Tâm-thái-phố của người trẻ tỉnh lẻ

1. Claudio Magris, học giả Ý, trong Không tưởng và thức tỉnh1 đã viết những dòng thật sâu lắng về cuộc sống tạm thời trong các đô thị và nhận ra rằng cái tính cách ngắn hạn không thể hủy bỏ của chúng luôn truyền đạt một cảm thức hoài niệm sâu kín nhất.

Tôi vẫn thường hình dung về Hà Nội, nơi chỉ là chốn tạm dung của một kẻ nhà quê tỉnh lẻ là tôi, trong những thể ngắn của cái thoáng qua ấy, cái mà những người ưa sự vĩnh cửu có thể chối bỏ, chẳng hạn là một dòng chữ chơ vơ muốn tìm người ở ghép dán trên vách tường xám xịt, một tấm biển hiệu quán xá tiết lộ đặc sản xứ sở vùng miền, một tiếng rao có chất giọng khê cháy ngoại thành, một lớp bụi lấm tấm bay lên từ chồng sách cũ lẩn khuất trong gác xép nhà xưa, hoặc thưa thớt hơn, những phiên chợ nhếch nhác sà xuống vỉa hè chuyên bày bán đồ giảm giá loại thải… Ngắn và nhanh, đơn giản về cấu trúc và cách thức thể hiện, cứ thế, lịch sử và cuộc sống được diễn giải bằng sức mạnh chớp mắt của nó. Tôi không quá bận tâm đến chuyện bàn cãi rằng thủ đô là phố hay làng, Hà Nội có phải là cái làng rộng nhất Việt Nam hay không? Cả việc ăn phở, bún ở đâu thì nức tiếng, đi dọc phố nào thì cảm giác được mon men giữa lòng Paris, bắt tay chào hỏi cảm ơn kiểu gì thì thanh lịch và cà phê, uống trà hiệu nào thì đích thị hào hoa. Tôi ngại ngần phố cổ, e dè công viên. Tôi mù mờ cao lâu, điếc đặc tửu điếm. Tôi cũng không biết Thành Thái đã từng cụng li với Paul Doumer khi ngồi trên chuyến hỏa xa đầu tiên chạy trên cầu Long Biên, trước sự ngạc nhiên và thán phục của nhà vua Malaysia lẫn hoàng gia Campuchia về chiếc cầu dài nhất Viễn Đông, một biểu tượng mới của nước Pháp, công trình tiêu tốn hơn 6 triệu franc mà mọi vật liệu xây dựng, từ viên sỏi đến viên đá xanh đều được vận chuyển từ mẫu quốc. Nhưng tôi biết, dưới chân cầu này, cư dân xóm bãi Giữa hiện tại là ai, bị vô danh thế nào mà tại sao lại chủ yếu là những người đàn bà, gầy đen, mông tóp ngực lép, tứ xứ và tụ lại bập bềnh ở đây, để nương tựa thủy thần không phải tha phương tứ cố vô thân. Tôi không bao giờ tin họ muốn nhúng qua phù sa sông Hồng mà trở thành thi nhân và danh nhân như trong quá khứ đã kéo dài một thực tế. Họ chấp nhận bị lãng quên ở đây để cuối cùng được thả một nắm tro thân xác trôi cùng hư vô bất tận, có gì là công phu trên cõi trần gian này?

Tôi biết có ai đó từng trách móc người nhà quê tỉnh lẻ đã làm Hà Nội trở nên thiếu văn minh. Họ xả rác và đái bậy. Họ chui rúc trong những khu nhà ổ chuột nằm kề cạnh kênh mương hôi thối. Họ là hiện thân của lam lũ, nhọc nhằn, thất thểu và tán loạn mưu sinh; là nguyên nhân của mất trật tự, ô nhiễm, chật chội, cũ kĩ. Họ chẳng đem lại đồng ngoại tệ nào trừ khả năng góp phần phát triển công nghiệp trà đá và lô đề; họ cũng không biết thêm một ngoại ngữ gì sau 356 đêm đi nhão chân bán đĩa CD và bản đồ Hà Nội ở bờ Hồ. Nhưng họ là những pho chuyện phiêu dạt giang hồ gối tiếp nhau, vừa huyền thoại lẫn thế tục, dệt nên chồng lớp dã sử cho đất đai kinh thành. Không có họ, chốn văn vật giăng mắc chữ nghĩa thánh hiền chắc gì đã nhiều đến thế những miếu đền thần linh thổ địa, những tích thiêng điềm lạ và cậu mợ vẫn ngự ở khắp ngõ ngách, chỉ để kiến tạo một tâm thái an toàn cho mọi thân phận nhỏ bé tha hương vin tới. Đất kinh đô không chỉ sinh mĩ nữ cung tần, chuyên sống lầu son gác tía, thẳng tay sai khiến thị uy. Mà còn dung cả những cô nàng rành rọt ma chay đồng bóng, thông tỏ thiên văn địa lí, biết chắp tay khấn vái cầu xin, từ giọt nước cành dương đến cha phù mẹ trợ, cốt vợi bớt nỗi âu lo trước rủi ro bất trắc. Vẫn còn một lớp người Hà Nội mặc áo nâu sồng, nhai trầu tụng kinh, nương nhờ cửa Phật. Phải vì mặc nhiên họ là di ảnh của một quá khứ buồn thương chưa bao giờ pha phôi trên mảnh đất dâu bể này? Cũng biết bao người đã phải rời xa Hà Nội để làm một bước chim di mãi mãi mịt mùng. Những cơ sự của đời người có lẽ chỉ có thời gian mới bóc tách được từng lớp, và cũng từng lớp, chảy tan trong cõi thinh lặng ngàn đời.

2. Tôi ở phố chưa đủ lâu để chai dần với mọi tin tức hằng ngày, trên loa phát thanh, trong mẩu báo gói xôi, hay trên những tờ rơi trắng xóa ngã tư. Tăng giá, cháy xe, lũ lụt, sập nhà, gãy cầu, tai nạn, giết người, móc túi,… Và, lâu dần thành quen, thứ thanh âm ấy trút xoáy vào trí nhớ, làm lòng người cạn kiệt xúc động, mất dần bao dung, tha thứ. Cũng vơi dần khả năng tự vệ trước sự lây nhiễm của vô cảm, ích kỉ, bần tiện và đểu cáng. Tưởng mọi thứ giàu sang có thể làm con người mạnh mẽ, uy quyền. Nhưng rồi ai cũng thấy mình nhỏ bé, cô đơn, tội nghiệp, và là một thực thể bất khả kháng cự với mọi thứ dễ vỡ trên đời.
Sống ở phố, như tôi, là chuyển nhà thuê này sang phòng trọ khác, di cư bốn mùa, thấy mình chỉ là một hơi thở nhẹ váng vất ở nơi khoan cắt bê tông này. Cũng có khi nghĩ mình đang đợi chờ những lời vang lên trong hầm tối, réo rắt xót xa khác nào khúc biệt buồn của Anne Frank trong ngôi nhà Prinsengracht. Nào ai biết, không chỉ ở nơi thư phòng treo tranh Van Gogh mới chập chờn sắc màu hư ảo phiêu linh định mệnh, mà ở chốn hoang vắng ẩm thấp và chật chội, tôi cũng làm riêng một cõi đi về cho ngày giã từ cõi tạm. Những định mệnh ngặt nghèo không cứ đặt lên vai huyền thoại. Mà mở ra cho tất cả chúng sinh. Tôi đã mơ thấy bao nhiêu sợi tóc thả trôi trên con sông quê nhỏ bé, hiền lành như bàn tay người con gái tôi yêu lần đầu chạm nhẹ chạy theo bãi bờ phơ phất hoa lau. Tôi mơ thấy lả lơi câu ca ngày lễ hội, rước tôi gia nhập đám lữ thứ giang hồ mà chẳng một lời bảo ban, yêu thương dặn dò… Cuộc chia lìa cội rễ, sự ra đời của mỗi một con người buộc phải cắt đứt cội rễ. Và mãi mãi, giã từ bào thai Mẹ là rơi vào hành trình tìm kiếm những bào thai không gian khác. Có ai tuyệt vọng không, có ai cay đắng và ngậm ngùi không?… Sao nhớ lúc ngồi nghe vó ngựa đuổi khắp chân mây mặt đất, mới nhận ra mình không nhiều cuồng loạn, không đủ liều lĩnh để làm một gã li khách vượt con sông quê mà “nhất khứ hề”… Nếu tang bồng đã vay phải trả thì sao nhiều đến thế những lúc chẳng mang nổi một chút phấn khích của khát vọng lên đường.

3. Sự xa lìa cội rễ không cho tôi trở về cố quận như áng mây lặng lẽ, như đốm lửa hắt hiu hay thanh âm ngủ yên trên thân đàn. Tôi đã bứng mình đi thì phải trở về với một mùa đầy quả, xanh chát ngọt bùi cũng phải rất riêng và dù cho tôi ước mình có dáng ngồi bào thai, co tròn ủ ấm trong vòng tay bằng hữu trước những phố xá xa lạ thì tôi vẫn bắt mình thật khỏe để một mình quang gánh phù sinh.

—-

1 Người dịch: Vũ Ngọc Thăng, NXB Hội nhà văn và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2006.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)