Thành công mới của điện ảnh châu Á: Những câu chuyện toàn cầu và tính dị biệt Á đông

Bài viết này bàn luận hai nhân tố cơ bản khả dĩ giải thích cho những thành công vừa qua của điện ảnh châu Á, tập trung vào trường hợp hai bộ phim Parasite và The Farewell: sự kết hợp giữa câu chuyện mang tính toàn cầu và tính dị biệt Á đông, cùng thông điệp chính trị rút ra từ những thành công mới này.


Cảnh hai anh em Ki-woo và Ki-jung (Choi Woo-sik và Park So-dam) phải bắt wifi chùa trong nhà vệ sinh. Ảnh trong phim Ký sinh trùng. 

Mùa giải điện ảnh vừa qua chứng kiến những cột mốc thể hiện sự ghi nhận của phương Tây đối với điện ảnh châu Á. Vang dội nhất là giải Oscar Phim hay nhất dành cho Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho, các giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất dành cho Bong, và hàng loạt giải thưởng quốc tế lớn nhỏ khác cho Parasite. Ngoài Parasite, một phim khác do Mỹ sản xuất nhưng có dàn diễn viên toàn gốc Á, kể một câu chuyện đậm chất Á đông là The Farewell – đạo diễn Lulu Wang (Từ biệt) cũng đã đạt được thành công đáng kể cho một phim độc lập kinh phí vừa phải, với giải Phim hay nhất tại lễ trao giải Tinh thần Độc lập (Independent Spirit Awards – giải uy tín nhất thế giới dành cho các nhà làm phim độc lập) và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Awkwafina tại Quả cầu vàng. Không chỉ được giới phê bình khen ngợi, Parasite The Farewell đều đạt được doanh thu tốt lại các phòng vé quốc tế (Parasite thu về 180 triệu USD và tiếp tục được chiếu tại nhiều thị trường nhờ mới đoạt giải Oscar; The Farewell với mức đầu tư 3 triệu USD tới nay đã thu về lợi nhuận gấp 7 lần).

Parasite The Farewell đều là những bộ phim tốt với câu chuyện và cách kể chuyện lôi cuốn, điều đó không thể phủ nhận. Thế nhưng, cần nhớ rằng điện ảnh châu Á từng có những kiệt tác đáng nhớ nhưng không đạt được thành công tương tự ở các nước Anh-Mỹ. Dù các nhà phê bình quốc tế vẫn không ngừng tôn vinh những Rashomon, Tokyo Story, Farewell my Concubine, In The Mood for Love như những tác phẩm điện ảnh sống mãi với thời gian, thì nhiều khán giả phương tây vẫn không biết đến các phim này.

Chiến thắng vang dội của Parasite, và sự công nhận ít rầm rộ hơn nhưng đáng kể dành cho The Farewell, là một kết quả của “thiên thời địa lợi nhân hòa”: thành công của các chiến dịch vận động trong lẫn ngoài nước Mỹ, bao gồm phân phối và quảng bá phim nói tiếng nước ngoài hay bề dày hoạt động và nỗ lực xây dựng danh tiếng của đạo diễn (với Bong Joon Ho là việc ông từng sang Hollywood làm phim, còn với đoàn phim The Farewell là mối quan hệ sẵn có khi đạo diễn và nhà sản xuất đều là người Mỹ). Bài viết này xin phép đi sâu bàn luận hai nhân tố cơ bản khả dĩ giải thích cho những thành công vừa qua của điện ảnh châu Á, tập trung vào trường hợp hai bộ phim ParasiteThe Farewell: sự kết hợp giữa câu chuyện mang tính toàn cầu và tính dị biệt Á đông, cùng thông điệp chính trị rút ra từ những thành công mới này.

Tâm lý toàn cầu

 

Parasite The Farewell đều là các phim góp phần nâng cao nhận thức về những vấn đề toàn cầu. Nếu như Parasite nhấn mạnh sự phân hóa giai cấp, cách biệt giàu nghèo, các vấn nạn xã hội như lừa đảo, bạo lực, thì The Farewell mô tả một hiện tượng tâm lý toàn cầu: sự mất kết nối với cội rễ của những di dân và thế hệ sau của họ, cũng như nỗ lực tìm lại sợi chỉ kết nối cội nguồn sau những xa cách và bất đồng văn hóa.

Khán giả phương tây dễ dàng cảm thấy thích thú, đồng thời liên hệ những vấn đề trong Parasite với đời sống chính trị, xã hội của nước mình, chẳng hạn như tranh cãi về trợ cấp xã hội. Các nước phương tây luôn cho thấy phân hóa quan điểm gay gắt trước câu hỏi duy trì hay hạn chế trợ cấp cho người nghèo. Với phe cánh tả, trợ cấp xã hội là cần thiết vì họ cho rằng nó tạo cơ hội để nhóm thiệt thòi vươn lên tìm chỗ đứng trong xã hội. Trong khi đó, phe cánh hữu có xu hướng quy sự nghèo đói, thất học, phụ thuộc trợ cấp kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác của người nghèo cho sự lười biếng, thiếu nỗ lực; họ coi người nghèo như những gánh nặng xã hội không đáng cảm thông. Đằng sau việc phản đối trợ cấp là tâm lý khinh miệt, cả thẳng thừng lẫn ngấm ngầm của nhóm cánh hữu sở hữu tài sản.

Parasite không trực tiếp bàn về trợ cấp xã hội, nhưng câu chuyện một gia đình nghèo từ cha mẹ đến con cái cố sống cố chết tìm cách ký sinh vào gia đình giàu có thể hiện sự lệ thuộc của người nghèo vào người giàu và hoàn cảnh tuyệt vọng của họ. Phim đồng thời cho thấy thái độ phân biệt của người giàu với người nghèo và ngược lại, cũng như những mâu thuẫn dai dẳng được che đậy bởi sự thân thiện bề mặt giữa các nhóm giai cấp.

Những câu chuyện của The Farewell Parasite rất “riêng” nhưng đồng thời lại rất “chung.” Vấn đề các phim này phản ánh không phải của riêng Trung Quốc hay Hàn Quốc; chúng là những thách thức đối với con người hiện đại trong một thế giới không ngừng thay đổi, không ngừng đòi hỏi thích ứng và điều chỉnh. Phim ảnh tuy không giúp trực tiếp giải quyết những vấn đề ấy, nhưng góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường đối thoại để những vấn đề này tiếp tục nằm trong “tâm điểm” (spotlight).

 

Củng cố những tưởng tượng về phương Đông

 

Cũng phải nói thêm rằng tính dị biệt văn hóa (cultural eccentricities/exotica) đóng vai trò quan trọng không kém làm nên thành công của một số tác phẩm châu Á xưa nay. Sự kết hợp giữa cái giống (khơi gợi niềm đồng cảm) và cái khác (khiến khán giả thích thú, bất ngờ) là điều làm nên nét độc đáo và quyến rũ của điện ảnh châu Á. Sẽ rất nhàm chán nếu điện ảnh châu Á cũng đưa ra vấn đề và giải quyết vấn đề kiểu phương tây. Những yếu tố dị biệt văn hóa luôn giúp điện ảnh Á đông gây chú ý và thành công ở phương tây (hãy nhìn vào sự quan tâm của phương tây dành cho các phim như Mùi đu đủ xanh và Xích lô của Trần Anh Hùng, hay gần đây là Người vợ ba của Ash Mayfair – những bộ phim có thể không gây bất ngờ với khán giả Việt nhưng sẽ khiến người phương tây nhướng mày khó hiểu).

Khán giả phương tây, vốn quen với chủ nghĩa cá nhân, lý tưởng tự do dân chủ, có lẽ không thể ngờ một người đàn ông sức dài vai rộng như nhân vật trong Parasite lại sẵn sàng sống chui lủi dưới tầng hầm, không việc làm, không thân phận, để đổi lấy sự “an toàn” trong ngột ngạt tối tăm – một kiểu cam chịu rất.. Á đông. Họ đương nhiên càng bất ngờ trước những mưu mô, tiểu xảo của gia đình nghèo nhằm giành lấy công việc của người khác bằng mọi giá.

Người viết bài, khi xem bộ phim The Farewell trong một rạp chiếu nước ngoài, đã lấy làm lạ khi khán giả phương tây cười suốt buổi chiếu ở những chi tiết mà đối với một người châu Á không có gì quá buồn cười, như cách người Trung Quốc thẳng thừng bình phẩm về ngoại hình của người khác, chi tiết bà nội chê bai nàng dâu mới, hay việc đại gia đình giấu bà nội về tình hình bệnh tình của bà (một điều theo quan điểm phương Tây có thể xem là thiếu đạo đức, đi ngược lại quyền-được-biết của bệnh nhân).

Thành công của một số phim châu Á như Parasite hay The Farewell ở phương tây phần nào đó thể hiện sự thích thú của phương tây đối với những dị biệt, kỳ quái của văn hóa phương đông. Vô tình, những bộ phim này góp phần củng cố những “fantasy” (ảo tưởng, tưởng tượng) của phương tây về phương đông.

Những chiến thắng đầy chất chính trị

 

Công nhận sức hấp dẫn của những bộ phim như Parasite The Farewell không có nghĩa ta nên bỏ qua thông điệp chính trị hiển hiện của những chiến thắng này.

Chiến thắng của Parasite tại các lễ trao giải Oscar, Quả Cầu Vàng, hay Bafta,…không chỉ thể hiện sự ghi nhận đối bộ phim của Bong Joon Ho, mà còn là sự công nhận (muộn còn hơn không?) của các nước Anh Mỹ đối với điện ảnh châu Á. Thông điệp đính kèm là: phim châu Á hay không kém, thậm chí hay hơn phim Âu Mỹ. Nó giống như một lời kêu gọi với khán giả tây phương: hãy chú ý đến điện ảnh châu Á. Ngay cả Bong Joon Ho cũng nhân cơ hội được trao giải thưởng để kêu gọi khán giả phương tây đừng vì phụ đề mà bỏ qua những bộ phim quốc tế tuyệt vời tại Oscar. Bong cũng không quên chỉ ra một sự đổi mới nhỏ nhưng quan trọng: việc Oscar thay đổi tên gọi Giải phim nói tiếng nước ngoài hay nhất sang “Phim quốc tế hay nhất” – cử chỉ cho thấy Viện Hàn Lâm đã bớt phân biệt đối với phim không nói tiếng Anh.

Thành công này không phải ngày một ngày hai mà có; nó là kết quả của một quá trình vận động dài hơi trong lòng Hollywood (và cả những tác động từ bên ngoài) suốt một thập kỷ qua hướng tới đoàn kết và hội nhập. Những cuộc vận động đó bao gồm: chống lạm dụng tình dục (#metoo) và trao quyền cho phụ nữ (rất nhiều than phiền về việc đạo diễn nữ ít được trao cơ hội và ít được ghi nhận vài năm gần đây), ngưng tẩy trắng (whitewashing – hiện tượng giao vai đáng lẽ dành cho người da màu cho diễn viên da trắng), vinh danh các nghệ sĩ da màu, chấp nhận sự khác biệt văn hóa và chủng tộc (thể hiện rõ nhất là giải Oscar Phim hay nhất dành cho The Shape of Water, Moonlight, Green Book – những phim phản ánh các vấn đề này những năm gần đây). Là lá cờ đầu của tư tưởng tự do dân chủ, giới nghệ sĩ Mỹ không ngừng vận động thay đổi, bao gồm cả sự thay đổi trong chính cộng đồng mình, như khi Joaquin Phoenix phát biểu kêu gọi nâng cao công nhận đối với các nghệ sĩ da màu, hay nhiều nghệ sĩ như Natalie Portman kêu gọi đề cử nữ đạo diễn cho các giải thưởng.


Lời từ biệt kể những câu chuyện xung quanh việc cả gia đình giấu diếm bệnh tình của bà nội, và những câu chuyện gia đình thường nhật với người châu Á nhưng lại gợi tò mò với người phương Tây.

Hãy nhìn vào giải Quả cầu vàng cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (hạng mục Phim hài hoặc ca nhạc) cho Awkwafina, đánh dấu việc lần đầu tiên một phụ nữ gốc Á đạt được vinh dự này. Sự tôn vinh đối với Awkwafina đã có một bước đệm từ năm ngoái, khi Quả cầu vàng đề cử Constance Wu cho vai diễn trong Crazy Rich Asians – một cử chỉ có tính tượng trưng phần nhiều cho một vai diễn không quá đặc sắc trong một phim giải trí vô thưởng vô phạt (trước Wu từng có hai phụ nữ châu Á được đề cử hạng mục này, cách đây đã… 40-50 năm). Awkwafina dĩ nhiên là xuất sắc hơn Wu, với một vai diễn có chiều sâu hơn, nhưng thành công của cô, bất chấp việc cô chưa có một sự nghiệp lẫy lừng, cho thấy sự ưu ái rõ rệt. Quả cầu vàng rõ ràng muốn thông qua giải thưởng này để thể hiện sự cởi mở đối với cộng đồng nghệ sĩ châu Á. Tương tự, giải Phim hay nhất cho The Farewell tại Tinh thần độc lập cũng là một sự ưu ái đối với Lulu Wang, nữ đạo diễn trẻ người Mỹ gốc Hoa mới chỉ làm hai bộ phim dài.

Các giải thưởng phim của Mỹ vốn đậm chất chính trị. Nếu như các liên hoan phim châu Âu như Cannes, Berlin hay Venice thiên về tôn vinh giá trị nghệ thuật (theo góc nhìn châu Âu), thì Oscar và Quả cầu vàng của Mỹ thường tìm cách kết hợp hài hòa nghệ thuật và thương mại, không quên đan cài thông điệp chính trị. Đặc biệt với Oscar, thông điệp đẹp và ý nghĩa là một tiêu chí quan trọng để trao giải, nhất là giải Phim hay nhất. Các bộ phim theo trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” hay chủ nghĩa hư vô do đó thường bị bỏ qua trừ một số trường hợp đặc biệt.

Chiến thắng của Parasite và sự ghi nhận đối với phim nói tiếng Hoa The Farewell có ý nghĩa lịch sử là tạo tiền đề cho các phim nghệ thuật châu Á khác chinh phục phương tây trong tương lai, không chỉ ở các lễ trao giải mà còn ở các rạp chiếu. Có một thực tế là, phim nghệ thuật châu Á nếu may mắn được chiếu ở các nước phương tây, thường cũng chỉ được chiếu giới hạn trong các liên hoan phim hoặc một số phòng chiếu nhỏ. Và nhiều khán giả phương tây không thể kể tên được bộ phim châu Á nào họ từng xem.

Không thể gọi Parasite là một phát hiện, một làn gió mới, khi thực chất sự tinh túy và độc đáo của điện ảnh châu Á đã ở đó từ lâu. Có chăng chỉ là do phương Tây (ở đây chủ yếu muốn nói đến khán giả đại chúng) còn chưa tiếp xúc nhiều, thậm chí chưa đủ thấu cảm để trân trọng đầy đủ những giá trị văn hóa phương đông. Đạo diễn Parasite Bong Joon Ho từng có một số bộ phim xuất sắc không kém như Memories of Murder hay Mother, nhưng các phim này không nhận được sự tôn vinh tương xứng tại các lễ trao giải phương tây.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)