Thì Trân

Chú bé đi một đoạn thì giả vờ dừng lại, lòng hoang mang ghê lắm, cứ sợ ai đó bắt gặp. Chiếc vỏ lon sữa bò vẫn trống không trên tay. Mà thật ra chú bé có định đi bắt dế đâu.

Chiều sắp tắt trên lũy tre xóm đạo, chỉ còn một ráng đỏ màu mỡ gà làm sáng lên tháp chuông cao buồn bã. Gió Nồm thổi từng đợt từ phía đông, như có những gợn sóng xanh chạy qua đồng lúa đang thì con gái.
Chú bé đi xuống khe nước, mùa xuân nước trong vắt chảy chầm chậm trên lạch cát. Hai con cá lia thia chạy sóng đôi. Bằng kinh nghiệm, chú bé lội xuống khe, giậm chân cho cát sủi lên, một trong hai con mất phương hướng bị chú tóm được, con còn lại chạy trốn vào dề cỏ. Chú bỏ con cá nhỏ như hạt quả vào lon nước. Tội nghiệp đôi bạn cá, từ nay chúng lẻ bạn. Nghĩ thế, chú lại thả cá xuống khe, con cá  mừng rỡ, hoảng hốt chạy đi tìm bạn.
Ngược lên đê, chú bé ngồi xuống nhìn lung về hướng đông. Lạ thật, giờ này Trân vẫn chưa về, chú ngẫm ngợi. Thường tầm này Trân đã về rồi: Bắt đầu là một chấm trắng, rồi lớn dần, lớn dần. Rồi vạt áo dài bay chới với, nếu trời còn sớm chú có thể thấy cả tóc Trân bay bay, chiếc nón lá úp trước ngực, trong đó là cặp đựng sách vở. Đôi lúc chú còn nghe văng vẳng tiếng hát của Trân, vừa nhảy chân sáo vừa hát: “Thằng Cuội yêu chị Hằng Nga, nói dối ông già lên thăm mặt Trăng… ối tang tình tang…”.
Trời nhập nhoạng tối. Tha thủi đi dọc bờ đê, nước mắt lành lạnh trên má, chú khóc tức tưởi như con nít. Mà chú đã lớn được mấy đâu.
Chú bé chạy lúp xúp về nhà, tỏ ra như không có chuyện gì. Ăn vội miếng cơm đắng nghẹn xong, chú lên giường trùm mền như ngủ. Chú nhớ bài vở. Nhưng học cái gì đây, để làm gì. Chú đã bị đuổi học hơn tuần nay. Từ cái ngày oan nghiệt đó, mỗi chiều chú bé ra bờ đê giả vờ bắt dế để được nhìn Trân ngang cánh đồng về xóm đạo. Đêm về mộng thấy khi lên thiên đàng với Trân, khi xuống hỏa ngục với quỷ.
                                         
***
Tà áo dài trắng đầu tiên tôi thấy “con nít” mặc vào năm học lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ), quê tôi thời đó chỉ những chị, những mẹ lớn tuổi mới mặc áo dài. Cha xứ mở lớp trung học đầu tiên trong vùng. Gần năm mươi học sinh nam, chỉ duy nhất Trân là nữ. Ngày đầu điểm danh thầy gọi tên, từng đứa đứng lên và hô “có”. Đến lượt thầy gọi “Lê Thị Trân”, Trân không hô “có” mà : “Thưa thầy em là Lê Thì Trân chứ không phải Thị ạ”. Cả lớp cười ồ. (Đây cũng là lần đầu tôi nghe tên một người nữ không có lót chữ Thị). Trong lớp không đứa nào dám ngồi cùng bàn đầu với Trân, vì như thế sẽ bị “cặp đôi” đến …bỏ học. Giờ ra chơi Trân ngồi một mình ở góc sân như cánh cò lạc loài, tội nghiệp. Có lần tôi giả vờ như đang tìm đồng bạc cắc đánh rơi, tha thẩn đến gần, thấy Trân đang khóc, tôi đánh bạo hỏi:
    – Răng khóc(sao khóc)?
    – Buồn
    – Răng buồn?
    – Học chi toàn con trai, mai nghỉ học.
    – …
Mấy ngày liền không thấy Trân đến lớp, cả lớp xôn xao với những tin đồn. Đứa thì nói Trân bệnh, đứa thì quả quyết rằng Trân nghỉ học để vào Huế đi tu làm dì phước. Nhưng ác nghiệt nhất là thằng Sang (thằng này lém nhất lớp) phao tin là “con Trân nghỉ học do thằng Minh (là tôi) tán tỉnh”. Những đôi mắt, những tràng cười được dịp ré lên sau lời tuyên bố của thằng Sang. Tôi nghe đất trời như xoay vần dưới chân trên đầu. Và tôi khóc. Tụi bạn được dịp “lêu lêu” và đặt những câu vè quái ác.
Một tuần Trân không đi học đối với tôi dài lê thê. Những câu trêu chọc cũng dần thưa đi. Một buổi sáng đẹp trời Trân lại đi học, nhưng với mẹ. Mẹ Trân dắt con đến gần tôi và bảo:
–  Cháu cho Trân chơi chung với nghe.
Đoạn bà lấy ra một bao kẹo đưa cho và bảo:
– Hai anh em chơi với nhau cho có bạn, đừng để em buồn.
Tôi đứng như trời trồng. Lần đầu tôi nghe một người mẹ nói tiếng nhẹ và mềm như thế: “hai anh em”, “đừng để em buồn”. Nếu có lời khuyên của Đức mẹ, tôi nghĩ cũng hiền đến thế là cùng. Tôi nhận “sứ mệnh”, vừa hãnh diện vừa chua xót, vừa hạnh phúc vừa đớn đau.

Chuyện gì rồi cũng quen. Tôi phớt lờ trước những lời châm chọc của bạn bè làm chúng mất hứng. Trân cũng bắt đầu đối phó những lúc bị chọc ghẹo. Đôi mắt Trân thật nghiêm khắc khiến những thằng bạn lì lợm nhất cũng phải tịt ngòi. Một hôm thầy dạy toán phát hiện tôi bị cận thị (hồi đó không ai mua nổi kính cận), bắt phải lên ngồi bàn đầu với Trân. Dù trong lòng xúc động, sung sướng nhưng tôi vờ như miễn cưỡng lắm. Thầy cũng nói là từ nay đứa nào còn chơi trò “cặp đôi” là bị phạt nặng. Vậy là từ ngày đó tôi “công khai” thân thiện với Trân, bỏ ngoài tai những lời xầm xì của bạn bè.
Mỗi buổi sáng không hẹn, tôi và Thì Trân đều đi học sớm. Chúng tôi ghé quán cóc của dì Hảo để ôn bài, nhìn nhau và…ăn kẹo. Những chiếc kẹo Uy Sĩ, Gia Địa hồi đó sao mà ngon ngọt thế! Thường thì Trân mua mời tôi. Nhà Trân khá giả nên chuyện mua kẹo là bình thường, còn tôi nhà nghèo thỉnh thoảng mẹ cho năm mươi xu đánh đáo . Ăn kẹo của Trân hoài cũng kỳ, tôi nghĩ phải mời lại Trân một bữa.
Quê tôi thời đó ít nhà có tiền, thường người ta trao đổi bằng lúa gạo. Một lít nước mắm bằng nửa thúng lúa, một mớ cá là ba lon gạo…Một hôm giả vờ đi ngủ sớm, đến khoảng nửa đêm tôi thức dậy, đi thật nhẹ xuống bếp, sờ soạng trong tối đến bên lu gạo. Mặc cảm tội lỗi làm tôi run cầm cập. Lu gạo lạnh tanh. Tôi vốc từng nắm cho vào tờ giấy báo thật nhẹ mà vẫn nghe tiếng lạt xạt. Lại mò mẫm lên nhà trên nhét vào cặp rồi thao thức đến sáng.
Tôi đến quán dì Hảo sớm hơn thương lệ. Nhiều lần định nói thật với dì Hảo mà miệng mồm như ríu lại. Trân xuất hiện. Tôi đánh bạo nói.
– Lần này Minh có tiền, để trả cho nghe.
Hai tay tôi cứ ôm chặt cặp sách căng phồng. Trân nhìn tôi nghi ngại rồi thản nhiên lấy kẹo ra ăn và tất nhiên mời tôi. Chiếc kẹo Gia Địa thường rất ngon mà sao hôm nay đắng ngắt.
– Nói rồi đó, lần này Minh trả.
Tôi vừa nói vừa đứng lên đến bên quầy, tay vẫn ôm chăt cái cặp. Trời xui đất khiến thế nào lại có thằng Sang ở đây, hắn thản nhiên đến bên tôi và nói:
– Hôm nay ngon há, không phải ăn khính của người ta cả đời hà!
– Mắc mớ gì mày, đồ hèn. Tôi trả lời
Thằng Sang trừng trừng mắt:
– Mày làm gì có tiền, hay là ăn cắp gạo bà già đi đổi kẹo bao gái.
Vừa nói thằng Sang vừa giật chiếc cặp trong tay tôi, gạo đổ tung tóe. Mắt tôi hoa lên. Tôi nhớ là tôi đã đánh thằng Sang bằng thanh cây đâu đó. Máu chảy xuống đỏ cả má hắn. Tôi nghe Trân la ré lên.
– Máu, máu. Lạy chúa tôi…
Loáng thoáng thấy Trân bước ra khỏi quán nhắm hướng cánh đồng chạy về nhà, tôi chạy theo. Trân quay lại thấy tôi lại chạy nhanh hơn. Tôi vừa chạy vừa khóc kêu lên:
– Trân ơi đứng lại. Tại vì thằng Sang. Tại vì thằng Sang…
Mệt quá tôi đi chậm lại, Trân cũng đang đi đằng trước. Trong thoáng chốc tôi nghĩ đến chuyện bỏ nhà “ra đi”, nhưng đi đâu, ai nuôi. Tôi vẫn đi theo bóng áo dài phía trước. Buổi sáng những hạt sương còn đọng trên lúa lóng lánh ngũ sắc, hay do nước mắt tôi làm nhòe đi.
        Trân chạy ào vào nhà còn ngoái nhìn tôi nói như ra lệnh.
       – Không được vào nhà tui.
       Tôi ngần ngại nhìn cái bình phong chè tàu cao quá đầu người lớn, con chó Mực xông ra sủa như bảo vệ chủ nhân. Đang không biết tính thế nào thì mẹ Trân lên tiếng bảo:
         – Vào nhà đi con, đừng sợ.
       Bà nắm tay tôi kéo vào, lần đầu tôi bước vào một căn nhà to lớn và sang trọng như thế. Bà bình tĩnh ngồi trên chiếc sập gụ đen bóng, giọng nghiêm trang mà nhẹ nhàng. :
       – Chuyện chi, hai đưa kể cho bác nghe.
       Trân quỳ xuống trước bà khóc hu hu, tôi cũng quỳ theo, Trân vừa kể vừa nấc.
      – Mẹ ơi! Máu. Trò Minh đánh người ta… chảy máu. Mẹ ơi! Trò Minh dữ lắm, con không chơi với Minh nữa…hu hu…
       Bà chậm rãi :
        – Chuyện thế nào Minh kể cho bác nghe đi.
        Giọng nói nhỏ nhẹ và thân thiện của bà khiến tôi bình tĩnh kể lại đầu đuôi câu chuyện một cách mạch lạc đến không ngờ. Những câu cuối tôi tí nhí.
        – Thưa bác chúng cháu chỉ chơi với nhau thôi, tại thằng Sang cặp đôi.
      Bà cười buồn đứng lên bảo:
       – Hai đứa đi rửa mặt rồi theo bác lên gặp cha. Tôi cứ quỳ, nghĩ đến đôi mắt nghiêm khắc của cha sở mà toát mồ hôi. Trân kéo tay tôi phán:
       – Đứng dậy đi rửa mặt.
      Tôi theo Trân đi ra bể nước sau nhà. Trân múc nước ra chậu, và như nói một mình.
        – Đã nói rồi, không được đánh nguời mà.
       Tôi khoát nước rửa mặt, lòng tê tái mà cảm động. Thì Trân đưa cho tôi cái khăn mặt, chưa bao giờ tôi được dùng chiếc khăn trắng và thơm đến thế. Mùi gì như là hoa cau, hoa bưởi, tôi đoán thế rồi tự nghĩ cũng không phải. Chắc là mùi …con gái. Ý nghĩ làm tôi vừa xấu hổ vừa thích thú.
        Chúng tôi đi hàng một ngược cánh đồng về hướng nhà thờ. Đường bạn cỏ mọc rậm hai bên, giữa hằn lên một lằn mòn đủ để một người đi. Mẹ Trân đi trước, đến Trân, sau cùng là tôi. Buổi sáng tháng hai thường có những đợt gió Nam Lào thổi nhẹ, đến trưa thì ngưng gió, chiều lại có gió Nồm. Tiếng lao xao của gió lùa trên lúa, thỉnh thoảng có tiếng chim chiền chiện vút lên rồi tắt lịm, mất hút vào bầu trời xanh cao. Tôi gợi chuyện.
– Đi học xa ri có mỏi chân không.
– …
        Không ai trả lời. Chỉ còn gió lào xào át tiếng thở dài của tôi. Suốt cả khoảng đường chẳng ai nhìn lui. Tôi lại khóc, nước mắt nhòa đi, lung linh những vạt áo trắng bay chập chờn trước mắt…
     Cha sở ngồi đọc sách trong căn phòng rộng. Cặp kính trắng trễ xuống trên chiếc mũi cao, ngước nhìn chúng tôi không qua tròng kính. Cha hỏi:
      – Có chuyện gì không?
      Mẹ Trân lí nhí:
       – Lạy cha, chúng con đến để trình bày cùng cha việc sáng nay…
      Cha nghiêm khắc nhìn chúng tôi, suy nghĩ một chút rồi bảo.
– Chiếu theo nội quy trò Minh đã bị đuổi học. Bà không phải nói nhiều, cha đã biết mọi sự. Thôi bà về đi, cha đang bận.
        Mẹ Trân cúi chào, đi giật lùi. Bà lặng lẽ đội nón ra về. Hai đứa lủi thủi theo sau. Buổi trưa im bặt không một ngọn gió, dưới nắng đồng lúa xanh sẫm đến rợn người. Lúc chia tay ở ngã ba, một đường về làng tôi, một đường về xóm đạo, mẹ Trân dừng lại, nắm tay tôi buồn bã:
        – Minh à, số con bị thất học rồi. Bác đã làm hết phận sự. Từ nay không còn bạn thân chắc em nó buồn lắm. Để một thời gian cha nguôi giận bác sẽ tìm cách xin cho con…
        Tôi không thốt nên lời, nhìn bà rồi nhìn Trân khóc tức tưởi. Trân đưa tay quệt nước mắt, quay mặt đi, không một lời với tôi.
       Tôi không về nhà mà đi dọc con đê song song với đường về nhà Trân, cách nhau chừng non nửa cây số, nhìn theo cho đến lúc hai bóng người khuất vào lũy tre xóm đạo.
                                    
*  *  *
            Hơn một tuần nay chiều nào chú bé cũng ra trên đê để được nhìn bóng áo dài trắng ngang cánh đồng về xóm đạo. Ngày hôm qua chủ nhật Trân không đi học mà chú quên mất, lại buồn vớ vẩn. Hôm nay thứ hai, mà sao giờ này vẫn chưa về. Thứ hai những trò có đạo phải học thêm nửa giờ giáo lý, vậy mà cũng quên. Cũng tại lòng chú đó thôi.
          Gió Nồm càng về chiều càng thổi mạnh. Mặt trời đã khuất sau lũy tre xóm đạo.
          Kia rồi, bóng trắng lại xuất hiện. bắt đầu bằng một chấm trắng đầu cánh đồng, rồi lớn dần, lớn dần. Bất giác chú bé đứng lên chạy ào trên ruộng lúa. Biết bao thân lúa gục dưới chân. Chú bé ngồi xuống chờ bóng trắng ngang qua rồi nhẹ bước lên đường bạn, đi chậm lại rồi gọi:
        – Trân !
       Bóng trắng quay lại rồi hét lên, vùng chạy, chú bé đuổi theo kêu lên.
        – Trân ơi! Minh đây mà.
Bóng trắng chạy nhanh hơn rồi ngã sóng soài bên vệ cỏ. Chú bé chạy đến quỳ bên bạn, run rẩy hổn hển nói:
  – Minh đây mà, Trân có sao không?
         Cô bé run run nức nở:
    – Hôm qua tui đi xưng tội, cha bảo không được chơi với kẻ xấu. Tui cũng không biết Minh là tốt hay xấu nữa. Thôi về đi, đừng đón tui kiểu ni nữa, tui sợ lắm. Lạy Chúa tôi. Cô bé làm dấu thánh.
         Cô bé đứng lên, sửa lại chiếc nón lá móp méo rồi xấp xải bước đi. Chú bé vẫn quỳ nhìn theo bạn cho đến khi bóng trắng khuất dần vào rặng tre đen thẫm cuối cánh đồng.

        Từ đó mỗi chiều chú bé lại ra trên đê ngồi chờ. Bóng trắng vẫn bặt tăm, cô bé không đi học nữa rồi. Chú nằm ngửa trên cỏ. Vài nhánh mây trắng bay lang thang. Trăng non một vệt cô đơn giữa trời. Nhiều lần chú bé ngủ quên trên đê, chập chờn trong mơ muôn trùng bóng trắng, những thiên thần có cánh đi quanh chú múa và hát “thiên đàng địa ngục hai bên, ai khôn thì dại…”

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Nguyễn Đặng Mừng

Tác giả