Thờ cúng sùng bái của người Kinh Việt
Xứ Việt thực tế có nhiều tộc người khác nhau cùng với các truyền thống sinh hoạt thờ cúng sùng bái khác nhau. Chúng ta sẽ tự giới hạn mình trong việc suy tư về chủ đề môi trường sinh hoạt thờ cúng sùng bái ở người Kinh Việt.
“Sùng bái tổ tiên”
Người Kinh Việt ngày nay thờ đủ thứ, với tinh thần “có thờ có thiêng”, “có kiêng có lành”, “có bệnh thờ phượng tứ phương”, “thà thờ lộn xộn còn hơn bỏ sót”.
Người Kinh Việt vô cùng đa nguyên trong thờ cúng. Đủ các loại đạo, loại môn thuyết, đủ các loại mê mẩn dưới vỏ chữ mơ hồ “sinh hoạt tâm linh”, đủ các loại mê tín. Nhưng, có một cốt lõi riêng, rất cội rễ.
Cội rễ ấy là tập tục “sùng bái tổ tiên”.
“Sùng bái tổ tiên” là một sinh hoạt tinh thần rất tự nhiên và từng phổ biến ở khắp nơi trên thế giới.
Ở một số nơi trên thế giới một khi mà các tôn giáo độc thần được chính thức xác lập trong cộng đồng lớn, tục “sùng bái tổ tiên” bị hạn chế hoặc ngăn cấm, để cho “kho lòng tin” của những người trong cộng đồng lớn được tập hợp chung về theo tôn giáo độc thần. Sự tập hợp này có thể hoặc trở nên rất hà khắc, có tính khủng bố sinh hoạt cộng đồng; nhưng trong một số trường hợp một khi những sinh hoạt tôn giáo ấy được cải cách cởi mở khoan dung hơn, thích ứng sát theo sự phát triển của đời sống thì chúng cũng có thể tham gia làm nên những phương thức sinh hoạt chung thống nhất cho toàn thể cộng đồng, mang tính tích cực. Những thiên hướng khác nhau của những sự vận động này đưa đến các nền văn minh khác nhau.
Ở một số nơi khác nhau tục “sùng bái tổ tiên” được tiếp diễn dưới các dạng khác nhau. Ví dụ như ở Trung Hoa thì tùy theo phẩm tước vua – quan – dân mà mỗi phẩm tước được quyền “sùng bái tổ tiên” ngược cho đến bao nhiêu đời về trước, riêng hoàng đế (vua của các vua) thì được quyền sùng bái tổ tiên ngược tới tận lễ “thờ Trời”, vì chỉ riêng hoàng đế mới được quyền tự coi mình là “con của Trời”, “tôi riêng được thờ Trời vì Trời là bố của riêng tôi”.
***
Người Kinh Việt trước hết thực hành tinh thần “hỗn mang sùng bái”. “Hỗn mang sùng bái” có nhiều “thuận lợi”.
Trước hết, “hỗn mang sùng bái” ở người Kinh Việt không bị ràng buộc bởi một logic chặt chẽ nào cả, đỡ cho người ta phải suy tính sắp xếp bài bản. Sự sùng bái, thờ cúng được thực hành “tùy tâm, tùy tiện”, hỗn độn xáo trộn các loại giáo lý đã thu hoạch được và được tiếp nhận – đến mức mà “bản thân giáo lý thực tế không quan trọng gì trong thờ cúng cả”. Nhưng cội rễ trong “hỗn mang sùng bái” ở người Kinh Việt là tập tục “sùng bái tổ tiên”.
***
“Sùng bái tổ tiên” ở người Kinh Việt thể hiện căn bản nhất là việc sùng bái trước hết bố mẹ mình, rồi ông bà, cụ kị của mình, “các cụ nhà tôi”. Với việc du nhập thấm đẫm đạo Khổng, dòng họ bên bố được giữ vị thế chủ đạo. Sự sùng bái này rồi được mở rộng tiếp thêm ra hơn, lan tỏa tới “sùng bái dòng họ” của mình.
“Sùng bái tổ tiên” được thờ cúng cổ truyền ở gian chính giữa của căn nhà người Kinh Việt. Ngôi nhà truyền thống của người Kinh Việt, dẫu có là nhà vách đất lợp rạ lợp lá, đều được bố trí cùng cách như là của nhà chùa, đền thờ. Khách đi vào mỗi ngôi nhà truyền thống là đi vào gian chính giữa, là đi vào gian thờ, cả ngôi nhà là một đền thờ.
Với người nhà ở lâu thành quen, “nhà thờ” này của chính mình chỉ hiện hình rõ ra với người trong nhà vào mỗi dịp rằm, giỗ, Tết… và đặc biệt vào khi có đám hỏi, đám cưới, đám ma. Nhưng đối với người khách, nhất là với người khách không quá quen thuộc, bước vào ngôi nhà của người ngoài trước hết là bước vào nhà thờ tổ tiên của họ, cần phải khép nép mình tùy theo khẩu khí của từng chủ nhà, tùy theo vị thế của họ đối với mình mà cư xử mình cho “phải phép”.
Phải phép
Chính ở chỗ này, “phải phép” mới là câu chuyện rất căn bản ở người Kinh Việt.
“Phải phép” trong việc “sùng bái tổ tiên” ở người Kinh Việt là một qui ước rất mơ hồ. Nó dựa trên hai tính chất: một mặt là sự “bắt chước”, và mặt khác là sự “tùy tiện mỗi nhà”.
Ban thờ
Các “ban thờ giữa nhà” có thể na ná như nhau, thường thì được sơn son thếp vàng nếu chủ nhà dành dụm được ít tiền (“bắt chước”), nhưng hình khối, cao thấp, tỉ lệ chiều cạnh… thì “tùy tiện”. Các nhà mới trong thị phố bữa nay thường được xây cất trên những mảnh đất rất chật hẹp, nhiều khi chỉ đủ cho một gian, cho nên phải được xây ngoi lên thật nhiều tầng, cấu trúc cổ truyền “ban thờ gian giữa” trở nên hoặc không thể, hoặc quá phiền phức cho sinh hoạt hằng ngày. Vậy nên dần dà các ban thờ được đưa lên trên gian ở tầng nóc trên cùng: tầng này thường là rất nóng nực (trừ một vài tháng ở phía Bắc), lại phải leo cao xoắn ốc mỏi chân, vậy vừa là “tùy tiện”, mà cũng vừa là “bắt chước” nhau, bắt chước nhau cho tiện lợi mà cũng đỡ bị chê trách trong một đời sống tinh thần vẫn rất xóm thôn. Nhà nào “khá giả”, sính lễ, hoặc thường hay còn có “bề dưới” đến cúng tiến – do vị trí xã hội, hoặc do vị trí trong họ hàng – thì có thể hy sinh một gian (đôi khi là gian duy nhất) ở tầng thấp làm ban thờ oai phong không kém gì đền thờ nơi công cộng, có tượng tổ tiên mình oai nghiêm đang soi ngắm khách cúng thờ, như thế là “siêu tùy tiện”, mà cũng là “siêu bắt chước”. Các căn hộ chung cư cũng phải “tùy tiện cúng thờ” vì cấu trúc căn hộ đâu còn như căn nhà cổ truyền ba gian năm gian với gian thờ ở chính giữa.
Đồ thờ
“Đồ thờ” trên ban thờ vừa luôn luôn là “tùy tiện”, mà cũng là “bắt chước”. Người Kinh Việt vốn siêu coi trọng việc ăn (“ăn cỗ “, “ăn giỗ”, “ăn hỏi”, “ăn cưới”…) nên đồ thờ trước hết phải là đồ ăn. Ở quê thì tiện có món gì bữa đó thì bày thứ đó lên, với liên tưởng “các cụ ăn trước, mình ăn đồ thừa còn lại” mong tỏ đức “hiếu”, tuy nhiên nếu như chủ nhà chợt thấy ra có thiếu mất miếng nào trong đồ bày thờ thì phải tìm cho ra thủ phạm, “các cụ nào có ăn được gì?”, “đứa nào ăn vụng?”, “mèo nào mà dám lên đây?!”. Có ai đi xa về biếu gói kẹo gói bánh thì cũng được tiện dâng bày lên ban thờ. Ở phố thì đôi khi oách xà lách hơn, bạn gà luộc với bộ da được nhuộm óng vàng, miệng ngậm quả ớt đỏ thật Hollywood nằm sang trọng trên ban thờ giữa các món đông tây kim cổ, kèm theo hoa này quả khác các loại, càng khá giả càng phức tạp. Món gì, được bày như thế nào, nằm ở vị trí nào, số lượng bao nhiêu: tùy nhân tâm, tùy bắt chước xa gần, tùy hứng chí của chủ nhà – chủ nhà chính là “chủ đền thờ ta đây, nào phải sợ gì ai!”. Tất nhiên, vẫn phải có bát hương (“bắt chước”), gần đây thì bát hương điện được lên ngôi cho đỡ bụi bẩn và đỡ sặc sụa khói độc trong gian nhà phố bé xíu, chưa kể tới nguy cơ cháy nhà như chơi (“tùy tiện”).
“Sùng bái dòng họ”
Nếu “sùng bái dòng họ” đã được thể hiện trên ban thờ trong mỗi nhà, thì ở một nấc lan tỏa hơn lên nó được triển khai qua việc huy động chung tiền xây cất nhà thờ cho chi họ (dòng họ gần), dòng họ lớn (mở rộng xa hơn) của mình ở trong làng. Có một cuộc chạy đua vừa ngấm ngầm vừa công khai giữa các chi họ, dòng họ trong một làng, sao cho chi họ nhà mình trở nên oai nhất dòng họ nhà mình, và dòng họ nhà mình thì oai nhất so với các dòng họ khác trong làng. Và nếu thực tình không đủ sức để làm được ra như thế, thì chí ít dòng họ nhà mình cũng phải oách kiểu gì đó, “không quá kém ai”.
Dù trong đạo Khổng, các nhà thờ họ thường chỉ thờ dòng họ bên đằng bố.
Ngày nay con người đã ra khỏi làng nhiều để kiếm ăn sinh sống, đi khắp các miền trong nước, đi cả ra thế giới bên ngoài. Nhiều người giữa đường đời hay cuối đường đời được nhắc nhở và chợt lo đóng góp sao đây cho nhà thờ họ của mình ở làng quê khá giả thêm hơn nữa, tô vẽ lại lịch sử dòng giống của mình sao cho vốn như là “sang trọng từ thuở muôn xưa”. Các gia phả chi họ, dòng họ được kì công trau chuốt làm đẹp thường xuyên hơn lên, tuy nhiên những ai “xấu xí” trong dòng họ có thể bị gạch tên loại khỏi gia phả – lịch sử cần đẹp, không cần phải chính xác đầy đủ.
“Đất nước tôi” không quan trọng bằng “làng tôi”, mà “làng tôi” thì không quan trọng bằng “họ nhà tôi ở làng tôi”.
Sùng bái dòng họ, như nhiều hiện tượng khác, mang trong nó những thuận lợi và nghịch cản trong đời sống.
Thuận lợi, “sùng bái dòng họ” cho người ta một lòng tự hào, một sự gắn kết, thúc đẩy những tương trợ nhất định trong đời sống của những người thuộc về cùng một dòng họ. Điều này vốn có nền tảng rành rẽ hơn ở vào thời xa xưa khi mà con người còn thưa thớt, sự cố kết tập đoàn theo dòng máu là lẽ tự nhiên để thuận lợi cho săn bắt, hái lượm, khai khẩn, nuôi trồng, tự vệ.. và chiến tranh. Khi xưa (và thực ra ngay cả mới vài chục năm về trước đây thôi) phần lớn người ta vẫn sống cả đời mình cùng dòng họ nhà mình tại làng quê mình (“sảy nhà ra thất nghiệp”). Một số người hiếm hoi khác sau một đời phiêu bạt đi kiếm ăn, hoặc kể cả ra làm quan, lại “về vườn”, lui về an nghỉ tại “quê” của dòng họ của mình, cùng dòng họ của mình. Cũng khi xưa hễ có nạn chiến tranh, người ta thường chạy về quê; nhiều “lãnh tụ khởi sự” thời xưa cũng thường về quê chiêu mộ lính tráng để gây thế lực.
Cho đến ngày nay nhiều người vốn đã được sinh ra và lớn lên ở thị phố, tuổi còn chưa cao, mà cũng đã mua sẵn đất phần mồ mả ở quê để phòng khi chết sẽ được về nằm cạnh người của dòng họ mình cho an tâm vĩnh viễn. Họ nhìn xa trông rộng.
Ở thành phố đông đúc, cả về người, về xe pháo, cùng về tin tức, mình về quê mình rồi sẽ được thờ phượng linh thiêng hơn ở trong nhà thờ họ của mình.
Nhiều giấy tờ hành chính ở Việt Nam ngày nay vẫn còn hay có mục phải khai “quê quán”, dẫu rằng đã bắt đầu có những thế hệ người chưa bao giờ biết mặt “quê mình” như thế nào ngoài cái tên.
***
Phân tích về môi trường sinh hoạt thờ cúng sùng bái ở người Kinh Việt để chúng ta nhìn rõ hơn những điểm thuận lợi – chủ yếu trong quá khứ xa xưa – và những cản trở về tâm thức để thúc đẩy sự tiến triển tốt đẹp của sinh hoạt cộng đồng mai đây.
Con người ngày nay đã mở rộng kích thước của sinh hoạt xã hội của mình. Chúng ta hiểu rõ rằng một khi các hệ thống an sinh xã hội – bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm mất việc, rồi các bảo hiểm nói chung; các trợ giúp học hành, trợ giúp đào tạo nghề nghiệp, trợ giúp phát triển doanh nghiệp, vv.. được xây dựng tốt, chúng sẽ cho những giải pháp căn bản hơn hẳn so với sự cố kết dòng họ.
Bạn đi làm, có lương tốt và đóng thuế. Bạn xây dựng phát triển doanh nghiệp và đóng thuế. Tiền thuế đó góp vào xây dựng các hệ thống trợ giúp xã hội vừa nói. Bạn không ưa thích gì người hàng xóm gặp khó khăn hoặc ốm yếu hoặc bị tai nạn, nhưng thực tế bạn giúp người đó một cách bắt buộc qua các hệ thống trợ giúp xã hội, cho dù người nọ hay châm chọc làm khó bạn đi nữa.
Bạn tự do hơn khỏi mối liên kết cổ truyền nặng nề, mà bạn cũng tự nhiên thực hành trách nhiệm xã hội hơn lên, và trong trường hợp không may phải gặp khó khăn bạn sẽ được hưởng những sự giúp đỡ của các hệ thống trợ giúp xã hội một cách đương nhiên mà không phải nợ nần mang ơn trực tiếp riêng một cá nhân nào khác.
Mỗi con người thôi không phải đóng vai là “đại sứ toàn mệnh thường trực” của gia đình mình, của dòng họ của mình. Họ trở thành con người của tự do và trách nhiệm, đối mặt với họ là câu hỏi “tôi là ai?”, “tôi mong ước gì?”, “tôi làm được gì?”, “tôi sẽ hạnh phúc như thế nào?”.
Xã hội trong toàn thể sẽ trở nên dễ dàng nền nếp hơn lên, dễ dàng cải cách được hơn khi cần thiết, dựa trên nền tảng của hiểu biết, tôn trọng, bao dung.□
—
Ảnh trong bài: Nhà thờ Thái tộc trong Lan viên cố tích ở Huế.