành cụm rạp Megastar) đều khẳng định: “20% hay cao hơn nữa, chúng tôi vẫn sẵn sàng thực hiện, vấn đề là có đủ phim trong nước để chiếu hay không mà thôi?” Bởi thế, chẳng lạ khi có người đã “bạo miệng” nói về con số 20% kia như là sản phẩm của một căn bệnh mà lâu nay toàn dân ta vẫn khiếp vía: chủ quan duy ý chí?
Một quan chức của ngành điện ảnh – một trong những người đã tham gia soạn thảo Nghị định – giải thích: “Quy định trên không chỉ nhằm vào hiện tại, mà nó chủ yếu là sự đón trước sức phát triển nay mai của các hãng phim trong nước, đặc biệt là các hãng phim tư nhân. Khi họ lớn mạnh và có khả năng sản xuất nhiều phim hơn, họ đã có sẵn  rạp chiếu cho phim của mình”. Quan chức nọ còn tỏ ra lạc quan: “Khi đó, có thể tỉ lệ sẽ được điều chỉnh thành 25, 30%, hoặc hơn thế nữa”. Quá ổn cho các nhà làm phim còn gì. Nhìn đường xa, với quy định này, họ khỏi phải lo rơi vào cái cảnh chạy đôn chạy đáo vật mình nài nỉ để các chủ rạp chấp thuận cho phim ra rạp! Vậy mà khi nghe lời phát biểu đầy tinh thần bảo trợ nhà sản xuất điện ảnh nội địa này, ông Trần Vũ Hoài – giám đốc điều hành hãng phim Thiên Ngân, một đơn vị vừa có rạp chiếu lại vừa sản xuất phim (hiện nay đang nổi đình nổi đám)– vẫn lắc đầu quầy quậy. Theo ông, phải có những chính sách đầu tư thỏa đáng về thiết bị công nghệ, về đào tạo con người, cũng như phải có sự ưu đãi cụ thể về thuế cho nhà sản xuất – từ đó khiến cho điện ảnh trong nước cứng cáp hơn, thì quy định về tỉ lệ bắt buộc chiếu phim nội mới thực sự phát huy được tác dụng bảo trợ điện ảnh dân tộc. Bằng không, nó sẽ là cách làm cho hệ thống rạp chiếu – một trong ba chân kiềng của điện ảnh (sản xuất, phát hành, rạp chiếu) – bị suy yếu nhanh chóng nhất.
Dù sao chăng nữa, luật vẫn là thứ được viết ra để thực hiện. Muốn hay không, các rạp chiếu bóng trên toàn quốc vẫn phải giành tối thiểu 20% tổng số buổi chiếu trong một năm cho phim nội. Sẽ có những cảnh mở cửa rạp rồi lại đóng cửa rạp trong đìu hiu chợ chiều. Chẳng sao cả. Cần phải nhớ tới câu “khổ tận cam lai”. Cần phải biết nhìn xa hơn những lợi ích trước mắt. Nhìn xa như chính tầm nhìn xa của những người đã soạn thảo quy định này…
———-

Hoài Nam

Tác giả