Thế giới vô cùng, vạn vận giai không

Địa lý, môi trường từ thế kỷ 19 đổ về trước, khác hẳn so với địa lý môi trường ngày nay, khiến người ta khó có quan niệm đầy đủ về kiến trúc cổ. Rừng, đầm, hồ, sông ngòi nhiều, khí hậu nhiệt đới ẩm quay vòng thuận hòa làm cho người Việt thích sống trong những căn nhà thấp tối, ấm về mùa đông, mát về mùa hạn, tránh gió thẳng, và ưa dùng các vật liệu thiên nhiên có tính hút ẩm. Nhà sàn, nhà gỗ vì kèo, nhà trình tường, nhà gạch mộc, nhà vách đất, nhà tre đều đảm bảo yêu cầu môi sinh này. Vật liệu có thể thay đổi, giàu nghèo, sang hèn khác nhau, nhưng quy cách tổ chức không gian thống nhất gần như toàn dân tộc. ở đó các ý tưởng tôn giáo, tiêu chuẩn địa lý, nếp thẩm mỹ thống nhất hữu cơ với nhu cầu ăn ở.

Tính đến thế kỷ 18, Việt Nam có 11.800 làng xã, khác biệt nhau về tập tục, hương phong, nhưng thống nhất ở quy hoạch cư dân và canh tác lúa nước. Nhà sàn là tiền thân của ngôi nhà Việt, mái cao nhưng phủ thấp, sàn cao, thân nhà tưởng như thấp chỉ tầm người ngồi, nhưng nội thất lại khá cao rộng và điều hòa không khí thì dễ chịu vô cùng, làm cho con người vừa tách khỏi tự nhiên, vừa gần với tự nhiên một cách bản năng. áng sáng không rọi sâu vào lòng nhà theo cửa sổ quá một mét, nhưng mở hết các cửa sổ lại khá sáng. Mọi đồ đạc như gương, tủ, bàn ghế trở nên không cần thiết trong ngôi nhà sàn. Từ nhà sàn chuyển xuống nhà đất, chỉ còn lưu lại ở các ngôi đình làng, chủ yếu trong ba thế kỷ 16, 17, 18, nhưng phân khu chức năng đã rõ ràng. Mái đình cao vào dốc chiếm tới 2/3 chiều cao toàn bộ, sàn cao từ 70, 120 hoặc 150cm. Mái dốc, góc của mái khoảng 45 – 600 cho lưu lượng nước chảy nhanh trong điều kiện bốn mùa đều có mưa cả, điều này cho thấy những nhà mái bằng hiện nay là thất sách khi thường xuyên thấm dột. Nhiệt độ từ nắng nóng, tích nhiệt vào bộ mái, chuyển sang mưa và lạnh rất nhanh, dao động từ 20 – 250, làm vật liệu hỏng vỡ rất nhanh. Mái đình khắc phục bằng cách lợp ngói rất dày giữa hai lớp ngói, phết một lớp bùn, vừa làm kết dính, vừa ổn định nhiệt, và lòng đình rất mát. Khu vực trung tâm lòng thuyền để thoáng, trũng xuống và giật cấp cao lên dồn lên cửa võng, rồi đua vào hậu cung, sàn tỏa ra hai bên, hai bên chái lại thấp xuống, hạn chế mọi ánh nắng xuyên thẳng. Quy cách gian thờ trung tâm phổ biến cho mọi kiến trúc tôn giáo và dân sự. Nhà là ba gian, năm gian, hoặc ba gian hai chái, có nhà đến chín gian. Gian chính giữa bao giờ cũng là nơi thờ, nghèo thì bịch thóc bằng đất, rương gỗ, sang thì hương án, ngai gỗ, bài vị, cửa võng, hoành phi câu đối. Trước hương án đặt phản hoặc sập, đàn bà trẻ con không được ngồi ở đây, khách quý thì được, nhưng không được ngồi quay lưng vào ban thờ. Hai gian hai bên đều kê giường phản và bàn, trường kỷ. Hai chái làm thành hai buồng, cho vợ chồng chủ nhà, bố mẹ và kiêm luôn kho đựng. Tuy vậy sinh hoạt cá nhân luôn thận trọng, và thực chất chẳng có nơi nào là kín đáo cả. ở đây không có chỗ dành cho tình yêu hiện đại, cũng là một lý do để thanh niên nông thôn hiện tại không muốn sống trong những ngôi nhà truyền thống nữa. Từ ngưỡng cửa ra đến giọt gianh là hàng hiên khá rộng từ 120 – 150cm, sát giọt gianh được bưng lại bằng liếp, hoặc dại cửa, nên nội thất đã ít ánh sáng, lại càng tối, người ta có thể mở cửa sổ hậu trông ra vườn. Hiên rất sạch, là nơi chơi của trẻ em và đặt cối xay gạo. Bậu cửa nhà cổ khá cao, ngăn chó mèo, lợn gà, và rác, cũng như tạo chỗ ngồi chơi, tạo bước đi tôn kính khi đi lại trong nhà. Đồ đạc cũng vậy, cấu trúc đơn giản, chút ít hoa văn, tương đối khô khan, khuôn phép người dùng không ngả ngốn.
 


Kiến trúc đình, chùa

Nhà tre, nhà vách đất và nhà trình tường nói lên cái nghèo khó của người nông dân, nhưng chúng lại được xây dựng khá công phu, tỷ mỷ, không thiếu tính nghệ thuật. Đan dứng, trộn rơm với bùn, trát vách nhẵn phẳng, chuốt tre cẩn thận, vót đẹp từng con xỏ, đan liếp nong đôi nong ba, lợp cẩn thận từng lớp mái rạ, gianh, chồng kay đất cho khít… tất cả là những kỹ thuật được tổng kết lâu dài đem lại một công năng sinh hoạt không tồi. Do vật liệu đơn sơ, nhà tre và nhà trát vách khá sáng sủa, so với kiến trúc nói chung, về cả âm thanh trong nhà cũng như ngoài nhà không có gì khác biệt. Câu nói “nhà giột cả mưa lẫn nắng” chính xác cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khiến những người sống ở đó chỉ còn tìm cách “giấy rách phải giữ lấy lề”. Nhà trình tường nói chung rất tối với tường dày 50cm, nhưng nhiệt độ trong nhà rất ổn định, luôn khoảng 20 – 240C, và bền vững vô cùng, ngay trong tình trạng hoang phế. Khả năng cách âm cũng tốt. Xử lý nền đòi hỏi nhiều kỹ thuật sao cho mùa nồm không bị ẩm. Có thể lót bằng gạch mộc, nung không già quá, để có độ thẩm thấu. Hoặc dầm tro, vôi, đất lọc, mặt nền rất cứng, ổn định, không bao giờ bị ẩm. Những nguyên liệu này có thể không đẹp, không sạch theo quan niệm bây giờ, nhưng có lợi cho sức khỏe, cũng giống như mái ngói, vì kèo gỗ. Sống trong vật liệu tự nhiên, có sự thở tự nhiên, cơ thể con người khỏe mạnh hơn. ở đây bộ mái đóng vai trò điều chỉnh ánh sáng. Nơi nắng ít thì làm mái cao, nơi nắng nhiều như miền Trung, người ta làm mái sát gần tới thềm nhà, ra vào cửa đều phải cúi lom khom.

 
Kiến trúc nhà vườn

Phân bố không gian trong kiến trúc cổ có một lợi thế là dân số ít, đất đai rộng, nhà không cao tầng, mà dàn trải trên diện rộng, dù nghèo nhất cũng kết hợp nhà vườn. Vườn trước, vườn sau, cổng, ngõ, ao tự nhiên, hồ bán nguyệt, còn nhà lọt thỏm trong khuôn viên, vô cùng dễ điều chỉnh hướng. Trong khuôn viên này người ta chú trọng đến kinh tế tự nhiên trong gia đình, rau cỏ hoa quả và chăn nuôi gia súc, xay lúa, giã gạo, chăm tằm dệt vải… nghĩa là tự cung tự cấp hoàn toàn, vì về thực chất xã hội không phát triển kinh doanh, nông dân hầu như không có tiền, tất cả mọi thứ sinh ra từ nhà ta, cho ta dùng. Nhà – gia đình – làng – nước có một mối quan hệ khăng khít, người nông dân không trông mong gì vào sự trợ giúp của nhà nước, ngoài việc quốc gia thái bình, chính sách khoan dung.
Thiên nhiên luân hồi và đời người ngắn ngủi sinh ra cảm thức về cái vô nghĩa, dẫn đến những không gian trống rỗng, không sử dụng vào mục đích gì rõ rệt. Đặc biệt là các loại kiến trúc đình: giang đình, phương đình, viên đình, kiều đình, dịch đình, trạm đình, biên đình hoàn toàn là kiến trúc bỏ ngỏ cho người trú chân, đi chơi, lơ lửng ven sông, ven đường, vườn hoa, nơi thâm sơn cùng cốc. Nhà không có tường, mặt bằng vuông, chữ nhật, bát giác hoặc tròn, bốn bề chỉ là để hóng gió. Kiến trúc đền thờ cũng có nhiều không gian hư vô như vậy: cổng trụ, tường ngăn thấp, bình phong… phân cắt với những vườn cảnh tạo ra những không gian thay đổi, nhiều bề, nhiều hướng, có tính gia trưởng, còn khu vực sử dụng không có mấy (điển hình là Văn Miếu). Không gian hư vô đặc biệt hệ thống trong kiến trúc chùa (kiểu nội công ngoại quốc). Hệ thống này đương nhiên vẫn có trục xuyên tâm và phát triển các lớp ngang kiến trúc trên trục xuyên tâm gây cảm giác đi mãi, đi sâu không cùng, mở ra nhiều hướng làm cho ngôi chùa có vẻ lớn hơn thực thể của nó, không phân biệt trong ngoài là đâu, bắt đầu từ đâu và kết thúc từ đâu.

 
Kiến trúc nhà vườn

Văn Miếu, chùa Bút Tháp, chùa Keo (Thái Bình) là điển hình của kiến trúc trục, nhiều lớp không gian mở. Những công trình được phân bố với những khoảng cách khác nhau, chắc chắn có một thông số thống nhất với hệ thống điêu khắc và để sự quan sát có thể cảm nhận tác phẩm cá lẻ và ý nghĩa chung trong hệ thống. Không gian trống rỗng và đa hướng của Văn Miếu đã khu biệt trong Văn Miếu và ngoài đô thị hoàn hảo để đạt được cái tĩnh lặng giữa nơi ồn ĩ. Hàng loạt kiến trúc bỏ ngỏ: Tam quan – Đại trung môn – Khuê văn các – hồ nước – Đại Thắng môn và những cửa tò vò mở ra hai bên đi tỏa vào phía hàng bia tiến sỹ tạo thành ba con đường nhỏ xuyên toàn bộ khu vườn cảnh. Trọng tâm được nhấn, có độ cao là Khuê văn các cũng là lầu hóng gió hư vô. Xuất thế và nhập cuộc, danh lợi và hư ảo là điều cần tri ngộ trong quá trình tiến thân phải có xuất có xử, tri ngộ cái giới hạn trong cái vô cùng.
Phân khoảng trong chuỗi kiến trúc này có thưa có dày không đều đặn, nhưng mang tính liên tục, rồi dồn lên ở những đỉnh cao (như gác chuông và tháp). Trong nội thất, hành lang được mở thông với tiền đường và hậu đường, các nhà khác trong nội chùa mở các cửa ngách thông ra tất cả các lối ngang, còn phía chính diện trên trục đăng đối thường dùng cửa bức bàn (có tính chất giới hạn giả tưởng, nửa kín nửa hở). Giữa hai nếp nhà (theo kiểu trùng thiềm điệp ốc), hai giọt gianh của hai mái gần khít với nhau, đôi khi chênh về độ cao, để mở ánh sáng vào trong, tạo ra khoảng không gian nghỉ – một kiểu vườn cảnh. Chiều cao mở rộng trong tiền đường với những tượng lớn, thu hẹp ở chính điện do ban thờ Phật dày đặc tượng kéo lên sát mái. Phép kích thích thị giác sân khấu được vận dụng. Cái gì ở gần phóng thật to (tượng Hộ pháp), cái gì ở xa thu thật nhỏ (tượng Tam thế), làm cho không gian hẹp có vẻ sâu rộng hơn.
 
Hệ thống điêu khắc làm thay đổi hoàn toàn không gian trong chùa, khiến cho không thể quan niệm một thiền viện mà không có tượng Phật. Không gian bên trong là không gian của điêu khắc, cho điêu khắc và sinh ra bởi điêu khắc. Các tượng Phật dù cá lẻ hay trong tập hợp có chung một xu hướng ngôn ngữ, hoặc vài loại bút pháp nhưng định hướng chung với ý nghĩa lớn của toàn bộ hệ thống. Kích thước cao thấp, to nhỏ, tượng đứng hay ngồi, trên bệ thờ cao thấp ngắm nhìn đâu cũng thấy hết hệ thống, cũng như thấy từng cá thể. ánh sáng là yếu tố quan trọng trong hệ thống này. ở những nơi ít tượng, nhiều ánh sáng, không gian rộng bề mặt tượng được làm nhiều chi tiết (Hộ pháp, Kim cương). ở nơi nhiều tượng, ít ánh sáng, không gian chật, ngôn ngữ tượng trở nên đơn giản, bề mặt thoáng, khối lớn, thần thái được tô vẽ sao cho toát lên cái tĩnh lặng, thiêng liêng. Tất cả đều được sơn thếp vàng son. Các hòa sắc đen, vàng, son và nâu gỗ mộc là màu chủ đạo. ánh sáng nội thất cũng mang màu sắc này. Trong hương khói, trong tiếng mõ gõ đều, trong tiếng cầu kinh, ánh sáng Thiền hòa nhập Phật tử và Phật tượng là một, thống nhất cái cá thể hữu hạn trong cái thời gian vô cùng, vô hạn. Việc tạo những nội thất tối, chỉ có ánh sáng vàng son phản quang từ đồ thờ và tượng Phật không chỉ định hướng bởi ý tưởng tôn giáo, mà còn phù hợp với tính chất kỹ thuật sơn thếp trong điêu khắc cổ, sơn ta khô và bền trong khí hậu khô và nóng. Ngôi chùa là nơi di dưỡng cả tinh thần lẫn thể chất con người, do đó nó được tính toán cẩn thận, phía ngoài và tổng thể phù hợp với phong thủy, ngoảnh về hướng Đông Nam, có núi án núi chầu, có tả long hữu hổ, có sông tụ thủy trước mặt. Trong thì đủ các yếu tố âm dương, ngũ hành, có núi, có nước, có rỗng có đặc, có kim khí, cây cỏ, đồ gỗ, hương nhang, giếng nước, hồ nhân tạo, đất đai, đá, gốm – tức là đủ ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), những thành phần cấu tạo nên thế giới, hỗ trợ cho tâm, can, tỳ, phế, thận trong con người. Về mọi mặt ngôi chùa là toàn thiện, dưỡng sinh, định thần, gây niềm hoan lạc trong bể dâu chìm nổi. Khi tụng kinh, tọa Thiền, người ta có những giây phút nhất định đạt đến sự trống rỗng và điểm sâu nhất của tinh thần sẽ hòa tan cái cá nhân vào vũ trụ, nối liền cái thân thể của mình với vật chất xung quanh, hay nói một cách dân dã hơn là có thể lấy năng lượng của vật chất xung quanh hỗ trợ cho vật chất trong cơ thể mình, nhưng ý nghĩa lớn là hiểu mình để hiểu thế giới.
Yếu tố hư vô trống rỗng được nhấn mạnh thành đặc trưng không gian và ánh sáng trong chùa. Chữ hư vô, trống rỗng là một cách tạm hiểu không chính xác khái niệm “không”. “Không” vừa là tất cả, vừa không là gì cả, là hiện hữu nhất thời và tuyệt đối không hiện hữu. Khái niệm này về căn bản không để giải thích, không để hiểu, mà chỉ cảm nhận. Ví dụ một bàn tay Phật, ngón cái và ngón giữa co lại thành vòng tròn, ba ngón kia xòe ra. Đây là từ “không” sinh ra thiên – địa –  nhân. Một cửa sổ khi cưa chấn song, người ra nhặt phần bỏ đi làm chấn song, ghép lại với nhau, thì khoảng rỗng sẽ có hình chấn song. Đây chính “không” là “sắc”, “sắc” là “không” vậy. ánh sáng nhìn từ trong nhà ra ngoài là một trong những cảm quan quan trọng. Từ nội thất nhìn ra ngoài vườn, qua cửa tò vò trong thì tối, ngoài thì sáng, sao cho cắt cảnh hiện lên như một bức tranh. Nhìn những song cửa tròn và vuông, nửa sáng nửa tối cảm thức được cái không cái có luân chuyển trong cuộc sống. Bản thân cuộc sống cũng chỉ là ảo ảnh, mà Nguyễn Du gọi là “Kiếp phù sinh như hình bào ảnh (cái bong bóng nước). Của phù sinh có có không không”. Mọi phân bố không gian khác, rộng hẹp, nông sâu, cao thấp cũng không ngoài ý nghĩa này, một ý nghĩa triết lý về tồn tại, nhiều hơn sự sùng bái tôn giáo. Tam quan trống rỗng với Không quan, Trung quan và Giả quan, ta đi vào và đi ra, trong hay ngoài cũng vậy. Gác chuông hai tầng, tám mái hứng gió bốn mùa, gõ một tiếng chuông tạo ra âm thanh, âm thanh chính là cái có rồi quay trở về cái không. Tiền đường trống rỗng, hành lang trống rỗng. Các cửa mở đóng khoan nhặt đi đâu cũng đẹp, cũng phong phú, nhưng đi đâu cũng là hư tịch cả.
Khác với nhà hát và nhà thờ cấu tạo như một hộp âm, kiến trúc chùa do quá nhiều khoảng trống, không có khả năng tạo hộp âm như vậy. Nhưng nó chú trọng đến tính phối hợp âm với năm thanh kim – mộc – thủy – hỏa – thổ do bài trí đồ tế tự theo ngũ hành. Khi đọc bài cúng cháo (rằm tháng 7) chẳng hạn, người ta sử dụng 5 người đọc 5 giọng, mỗi người một câu. Ngũ âm do 8 nhạc khí hình thành, phối hợp với nhau là đủ một buổi hành lễ không quá lớn. ở Phủ Giày, khi nhiều giá lên đồng được tiến hành cùng một lúc, vào từng khu vực nghe vẫn rõ, do cách dùng đồ thờ, đồ mã và dàn người quây quanh tạo ra các phân khu âm thanh riêng biệt. Địa lý phong thủy, triết học âm dương, ngũ hành là nền tảng khoa học của kiến trúc cổ, nó không được biểu hiện bằng bất kỳ hình thức đo lường nào, mà bằng sự tuân thủ theo hệ thống đặt con người vào trong tự nhiên, như hòa giọt nước vào biển cả, giọt nước sẽ là vĩnh viễn.

Phan Cẩm Thượng

Tác giả