Tạp văn: Căng và chùng*

Tính chất nghiệm sinh trong tiếng cười của Nguyễn Việt Hà hay trong cái mỉm môi bộ râu “ông ngoại” của Đỗ Phấn luôn khiến tôi nhớ đến một đồng nghiệp lớn tuổi thời tôi mới vào nghề phóng viên, vì một lần anh đầy tự tin bảo tôi rằng: các tổng biên tập qua đi, nhưng người viết còn lại. Sau này anh thành một nhà văn.

Nguyễn Việt Hà không ngại bỏ ngỏ ý tứ coi những bài tạp văn báo chí của mình như phần giá trị phụ trội của sự nghiệp văn chương mang tên Nguyễn Việt Hà: anh phô diễn tận lực cái văn phong có một không hai đã góp phần nền tảng trong các truyện và tiểu thuyết của mình ở tất cả các bài tạp văn, cái phong cách nhại được làm cho điển hình trong tạp văn của anh bằng các ma trận những trích dẫn trực tiếp và gián tiếp, liên hệ qua lại với nhau bằng lời bình của người trích dẫn, bằng những lược đồ dẫn dắt mà thời gần đây quen gọi là các ý tưởng.

Đối với những cái viết vốn không xếp vào hàng các thể loại kinh điển như vậy (cho nên được gọi là “tạp văn”, hay “tản văn” theo nghĩa là văn xuôi không khuôn sáo) thì “ý tưởng” bỗng được tôn lên hầu như cái trụ cột duy nhất những cái viết đó dựa vào, và Đỗ Phấn đi con đường tạo nghĩa cổ điển – từ quan sát đến suy ngẫm – trong các bài tản văn của anh, khiến cho có thể đẩy cái gọi là ý tưởng xuống hàng thứ hai, ở vị trí tự nhiên của nó trong một quá trình đầu-cuối của cảm/thấy và nghĩ, cái quá trình sẽ cho thấy sự ồn ào về “ý tưởng” thường đi quá cái thực của nó, bởi ý tưởng không thể luôn luôn xuất hiện như thế nếu nó không tự rút giảm mình thành những sáng kiến ngắn hạn.

Vậy ta có thể nói đến tạp văn như là lối viết, noi theo quan niệm của Roland Barthes, nhưng trong một khoảng vận dụng hẹp sự phân chia cái viết mang thông điệp và cái viết mang trải nghiệm.

Điều này có thể thấy rõ ở hai “ca” điển hình này của tạp văn báo chí những năm gần đây, kể từ sau những thành công đã khá lâu rồi của Thảo Hảo trên mục “Xem Nghe Đọc Thấy” của tờ Thể thao & Văn hóa và trước đó lâu hơn nữa của mục “Nói hay đừng” trên tờ Lao động Chủ nhật (1988-1993).

Dĩ nhiên vẫn có vài cây bút khác nữa của tạp văn trên các báo chí hiện nay cũng đậm đà ý vị, nhưng xem ra về đặc trưng phong cách ngôn từ thì không đâu rõ bằng Nguyễn Việt Hà, còn về mẫu hình của trải nghiệm các bài viết của Đỗ Phấn đều như thể những truyện ngắn của anh, với những tình huống, sự kiện, nhân vật, phong cảnh, trữ tình, những cái kết kiểu truyện kể và giai thoại, đặt một câu hỏi phản tỉnh nhiều khi bất ngờ và tinh tế về lối sống ngày nay hay rút ra một ý nghĩa triết lý nhân sinh.

Nếu cứ để ý những tung hô dai dẳng mấy năm nay về khuynh hướng viết “hậu-hiện đại” trong văn thơ Việt Nam thì hẳn phải lạ sao người ta chưa đem Nguyễn Việt Hà đặt vào hàng ghế danh dự của cuộc tụ hội rời rạc đó; bởi anh là một người xứng đáng hơn cả.
 
Antoine Compagnon kể, với một nụ cười thấp thoáng, rằng khi ông xuất bản cuốn sách đầu của mình viết về một lý thuyết và lịch sử sự trích dẫn trong văn học thì một loạt độc giả lập tức gọi ông là nhà hậu hiện đại: bởi vì “việc trích dẫn, cái sẽ tạo con đường cho sự nhại và những thứ tương tự, thường được xem như miếng giấy quỳ cho phép thử hậu hiện đại”.

Mà tạp văn Nguyễn Việt Hà thì dựa trên một trò chơi với các trích dẫn.

Có thể xem điều ấy ở bất cứ bài nào trong tập tuyển chọn này, nên tôi sẽ chọn ngẫu nhiên, bài “Trẻ con to xác” (tr.293). Bài viết mở đầu: “Có một học giả không giỏi lắm, đã mạnh dạn tổng kết rằng…”; và bài tạp văn non ba trang sách in khổ thông dụng này cứ thế rải ra mười trích dẫn từ đầu đến cuối, tạp loại từ câu “Nhân chi sơ là sờ tí mẹ” đến “Cụ Thượng” trong Tắt đèn đến một phim đoạt giải Cánh Diều Vàng là Áo lụa Hà Đông đến Sigmund Freud rồi một câu của Lão Tử rồi một chuyên đề trên báo Gia đình và Xã hội và kết bài bằng một trích dẫn Marxim Gorki-Lev Tolstoi.

Không thể nói về việc ấy hay hơn Compagnon: trích dẫn ấy “tạo con đường cho sự nhại”.

Nguyễn Việt Hà từ nhiều năm trước bắt đầu viết các bài tạp văn báo chí đã chơi theo cách này, đều mở đường bằng trích dẫn và đôi khi khá rõ hình bóng Chuyện cũ viết lại (Lỗ Tấn), đều lấy những chuyện và cách ngôn xưa để nói về những chủ đề đạo lý ngày nay – tức luôn có tính chất “thông điệp” – một cách mỉa mai hay trào lộng – tức là cách “nhại” điển hình. Anh sở trường việc này và mang vào đó cái thâm nho Kẻ Chợ: ngôn từ đời sống và văn báo hiện nay đã bỏ mất rất nhiều cách nói tinh nhã của Hà Nội cũ, như hai chữ “to xác” xưa kia dùng nước đôi có ý nghĩa rất xem thường, đi với “trẻ con”, lại để nói về đàn ông thời nay, toát ra vị đùa cợt. Nó báo trước các thông điệp. Và cái chủ điểm của thông điệp đã đến ngay sau hai câu mở đầu, sau khi mượn lời dẫn bảo cuộc đời đàn ông có ba giai đoạn tu, “Lúc bé thì tu ti, trưởng thành thì tu rượu, về già thì tu thân” liền nói: “Điều này lý giải tại sao đàn ông có tuổi thường vô cùng đạo mạo đứng đắn, hiếm hoi bọn mất dạy”.

Giọng điệu chuyển vào lối viết: cái gọi là ba đoạn “tu” đời ít nhất cũng nhại Khổng gia, đem gắn “ti” và “rượu” vào hai chữ “tu thân”, khiến người ta liên tưởng sang đạo đức giả chen vào tề-gia-trị-quốc, và cái cụm “bọn mất dạy” rơi đắc địa vào cuối câu sau lôi tuột theo nó những chữ “có tuổi” với “đạo mạo”, định vị hướng truyền thông ở phần nhại kế tiếp, giữ lối nước đôi bằng cụm “đàn ông có tuổi” đó.

Tính chất bỡn cợt như thế tạo nên lối viết của Nguyễn Việt Hà, một lối viết khai thác đến cùng cái cách dụng ngôn mà dân gian gọi là “câu nói nửa chừng”.

Cho nên những bài tạp văn của anh rất mực dụng công để có thể tập hợp vài chục thông báo thường là hết sức khác nhau về mặt phân loại, đưa vào một ma trận đầu vào-đầu ra, nói một cách hình ảnh như truyện vui là “vào xúc-xích ra con lợn”.

Thông điệp của những “câu nói nửa chừng” thường khi nằm chủ yếu ở giọng điệu và anh đã làm việc này – tạo ra giọng điệu – kỹ lưỡng đến độ nó hầu như không thay đổi qua tất cả những bài viết ở đây, giọng điệu một “Anh chàng ghét đời” thập thành tinh quái thường xuyên toàn phải gặp gỡ đám Tartuffe hay Harpagon hay là cả hai rất đông.

Cái được gọi là “thông điệp” xưa nay vẫn thường truyền đi cách gián tiếp qua một vật trung gian, như đơn giản nhất là đem tặng một bông hồng hay một cái nhẫn bạch kim, cho nên văn chương vốn vẫn là một thứ môi giới mạnh và phổ biến nhất, bởi nó là “lối viết”, nó “dụng ngôn như dụng mộc”.

Và cũng thường thì văn chương chính là thông điệp bởi nó là cái muôn vẻ của lối “câu nói nửa chừng”, là hình thức của điều muốn nói trong khi điều ấy nói; và câu chữ ngôn từ văn chương của nó đôi lúc có thể là lưỡi búa nhưng thường nhất là cái nêm – nó chèn sâu và sâu hơn nữa vào những kẽ nứt bất kỳ.

Cách thức khác phổ biến của nó chính là tái hiện các trải nghiệm thông qua ngôn từ, tức kể chuyện – và điều mà nó không nói ra là, nó mang lại những kinh nghiệm kia bằng một trải nghiệm ngôn từ, bằng lối viết.

Các bài tản văn của Đỗ Phấn tập hợp trong hai cuốn sách này đi con đường kể chuyện như thế, nhưng tính chất nước đôi hay lấp lửng của văn chương thì hầu như không khác với lối viết của thông điệp, chỉ có điều, so với độ căng bề mặt của ngôn từ trong lối viết đầy ngụ ngôn của thông điệp thì việc kể chuyện nhìn chung là co giãn hơn.

Nhưng cái ý-tại-ngôn-ngoại thì sâu nông không phụ thuộc vào căng hay chùng.

Chẳng hạn như bài “Tôi và đồng nát” (tr.121) ở tập Ông ngoại hay cười, Đỗ Phấn kể một vài hồi ức về những gánh đồng nát luôn luôn gặp ở Hà Nội trước kia và nay dần đã “có tiến bộ?”: “những món đồng nát xưa không còn ai muốn mua nữa”, thành ra anh thấy trong nhà mình bỗng có quá nhiều những món nát hơn đồng nát mà “không kể tôi cũng được mà kể cả tôi cũng chả việc gì!” – và ta biết theo kinh nghiệm đọc, khi người viết đem mình ra tự trào thì cái sự nhại mỉa mai ấy đơn giản đã lấy anh ta làm vật trung gian, làm một thứ mắt bão thổi gió ra bốn phía: đồ nát các bác không mua, nhưng “tháo dỡ những thứ lành lặn đem bán cho các bác thì tôi không dám”. Thế có ai “dám” không? Có chứ.

Hình bóng truyện ngắn rất rõ trong bài “Nụ cười đã tắt” (tr.190) ở tập Phượng ơi, kể câu chuyện một ông hưu trí nọ làm tổ trưởng tổ dân phố kia; ông này cứ thầm tơ tưởng một cô gái trong khu nhà vì cô ấy hay nở “nụ cười dành cho ông” mỗi khi đi về; nên một hôm ông liều trèo “sáu mươi sáu bậc cầu thang” lên phòng cô ấy, trộm nghe vọng ra “những tiếng cười rúc rích”…; và từ hôm sau thì chẳng còn “nụ cười dành cho ông” nữa.

Chuyện này khá giống về tình thế với một tình tiết trong Người phàm của Philip Roth. Nó ám dụ cái lòng ảo tưởng nơi người ta, về mọi thứ. Tôi rất muốn nhại Phan Thị Vàng Anh để đặt lại tên cái bài tản văn này thành “Khi người ta già”.

Tính chất nghiệm sinh trong tiếng cười của Nguyễn Việt Hà hay trong cái mỉm môi bộ râu “ông ngoại” của Đỗ Phấn luôn khiến tôi nhớ đến một đồng nghiệp lớn tuổi thời tôi mới vào nghề phóng viên, vì một lần anh đầy tự tin bảo tôi rằng: các tổng biên tập qua đi, nhưng người viết còn lại. Sau này anh thành một nhà văn.

* Đọc Tạp văn tuyển chọn, Nguyễn Việt Hà, Tân Văn & NXB Văn học, 2011; Ông ngoại hay cười, Phượng ơi, hai tập tản văn của Đỗ Phấn, ĐôngTây & NXB Lao động, 2011 và NXB Dân trí, 2012

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)