Tháng âm nhạc Ý tại Hà Nội

“Tháng âm nhạc Ý” tại Nhà Hát Lớn, Hà Nội sẽ được mở đầu bằng buổi biểu diễn của nghệ sĩ piano nổi tiếng Cesare Picco tối 11-9 tới.

Cesare Picco, còn là nhà soạn nhạc, nổi tiếng bởi phong cách biểu diễn đặc biệt: ông từng có buổi biểu diễn độc tấu hoàn toàn trong bóng tối mang tên Blind Date  gây ấn tượng mạnh với công chúng Ý. Ông cũng là người được Andrea Bocelli, Giovanni Sollima, Michael Bublé và Simply Red chọn biểu diễn cùng.

Tại buổi họp báo giới thiệu Tháng âm nhạc Ý chiều 8-9, ông cho biết không bao giờ định trước chương trình biểu diễn mỗi khi đến một thành phố mới, mà đều phải dành thời gian tìm hiểu thành phố đó rồi mới chọn những bản nhạc phù hợp với con người, âm thanh, nhịp điệu, mùi vị mà ông cảm nhận được từ thành phố. Ngoài ra, trước khi chơi nhạc, ông đều dành ít phút trò chuyện, đối thoại với khán giả về tác phẩm.

Ra nước ngoài, ông luôn chọn một nghệ sĩ ở nước sở tại biểu diễn cùng. Lần này ông sẽ biểu diễn cùng nghệ sĩ Trí Minh một khúc nhạc về Hà Nội do ông và Trí Minh ngẫu hứng ngay tại sân khấu.

Tiếp theo buổi biểu diễn của Cesare Picco là buổi biểu diễn của nghệ sĩ sáo Andrea Griminelli cùng nghệ sĩ piano người Singapore Lim Yan tối 20-9. Năm 2008, Griminelli đã có buổi biểu diễn thành công vang dội ở Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Kết thúc Tháng âm nhạc Ý là buổi biểu diễn của nghệ sĩ piano quen thuộc với khán giả Việt Nam từ hai năm nay – Gabrielle Carcano tối 15-10. Cùng Dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, nghệ sĩ trẻ tài năng thiên bẩm này sẽ chơi bản Concerto số 1 của Beethoven và bản Konzertstuck của Carl Maria von Weber.

Nhân sự kiện Tháng âm nhạc Ý chào mừng 1.000 năm Thăng Long, Tia Sáng đã có cuộc trò chuyện ngắn với ông Cesare Bieller, Phó đại sứ Ý ở Việt Nam:

–    Thời gian gần đây, các hoạt động văn hóa của Ý ở Việt Nam rất sôi nổi, có lý do đặc biệt gì không, thưa ông?

–    Rất đơn giản thôi, cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, chúng tôi thấy cần có nhiều sự kiện văn hoá chúng ta để biết về nhau nhiều hơn.

–    Các hoạt động văn hóa Ý cũng rất đa dạng – từ văn học, kiến trúc, điện ảnh đến nhạc cổ điển, đặc biệt nổi bật là nhạc cổ điển. Ở Việt Nam, nhạc cổ điển đến nay vẫn bị gọi là “nhạc bác học”, ngụ ý sự xa cách với công chúng. Vậy tại sao Đại sứ quán Ý lại chọn nhạc cổ điển đại diện cho văn hoá Ý, trong khi nếu chọn nghệ thuật ẩm thực hay thời trang, sẽ dễ có nhiều công chúng hơn?

–    Ở Việt Nam đã có rất nhiều tiệm ăn Ý, cửa hàng thời trang Ý. Nhưng nước Ý không chỉ có vậy. Đôi khi tôi rất thất vọng khi ai đó đồng nhất nước Ý với bóng đá, pizza, hay mafia. Chúng tôi đưa nhạc cổ điển đến Việt Nam để xoá bỏ những định kiến như vậy.

–    Khi đưa nhạc cổ điển đến Việt Nam, khó khăn lớn nhất của các ông là gì?

–    Khó khăn lớn nhất là làm thế nào để thuyết phục người xem đến với những nghệ sĩ mà tên tuổi còn xa lạ đối với họ. Họ chỉ quen với những cái tên số 1 như Bocelli hay Pavarotti. Nhưng không phải số 1 không có nghĩa là kém xuất sắc. Những nghệ sĩ chúng tôi đưa đến Việt Nam đều là những người đang được công chúng Ý hâm mộ. Việc một số nghệ sĩ chúng tôi giới thiệu ở Việt Nam quay trở lại đây biểu diễn nhiều lần cho thấy họ đã được các bạn đón nhận, đó là thành công lớn của chúng tôi.

–    Âm nhạc cổ điển có vai trò như thế nào trong đời sống tinh thần của người Ý hiện đại?

–    Âm nhạc cổ điển vẫn có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân Ý. Ở thành phố nào chúng tôi cũng có những nhà hát opera. Vé xem hòa nhạc cổ điển không phải là rẻ, nhưng những nghệ sĩ nổi tiếng luôn dành cho công chúng những buổi biểu diễn với giá ưu đãi, bởi vậy từ nhà quý tộc đến những sinh viên trẻ tuổi đều có thể đến nghe những nghệ sĩ nổi tiếng như Cesare Picco chơi nhạc. Sở dĩ âm nhạc cổ điển vẫn giữ được sức hấp dẫn với công chúng là do các nghệ sĩ Ý luôn có những thể nghiệm táo bạo trong phong cách biểu diễn – đôi khi khá mạo hiểm nhưng nếu thành công thì cũng rất vang dội.

–    Xin cảm ơn ông.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)