Thiên hạ đệ nhất hùng quan trên con đường tơ lụa

So với những quan ải nằm trên Vạn lý Trường Thành, Gia Dụ Quan là quan ải có tuổi đời rất non trẻ vì nó được xây dựng vào năm 1372 đời Hồng Vũ nhà Minh, thời điểm mà tuyến đường tơ lụa đã suy tàn vì lúc ấy nhà Minh chú tâm vào việc phát triển giao thương đường biển hơn là đường bộ nhưng không vì thế mà Gia Dụ Quan mất đi dáng vẻ kiêu hùng của mình trong mắt thiên hạ.

Điều này có thể minh chứng qua sự miêu tả của một người Bồ Đào Nha tên gọi là Ebentu từ Ấn Độ đến Trung Quốc vào năm 1602 theo hành trình con đường tơ lụa. “Từ Hạ Mật đi mất chín ngày thì đến phía bắc Trường Thành của nước Trung Quốc, một bức tường thành nổi tiếng thế giới- Ebentu thuật lại trong nhật ký của mình- Dừng chân tại một nơi gọi là Gia Dụ Quan. Nghỉ ở đấy 25 ngày để đợi thư trả lời của quan Tổng đốc tỉnh có cho phép nhập cảnh hay không. Sau khi nhận được sự trả lời là cho nhập cảnh, mới khởi hành, đi một một ngày thì đến Tửu Tuyền”.
Ebentu đến Gia Dụ Quan từ phía Tây còn hơn 400 năm sau, tôi đến Gia Dụ Quan từ phía Đông trong một buổi chiều nắng nhạt màu. Mây đen rấm rức. Gió nồng nực. Rát bỏng sa mạc. Gió Gô bi thổi đến gặp phải tường thành Gia Dụ Quan thổi ngược lên cao thành từng vầng không khí cuồn cuộn bụi nắng.
 

Cùng với Sơn Hải Quan nằm ở đầu đông Vạn Lý Trường Thành trên bờ biển Bột Hải, Gia Dụ Quan nằm ở điểm đầu phía tây Vạn Lý Trường Thành được mệnh danh là Thiên hạ đệ nhất hùng quan! Là một chốt chặn hiểm yếu nằm án ngự giữa núi Văn Thù và chân núi Kỳ Liên cùng núi Hắc Sơn, Gia Dụ Quan giống như một pháo đài vừa phòng thủ với một toà thành lũy đồ sộ với chu vi  gần 734 m  bao gồm nhiều lớp thành và tháp canh vừa sẵn sàng tấn công bất kỳ đội quân nào tiến vào hành lang Hà Tây.
Trong mắt tôi Gia Dụ Quan là một viện bảo tàng lộ thiên với những tổ hợp kiến trúc thiên nhiên và nhân tạo diệu kỳ. Những mái ngói cong vút của những lầu gỗ, những tháp canh rêu phong ở các góc thành, những lỗ châu mai hun hút chạy dọc tường đá không chỉ thuận lợi cho việc phòng thủ chiến đấu mà còn làm cho Gia Dụ Quan trở nên hiền tính trong từng đường nét kiến trúc, gợi lên trong tôi một cảm giác thanh bình của một tòa cổ thành dùng để vọng nguyệt thưởng hoa hơn là một công trình chiến đấu chốn biên thùy.
Băng qua những luồng gió lạnh quất vun vút vào da thịt, tôi lần mò leo lên một tháp canh, lấy chén ngọc Tửu Tuyền và rượu Vũ Uy tưới tràn xuống chân tường thành như nghĩa cử tưởng niệm những linh hồn biên ải xa xưa. Rượu chưa rơi đã phôi pha theo gió, không biết có linh hồn sa mạc nào nồng ấm trong những giọt rượu thành kính của tôi. Như một người lính thú ngàn năm trở về, ngắm gió nhìn tuyết mà tâm can rơi rớt nhớ thương quê nhà, tôi chạnh lòng hóa thân vào những giọt rượu buồn quan ải như Vương Hàn thuở trước từng nhỏ máu gieo một khúc Lương Châu từ bất hủ! Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi/ dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi/túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Rượu Vũ Uy, chén ngọc Tửu Tuyền nhưng không mỹ nữ, không tiếng tỳ bà chỉ có tiếng gió rầm rập vó ngựa Ô tôn dẫm đạp thinh không thì làm sao tôi cười được huống chi những tráng sĩ sa trường, có say cũng không cười làm chi vì cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, xưa nay chinh chiến mấy người trở về!
Tôi men dốc đá xuống thành để đi ra cổng Tây đối mặt với sa mạc Gô bi. Từ dưới nhìn lên, tôi bỗng phát hiện 45 bậc đá tôi vừa đi xuống đều oằn lõm hình cánh cung, nghĩa là trước tôi đã có bao nhiêu binh sỹ, bao nhiêu con người lên xuống thay phiên canh gác nên lâu ngày sức đá không chịu nổi bước chân người nên ngày một mòn khuyết! Trên đường ra cổng Tây, đi qua dưới 3 tầng lầu gỗ, tôi chợt phát hiện ra nơi này có cả đền thờ Quan Vân Trường. Khuôn mặt đỏ au của ngài không biết vì máu lửa chiến trường hay sảng khoái vì những bức tranh tường gần đó với cảnh sắc kỳ dị phác họa một người đàn bà khỏa thân, trên ngực nâng niu một con dê non đang ngậm lấy bầu vũ nõn nà! Còn ở cổng Tây là những bức tượng to bằng người thật miêu tả cảnh quan quân người Hán tiếp đón người phương Tây đi trên con đường tơ lụa đến với Gia Dụ Quan. Ấn tượng nhất là hai căn phòng có hai chiếc giường, trên đó là có hình tượng người lính đang kê gối ngủ. Áo giáp và vũ khí treo trên tường. Chiếc giường trống trải một mảnh chăn đơn sơ, người lính say giấc nồng như muốn quên đi bão gió sa mạc, quên đi cõi quê nhà biền biệt không có ngày về!
Trước mặt cổng Tây, cách chừng mấy trăm mét là một trạm dừng chân, có thể đó là nơi Ebentu dừng chân lạc đà chỉnh đốn lại áo quần sau một chặng hành trình vất vả trước lúc vào trình giấy tờ xin phép nhập cảnh vào thành Gia Dụ Quan. Con đường từ Tân Cương đến với Gia Dụ Quan vẫn giống như hơn 2000 năm trước, vẫn gió bụi, vẫn đá cát đu đen xám lạnh buốt phơi đầy sa mạc. Những con lạc đà, những con ngựa nòi giống Ô tôn đang được chăn thả trước cổng tây vẫn như tổ tiên của chúng sẵn lòng băng qua mọi hiểm nguy để mang con người đến những miền đất lạ.
Sau Gia Dụ Quan, trên tuyến đường tơ lụa còn có hai cửa ải lừng danh khác là Ngọc Môn Quan và Dương Quan. Trên đường từ Gia Dụ quan đến Ngọc Môn Quan, tôi ghé thăm An Tây, nơi cao tăng Huyền Trang dưỡng sức trước khi ra ải Ngọc Môn Quan. Khi Huyền Trang đến đây, An Tây có tên là Qua Châu- một ốc đảo của dưa hấu và gió.
Mỗi năm Qua Châu chỉ có một ngọn gió, tưởng là hiếm hoi hóa ra một ngọn gió ấy cứ thổi suốt bốn mùa nên con người, cỏ cây nơi đây quanh năm ngợp gió. Tại Qua Châu, hai đệ tử của Huyền Trang chia tay ngài, một người không chịu nổi gian lao đành quay về Vũ Uy, người còn lại đi đến Đôn Hoàng. Huyền Trang, một mình một ngựa, khăn gói đi thẳng đến Ngọc Môn Quan để ra vùng Tây Vực.
Qua Châu trong nắng hanh vàng sa mạc, ngày tôi đến dưa đâu chẳng thấy chỉ thấy giữa thị trấn một vũ nữ có xác thịt lạnh lùng bằng gang thép bưng một mâm dưa bay lên trời cao mời mây gió nên tôi đành liền lên xe theo dấu chân người đệ tử của Huyền Trang tìm đến Nhạn Môn Quan nằm bên sông Càn Hà
Người xưa nói, ra khỏi ải Tây khó gặp cố nhân! Ải Tây chính là Ngọc Môn Quan đang cô đơn đứng giữa biển cát và gió mênh mông. Dương Quan đã không còn dấu tích còn Ngọc Môn Quan ngày trước hùng vĩ ra sao nhưng bây giờ chỉ là một khối đất u sầu đứng lặng câm nghe gió lạnh rúc vào từng hạt bụi.
Trong bài “Xuất tái”, Vương Chi Hoán từng rứt ruột với Ngọc Môn Quan, rằng “Hoàng hà viễn thượng bạch vân gian, Nhất viến cô thành vạn nhận san, Khương địch hà tu oán dương liễu, Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan!” Sông Hoàng Hà chảy mãi lên làn mây trắng, mảnh thành trơ trọi giữ muôn trùng núi, tiếng sáo người Khương sao lại tấu khúc “triết liễu”, vì người ra đi dù nhớ cũng không về được cũng như làn gió xuân có bao giờ thổi đến Ngọc Môn Quan!
– Gió xuân không thổi đến nhưng không biết bao nhiêu người đã đến với Ngọc Môn Quan- Triệu Mỹ Chi, cô gái dẫn đường nói với tôi- Ai đến đây cũng có khuôn mặt buồn giống như anh vậy!
– Làm sao không buồn được!- Tôi cạn lời giữ gió hoang liêu- Một cô thành, một vết tích như vết thương buồn của sa mạc thế này làm sao không buồn.
– Anh phải vui lên! Buồn hay vui cũng tại lòng mình- Triệu Mỹ Chi mỉm cười- Dương Quan cũng điêu tàn cả rồi.
– Chỉ có Gia Dụ Quan là hùng vĩ nhất phải không?
– Không!
– Còn quan ải nào nữa trên sa mạc Gôbi gió bụi này?
– Anh vượt qua sa mạc đến được nơi này mà anh không tự biết điều ấy à? Hùng quan lớn nhất chính là lòng người!- Triệu Mỹ Chi lại mỉm cười rồi đột nhiên khuôn mặt cô bừng lên với những lọn tóc vờn bay theo gió- Con người ai mà chẳng có quan ải để giữ mình trước mọi cám dỗ! Dựng quan ải đã khó, vượt qua quan ải do lòng mình sinh ra lại khó hơn đấy! Vương Chi Hoán hay anh cũng vậy, thực ra đến đây là được sống với nỗi buồn. Không sợ mình buồn thì sợ ai? Không sợ gió bão sa mạc thì sợ gì nữa? Đức Huyền Trang mà buồn như anh nghĩ thì khi ra khỏi đây, Ngài đã quay về cố quốc Đại Đường rồi!
Những lời của Triệu Mỹ Chi làm tôi trở thành một hạt cát bay lên trời. Tôi không ngờ, cái thân hình mảnh dẻ liêu xiêu của cô gái dẫn đường tôi quen ở Đôn Hoàng lại thổi vào tôi những lời mãnh liệt hơn cả gió sa mạc đến vậy.
Sử chép, khi ra khỏi Ngọc Môn Quan, một người đệ tử tà tâm muốn dùng dao giết thầy để cướp của trong đêm nhưng giữa chừng thì Huyền Trang thức dậy niệm kinh làm cho kẻ ác hạ dao đồng thời cầu xin sư phụ đừng tiếp bước con đường gian nan. Là một chiến sỹ tâm linh, Huyền Trang làm sao xuôi lời, ngài cho người đệ tử ít của cải rồi một mình cô đơn đi ra sa mạc bất chấp mọi hiểm nguy cho đến ngày đến nước Cao Xương. Đó là nơi Huyền Trang đã chứng tỏ bản lĩnh của mình, nói như Triệu Mỹ Chi, Ngài đã vượt qua cửa ải lớn nhất trong lòng mình để không dừng bước hành đạo trên con đường tơ lụa.
Huyền Trang đến thành Cao Xương vào lúc nửa đêm, đi dưới ánh đuốc soi đường do đích thân vua Cúc Văn Thái cầm rước vào cung. Cúc Văn Thái cung kính nói với Huyền Trang, rằng quả nhân từng đến Trung Nguyên cùng tiên vương, đã gặp nhiều danh tăng lòng rất ngưỡng mộ. Hôm nay được gặp pháp sư quá đỗi vui mừng đến nổi chân tay múa may như con trẻ vì vậy rất mong pháp sư lưu lại tệ quốc để độ trì cho chúng sanh!
Thuyết phục mãi, Huyền Trang vẫn một mực chối từ, Cúc Văn Thái liền lộ rõ chân tướng là một người vũ phu ép buộc Huyền Trang ở lại nước Cao Xương.
– Pháp sư đã đến nước tôi, đến thì dễ đi thì khó! Một là ngài ở lại hoặc ta sẽ cho quân lính đưa ngài về cố quốc!
– Thân xác có thể vì ngài mà ở lại- cao tăng Huyền Trang không nao núng trước lời đe dọa của Cúc Văn Thái- nhưng tinh thần của ta thì làm sao ngài giữ lại được!
Trước khí khái của bậc cao tăng, Cức Văn Thái hàng ngày tự tay bưng cơm mời rượu nhưng Huyền Trang đã tuyệt thực, một mực nhắm mắt tọa thiền. Sau ba ngày như vậy, Cúc Văn Thái mới thấy xấu hổ bèn quỳ lạy Huyền Trang mà không hề đòi hỏi gì. Huyền Trang ở lại thành cổ Cao Xương hơn một tháng rồi ra đi với hơn 100 lượng vàng, 3 vạn đồng tiền bạc, 30 con ngựa và 24 lá thư kèm theo 24 tấm lụa quý của Cúc Văn Thái dâng tặng, giới thiệu cho các nước trên bước đường Huyền Trang sẽ đi qua!
Huyền Trang đã vắng bóng hơn 1000 năm, trên nền đất Ngọc Môn Quan, nơi tôi đang đứng đã tàn phai vết chân Ngài nhưng lời của Ngài thì chẳng bao giờ hoang phế cát bụi. Vượt qua cửa ải Ngọc Môn Quan, vượt qua cửa ải lớn nhất trong lòng mình, Ngài đã làm nên một cuộc trường chinh vĩ đại trong lịnh sử con đường tơ lụa.

Văn Cầm Hải

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)