Tản mạn về triều Tây Sơn: Sự đỏng đảnh của tính chính thống

Hãy cứ để Quang Trung như là một con người thực, có tốt, và có xấu. Hãy cứ nhìn Tây Sơn như là một triều đại bất kỳ, có đóng góp và cũng có những bất cập.

Trận Ngọc Hồi 1789 giữa đại quân của Hoàng đế Quang Trung với quân Thanh qua mô hình lịch sử của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Nguồn: Kiến thức.

Trong thế kỷ XX, từ quan điểm của chủ nghĩa quốc dân, chúng ta luôn nhìn về Tây Sơn như là một triều đại ưu việt, kết tụ tinh hoa của lịch sử, với truyền thống đánh giặc cứu nước: trong thì quét sạch các thế lực gây ra cuộc nội chiến Nam – Bắc suốt hai trăm năm, ngoài thì đánh Xiêm diệt Thanh, nối liền giang sơn một dải. Vua Quang Trung cùng các bề tôi của ông được hình dung như là những anh hùng dân tộc, với biểu tượng “áo vải cờ đào” hiện thân cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của những người nông dân chân chất. Việc đem tư tưởng hiện đại để phóng chiếu về quá khứ, cho thấy sức mạnh của tư duy lịch sử hiện đại, muốn lịch sử phải đúng như lý thuyết chúng ta đang sử dụng, phải phù hợp với những gì ta nghĩ. Nói ngắn gọn hơn, như một sử gia phương Tây đã từng nói, sử học là cuộc đối thoại một chiều giữa những người đang sống với những người đã chết. Tính chính thống mà ta cấp nghĩa cho nhà Tây Sơn nó giống như một vở kịch với những vai nhân vật đã phân tuyến rạch ròi: người tốt – kẻ xấu, đen trắng phân minh. Người tốt phải tốt từ đầu đến cuối, và kẻ xấu sinh ra đã xấu, chết rồi vẫn tiếp tục làm quỷ xấu, vẫn làm “ngụy quỷ”. Nhìn nhận về quá khứ cần có một tấm lòng rộng mở, những lối suy nghĩ cởi mở đa chiều – đa tuyến, trên một nền tảng đa dạng về lý thuyết và sử liệu, để nhìn một nhân vật hay một triều đại ở trong những tình thế động, hơn là đóng đinh họ bằng những ước muốn của thời đương đại.

Tính chính thống nên để ở trạng thái động chứ không nên diễn đạt tĩnh tại như nhiều người hiện nay đang nghĩ. Tính chính thống là một biểu tượng quyền lực, là một “vật thiêng” để các thế lực tranh giành “đuổi hươu”. Nếu tính thời điểm khởi phát theo tuyến tính lịch sử, thì ban đầu tính chính thống thuộc về nhà Lê, trong đó hai nhóm quyền lực không chính danh ở bên lề là nhà Trịnh và và nhà Nguyễn. Với lịch sử 200 năm phụ chính, nhà Trịnh tạo ra mô hình lưỡng đầu chế, không cướp nước mà có được nước, từ vị trí thông gia/thông hôn, họ Trịnh dần chiếm được thực quyền, và sử dụng nhà Lê như là biểu tượng bù nhìn nhằm củng cố tính chính danh cho quyền lực mà mình đang nắm giữ. Tức là, nhánh tầm gửi phát triển thành cây đại thụ, còn cây chính lại trở thành vật bị kí sinh, và bị hút nhựa máu. Trong khi đó, các chúa Nguyễn là nhóm li khai, dựng nên vương quốc riêng ở Đàng Trong. Về mặt thực tế, thì họ Nguyễn chỉ là kẻ cát cứ, không đủ mạnh để tự tồn tại như là một vương quốc có vai trò vị thế về mặt chính trị và ngoại giao như Bắc Hà với nhà Thanh, họ thậm chí vẫn sử dụng niên hiệu của nhà Lê Trịnh ở Đàng Ngoài. Cuộc chiến tranh Đàng Ngoài- Đàng Trong trong gần 200 năm thực chất là cuộc tranh giành đất đai, thần dân và khẳng định tính chính thống giữa hai nhà Trịnh- Nguyễn, hai gia tộc thông gia và nương bóng chính danh của nhà Lê.

Nhìn nhận về quá khứ cần có một tấm lòng rộng mở, những lối suy nghĩ cởi mở đa chiều – đa tuyến, trên một nền tảng đa dạng về lý thuyết và sử liệu, để nhìn một nhân vật hay một triều đại ở trong những tình thế động, hơn là đóng đinh họ bằng những ước muốn của thời đương đại.

Tuy nhiên, trong phạm vi nội bộ, họ Nguyễn vẫn có tính chính danh của mình do dựa trên kinh tế, quân sự và xây dựng trên một lãnh thổ riêng. Trong bối cảnh đó, quân Tây Sơn ban đầu chỉ là một lực lượng bên lề. Và bằng nhiều cách khác nhau, họ đưa ra các chủ trương chính trị (cướp của giàu chia cho người nghèo, giết Trương phò Nguyễn) là nhằm phụ họa theo tính chính thống của nhà Nguyễn. Đến sự kiện năm 1774-1776, Hoàng Ngũ Phúc chiếm Phú Xuân, đánh đuổi nhà Nguyễn, thì Tây Sơn hàng Trịnh, đem quân truy sát Nguyễn Ánh. Từ vị trí bên lề, Tây Sơn dần trở nên mạnh mẽ bằng các chiến thắng quân sự, từ phò Trịnh chuyển sang slogan “phù Lê diệt Trịnh”, trở thành người xô đổ các ranh giới chính trị (xem G. Dutton, The Tây Sơn’s uprising/ Sự trỗi dậy của nhà Tây Sơn). Việc tiến quân ra Bắc diệt được nhà Trịnh, và dựng lại nhà Lê chính là một sự kiện chính trị quan trọng để hợp thức hóa tính chính thống của Tây Sơn, mà biểu tượng cao nhất chính là cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Huệ với Ngọc Hân.

Từ vị trí của một kẻ bên lề, một hàng thần nhà Trịnh, quân Tây Sơn trở thành nhân vật chính của vũ đài lịch sử, rồi đánh bại quân Xiêm quân Thanh, xóa bỏ nhà Lê và chính thức trở thành vương quốc có đủ tư cách để tiến hành thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà Thanh. Đến khi vua Quang Trung chết, vương triều dần sụp đổ bởi mâu thuẫn nội bộ, và sức mạnh quân sự của Nguyễn Ánh, thì tính chính thống (vốn được hợp nhất, và chính danh hóa) đã chuyển đổi từ Tây Sơn sang triều Nguyễn. Đọc quá trình nhà Nguyễn đấu tranh ngoại giao và xin sách phong từ nhà Thanh, thực chất là quá trình đấu tranh cho tính chính thống của dòng họ nhà mình trong phạm vi khu vực. Trên phông nền biến động của quyền lực như vậy, tính chính thống cũng “đỏng đảnh” liên tục dựa theo tư cách phát ngôn của những người chép sử, của những tác gia văn học. Mà lịch sử là giọng nói của những phe chiến thắng, cho nên ta luôn phải phân biệt lúc nào là giọng của ai. Chúng ta nên phân tích các diễn ngôn của từng phe phái (trong đó, phe phái nào cũng cho mình là chủ lưu), hơn là ấn định Tây Sơn như là dòng chủ lưu duy nhất. Cách viết này sẽ bớt đi sự đơn tuyến hóa về nhận thức lịch sử, và làm đa dạng hóa các diễn ngôn lịch sử thông qua các lực lượng luôn biến động đảo chiều.

Thọ Xương Giang chi chiến đồ, tranh vẽ của nhà Thanh miêu tả cảnh quân Thanh sang xâm lược. Nguồn: Wikipedia.

Chủ đề lịch sử được quan tâm rất lớn (của cả sử học, văn học dân gian, văn học nghệ thuật- điện ảnh- kịch,…) đó là chuyện tình/ cuộc hôn nhân giữa hoàng đế Quang Trung và công chúa Ngọc Hân. Chuyện tình Quang Trung- Ngọc Hân là một chủ đề nóng đã luôn được/ bị người đương thời cho đến các sử gia đời sau, nhà văn đời sau sử dụng như là một phương tiện để thể hiện thái độ chính trị của mình. Tính hữu dụng của lịch sử, trong trường hợp này, có thể coi là một điển hình, bởi hai nhân vật trung tâm một người là Hoàng đế bách chiến bách thắng (từ vị trí bên lề: áo vải cờ đào) và một người là công chúa lá ngọc cành vàng. Những xung đột luôn được đẩy lên cao trào trong từng giai đoạn cụ thể, và kết thúc bằng cái chết của các nhân vật chính, và sự sụp đổ của vương triều Tây Sơn. Sự đối lập chính trị (Lê – Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn), đối lập Hoa – Di, đối lập Bắc – Nam, đối lập văn hóa (võ biền – văn chương), đối lập về truyền thống,… đã tạo nên những xung đột âm ỉ trong lòng xã hội và bùng phát trong 30 năm cuối thế kỷ 18. Trong bối cảnh những ranh giới bị xô đổ, những cột mốc bị vứt nhổ, những vương triều tàn lụi, những phận người mong manh trong bão lũ can qua, những người cùng hệ tư tưởng Nho giáo, cùng chiến đấu với nhau, liên kết với nhau, liên hôn với nhau, chà đạp lẫn nhau, giết chóc lẫn nhau,… Cục diện chính trị như một màn kịch liên tục chuyển đổi với sự xuất hiện của các nhân vật chính/ phụ thay nhau đạp đổ người khác để bước lên vũ đài chính trị. Mặc dù cùng là Nho giáo, nhưng các diễn ngôn đương thời về các nhân vật lịch sử là rất đa thanh, kéo theo đó những phần tử chính – ngụy đan xen qua các đời, những quan điểm chính thống- phi chính thống/ giải chính thống/ phản chính thống của các sử gia/ tác gia đời sau cũng tạo nên một dàn giao hưởng với những phức thể âm thanh, khi thì đau đớn quằn quại, khi thì hào sảng khải ca, khi thì êm đềm tình tự, khi thì gào thét diết da. Cũng có khi trong không khí của chủ nghĩa lãng mạn Pháp (đầu thế kỷ XX), Quang Trung – Ngọc Hân hiện lên như một đôi trai tài gái sắc (anh hùng – thuyền quyên). Đến lúc được dựng lại bằng nhãn quan của nationalism hay Marxism, thì các tự sự cá nhân chuyển thành những đại tự sự về quốc gia dân tộc. Lưu lạc qua những tác giả hải ngoại, với tâm thế tha hương và vong quốc, thì cặp đôi nhân vật này lại trở thành công cụ để biểu đạt những phản kí ức, vừa lồng ghép hiện tại vừa phỉ báng quá khứ. Lại một lần nữa ta thấy tính hữu dụng của lịch sử thể hiện như thế nào qua sự đỏng đảnh của các dòng bút sử.

Lịch sử là cái hiện thực đã qua, đã khép lại, đã lặng câm, nhưng nhận thức lịch sử thì luôn nảy nở, sống động, luôn chịu sự tác động của quyền lực và tình cảm, vì thế những dòng bút sử cũng nên mở ra như là những trang sách để ngỏ, hơn là một vở kịch đã được biên tập hoàn mãn.

Chúng ta coi Tây Sơn là dòng chủ lưu, và ngó lơ các sắc phong thần tích, ở khắp nơi Bắc Bộ phần lớn vẫn chép về một nhóm “Tây tặc”, “Ngụy tây” cuối thế kỷ XVIII đã tàn phá làng mạc, phá hủy đình chùa miếu mạo. Như Phạm Đình Hổ và Phan Huy Chú ghi chép, những toán quân Tây Sơn đã phá hủy hai ngôi tháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là tháp Huệ Quang ở Hoa Yên (Yên Tử) và tháp  Phổ Minh (Nam Định). Theo truyền ngôn mà Phạm Đình Hổ nghe được, các đám lính ấy bị “quả báo”, “thánh vật”, đều mất mạng, khiến cho tướng Tây Sơn khi đó là Ngô Thì Nhậm buộc phải cho thợ dựng lại hai ngôi tháp. Quan điểm phổ biến cho rằng Tây Sơn là chính nghĩa, mà chính nghĩa thì không có sai lầm hay phiến diện, chính là quá trình mĩ hóa lịch sử, cả hữu thức và vô thức, bằng cả niềm tin và quyền lực chính trị. Hãy cứ để lịch sử như nó có thể là, chứ đừng bắt lịch sử như nó phải là.

Hãy cứ để Quang Trung như là một con người thực, có tốt, và có xấu. Hãy cứ nhìn Tây Sơn như là một triều đại bất kỳ, có đóng góp và cũng có những bất cập. Ngoài việc đánh bại quân Xiêm quân Thanh, thì Tây Sơn là triều đại có hoạt động ngoại giao thân thiết và thành công nhất trong lịch sử với nhà Thanh, khiến cho Đại Việt có vị trí cao hơn cả Hàn Quốc trong chính sách của nhà Thanh. Ngoài các chiến công bách chiến bách thắng, thì cũng phải thấy chính sách bắt lính, và chính sách kết nạp hàng loạt những tầng lớp xã hội khác nhau, từ người Chăm, người Minh Hương, cho đến cướp biển Quảng Đông. Ngoài công lao hỗ trợ việc xô đổ ranh giới Bắc – Nam (Đàng Trong, Đàng Ngoài) của Tây Sơn, thì ta cũng phải thừa nhận rằng, công cuộc thống nhất lãnh thổ lại thuộc về vua Gia Long – người tạo nên hình thế bản đồ hình chữ S như ta ca ngợi ngày nay. Lịch sử là cái hiện thực đã qua, đã khép lại, đã lặng câm, nhưng nhận thức lịch sử thì luôn nảy nở, sống động, luôn chịu sự tác động của quyền lực và tình cảm, vì thế những dòng bút sử cũng nên mở ra như là những trang sách để ngỏ, hơn là một vở kịch đã được biên tập hoàn mãn.□

Tác giả

(Visited 101 times, 4 visits today)