Thêm bằng chứng về nữ võ sĩ giác đấu

Phân tích mới về một bức tượng trong một bảo tàng của Đức làm gia tăng bằng chứng cho thấy phụ nữ La Mã trực tiếp tham dự vào những cuộc quyết đấu sinh tử.

Bức tượng đồng là một trong hai di vật làm bằng chứng về các nữ võ sĩ giác đấu, theo sử gia Alfonso Manas, từ Đại học Granada của Tây Ban Nha. Tác phẩm nghệ thuật này có tuổi thọ khoảng 2000 năm, hiện được đặt trong Bảo tàng für Kunst und Gewerbein ở Hamburg, thể hiện một người phụ nữ ngực trần, tay trái vung cao một dụng cụ giống cái liềm.

Manas tin rằng người phụ nữ này đang cầm một sica, một dạng gươm cong ngắn, gắn liền với một loại võ sĩ giác đấu có tên gọi là thraex, hay Thracian. Các thraex thường chiến đấu với mũ sắt gắn lông vũ, khiên nhỏ, và giáp kim loại bảo vệ chân. Lưng của họ thường để trần, là nơi xung yếu, mục tiêu để sica tấn công vào.

Các chuyên gia trước đây cho rằng vật hình lưỡi liềm này là strigil mà người La Mã dùng để cạo sạch cơ thể. Nhưng tư thế đứng của người phụ nữ cho thấy cách giải thích này không hợp lý, Manas nói.

Thế đứng chiến thắng?

Nếu cô ta đang làm sạch người mình, “thì tư thế cô ta giơ cao dụng cụ trong khi nhìn xuống mặt đất thật không hợp lý”, Manas phân tích.

Bên cạnh đó, “cô ta còn đang mặc một mảnh vải che bộ phận sinh dục”, ông nói thêm. “Nếu đang làm sạch mình, cô ta đáng nhẽ phải hoàn toàn ở trần”.

Nhân vật trong tác phẩm đang nhìn xuống, tay giơ cao – “một cử chỉ bày tỏ thông thường sau chiến thắng của võ sĩ giác đấu” ở các tác phẩm nghệ thuật La Mã – cho thấy đây là một võ sĩ giác đấu đang nhìn xuống đối thủ bị đánh bại, theo Manas đánh giá.

Cử chỉ này cũng lý giải vì sao nhân vật không đeo mũ sắt hoặc khiên bảo vệ. Khi cuộc đấu kết thúc, “họ bỏ mũ sắt xuống để khán giả nhìn thấy được mặt người võ sĩ chiến thắng”, Manas cho biết. “Họ cũng ném khiên xuống đất”.

Việc các võ sĩ giác đấu để ngực trần cũng là điều phổ biến. “Một trong những quy định của các cuộc giác đấu là người tham gia để ngực trần, dù là phụ nữ hay đàn ông”, Manas giải thích. Việc đa số khán giả các cuộc đấu là đàn ông, có lẽ là một lý do khác khiến các nữ võ sĩ giác đấu để ngực trần. Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí International Journal of the History of Sport, Manas viết: “chắc chắn bề ngoài [chẳng hạn như cách ăn mặc] của các nữ võ sĩ giác đấu tạo ấn tượng gợi cảm cho khán giả.”

Tác phẩm duy nhất thứ hai được biết đến có hình nữ võ sĩ giác đấu, được tạo ra từ thế kỷ thứ 1 hoặc thứ 2 sau CN, tìm thấy ở một di tích La Mã tại Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ (nay được bày trong Bảo tàng Anh.

Theo sử gia Suetonius từ thế kỷ thứ nhất sau CN, hoàng đế Domitian cho tổ chức những cuộc đấu giữa phụ nữ với nhau, diễn ra dưới ánh đuốc buổi tối. Vào thế kỷ thứ 2 sau CN, một hoàng đế khác là Septimius Severus, nghiêm cấm các cuộc đấu có phụ nữ.

Manas cho rằng nguồn gốc bức tượng được bày ở bảo tàng Hamburg là chưa rõ, nhưng “phong cách nghệ thuật thuộc về bán đảo Ý thời thế kỷ thứ nhất trước CN”.

TS dịch

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)