Tàu con thoi: một tham vọng bị phá sản

Một kỳ tích công nghệ hay một thảm họa kinh tế? Một cỗ máy tinh vi mà con người không bao giờ hoàn thiện hay một phương tiện không gian tốn người, tốn của. Đó chính là tàu con thoi (Space Shuttle). Cũng giống như số phận của chiếc máy bay siêu âm Concorde, tàu con thoi đã để lại một vệt tối trong lịch sử không gian vũ trụ. Chuyến bay mới đây của tàu con thoi đã đánh dấu sự chấm hết của một chương trình không gian vô tiền khoáng hậu. Giấc mơ đẹp đẽ kéo dài trong 40 năm của người Mỹ cuối cùng cũng đã không trở thành sự thật.

1970/1881: Giấc mơ cất cánh

Đó chẳng còn là một bí mật đối với bất cứ ai. Công cuộc chinh phục vũ trụ, đặc biệt bằng những chuyến bay có người lái chẳng qua là đứa con nuôi của cuộc chạy đua vũ trang, một di sản của chiến tranh lạnh và là bàn tay sắt nối dài của vị thần chiến tranh Prô-mê-tê nhằm đối lập hai cường quốc chiến thắng Mỹ và Liên Xô sau Đại chiến thế giới 2. Mỗi bên đều muốn chứng tỏ ưu thế của mình bằng khả năng vượt trội về nền công nghiệp, công nghệ và kiến thức khoa học, thể hiện bằng các chuyến bay quanh quĩ đạo Trái đất. Hình ảnh Neil Amstrong, nhà du hành vũ trụ người Mỹ đặt chiếc chân trái lên Mặt trăng vào tháng 7 năm 1969 chẳng qua cũng chỉ là hành động đối đáp lại sự kiện nhà du hành vũ trụ Liên Xô Youri Gagarine là con người đầu tiên bay ra ngoài vũ trụ vào 8 năm trước đó (tháng 4.1961). Những chuyến thăm dò mặt trăng của các phi thuyền từ đời Apollo 12 đến đời Apollo 17 đều chỉ chứng tỏ một điều duy nhất: sức mạnh của các tên lửa đẩy Saturn V. Còn 350 cân đất đá trong tổng số 382 cân mà các chuyến đi lên mặt trăng của Mỹ lấy được về trái đất sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được phân tích. Đơn giản vì chúng quá thừa!

 Chẳng còn lý do gì nữa để tiếp tục ném tiền qua cửa sổ với những tên lửa sử dụng có một lần chỉ để đẩy lên quĩ đạo một khoang vũ trụ bé tẹo (cao 3,47 mét, thể tích 6,17 mét khối và nặng 5,8 tấn…), đủ chứa 3 nhà du hành vũ trụ và một túi sỏi. Nasa-Cơ quan không gian Mỹ đã phải nghĩ lại: các tên lửa phóng trong tương lai phải là những tên lửa có thể tái sử dụng và phi thuyền không gian phải là một loại “xe tải đặc biệt” như chiếc máy bay nồi đồng cối đá bất hủ DC-3 (đã từng khiến ngành hàng không bùng nổ trong năm 1945). Một chương trình không gian đồ sộ đã ra đời vào năm 1968 với cái tên ban đầu là STS, viết tắt của Space Transportation System (tạm dịch là Chương trình Vận tải Không gian).

Bài toán kép: ôxy và hiđrô

Trên thực tế, từ những năm 1950, Không lực Mỹ và Naca (National Advisory Committee for Aeronautics), tạm gọi là Ủy ban Tư vấn Hàng không Quốc gia Mỹ, cơ quan tiền thân của Nasa đã cùng nhau nghiên cứu khả năng hạ cánh của các “tàu lượn quĩ đạo”. Đây là một dạng máy bay không động cơ (kiểu HL-10) chuyên thực hiện các công vụ bay ngắn trong không gian và có thể lượn trở lai Trái đất. Chương trình đã được Nasa tiếp tục phát triển vào năm 1958. Và dự án Dynasoar, ông tổ của tàu con thoi vì thế đã ra đời. Các tổ hợp chế tạo máy bay khổng lồ như Lockheed, Grumman, Boeing, McDonnell Douglas, Martin Marietta, Rockwell và General Dynamics đã nhảy vào cuộc để cùng hưởng khoản ngân sách khổng lồ của Chính phủ Mỹ.
Ý tưởng cơ bản của tàu con thoi thực ra dựa trên nền tảng của một thiết bị hai tầng được đẩy bằng các động cơ tên lửa và cất cánh theo phương thẳng đứng. Sau đó, nó có thể trở về Trái đất bằng cách bay lượn trên những chiếc cánh cụt hình tam giác. Tuy nhiên, các kỹ sư của Nasa nhanh chóng hiểu rằng ý tưởng làm tàu con thoi có thể vận hành như một chiếc máy bay tự cất cánh và hạ cánh là điều hoàn toàn không thể thực hiện. Các giải pháp thay đổi thiết kế lần lượt ra đời và cuối cùng người ta cũng đã ấn định được một phương cách: tàu con thoi được phóng lên nhờ hai bộ phận đẩy sử dụng thuốc nổ để có thể tái sử dụng. Các bộ phận này được thiết kế theo mô hình của các tên lửa đạn đạo. Để cất cánh, tàu con thoi cũng phải nhờ tới một tên lửa đẩy chính gồm 3 ống gió, cũng có thể tái sử dụng. Hỏa tiễn này được lắp phía đuôi của tàu quĩ đạo nhằm giúp nó có thể trở lại Trái đất. Việc chế tạo bộ phận động cơ này cực kỳ phức tạp nhất bởi nó sử dụng đồng thời nhiên liệu hiđrô và ôxy lỏng. Tại sao phải sử dụng hai loại nhiên liệu vừa là chất đốt, vừa là chất gây cháy? Đơn giản vì phản ứng nổ của chúng (tạo ra nước) đem lại một nguồn năng lượng cực mạnh. Cho đến nay, bài toán kép này vẫn thực sự là vấn đề khó giải quyết và kiểm soát nhất. Các nhiên liệu này được chứa trong các khoang nằm ở đầu tên lửa. Chúng tạo ra lực đẩy tương đối yếu nhưng bù lại giải quyết được các vướng mắc kỹ thuật khác. Tuy nhiên, tàu con thoi lại không có các khoang có thể tách rời ra được.

Việc dùng hiđrô và ôxy làm nhiên liệu phóng khiến tàu con thoi phải mang theo nó một lượng khí ga rất lớn, trữ dưới dạng lỏng trong một bể chứa khổng lồ lớn tới hơn 2.200 mét khối. Kho chứa khổng lồ này cũng phục vụ cho cả tàu con thoi và hai bộ phận đẩy. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm tàng là nó có thể trở thành một quả bom khi khí nhiên liệu bị rò rỉ ra ngoài. Hơn nữa, để tránh việc khí ga lỏng trữ dưới dạng làm lạnh ở nhiệt độ cao khỏi bị biến thành đá, các kỹ sư buộc phải nghĩ tới việc bao phủ các lớp vỏ bên ngoài buồng chứa nhiên liệu bằng một lớp mút cách nhiệt. Đây là một giải pháp tiện lợi nhưng lại có thể đem lại tai họa bất cứ lúc nào.

Sự xuất hiện của Columbia
Đằng sau sự phức tạp của kỹ thuật và công nghệ tất nhiên là những khó khăn về mặt tài chính. Lo sợ dự án khổng lồ này không đủ các ngân sách cần thiết, Nasa đã phải viện tới sự giúp đỡ của một đối tác cực kỳ khó chịu: Cơ quan Không lực Mỹ. Và tất nhiên, các nhà quân sự khi chi tiền cũng đưa ra các đòi hỏi của mình… Tàu con thoi khi được phóng lên không gian phải mang theo nó các vệ tinh gián điệp lớn. Điều này đồng nghĩa với việc quĩ đạo bay của tàu con thoi sẽ rất phức tạp. Như vậy, Nasa cũng phải thiết kế một động cơ vừa dễ thao tác, vừa lớn hơn và đương nhiên sẽ tốn kém hơn.
Tuy nhiên, vừa lòng được giới lãnh đạo quân sự thì ngân sách dành cho Nasa cũng hấp dẫn hơn rất nhiều. Chi phí cho các lần phóng tàu con thoi giới hạn khoảng 10 triệu đô la tính thời giá của năm 1970. Rất tin tưởng vào dự án, ngày 5/2/1972, Tổng thống Mỹ Nixon đã hồ hởi chỉ tay lên trời trước những ống kính của báo giới và tuyên bố: “Go ahead!” (Tiến lên!). Tuy nhiên, dự án đã ngốn ngày càng nhiều kinh phí. Quốc hội Mỹ đã bày tỏ sự khó chịu. Những khó khăn kỹ thuật tiếp tục chồng chất.
Cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 1973 đã buộc Nasa phải sa thải 11.000 nhân công (1/3 tổng số). Dự định phóng tàu con thoi lần đầu tiên dự kiến vào tháng 12/1979 đã phải hoãn lại tới ngày 12/4/1981. Sau cú khởi hành ngoạn mục và bay lòng vòng khoảng 1.733.450 cây số trong không trung, các phi công bay thử John Young và Robert Crippen đã hạ cánh an toàn xuống căn cứ quân sự Edward ở California. Sau đó người ta phát hiện ra rằng chiếc tàu lượn đã phải chịu quá nhiều áp lực trong không trung và suýt nữa vỡ tan. Phần mềm kiểm soát lệnh điều khiển đã bị lập trình sai. Nhưng không hề gì. Nasa đã quyết định sẽ tái phóng tàu con thoi, lần này có tên Columbia. Nước Mỹ mở tiệc ăn mừng lần phóng thử thành công này. Chúa đã phù hộ cho nước Mỹ (God Bless America!).

1981/1986: Mừng vui sung sướng

Hàng trăm triệu người trên thế giới đã dán mắt vào truyền hình để xem tận mắt chuyến phóng tàu con thoi Columbia lịch sử. Đây là một kỳ tích mới của công nghệ làm mê hoặc lòng người và khẳng định vị thế vượt trội của nước Mỹ trong lĩnh vực không gian. Một kỷ nguyên mới dường như đang mở ra cho các nhà du hành vũ trụ bởi vận hành tàu con thoi sẽ làm giảm 1/10 chi phí vận tải không gian. Thế là hàng loạt thế hệ tàu con thoi mới lần lượt ra đời: Challenger (1983), Discovery (1984), Atlantis (1985). Những chiếc tàu con thoi cũng thi nhau được phóng lên không gian (tính đến năm 1995 đã có tới 9 lần) và cả đống vệ tinh đã được thả ra ngoài không trung (có lần phóng mang theo tới 3 vệ tinh). Tàu con thoi dường như thỏa mãn cả hai mục đích thương mại và khoa học: ngày 28/11/1983, tàu Columbia đã mang phòng nghiên cứu vũ trụ Spacelab lên không gian, cho phép 6 nhà du hành thay nhau làm việc để thực hiện khoảng 70 thí nghiệm khác nhau (xem phần đóng khung)

Orbiter của người Mỹ

 Nasa bắt đầu có một tham vọng lớn hơn: họ cho rằng các tên lửa tái sử dụng sẽ không còn cần thiết nữa khi một tàu quĩ đạo (orbiter) được đưa vào sử dụng. Tháng 1/1984, Ronald Reagan long trọng tuyên bố kế hoạch xây dựng một trạm không gian khổng lồ, dự kiến bắt đầu từ năm 1992. Những chiếc tàu con thoi sẽ mang dần các bộ phận của trạm không gian này lên vũ trụ để lắp ghép. Như vậy, chương trình không gian có mật danh Freedom (Tự do) đã ra đời.
Reagan cũng kêu gọi sự tham gia của Châu Âu, Nhật Bản và Canada vào chương trình có mức kinh phí lên tới 8 tỉ đô la này.

Trong niềm vui sướng hoan hỉ, Tổng thống và Quốc hội Mỹ đã đề nghị một nhóm các nhân vật tên tuổi, trong đó có cả nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong soạn thảo một báo cáo về công cuộc chinh phục vũ trụ của con người. Báo cáo dày tới 200 trang này mãi sau này người ta mới được đọc, trong đó có đoạn: “Sẽ có những người đàn ông và phụ nữ đầu tiên từ nhiều nước làm việc và sống trên không gian. Sau đó, chúng ta sẽ phóng những tổ hợp không gian lớn vào vũ trụ. Những tổ hợp này có thể chứa được hàng nghìn người. Trên những “hòn đảo” thiên đường nhân tạo này, dân chúng sẽ có những khu vực sinh sống sang trọng như các khu phố giàu có ở New York…”.

Và… MIR của người Nga

 Trong lúc người Mỹ đang hoan hỉ với đầy những toan tính mới thì người Nga đã kịp phóng thành công trạm không gian MIR (tiếng Nga có nghĩa: hòa bình) lên vũ trụ. Về thực chất, trên lĩnh vực chính trị, người Nga chưa bao giờ tỏ ra yếu thế trước nước Mỹ. Từng bước, từng bước một, người Nga vẫn sử dụng công nghệ cũ kỹ của những năm 1960: phóng các con tàu sử dụng một lần để đưa các vệ tinh và các mođun không gian có người lái lên vũ trụ. Nhưng tính ra, họ đã phóng thành công tới 80 lần/năm vào những năm 1980 so với hơn 20 lần của người Mỹ. Liên Xô cũng lên kế hoạch xây dựng một datcha (tổ hợp quĩ đạo không gian) có thể chứa được nhiều người sống trong tình trạng không trọng lượng. Trạm không gian MIR được phóng lên vũ trụ vào năm 1986.
Về phần mình, Nasa nhận thấy việc phục hồi lại các tàu con thoi để tái sử dụng tốn nhiều tiền hơn dự kiến. Một thí dụ nhỏ: các động cơ của orbiter có giá thành vào khoảng 100 triệu đô la/chiếc và theo thiết kế, chúng chỉ có thể sử dụng cho khoảng 25 lần cất cánh. Nhưng thực tế chúng buộc phải tháo dỡ toàn bộ chỉ sau từ 5-10 lần bay trên quĩ đạo. Hơn thế nữa, Không lực Mỹ cũng cảm thấy có vấn đề về mặt bảo mật đối với các tàu con thoi (mỗi lần phóng, phía quân sự phải báo trước khoảng 1 tuần). Chính vì vậy họ mất dần hứng thú đối với những dự án mà đáng lẽ ra họ phải là người có quyền chủ động quyết định. Tuy nhiên, chương trình tàu con thoi chỉ mới được khởi động. Nó như một đứa trẻ đang mọc răng và cuộc sống tươi đẹp vẫn nằm hoàn toàn ở phía trước.

1986/1988: Thảm họa

Thứ ba ngày 28/1/1986: cả nước Mỹ hướng về Mũi Canaveral nơi tàu con thoi Challenger (Thách thức) chuẩn bị được phóng lên không gian với nhiệm vụ đưa vệ tinh TDRS-B của Không lực Mỹ vào quĩ đạo và dò xét sao chổi Halley. Những nụ cười đã hé nở trên môi. Trong các công sở cũng như trường học, tivi được bật lên để xem chương trình phát trực tiếp chuyến bay thứ 25 của tàu con thoi. Một lý do khác nữa khiến nhiều người Mỹ khó mà bỏ qua chương trình truyền hình này: chuyến bay có mặt cô giáo Sharon Christa McAuliffe, 37 tuổi. Người đã hứa với những học sinh yêu quí ở nước Mỹ rằng cô sẽ có bài giảng trực tiếp từ không gian về Trái đất. Tổng thống Reagan cũng đã dự định đọc một bài diễn văn về nước Mỹ gửi tới phi hành đoàn. Rất nhiều người được mời tới xem trực tiếp sự kiện vĩ đại này.

3, 2, 1, 0… Challenger, chiếc tàu con thoi cao cỡ một tòa nhà 15 tầng rùng mình phóng lên không trung. Chưa đầy 1 phút sau, một vết lửa màu cam xuất hiện ở phía bộ phận đẩy phía bên trái con tàu. Nó lớn dần lên và đốt cháy sườn của buồng trữ hiđrô lỏng. Ở giây thứ 73 sau khi phóng, những đám hiđrô lỏng phụt ra từ những vết rách của buồng trữ, bốc lửa và nhanh chóng biến Challenger thành một khối lửa khổng lồ. Được đẩy với một lực tương đương 1,92 Mach, chiếc tàu con thoi và 7 người trong đó bị phá hủy tan tành ở độ cao khoảng 14 cây số trên không gian của bang Florida, trước những con mắt bất động của các khán giả xem truyền hình tay vẫn còn đang hoan hô…

Công luận lên tiếng. Những người có trách nhiệm chết đứng. Cú sốc đã gây ra sự tức giận chưa từng thấy. Câu hỏi thường trực trên môi của mỗi người Mỹ: lỗi tại ai? Ủy ban điều tra về nguyên nhân của thảm họa sau đã khẳng định Nasa hoàn toàn biết trước được tai họa sẽ xảy ra. Nhưng không có một ai báo động dừng việc phóng Challenger. Các nhà khoa học tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng nhất cũng như các manager (nhà quản lý) xuất sắc đã để kệ một con tàu hoàn toàn có thể bị nổ tung bay ra ngoài không trung!

Tất cả đều do một lỗi suy luận sai được đưa ra từ nhiều năm trước đó. Các kỹ sư của công ty Morton Thiokol, những người được giao thiết kế các khớp nối đảm bảo tình trạng kín tuyệt đối của hai bộ phận đẩy đã không tính tới các dữ liệu nhiệt độ thay đổi rất mạnh ở Florida. Họ nghĩ là đó là một hôm đẹp trời, nhiệt độ vừa phải. Tuy nhiên, hôm đó nhiệt độ xuống tới –13oC. Chính vì vậy, các khớp nối đã trở lên cứng và co lại gây rò rỉ bộ phận đẩy. Khí đốt bị cháy đã thoát ra ngoài và biến Challenger thành một đống lửa.

Hết thời ngạo nghễ

Nasa cũng thừa nhận là đã đánh giá quá thấp các nguy cơ thất bại. Thành công của các lần thử trước đó khiến cơ quan này tin rằng hệ số rủi ro của tai nạn chỉ vào khoảng 1/100.000. Trên thực tế, hệ số này là 1%. Khi những người kỹ sư bắt đầu lo ngại về tác động của thời tiết lạnh, những người lãnh đạo lại không tin vào điều này. Tệ hơn nữa, trong buổi họp qua truyền hình giữa Nasa và các kỹ sư của Morton Thiokol để đưa ra quyết định phóng tàu, một số người trong số họ tuy nhận thức rõ về hiểm họa đang rình rập nhưng đã lặng yên không nói. Dường như lúc đó người ta chỉ muốn có một điều: nhìn Challenger cất cánh bằng bất cứ giá nào, để làm hài lòng cho rất nhiều nhân vật quan trọng đã cất công tới đây để chứng kiến chuyến bay. Và điều gì đáng xảy ra đã xảy ra.

Sự kiện tàu con thoi Challenger nổ tung đã khiến Nasa phải chịu sự chỉ trích ác liệt nhất kể từ khi tổ chức này được sinh ra. Tổn thất của con tàu thật lớn, không chỉ về tài chính mà cả về tiếng tăm. Không những bị chỉ trích từ bên ngoài, những bất đồng nội bộ đã khiến Nasa chỉ còn duy nhất một cách để chứng minh hành động của mình: đó là việc nối lại các chuyến bay của tàu con thoi. Thế nhưng, một lần thất bại nữa cũng sẽ đồng nghĩa với việc tương lai của tổ chức này sẽ đi đời nhà ma. Chuyến bay “số 26” được dự định vào ngày 18/1/1988 đã bị lui tới 29/9. Trong những số thay đổi lớn nhất về kỹ thuật phải kể tới phần khớp nối của bộ phận đẩy. Những miếng nối ở bốn khớp chính đã phải chịu các đợt thử nghiệm khắc nghiệt ở nhiệt độ thấp. Cái giá cho việc cải tiến toàn bộ kỹ thuật tàu con thoi không hề nhỏ: hơn một tỉ đô la.

 Mật độ phóng tàu con thoi cũng đã được tính toán để giảm tới mức tối thiểu. Tốc độ phóng chóng mặt (9 lần/năm) được thông qua vào năm 1995 không còn phù hợp bởi những lý lẽ quá đơn giản: phi hành đoàn sẽ quá sức, khả năng hồi phục của thiết bị không kịp và mức cung ứng của các nhà công nghiệp không đảm bảo. Không khí ngạo nghễ của người Mỹ đã biến mất và thời hoàng kim của tàu con thoi cũng đã qua đi.

1988/2003: Hoài nghi

 Thứ năm, ngày 5/10/2000, các tàu con thoi không gian của Mỹ kỷ niệm chuyến bay thứ 100, nếu tính từ chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/1981. Các chuyến bay của tàu con thoi đã được nối lại nhưng với tần suất thấp hơn nhiều so với trước đó: mỗi năm chỉ khoảng 5-6 lần.

Mặc dầu vậy, người Mỹ vẫn tiếp tục những thành quả mới trong đó phải kể tới chuyến bay thành công của tàu Discovery vào tháng 4/1990 để đưa kính thiên văn không gian Hubble vào quĩ đạo. Nhưng thành công này hoàn toàn không rẻ chút nào. Khoảng 2,5 tỉ đô la đã được chi ra nhưng khi đưa ra ngoài không gian, kính thiên văn không gian vẫn chưa thể “mở mắt”. Thế là lại phải mất thêm 5 lần phóng tàu con thoi (với 35 nhà du hành) để lắp đặt, bảo dưỡng và sửa chữa, với một chi phí phụ là… 250 triệu đô la, kính thiên văn mới đi vào hoạt động.

Nhưng đây vẫn chưa phải là lý do duy nhất để chỉ trích Nasa. Vụ nổ tàu con thoi Challenger đã gây sốc cho cả nước Mỹ và chôn vùi truyền thuyết về siêu cường không gian của nước này. Những kỳ tích về vũ trụ đã bị che lấp bởi những hiện thực đời thường như nạn thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế suy giảm. Tất cả những điều này khiến các chương trình không gian bị gián đoạn ngày một nhiều hơn. Dường như thảm họa năm 1986 đã khiến giấc mơ đẹp đẽ về khả năng thương mại hóa tàu con thoi vụt biến mất.

Endeavour, thế hệ tàu con thoi kế tiếp của Challenger dường như ít được chào đón nhất. Chi phí cho con tàu cũng bị cắt giảm thê thảm tới 40% kể từ năm 1992 nhưng mỗi năm, khoảng 350-400 triệu đô la vẫn được cấp cho việc phóng các tàu con thoi. Tuy nhiên, giá thành tàu con thoi giờ đã đắt hơn 2-3 lần những tên lửa phóng sử dụng một lần. Tần số phóng tàu con thoi xuống dưới 6 lần/năm trong giai đoạn 1988-2002 cũng khiến giá thành của mỗi chuyến bay trở lên đắt đỏ hơn. Chưa hết, do quá dồn sức vào việc thiết kế và chế tạo tàu con thoi, nước Mỹ cũng không có đủ thời gian để thay thế các thế hệ tên lửa phóng và bị người Nga, Trung Quốc và Châu Âu qua mặt. Được phát triển từ những năm 1970 đi ngược với quan điểm thiết kế của người Mỹ, tên lửa Ariane đã chinh phục dược hầu hết thị trường tên lửa đẩy vào những năm cuối thập kỷ 1980. Năm 2005, người Mỹ dường như không muốn mình tụt hậu xa hơn nữa: một kế hoạch không gian tham vọng khác đã bắt đầu với mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng!

 Do thiếu các hợp đồng thương mại kể từ năm 1988, tàu con thoi chủ yếu phục vụ cho các mục đích quân sự và khoa học (lắp ráp các kính thiên văn, đài thiên văn vũ trụ, các phòng thí nghiệm không gian, thăm dò vũ trụ và cung cấp các thiết bị để lắp ráp Trạm không gian quốc tế).
Lập luận của các nhà quân sự giờ cũng đã khác. Sự sụp đổ của bức tường Berlin đồng nghĩa với việc chấm dứt chiến tranh lạnh. Cuộc chạy đua không gian cũng không còn cơ sở gì để tiếp tục nữa. Như vậy, dừng giấc mơ thuộc địa hóa không gian có lẽ là hợp thời với người Mỹ.
Vào đầu những năm 2000, chi phí đắt đỏ cho việc nghiên cứu phát triển tàu con thoi luôn là đề tài nóng của các nghị sĩ Mỹ. Thí dụ như riêng phần vỏ chì bảo vệ phi hành đoàn của con tàu Endeavour đã mất tới 30 triệu đô la… Ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng tại sao không thay thế các nhà du hành trong các tàu con thoi bằng người máy? Uy tín của tàu con thoi đã xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử.

2003/2005: Họa vô đơn chí

Ngày 16/1/2003, tàu con thoi Columbia vào đúng thời điểm tăng tốc độ (2.400 cây số/giờ) đã bùng cháy trên khoảng không của trung tâm không gian Kennedy. Sau 8 tháng điều tra, các thanh sát viên của Ủy ban điều tra về sự cố tàu Columbia-CAIB (Columbia Accident Investigation Board) cho biết 80 giây sau khi phóng, một tấm mút giảm chấn kích thước 30 x 50 cm ở sườn trái của tàu đã bị văng ra, gây ra một vết rách cỡ 25 cm ở phía bình nhiên liệu chính. Cũng như bất cứ con tàu quĩ đạo nào, Columbia buộc phải đi qua tầng khí quyển. Khi đó, thân tàu sẽ cọ xát rất mạnh với các lớp khí quyển dày đặc và nóng lên tới 1.600oC. Thông thường, lớp vỏ mút làm bằng các bon sẽ có tác dụng bảo vệ phần bụng của tàu trước nhiệt độ cao này. Tuy nhiên vết rách có chiều dài 25 cm nói trên đã khiến khí nhiên liệu bốc hơi và bay ra ngoài. Và con tàu đã bốc cháy, 9 thành viên của phi hành đoàn thiệt mạng. Một lần nữa, bóng ma của vụ việc Challeger đã quay trở lại.

Sau khi phân tích kỹ càng các nguyên nhân của tai nạn, CAIB đã đưa ra các khuyến cáo: thay thế các bộ phận mút ở bình chứa nhiên liệu, lắp đặt thêm một hệ thống khoảng 100 máy quay phía b&

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)