Thiên nhiên, nhân vật lạ lùng trong tiểu thuyết của Montgomery

Được xếp trong số tác giả khởi đầu quan trọng của nền văn học Canada, Lucy Maud Montgomery là người nỗ lực xây dựng, thông qua tác phẩm của mình, những giá trị đạo đức thuần khiết và ứng xử chủ động của con người trong một đời sống xã hội còn sơ khai, non trẻ. Hầu hết tác phẩm của bà là hình ảnh con người kết hợp giữa tình yêu, ham muốn, bản năng phóng túng tự nhiên với tinh thần dấn thân và cải tạo xã hội mạnh mẽ, thể hiện một quan niệm nhân sinh hài hoà, mới mẻ.

Trong khi văn học châu Âu cùng thời điểm bước sang con đường tự phê phán, hồ nghi tư tưởng và triết lý hiện sinh, thì nền văn chương của những người mở đường ở vùng đất Tân lục địa băng giá khắc nghiệt lại mang phẩm chất đặc thù khác biệt, một tinh thần lạc quan hiếm có hoà trộn với cảm quan lãng mạn tự nhiên và ý thức dấn thân.

Mối quan hệ với thiên nhiên là một khía cạnh quan trọng để soi tỏ ý nghĩa cũng như phương thức mới trong tồn tại và quan niệm của con người. Thiên nhiên vừa như một đối tượng miêu tả, vừa như một cách thức nghệ thuật để hình dung về con người và sự sống.

Thiên nhiên hùng tráng và trữ tình trùm cái bóng cao cả, vĩ đại của mình lên mọi biểu hiện cuộc sống con người. Đồng cỏ, rừng cây, vườn tược, bãi hoang, sông suối, hồ đầm, bờ biển… tất cả làm thành sự bao bọc, che chở ấm áp cho đời sống. Chỉ cần ra khỏi nhà một bước là con người hoà lẫn vào muôn màu sắc của cây cối, trở thành một phần của tự nhiên. Muốn sang dò xét chuyện nhà hàng xóm, bà Rachel Lynde trong Anne Tóc đỏ dưới Chái nhà Xanh1 cũng phải du hành khá vòng vo trên con đường mòn lút trong cỏ dại, hồng leo. Thiên nhiên là sự giãn cách tuyệt vời trong những quá trình tâm lý, tất nhiên có thể không làm thay đổi nó, nhưng bắt buộc các nhân vật phải cảm nhận chậm lại, sâu lắng và trầm tư nhiều hơn, luôn phải đối mặt với sự xuất hiện của thiên nhiên và nghĩ đến nó.

Cũng có những con người chủ động xa lánh cộng đồng bằng việc coi rừng rú, sông hồ là bức thành ngăn cách vững chắc, làm nhà ở “rìa xa nhất khoảnh đất khai phá được”, “miễn là chưa phải ở hẳn trong rừng”, như gia đình Matthew Cuthbert. Thiên nhiên ở đây được xem là một thế lực trung gian, thân thiện hơn những người còn lại, dù không thể đem lại an toàn hay che chở tuyệt đối nhưng có tác dụng phân tách, vô hiệu hoá những phiền toái của đời sống chung.

Thiên nhiên để lại tính cách bí ẩn, nghiêm trang, lặng lẽ của mình trong tính cách con người. Bác Mathew Cuthbert “gàn dở”, lúc không cặm cụi lo việc nông trại thì “quanh quẩn từ bếp tới chuồng bò”, chỉ dám “đánh bạo lên phòng khách của chính nhà mình vài lần” khi có ông mục sư tới chơi, nhút nhát tới mức chưa bao giờ dám nói ra có đầu có đuôi một ý kiến, và thường xuyên rụt dè che giấu nỗi ngượng nghịu bằng nụ cười, lại là con người đôn hậu, dễ cảm thông, hành động vô cùng hào phóng. Bề ngoài kém tinh khôn, lạc điệu, ngây ngô xa lạ với kiểu trí tuệ để tồn tại trong cộng đồng, nhưng ẩn giấu tâm hồn nhạy cảm nồng cháy, nhân vật Mathew Cuthbert là kiểu hình tượng con người được tự nhiên hoá, “đồng hoá” theo chiều ngược lại, mang tính cách tự nhiên nhiều hơn là phẩm chất xã hội. Chính vì thế, ngay cả ở trong ngôi nhà, trong không gian sống đậm đặc tính chất cá nhân và là biểu hiện tập trung của sự phân tách con người khỏi thiên nhiên, thì cũng không thể có sự cách biệt theo đúng nghĩa. Trong nơi trú ẩn riêng rẽ của mình, con người vẫn nối với thiên nhiên bằng cuống nhau của sự tương đồng về phẩm chất và khuynh hướng.

Nhân vật Anne Tóc đỏ của Montgomery là hình tượng mà nhà văn gửi gắm nhiều nhất hình dung về những phẩm chất cần thiết cũng như tâm thế tồn tại xứng đáng của con người trong một đời sống mới mẻ. Tương tự như Emily trong series Emily ở trang trại Trăng Non (1923), Emily Climbs (1925), Emily’s Quest (1927)… nhân vật của Montgomery bị ném vào cuộc đời với những thử thách tưởng chừng không thể vượt qua ở tuổi niên thiếu: mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải chuyển đến sống với bà con hoặc những người bảo trợ xa lạ ở một môi trường xa lạ. Vượt qua những bất hạnh và thách đố của cuộc đời để tồn tại, trưởng thành và trở nên hạnh phúc, là câu hỏi đặt ra không chỉ với ý nghĩa cụ thể cho từng con người, mà còn mang tính chất tượng trưng đối với một xã hội non trẻ.

Trải qua tuổi nhi đồng thiếu thốn sự chăm sóc, không nơi nương dựa, phải tự lập từ khi còn quá non nớt (Anne Tóc đỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ khi vừa 3 tháng tuổi, Emily chuyển tới sống với hai bà cô khi vừa đủ tuổi tới trường), các nhân vật của Montgomery có khởi đầu gần giống như cuộc sống hoang dã, phải vật lộn để sinh tồn, sau đó là xung đột, chiến đấu và có khi hoà giải để thích ứng, tìm tiếng nói chung với đời sống cộng đồng. Anne Tóc đỏ hay Emily thực chất đều là kiểu nhân vật có khuynh hướng tự-nhiên-hoá, đậm đặc phẩm chất thiên nhiên chứ không phải được chuẩn bị sẵn hay dễ dàng thích nghi với đời sống xã hội.

Hoàn cảnh bất hạnh, bị hắt hủi, lạc lõng với cuộc đời nói chung chính là “điểm tựa” quan trọng để bộc lộ những tầm vóc khác thường, mới mẻ trong các nhân vật của Montgomery.

Nhanh chóng, những đứa trẻ ra đời trong hoàn cảnh khắc nghiệt như ở đời sống tự nhiên, lại tìm được từ thiên nhiên niềm an ủi và chở che không bao giờ vơi cạn. Anne Tóc đỏ ngay lập tức cảm nhận được vẻ tinh khiết, huy hoàng của cây lá, hoa, mặt nước, không gian, như thể mọi thứ từ lâu sẵn chờ đợi trong tâm hồn nó. Niềm hạnh phúc tức thì của đứa trẻ tìm thấy người mẹ bao dung. Nó say sưa với cảnh sắc khoáng đạt, đẹp đẽ của vùng đất mới chưa bao giờ được thấy. Hàng cây, hồ nước, rặng anh đào trổ bông sáng rực, bầu trời xanh lạ kỳ của vùng khí hậu đại dương, đối với Anne không chỉ là cảnh đẹp mà còn là niềm hạnh phúc tột đỉnh của tâm hồn. Không phải cái đẹp thị giác mà là sự tương đồng cao độ giữa rúng động của tâm hồn con người với sự sống tự nhiên đang diễn ra, đang lan toả… Và như vậy, thiên nhiên đã trở thành thẩm mỹ lý tưởng, là thang bậc cao và rộng nhất cho mỹ cảm không hề bị bó buộc của con người.

Cũng vì thuộc giới nữ, Anne để lại dấu ấn tâm hồn đa cảm, ưa ngọt ngào của nó trong hình dung về cảnh vật: “Đường Trắng Hân Hoan” chỉ lối đi dưới rặng cây anh đào trổ hoa, “Hồ Nước Lấp Lánh” cho cái hồ gần nhà ông Barry, “Nữ hoàng Tuyết” cho cây anh đào dại ngoài cửa sổ phòng ngủ… Thực ra, tất cả vẻ đẹp thiên nhiên cũng sẽ dễ trở thành vô nghĩa nếu nó không được thụ cảm, không xuất phát từ mối tương đồng với tâm hồn. Không “ngây thơ” cho rằng con người đóng vai trò trung tâm quyết định trong mọi mối liên hệ với thế giới, hay thế giới là sự phóng chiếu của “cái tôi” bản ngã, Montgomery cảm nhận sâu sắc con người là một thành phần của đời sống tự nhiên, có chung cấu thành, vận động và những phẩm cách tâm hồn, chung khuynh hướng về cái đẹp, cũng như bao hàm lẫn nhau.

Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Montgomery cũng bao hàm sự đe dọa, những năng lượng bí ẩn, huỷ hoại, nhưng lại không phải lãnh địa cấm kỵ, gây sợ hãi, đè bẹp con người. “Rừng Ma ám” hay “Vùng đất hoang Lười nhác” là nơi Anne Tóc đỏ và cô bạn thân vẫn thường xuyên chơi đùa, trở nên bí hiểm, ma quái và đầy bất an khi bóng chiều hay màn đêm buông xuống. “Hồ nước Lấp lánh” suýt nhận chìm và giết chết Anne khi nó chơi trò tiểu thư Hoa loa kèn dưới thuyền, nếu như con bé không nhanh trí và gan lỳ nhảy lên rồi bám chặt một trụ cầu, vốn chỉ là ba thân cây chụm lại. Dịch thương hàn khủng khiếp tràn qua trang trại Trăng Non hay bệnh viêm tắc thanh quản ở trẻ nhỏ mà Anne Tóc Đỏ đã ứng cứu kịp thời, chiến thắng ngoạn mục trong đêm gay cấn, khi những người lớn đi vắng. Mặc dầu có nguy cơ cướp đi sinh mệnh, nhất là sinh mệnh mong manh của trẻ em, nhưng bệnh dịch, không phải như một hình ảnh văn chương nói lên tình cảnh khốn quẫn, tuyệt vọng của con người như ở lục địa châu Âu, bệnh dịch trong miêu tả của Montgomery là một sức mạnh khác của thiên nhiên, khía cạnh huỷ hoại của nó là vốn dĩ, nhưng không đáng ghê sợ, bởi vì nó hoàn toàn có thể thoái lui (chứ không phải bị khuất phục) trước kinh nghiệm, lòng kiên nhẫn, sức sống bền bỉ của con người, ngay cả khi con người ấy chỉ là một cô bé.

Nhà văn cũng dành cho nhân vật của mình nguồn sức mạnh mãnh liệt, một kiểu năng lượng bền vững và bản nguyên, với một chút kỳ diệu hay thần bí, khó lòng cắt nghĩa, tương tự như sức mạnh vô song của thiên nhiên. Anne Tóc đỏ gầy nhom, nhưng thông minh, hiếu động, hay chuyện và sẵn sàng “bùng nổ” với nguồn sống ứ đầy. Emily mảnh khảnh, tóc đen, da trắng nhạt, nụ cười rụt dè, nhưng lại có trí tưởng tượng vũ bão và cũng luôn sẵn sàng bùng nổ. “Những người phụ nữ tí hon” của Montgomery có chung năng lực nhận thức và hình dung vô cùng mãnh liệt, sôi nổi, biến hoá về thế giới, cũng như cùng sở hữu cá tính và sức mạnh độc đáo, luôn dẫn tới xung đột, va chạm nảy lửa với những gì còn lại. Không hẳn là sự khác biệt, mà còn là sự vượt trội. Những gì mà con người xuất chúng, vượt trội của Montgomery phải làm, là tìm kiếm một sự dung hoà khả dĩ, chung sống hoà bình, đẹp đẽ với con người và môi trường xung quanh. Để không những tồn tại được, mà còn toả sáng ở vị trí thích hợp của mình, chứ không phải là được chấp thuận một cách bắt buộc.

Tinh thần lạc quan của Lucy Maud Montgomery thể hiện khoáng đạt và rõ nét khi xây dựng những nhân vật mang phẩm chất siêu việt gần với sức mạnh của thiên nhiên như Anne Tóc đỏ hay Emily. Bà không tin vào những câu chuyện cổ tích hay tư duy cổ tích. Tính lạc quan của Montgomery xuất phát từ quan niệm về sự trưởng thành trong gian nan và điều kiện khắc nghiệt. Tuy không quyết định hoàn toàn phẩm chất con người, nhưng những nghịch cảnh, sự nghiệt ngã của điều kiện tự nhiên cũng như đời sống, được xem như cơ hội trưởng thành và làm bộc phát một cách kỳ diệu năng lượng sống ở trạng thái đỉnh cao. Bản thân Montgomery cũng là một đứa trẻ mồ côi từ khi mới 21 tháng tuổi, và những gì bà cống hiến cho văn học cũng như đời sống quả thực có thể xem là diệu kỳ.

Cùng trong thời kỳ Montgomery sáng tác truyện về Anne Tóc đỏ và Emily, bạn đọc biết đến những nhân vật được xây dựng theo lý tưởng “nổi loạn” và hình ảnh chàng cao bồi Viễn Tây nước Mỹ của Mark Twain, như Tom Shawyer, Mark HuckFin. Cùng xây dựng một niềm tin mới, nhưng con người của Mark Twain dựa trên thẩm mỹ và lý tưởng khác.

Tinh thần lạc quan của nhà văn cũng chính là sự biểu hiện nhuần nhị một quan niệm đạo đức, đó là tình yêu thương tự nhiên, chân thực xuất phát từ rung động của tâm hồn và giác quan, chính là nguồn động lực cần thiết để con người vượt qua mọi rào cản vốn dĩ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa sự ngược đãi và lòng độ lượng, giữa cái thông thường và phẩm cách vượt trội.

Series Anne of Avonlea, Anne of Island… được nhà văn tiếp tục sau này, là sự nối tiếp dòng cảm hứng đạo đức trả lời cho những gì cần có của đời sống và con người đang cùng lúc song song trưởng thành.

Tinh thần lạc quan cũng chính là điểm tựa để nhà văn gây dựng nên một khuynh hướng lãng mạn mới mẻ và khác biệt. Chủ nghĩa lãng mạn Tây phương thường được hiểu là tâm thế mang nặng tính chủ quan, xây dựng hình ảnh tưởng tượng thoát ly thực tại. Lãng mạn, hiểu theo nghĩa rộng lớn hơn, là nhu cầu thoát khỏi lớp vỏ định hình của hiện thực vật chất hay những nhận thức có sẵn, sáng tạo những hình dung mới về con người và thế giới. Khuynh hướng lãng mạn mà Montgomery theo đuổi dựa trên lòng tin tưởng vào sức mạnh bản nguyên, thiên phú và nguồn gốc tự nhiên của con người, tìm lại ở đó sức mạnh phi thường.

Montgomery đã xây dựng nên hình tượng thiên nhiên trác tuyệt, xuất phát từ phong cảnh địa lý văn hoá hùng vĩ, hoang sơ và trang nghiêm bất tận của vùng Đảo Hoàng tử Edward, nơi bà sinh ra, gắn bó và chia ly ngay từ thời ấu thơ để sau đó quay trở lại như một giáo viên, một nhà văn. Bối cảnh thiên nhiên có thực với tất cả sự khắc nghiệt cũng như vẻ đẹp nồng hậu vô song, đã góp vào tâm hồn và sáng tạo của nhà văn một quan niệm nhân sinh mạnh mẽ đầy sức quyến rũ, cũng là thứ đạo đức dấn thân hài hoà của sự ưu việt cá nhân. Montgomery là nhà văn xuất phát từ hiện thực của một đời sống non trẻ, đầy thách thức từ thiên nhiên để đến với quan niệm cái đẹp lớn lao mà bình dị.
—————
1 Anne of Green Gables, bản tiếng Việt do NXB Hội Nhà văn ấn hành, 2009

Tác giả