Thế hệ và thời đại ông sống

Trong cuốn “Từ những mái nhà tranh cổ truyền”, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện viết: “Trên đất nước chúng ta, dường như cứ trăng mọc thì gió lên, hễ trăng thanh thì gió mát. Làm gió và ánh trăng mang đến cho con người cái mát rượi từ cơ thể vào tâm hồn, cái mát rượi của một niềm hạnh phúc không tốn tiền mua”.

Viết mà như nói. Nói mà như mở lòng. Chữ, say mà không rượu. Tâm, thiền mà chưa nhập. Phảng phất một chút Lão Tử, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Ba-xu-ô, Nguyễn Du… Nói về cái siêu phàm mà nhờ cậy vào trăng vào gió.
Viết “Từ những mái nhà tranh cổ truyền” ở chiều tà cuộc đời, cụ Nguyễn Cao Luyện dường như xếp sang bên gánh nặng sự đời, bộn bề kiến thức, nới thả mình theo dòng cảm thụ và biểu đạt, áp cận thiền kiến trúc.
Thế nhưng, cuộc đời Cụ và thế hệ Cụ đâu chỉ có trăng thanh gió mát, đâu phải bao giờ hễ trăng mọc là gió lên.


Nghệ thuật sắp đặt tại Bảo tàng cổ vật của KTS Nguyễn Cao Luyện

Các kiến trúc sư đầu tiên của nền kiến trúc Việt Nam đương đại xuất thân từ gia đình những ông đồ và chủ hiệu. Họ trưởng thành ở thời nước mất, gió văn minh Âu Châu tràn tới. Vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học làm kiến trúc sư, nghề mới lạ. Ra trường, phụ các đồng nghiệp Tây. Dần dà, mở văn phòng tư. Chưa giàu, nhưng phong lưu. Khởi nghĩa, nền độc lập mở toang chân trời. Kháng chiến bùng nổ tức thì. Không do dự, lên ngàn. 8-9 năm nơi rừng thiêng nước độc, cơm độn- thiếu muối- thừa măng- ký ninh triền miên. Cách thủ đô 70-80 km mà không nao núng. Những đợt chỉnh huấn, kiểm điểm, công nông hóa. Dép cao su, áo đại cán cài đến cái cúc cuối cùng. Trở về thủ đô sau đoàn quân chiến thắng, việc kiến thiết bời bời. Những cuộc cải tại xã hội liên tiếp. Lớp trí thức thời Tây- tiểu tư sản- người kháng chiến, bước tiếp con đường cán bộ. Số ít trong họ trở lại với nghề. Đa phần được giao xây dựng và quản lý ngành thiết kế kiến trúc.
Nghĩ về lớp trí thức tiểu tư sản học trường Tây, dành nửa già cuộc đời theo cách mạng, xuất hiện câu hỏi: Cái gì đã thôi thúc họ nhất loạt theo kháng chiến? Được những gì mà họ chấp nhận chịu đựng và hy sinh, vượt mọi tính toán, như vậy?
Tôi đồ rằng, chính cái nỗi nhục mất nước, chính bản Tuyên ngôn Độc lập và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến,- hai áng văn chính trị hào khí nhất của dân tộc ta ở thế kỷ XX, giục giã họ, trai nước Nam, lên đàng. Và tôi cũng đồ rằng, chính cái nhìn cháy sáng bởi một Niềm tin trên khuôn mặt hốc hác của vị Cha già thời khởi nghĩa, đã cuốn hút họ dấn thân. Tôi nghĩ vậy, bởi chính cha tôi, suốt đời chỉ treo và ngắm độc một bức chân dung Tinh thần ấy. Sau này tôi mới vỡ lẽ, vì sao.
Các thế hệ nay và mai sẽ hỏi: Các kiến trúc sư thế hệ đầu để lại những công trình kiến trúc nào? Là kiến trúc sư, hẳn phải kiến tạo. Vâng, họ để lại không nhiều. Hoàn cảnh lịch sử bó tay họ. 8-9  năm chống Pháp, vẽ những nếp nhà tre nứa lá, làm mọi việc kháng chiến cần. 10 năm hòa bình, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng ít. 10 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Vài năm sau thống nhất, khó khăn vô vàn. Đến lúc nghỉ hưu.
Muốn xây dựng, phải có tiền của, có bình yên. Cả hai thứ ấy xa hoa đối với thế hệ kiến trúc sư đầu.
Tuy nhiên, xin được trân trọng kể ra những đóng góp, những công lao của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, của thế hệ kiến trúc sư đầu tiên. Đó là:
– Góp phần du nhập và thúc đẩy nền kiến trúc dựa vào bản vẽ, có thiết kế, ở giai đoạn nền kiến trúc Việt Nam đương đại hội nhập quốc tế lần thứ nhất.
– Đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ- kháng chiến, những người tham gia vào công cuộc xây dựng đất nước ở những năm tháng nhọc nhằn nhất. Họ đã là công dân ở những thời khắc đòi hỏi làm công dân hơn làm kiến trức sư. Một số ít trong họ, không nhập cuộc, ở những hoàn cảnh đặc biệt, vẫn tận tụy với kiến trúc, vẫn nặng lòng với quê hương.
– Đóng góp nổi trội của thế hệ kiến trúc sư đầu chính là tạo dựng hệ thống các tổ chức làm công tác thiết kế kiến trúc, quy trình và kỹ thuật thiết kế công trình, đào tạo các người vẽ  kiến trúc, và, đặc biệt, những kiến trúc sư thuộc thế hệ thứ hai ở trong nước.
– Họ để lại không nhiều tác phẩm xây dựng: Các tòa nhà và biệt thự ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Lạt, các công trình xây dựng những năm 60 thế kỷ trước, như Bảo tàng Việt Bắc, trường Nguyễn Ái Quốc, trường Đại học Thủy Lợi, trụ sở Tổng cục Thống kê, trụ sở UBND tỉnh Nghĩa Lộ, Hội trường Ba Đình… Đầu tư tối thiểu, vật liệu nghèo nàn, song kiến trúc tiện lợi, chân phương và đẹp giản dị. Chúng mang dấu ấn của sự tìm tòi hướng đi.
– Các kiến trúc sư như Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Cao Luyện, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Ngọc Ngoạn… để lại những bài viết và những cuốn sách. Đọc, nhận rõ sự trăn trở về con đường phát triển, về bản sắc dân tộc mà nền kiến trúc nước nhà phải có.
Sống đến hôm nay, chắc các cụ sẽ toại nguyện khi thấy, cuối cùng, đã hội tụ hầu đủ kiều kiện cho việc sáng tạo nghệ thuật kiến trúc. Những người kế tiếp họ nhận rõ bổn phận xã hội của mình, tiếp cận và làm chủ phương tiện vật chất và ngôn ngữ biểu đạt mới, đang gồng mình đưa kiến trúc tiến gần hơn tới những chuẩn mực của nhân loại. Và, hẳn các cụ không khỏi kinh ngạc bởi sự tràn lan những kiểu cách kiến trúc cổ lỗ sĩ, sao chép và biến tấu các phong cách Âu Châu cách nay vài thế kỷ. Ngay ở thời các cụ, 70-80 năm trước, những kiểu cách ấy bị coi là lỗi thời.
Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện từng là người đứng đầu lâu năm về kiến trúc của một Bộ đảm trách việc xây dựng, từng là người góp phần quan trọng trong việc xây dựng ngành thiết kế kiến trúc, người tạo dựng lò đào tạo kiến trúc sư đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Hai cuốn sách “Chùa Tây Phương- một công trình kiến trúc cổ độc đáo” và “Từ những mái nhà tranh cổ truyền”, là những gì Cụ còn có thể làm được ở tuổi 70-80. Viết thay cho vẽ, gửi những thông điệp cho các thế hệ kiến trúc sư nối tiếp. Thế hệ cụ Nguyễn Cao Luyện thật kỳ lạ. Được học ít, đi lại không nhiều, mà sao lại thâm túy, lại đa tài đến thế. Thiết kế, vẽ, viết, làm thơ, làm chính khách… Họ là những người đích thực sinh ra để làm kiến trúc, nhưng họ không gặp thời. Chưa sáng tạo được nhiều những công trình thị sở, song họ đã đem đời mình biến thành những viên gạch xây tòa nhà kỳ vĩ- nền độc lập và tự chủ của dân tộc.
… Trước khi ra đi không lâu, cha tôi nói: “Bố không có gì để lại cho các con, chỉ để lại cái giấy giới thiệu”. Tôi hiểu, cụ ám chỉ cái danh. Cái danh của kẻ sĩ phu Bắc Hà. Cái danh của những trí thức đất Việt. Phấn đấu, gắng gượng, cống hiến và hy sinh, để có và để giữ lấy cái Danh. Ngoài cái danh, hầu như chẳng có của nải gì.
20 năm, từ độ cụ Nguyễn Cao Luyện ra đi, đất nước đổi thay đến chóng mặt. Nếu trở lại với đời một khoảng khắc thôi, chắc hẳn Cụ sẽ vui: Nhiều thứ đã có, nhiều cái đã xây.
Thời thịnh chưa hẳn đã sản sinh tuyệt tác văn chương. Thời thịnh thuận cho những tuyệt tác kiến trúc. Nhìn thời thế, vận kiến trúc đã đến.
Cụ Nguyễn Cao Luyện hoài niệm về nếp nhà tranh đón trăng mọc gió lên. Thế hệ chúng ta hoài bão về ngôi nhà Việt thời mới, mở toang cửa, đón cuộc hẹn  hè giữa Gió và Trăng.
Người Việt mình vẫn thế.

KTS Hoàng Đạo Kính

Tác giả