Thân phận áo dài nam

Những ngày qua có nhiều ý kiến trái chiều quanh việc ngành văn hóa Thừa Thiên - Huế thử nghiệm nam công chức mặc áo dài năm tà (ngũ thân) vào thứ hai đầu mỗi tháng.


Đại sứ Phạm Sanh Châu và phu nhân chụp ảnh cùng Nhà vua Bhutan sau Lễ Trình Quốc thư. Ảnh: Hoàng gia Bhutan.

Phản ứng gay gắt bất ngờ, đến quá khích cho rằng người ta đang “dựng lại xác chết” hoặc hài kịch “Lý Toét về phố” đang được diễn. Qua đó cho thấy bộ áo dài Nam giới hầu như đã được cáo chung từ rất lâu trong vô thức của chính nam giới. Dư luận xôn xao hôm nay về chiếc áo dài Nam giới cũng làm nhớ lại năm 2017, trong cuộc triển lãm Bộ sưu tập áo dài nam thời Nguyễn của tôi với sự đóng góp các thành phẩm của hai nhà thiết kế trẻ cho áo dài nam, Trần Lê Trung Hiếu, tiên phong trong việc cắt may áo dài ngũ thân, sự xuất hiện của họ trong chiếc áo dài ngũ thân đúng chuẩn mực (bao gồm áo ngũ thân, quần trắng, giày hạ, khăn đóng)- đã gây những phản ứng khá thú vị trong các khách trẻ tuổi, một đằng diễu cợt “thưa cụ ông”, một đằng xa lạ kính nể “như người cõi trên”, nhưng rồi lại có chút chi quý mến như khi nhìn một thứ đồ cổ….Ngược lại khi nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn xuất hiện cũng trong bộ áo ngũ thân do Trần Lê Trung Hiếu may, mọi người có vẻ chấp thuận với ánh mắt ngường mộ, nhưng chỉ đứng từ xa… hầu như chiếc áo dài ấy không đụng chạm đến mình. Nhìn chung áo dài nam chịu một số phận hẩm hiu hơn áo dài nữ, tuy cùng xuất phát cùng thời với áo dài nữ giới, có cùng một cha chung là Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. 

Với Võ Vương và tiếp theo sau là triều đình Nguyễn, áo dài nam nữ đã đồng hành cho đến đầu thế kỷ 20. Áo dài đã trở nên quốc phục cho cả nước suốt hai thế kỷ, đã trở thành một phần tử nhận diện tính đồng nhất của văn hóa Việt Nam trong tâm thức người Việt và trên trường quốc tế.

Áo dài nữ bao đời nay đã có những cách tân, phát triển, nay đang rực rỡ như thế nào có lẽ không cần bàn. Áo dài nam hứng chịu một số phận khác từ lúc Âu phục “chiếm cứ” thời trang nam giới trong thời thuộc Pháp. Người Tây đem đến bộ Âu phục cùng với thế lực thuộc địa, và người Việt nhìn thấy trong bộ Âu phục sự mạnh mẽ, tiện lợi trong khi đi đứng đã muốn cải tiến trang phục để chứng tỏ tinh thần cách tân mạnh mẽ, không nệ truyền thống. Từ đầu thế kỷ 20, phong trào cách tân cắt tóc, bỏ áo dài, vận Âu phục, bỏ khăn đóng, đội mũ cối, mũ phớt… đã thuyết phục được thế hệ thanh niên thời bấy giờ. Thay đổi phong cách, thay đổi cách sống, biện chứng của nó là trong bộ Âu phục, phong trào duy tân, cách mạng chống thế lực thuộc địa nơi chính bộ y phục được sáng tác, hình thành, song song với phong trào chống lại những tệ nạn đối với thuần phong mỹ tục với những biếm họa của nhóm Phong Hóa – Ngày Nay.

Đó là lý do thời trang Áo dài nước ta bị “đứt gãy” một thời gian dài, nhất là  trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1975, ở miền Bắc, có lúc trong tinh thần chống Pháp và chống phong kiến, kiểu áo “Mao-look”, mốt áo theo phong cách Mao Trạch Đông lại được các bậc lãnh đạo sử dụng, như một biểu tượng “cách mạng”. Trong lúc ở miền Nam, áo dài Nam vẫn còn tồn tại như một phong cách truyền thống trong gia đình và trong cách giao tiếp, thù tiếp với bên ngoài. Một trong những hình ảnh mà thế hệ học sinh miền Nam chúng tôi còn ghi mãi, đó là hình ảnh Thầy dạy văn học và sử học Bửu Kế tại trường Quốc học trong suốt thập niên 1950 – 1960, tác giả của tác phẩm “Nếp nhà” trên bục giảng với chiếc áo dài lương đen, hình ảnh thông tuệ cao quý và khiêm cung, không hề phai nhạt.

Mặc dù sau 1975, cả hai áo dài nam và nữ lại chịu chung số phận không được mặc, Nhưng sự hồi sinh của chiếc áo dài nữ đã đem lại một sức sống mới cho chiếc áo dài và chỗ đứng khá kiêu hãnh trên lãnh vực thời trang. Nhưng chiếc áo dài nam vẫn còn xa vời, vong thân trong tâm thức của đa số nam giới, nó chỉ hiện diện trong những trường hợp đặc biệt.. có thể luôn thuộc vào quá khứ.

Trong lúc áo dài nam trên căn bản truyền thống đâu có xa lạ với người Việt, nó là của người Việt, là thời trang của đàn ông Việt. Vào những lễ lạt, cưới hỏi, cúng bái xóm đình…, người ta vẫn mặc đều. Có ai thấy chối mắt vì xấu xí, ngược đời, kỳ cục gì đâu, thay vào đó là sự trân trọng. Hình ảnh vua Hàm Nghi suốt đời gắn liền với tà áo dài Việt năm xưa, dù ở xa đất nước nghìn vạn dặm, ở chốn xa xăm, nhìn lại thấy thật phong cách và tự tin ở nhiều lĩnh vực, hầu như nổi bật trên bức tranh phong cảnh thời trang châu Âu.

Thường áo dài nam bị từ chối với những lý do thực tiễn như tốn kém, mất thì giờ, vướng víu, nóng nực, không phù hợp với môi trường làm việc 4.0. Có ý kiến còn liên tưởng đến hình ảnh ông xã, ông lý trưởng cường quyền với “dân đen” một thời quá vãng… Những ý kiến ấy dù đúng hay không, theo tôi, đều có giải pháp giải quyết. Xét tính tiện lợi, tôi nghĩ y phục Tây và áo dài nam nào khác gì nhau trên phương diện thực dụng. Bộ veston có khi còn đắt tiền hơn và cũng không thoải mái, gò bó, cũng không thoáng mát hơn; bộ áo dài nam cũng đâu có luộm thuộm hay quá nóng, áo dài còn bảo vệ trọn cả thân người. 

Để phá bỏ định kiến đã chế ngự tư duy và cách nhìn y phục áo dài nam từ gần một thế kỷ, có lẽ nên nhìn áo dài đàn ông trên phương diện thời trang. Trên phương diện này, ta có thể khách quan hơn khi nhìn nhận thời trang có thể thay đổi, sự thay đổi này không cứ chỉ một chiều, mà có thể quay về, trở lại cho phù hợp với phong cách của người mặc, phù hợp với ý thức bản sắc văn hóa của mình. Vậy nhìn lại thời trang truyền thống trong một chừng mực nhất định, tôi thấy thời trang ấy thích hợp với người Việt Nam, hay chí ít đối với con người và cảnh sắc xứ Huế. Tất nhiên để áo dài nam đi vào cuộc sống, cụ thể là trong giới công sở Huế, chúng ta cần vận dụng tư duy và nghệ thuật cũng như kỹ thuật để triển khai, cải tiến cách tân sao cho phù hợp với hoàn cảnh và môi trường làm việc thời nay. Vấn đề chính ở đây là có điều chỉnh được sự mặc định hình ảnh người đàn ông gắn liền Âu phục từ thời Tây thuộc đến bây giờ hay không. 

Ở một góc nhìn khác, tôi còn nghĩ có khi cứ bám vào Âu phục như hiện nay mới là sự cổ hủ. Chính ý tưởng áo dài nam trở lại là có tính “cách mạng”. Tôi nghĩ đến Nhật Bản, Ấn Độ, hay một số nước khác trên thế giới, ngay cả châu Phi, mỗi nước đều có thời trang truyền thống của họ. Còn Việt Nam thì đang theo Tây trên phương diện Âu phục, ý thức về thời trang đang thiếu nét truyền thống. Ở góc độ truyền thống và bản sắc, việc trở lại giá trị của người Việt âu cũng không có gì quá đáng, nếu không nói là hợp lí. Trong chừng mực ấy, nối lại sự “đứt gãy” có thể  là việc cần thiết. Văn hóa không chết; văn hóa tuôn chảy không ngừng và thường biến hóa, khi trội, khi lặn. Có những giá trị trong dòng chảy của truyền thống có khi bị chê là cổ hủ, là lạc hậu, có khi trở lại bỗng nhiên là thời thượng, là văn minh. □

 

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)