“The Worst Person in The World”: Ta có thể nào hạnh phúc được không?

Có lẽ mọi thành phố trên đời này đều muốn được như Oslo, thành phố giàu có, thành phố hòa bình, thành phố xanh, thành phố khỏe, thành phố của rừng. Trong di chúc của mình, Alfred Nobel muốn giải thưởng mang tên ông được trao ở Thụy Điển, nhưng riêng giải Nobel Hòa bình sẽ trao ở Na Uy. Tại sao là Na Uy? Tại sao là Oslo? “Không ai biết chắc tại sao...”, viết trong một bài của chính ủy ban Nobel. Họ chỉ đưa ra “những phỏng đoán có trình độ “ rằng bởi Na Uy tự do hơn, yêu hòa bình hơn.

Julie khi mới xuất hiện tưởng như chắc chắn sẽ hạnh phúc khi mà cô dường như đã sống đúng theo những công thức hạnh phúc truyền miệng.

Nói tóm lại, Oslo có lẽ là nơi hạnh phúc nhất thế giới, nơi đáng sống nhất thế giới. Vậy thì những con người sống ở chốn hạnh phúc ấy có điều gì làm họ không hạnh phúc không? Và nếu như những con người có đủ mọi điều kiện hạnh phúc ấy mà còn không hạnh phúc được, thì liệu con người có nên đặt canh bạc vào hạnh phúc?

Cũng thật kỳ lạ khi mà chính xứ Bắc Âu của ông già Noel, của sự thịnh vượng không nơi đâu sánh nổi, lại cũng là nơi người ta tự vấn về bản chất hạnh phúc nhiều hơn bao giờ hết. Ông trăm tuổi thay vì an phận với tuổi già và cái chết thì trèo qua cửa sổ và biến mất. Ông già mang tên Ove của Fredrik Backman tìm đủ ba sáu kế tự sát mà không tự sát nổi. Những kẻ âu lo cũng của Fredrik Backman bất chợt bị bắt làm con tin, nhưng họ dường như chẳng sợ hãi gì cái khẩu súng đang treo lơ lửng trước mặt mình, họ chỉ mải cãi nhau về pizza hawaii có dứa hay không có dứa, về giá thuê nhà, về thế nào là tình yêu và người ta đã bắt đầu yêu từ bao giờ. Những ông thầy giáo trong Another round của đạo diễn Thomas Vintenberg thì thử nghiệm uống cồn để đi tìm hạnh phúc như trong lời vị triết gia hiện sinh Soren Kierkegaard.

Oslo trilogy, bộ ba phim về thành phố Oslo của nhà làm phim Joachim Trier, cũng là một khảo sát về giới hạn của những đòi hỏi về hạnh phúc. Trong Reprise, tác phẩm đầu tay của Trier và cũng là tác phẩm mở đầu trilogy này, một chàng nhà văn trẻ tuổi tiếng tăm đã đau khổ suy sụp chỉ vì tự cảm thấy những gì mình viết chả qua là xào xáo lại của một nhà văn danh tiếng mà anh mê say thời nhỏ. Tất nhiên anh cũng khốn khổ vì một cuộc tình chớp nhoáng. Còn trong The Worst Person of the World, nhân vật chính Julie khi mới xuất hiện tưởng như chắc chắn sẽ hạnh phúc khi mà cô dường như đã sống đúng theo những công thức hạnh phúc truyền miệng, kiểu như hãy-theo-đuổi-ước-mơ, đời-sống-chỉ-một-lần, hãy-thực-sự-sống-vì-mình.

Nói cho cùng, người ta chỉ biết đâu là hạnh phúc đích thực khi đã nếm trải đủ mọi loại hạnh phúc và na ná hạnh phúc trên cõi đời này. Ai dám nói triết lý này không đúng?

Khi mới xuất hiện, cô là một sinh viên y khoa. Chưa đầy hai phút sau, cô đã bày tỏ ham muốn theo đuổi ngành tâm lý. Mẹ ủng hộ cô tuyệt đối, sao cũng được, miễn cô hạnh phúc. Liền đó một phút, xem được một vài hình ảnh được úm ba la xì bùa bằng filter của instagram, cô lại chợt nhận ra, à không, đam mê của cô là theo ngành nhiếp ảnh cơ! Một lần nữa, mẹ cô lại vui vẻ chấp nhận.

Julie. Nàng Athena hiện đại làm chủ cuộc chơi. Cô chẳng cần phải thù hận sục sôi như cô dâu trong Kill Bill, chẳng cần quái dị khác người như Phi của Trùng Khánh Sâm Lâm, càng không cần là một femma fatal như Miêu Nữ. Cô chỉ đơn giản là một người phụ nữ bình thường hiểu về việc làm phụ nữ trong thời đại hậu Beauvoir, hậu Betty Friedan, hậu Irrigaray là như thế nào – chí ít là có vẻ như cô hiểu. Dù sao thì cô đã viết hẳn cả một bài luận tuyệt vời về việc liệu một người phụ nữ có thể vừa là một nhà nữ quyền, lại vừa thích khẩu giao hay không.

Julie yêu Aksel, một hoạ sĩ viết truyện tranh nổi tiếng. Khi cảm thấy cuộc tình này biến mình thành “khán giả của chính đời mình”, và quan trọng hơn là khi cô đã trót yêu người khác, cô không “settle down for less” – xin dùng một cụm từ mà ngày nào tôi cũng thấy xuất hiện mười lần trên những trang cổ vũ sống tích cực trên instagram, đại khái nghĩa là, đừng chấp nhận những gì ít hơn điều bạn xứng đáng được nhận. Cảnh thú vị nhất của bộ phim này là khi cả thành phố ngưng đọng – mọi chiếc xe, mọi người đang qua đường, mọi cặp đôi hôn nhau – và một mình Julie chạy ra khỏi nhà, vượt qua một quãng đường dài để đến quán cafe Elvind nơi chàng trai cô cảm nắng đang ở đó. Anh không bị ngưng đọng, anh vẫn đang chuyển động như cô. Thế giới dừng lại chỉ còn hai ta là cảm giác như vậy đấy. Và hình ảnh Julie với gương mặt phấn chấn hồ hởi chạy trở về nhà, lúc này đinh ninh đã biết rằng mình đang yêu ai, là hình ảnh chỉ có tình yêu mới tạo nên được, hình ảnh đỉnh cao của một người đang yêu. Cảnh ấy cũng có một chút hài hước, nhất là khi ta hồi tưởng về nó:  trời ạ, tình yêu, muôn đời tình yêu làm ta tưởng như đây chính là hạnh phúc đích thực cuối cùng. Cô gặp lại Aksel, nói với anh rằng cô muốn chia tay.

The Worst Person in the World không bị cuốn vào vòng xoáy lâm li, nghĩa tình, nó là một bộ phim tỉnh táo, lạnh như thời tiết Bắc Âu, song càng về cuối càng đủ ấm như đi giữa Oslo mà được đeo găng tay lông cừu.

“Nhưng biết đâu sẽ có ngày mình về với nhau”, sau đó cô sẽ nói thêm câu ấy, chẳng phải vì muốn an ủi Aksel, mà vì cô thật sự tin thế, hoặc đã dự cảm được rằng đó là một lỗi lầm, nhưng là lỗi lầm không thể không mắc. Nói cho cùng, người ta chỉ biết đâu là hạnh phúc đích thực khi đã nếm trải đủ mọi loại hạnh phúc và na ná hạnh phúc trên cõi đời này. Ai dám nói triết lý này không đúng?

Triết lý này đúng. Chỉ là triết lý và cuộc đời rất thích hợp sức trêu ngươi con người. Vào lúc cô vừa mang thai với Elvind thì cô nghe tin Aksel sắp chết. Motif này cũng không mới, phải nói là từ hai mươi năm trước tôi đã xem trên VTV một bộ phim truyền hình Hàn Quốc có nội dung tương tự: người đàn ông đã có gia đình trót yêu người khác, đúng lúc vợ anh mắc bệnh ung thư dạ dày. Cái khác là The Worst Person in the World không bị cuốn vào vòng xoáy lâm li, nghĩa tình, nó là một bộ phim tỉnh táo, lạnh như thời tiết Bắc Âu, song càng về cuối càng đủ ấm như đi giữa Oslo mà được đeo găng tay lông cừu.

Biết chuyện Aksel sắp chết, Julie đến tâm sự với Aksel. Ngược lại, cô gây sự với Elvind. Vậy thì cô yêu ai nhiều hơn? Câu hỏi này vô lý quá vì nếu biết mình yêu ai thì ta đã hạnh phúc rồi. Nên tôi thu hẹp câu hỏi lại, rằng giờ đây cô còn yêu Aksel không, hay chỉ còn tình thương dành cho anh, tình thương mà như Đoàn Minh Phượng viết thật hay rằng “thương tức là yêu nhưng không vì dục vọng, không phải để hạnh phúc mà để ngậm ngùi”. Đôi khi nỗi buồn của người khác làm ta thấy có tội khi mình đương hạnh phúc, hạnh phúc nặng nề quá ta không mang theo nổi, ta tự trừng phạt mình vì đã được yên vui. Thật dễ để nghĩ rằng, phải, ta là kẻ tồi tệ nhất thế gian này.

Không thể tránh khỏi va chạm và gây ra mất mát, nếu không phải với chính mình thì là với một ai đó ta đã từng yêu. Nhưng nếu đã là vậy, con người có thể nào thực sự hạnh phúc được không, một hạnh phúc trọn vẹn không phải lấy bất cứ sự an ổn của ai khác làm vật tế? Hay cách duy nhất để hạnh phúc là nghĩ khác đi về hạnh phúc? Lẽ nào, hạnh phúc không phải là không hối hận, mà là sống trong sự giảng hòa với niềm hối hận là bạn đời, niềm tiếc nuối là hàng xóm, và nỗi bùi ngùi là chú mèo mỗi ngày dụi chân ta?

Nhớ hai mươi năm trước, khi Tâm trạng khi yêu ra đời, tôi từng cho rằng Châu Mộ Văn hẳn đã nghĩ giá như anh không do dự trong tình yêu thì biết đâu anh đã hạnh phúc. Thế mà, giờ đây, xem bộ phim này, tôi lại nghĩ với Julie, hẳn có một giây phút nào đó cô đã ngỡ như nếu cô do dự một chút khi đến với Elvind, có lẽ cô đã hạnh phúc hơn, Elvind đã hạnh phúc hơn, Aksel đã hạnh phúc hơn, người bạn gái cũ của Elvind cũng đã hạnh phúc hơn. Tất cả đều đã hạnh phúc hơn. Chỉ là, cuộc sống không vận hành theo cách đó, ai cũng phải một lần thấy mình là người tồi tệ. Bí ẩn của hạnh phúc là ta không bao giờ biết mình có thể hạnh phúc hơn nữa hay không. Do dự hay không do dự thì vào một thời điểm nào đó trong tương lai, ta cũng ước sao mình đã không làm vậy, sau rốt, ta cứ phải dò dẫm trên những gai xương rồng nhọn hoắt của con đường ăn năn để tự dàn hòa với chính mình.

Trong Luận văn logic triết học, triết gia Wittgenstein – người mà Joachim Trier rất hay trích dẫn trong những bộ phim của anh – đã viết rằng: “Die Welt des Glücklichen ist eine andere als die des Unglücklichen” – Thế giới của một người hạnh phúc là một thế giới khác so với thế giới của một người không hạnh phúc. Nhưng, chắc gì. Biết đâu, không hạnh phúc chỉ là thì quá khứ của hạnh phúc, và ngược lại.□

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)