Thế giới nghệ thuật của Phạm Ngọc Dương

Bằng những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, Phạm Ngọc Dương thích tạo ra những không gian thẩm mỹ kỳ lạ, dị thường, khiến người xem khi lạc vào đó phải ngỡ ngàng, sững sờ. Một chút gì đó huyền ảo, thơ mộng, tách biệt với thế giới ồn ào bên ngoài.

 Đó là những không gian khi thì phủ đầy hoa, khi thì tràn ngập bướm. Đầy và tràn như chưa từng bao giờ thấy. Như trong một giấc mơ siêu thực. Nơi lặng lẽ, mà có thể rực rỡ huy hoàng. Phù du mà lãng mạn bay bổng. Đẹp mà cũng có thể buồn vô tận.
Có thể nói, không gian hoa và bướm của Phạm Ngọc Dương chứa đầy những cảm xúc pha trộn, phảng phất những ẩn dụ đa chiều. 


Dưới bầu trời xanh

Bướm và Hoa-
Sắp đặt và trình diễn, 2001

Chắc chắn rằng Phạm Ngọc Dương rất yêu thích hoa và bướm, yêu thích thiên nhiên. Anh thường xuyên chọn hình tượng hoa và bướm làm ngôn ngữ biểu đạt và cũng là chất liệu chính cho các tác phẩm sắp đặt của mình. Dưới con mắt nghệ sĩ, hoa và bướm không chỉ quyến rũ bởi các sắc màu lung linh, rực rỡ, đa dạng, mà chúng còn có được vẻ đẹp mong manh tinh tế nhất mà tạo hoá ban cho. Thế nhưng, để đổi lấy vẻ đẹp ấy, dường như đời sống của hoa và bướm luôn ngắn ngủi, luôn nằm đâu đó giữa làn biên của sự sống và cái chết. Phải chăng đó là sự trả giá, hy sinh vì Cái Đẹp? Điều này gợi liên tưởng không ít đến sự hy sinh vì Nghệ thuật, và đặc biệt sự “chết đi” của người nghệ sĩ ở những giây phút thăng hoa sáng tạo?…
Và có lẽ cũng chỉ có người nghệ sĩ mới hiểu nổi tại sao Cái Đẹp luôn ẩn hiện chập chờn, mong manh và quyến rũ đến vậy ?
Trong triển lãm sắp đặt “Hoa và Bướm”, Phạm Ngọc Dương đã treo các bức tranh vẽ những hình người mang khuôn mặt hoa và bướm, hoá thân thành hoa và bướm. Có lúc, nghệ sĩ thực hiện trình diễn ngay trong không gian tác phẩm của mình. Anh vẽ thẳng lên cơ thể những hoa và bướm, rồi lặng lẽ hoà mình vào đời sống thiên nhiên ấy. 
Biểu tượng hoa và bướm trong tác phẩm của Phạm Ngọc Dương luôn gợi đến những ý niệm về thiên nhiên, về cái đẹp, về vòng luân hồi ngắn ngủi, về sự sống và cái chết tự nhiên của vạn vật. Và có thể nói, ý niệm này xuyên suốt các tác phẩm của nghệ sĩ.


Đen và Trắng- Sắp đặt và trình diễn, 2005

Làn ranh – 2004

Để xâu chuỗi ý tưởng của mình, táo bạo và cực đoan hơn, trong một tác phẩm sắp đặt có tên gọi “Dưới kính lúp” (2004, L’Espace Hà Nội), nghệ sĩ còn phóng to những con “sâu bọ” vốn chẳng đẹp đẽ gì, thường bị loài người xa lánh ghét bỏ, nhưng hẳn là một kiếp khác đồng đẳng của loài ong bướm. Anh để những “sâu bọ” này bò lổm ngổm, tràn đầy trong không gian triển lãm một cách khiêu khích. Tất cả như để thách thức mỹ cảm của người xem, thách thức thói quen thị giác và nhận thức thông thường của họ. Đồng thời hơn một lần gửi đến người xem thông điệp về sự tồn tại bình đẳng, hư huyễn, như nhau của vạn vật, vạn kiếp, trong thiên nhiên vũ trụ dưới con mắt nhà Phật.
“Dưới bầu trời xanh” (2004, Ryllega Hà Nội) có thể là một trong những tác phẩm sắp đặt xuất sắc nhất của Phạm Ngọc Dương. Nó gây ấn tượng mạnh bởi nghệ sĩ đề cập thẳng tới cái chết. Song là ý niệm về một cái chết tự nhiên, êm đềm, bình thản như trong giấc mơ. Một cái chết bay bổng, thăng hoa, lãng mạn, siêu thoát vào mây trời. Một cái chết đẹp ngang bằng với sự sống…

Bằng nghệ thuật sắp đặt, Phạm Ngọc Dương đã  tạo ra những không gian khiến người xem phải ngỡ ngàng, sững sờ…

Sinh 1976, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam 1998, Phạm Ngọc Dương là một trong những nghệ sĩ đương đại hoạt động triển lãm rất tích cực, sớm có định hướng cá nhân và bộc lộ khả năng đa dạng ở nhiều thể loại như: vẽ tranh, làm tượng, làm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. Phạm Ngọc Dương đã từng tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, nhiều lần triển lãm cá nhân. Thế giới nghệ thuật của Phạm Ngọc Dương luôn mang đến người xem những cái nhìn thẩm mỹ mới lạ, riêng biệt, thi vị, mang dấu ấn cá nhân xen lẫn yếu tố trang trí và sắc thái phương Đông nào đó, không quên truyền đến người xem những thông điệp về thiên nhiên, con người và triết lý sinh tồn của Đạo Phật.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)