Thơ “dở”

Tôi có cảm giác một trong số những bài thơ “dở” này lại không dở chút nào, nó mang một thứ mùi hương trong mình, chính những điểm yếu, những khiếm khuyết lồ lộ của nó lại gây ấn tượng, độc đáo, thân mật và duyên dáng; và tôi nhận ra một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ từng có thời làm mê hoặc lòng người giờ đã trở nên nhợt nhạt và xơ cứng.

Tôi nhớ hồi khoảng 10 tuổi, có một lần ở trường, chúng tôi được đọc một bài thơ mà nhan đề của nó, nếu tôi nhớ đúng, là “Cậu con trai nhỏ bé của Speckbacher”. Bài thơ kể về một cậu bé quả cảm, người đã tham gia vào một trận chiến đấu, xông pha giữa cơn mưa đạn để nhặt đạn dược về cho nghĩa quân và trở thành một anh hùng nổi tiếng. Cả lớp chúng tôi ai cũng hào hứng với bài thơ và khi thầy giáo hỏi chúng tôi một cách hơi châm biếm: “Các trò nghĩ đây là một bài thơ hay sao?”, chúng tôi đều gào lên phấn khích: “Dạ, đúng ạ!” Nhưng ông thầy lại lắc đầu, mỉm cười và nói: “Không, đó là một bài thơ dở.” Thầy tôi đã đúng, theo một cách nào đó. Theo những quy phạm và thị hiếu của thời đại, đây không phải là bài thơ hay. Nó thiếu sự chân thực, tinh tế, nó thiếu sự tự nhiên, nó là một tác phẩm có phần thô sơ. Song bài thơ lại đem lại cho những cậu bé chúng tôi những rúng động mãnh liệt.

Mười năm sau, khi tôi chừng 20 tuổi, tôi có thể đọc bất kỳ bài thơ nào trên thế giới và tự quyết định nó là bài thơ hay hay dở. Đó là việc đơn giản nhất trên đời. Tất cả những gì người ta cần làm là liếc vào trang sách, đọc mấy dòng thơ rõ tiếng một chút – vậy là xong việc.

Một phần ba thập niên nữa lại tiếp tục trôi qua, số bài thơ tôi đã đọc lên đến hàng trăm và một lần nữa tôi lại ở trong tình thế không phán quyết được một bài thơ cụ thể nào đó là hay hay dở. Giờ đây tôi nhận được rất nhiều bài thơ, phần lớn được viết bởi những người còn trẻ, họ muốn tôi cho biết những bài thơ của họ hay hay dở và giúp cho họ được các nhà xuất bản nhận lời in. Và các nhà thơ trẻ bao giờ cũng ngạc nhiên và thất vọng khi nhận thấy nhà thơ già Hesse, người được xem là đã học hỏi bằng kinh nghiệm, lại chẳng đúc kết được gì từ kinh nghiệm của mình mà chỉ lật qua từng trang bản thảo như một động thái vô nghĩa, ông ta còn chẳng đủ can đảm để phán quyết xem những bài thơ của họ là xuất sắc hay vô giá trị. Điều mà ở tuổi 20 tôi có thể làm được hoàn toàn tự tin chỉ trong hai phút giờ lại là việc khó khăn đối với tôi. Có lẽ tôi không nên nói đó là việc khó, mà phải nói đó là việc bất khả. (Thứ mà chúng ta gọi là “kinh nghiệm” là một vấn đề gây bối rối. Khi ta còn trẻ, ta mặc nhiên xem nó là thứ đến một cách tự động. Song vấn đề không giản đơn như thế. Có những người có khả năng đạt đến sự thấu suốt từ kinh nghiệm; họ có kinh nghiệm từ khi là học trò; họ sinh ra đã có tư chất của một kẻ nhiều kinh nghiệm – và có những người khác, trong đó có cả tôi, những người có thể 40 hay 60 tuổi, thậm chí sống đến trăm tuổi nhưng rốt cục lại trở về cát bụi mà chẳng hề học được hay hiểu được cái thứ “kinh nghiệm” này là gì).

Sự tự tin tôi có khi đánh giá các bài thơ lúc mình 20 tuổi có duyên do thực tế: tôi dành tình cảm mãnh liệt và đặc quyền cho một số bài thơ, một số nhà thơ đến độ ngay lập tức, một cách rất bản năng, tôi so sánh mọi bài thơ, nhà thơ khác với những bài thơ ấy, những nhà thơ ấy. Nếu một bài thơ nào đó giống với những bài thơ trong nhóm yêu thích của tôi, đấy là bài thơ hay. Còn ngược lại, tôi sẽ không thấy nó có phẩm chất đáng kể nào.

Vẫn có một số thi sĩ mà tôi đặc biệt yêu quý, một số người trong đó là những thi sĩ mà tôi đã mến mộ từ hồi mình 20 tuổi. Nhưng giờ đây, dường như tôi lại có phần ngờ vực hơn những bài thơ có vẻ giống như tác phẩm của những nhà thơ ngày trước mình yêu thích.

Lúc này tôi không định bàn về các nhà thơ và thơ ca nói chung; tôi chỉ muốn nói đôi lời về thứ thơ “dở” – tức là về những bài thơ mà hầu như bất cứ ai, ngoài trừ chính nhà thơ, sẽ xếp chúng ngay vào cùng với những thứ văn vẻ tầm thường, vớ vẩn, những lối viết trước đó không ai viết thế.

Nhưng quả thật giờ đây, tôi lại thường xuyên cảm thấy một bài thơ mà mọi người đều cho là dở lại đem đến cho tôi những khoái cảm thực sự, tôi dường như có xu hướng chấp nhận nó, thậm chí ca ngợi nó, trong khi đó những bài thơ hay, kể cả những bài thơ hay nhất, lại thường không rung lên trong tôi một âm vang đáp lại nào. Tôi có cảm giác một trong số những bài thơ “dở” này lại không dở chút nào, nó mang một thứ mùi hương trong mình, chính những điểm yếu, những khiếm khuyết lồ lộ của nó lại gây ấn tượng, độc đáo, thân mật và duyên dáng; và tôi nhận ra một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ từng có thời làm mê hoặc lòng người giờ đã trở nên nhợt nhạt và xơ cứng.

Tôi có thể thấy nhiều nhà thơ trẻ của chúng ta cũng có kinh nghiệm tương tự. Về nguyên tắc, họ đã tránh viết những bài thơ “hay”. Khi một nhà thơ trẻ trong số này bỗng dưng hoài niệm quá khứ – Werfel là một thí dụ – anh ta bỗng quên đi bản ngã của mình và bắt đầu dàn trải những lời thơ hoa mỹ theo phong cách cổ điển xưa cũ thì chính điều ấy lại đem đến cho độc giả của nhà thơ một cảm giác khó chịu rất lạ. Những nhà thơ còn rất trẻ  của chúng ta, những người chưa bao giờ bị cuốn vào những lỗi lầm như thế, đã đi đến kết luận rằng: thế gian này đã có đủ những bài thơ đẹp, rằng họ không được sinh ra và được đặt trên hành tinh này chỉ để tạo ra mấy dòng thơ xinh xẻo hơn, để tiếp tục trò chơi kiên nhẫn mà cha ông của họ đã bắt đầu. Họ hoàn toàn đúng và những bài thơ của họ thường có sức hấp dẫn, sự hưng phấn giống như những gì tôi nhận thấy từ những bài thơ “dở” mà tôi đã nói đến.

Và lý do chẳng phải tìm ở đâu xa. Thoạt đầu, một bài thơ là một thứ gì đó rất đơn giản và bộc phát. Nó là một sự thoát ra, một tiếng gọi, một tiếng gào, một hơi thở dài, một chuyển động, nhờ đó, tâm hồn tìm được sự giải tỏa hoặc nhận ra một xung lực thúc đẩy. Ở chức năng đầu tiên, nguyên thủy, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, chẳng ai có quyền phê phán một bài thơ. Thứ cảm hứng đó chẳng nói với ai khác ngoài chính bản thân nhà thơ: đó là tiếng khóc, là sự mộng mơ, là động thái mang tính bản năng của nhà thơ. Đôi khi bài thơ dường như không chỉ thỏa mãn sự giải phóng cảm xúc của nhà thơ. Một số bài thơ còn kích thích, truyền cảm hứng đến những người bên cạnh nhà thơ. Những bài thơ ấy là những bài thơ hay. Có lẽ điều này xảy ra khi nhà thơ biểu đạt được một điều gì đó chung cho cả loài người, điều cũng có thể đến với những người khác. Song tôi không chắc lắm.

Chính tại đây, chúng ta bị mắc kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn không may. Vì những bài thơ “đẹp” khiến tác giả nổi tiếng nên sẽ có rất nhiều những bài thơ khác được viết ra với một tham vọng không gì khác hơn là trở nên “đẹp”, tác giả của chúng không có ý niệm gì về tính sáng tạo, vẻ ban sơ, sự hồn nhiên mà thiêng liêng của bài thơ. Những bài thơ ấy không còn là những giấc mơ hay tiếng khóc của một tâm hồn, sự bùng vỡ của nỗi đau hay niềm hoan lạc, những hình ảnh của những ước muốn thầm thì hay những công thức thần bí, những động thái của một nhà hiền triết hay điệu bộ của một gã điên – không, chúng chỉ còn là miếng thịt thơm ngon dành cho khách hàng là công chúng. Chúng được viết ra để thu về lời lãi từ việc cung cấp cho công chúng sự vui thích, sự chỉ dẫn hay những cái gì khác nữa mà công chúng thèm khát. Và những bài thơ như thế thường được hoan nghênh đón nhận. Nhưng có những ngày mà thế giới đúng đắn kia trở nên nhàm chán quá đỗi đối với tôi, khi tôi muốn phá cũi xổ lồng, muốn đốt đền, tôi mới phát hiện được rằng tất cả những bài thơ “đẹp”, thậm chí kể cả những điển phạm thiêng liêng, đều như thể đã từng bị kiểm duyệt, bị thiến hoạn, chúng trở nên ba phải, nhạt nhẽo, héo hắt như một bà cô già. Vào những ngày ấy, tôi thích những bài thơ dở hơn. Càng tệ bao nhiêu, chúng lại càng làm tôi vui thú bấy nhiêu.

Nhưng chẳng bao lâu sẽ đến cái ngày mà những bài thơ dở cũng trở nên đơn điệu. Việc đọc những bài thơ dở chỉ là một khoái cảm lướt qua. Và sau cùng, đọc những bài thơ dở thì có gì tốt? Tại sao bạn không tự viết những bài thơ dở? Làm việc đó đi, độc giả, và cả bạn nữa sẽ nhận ra việc sáng tác những bài thơ dở là một khoái thú hấp dẫn hơn nhiều so với việc đọc những bài thơ đẹp nhất từng được viết nên.

        Hải Ngọc dịch

Nguồn: Hermann Hesse, “Bad Poetry”, bản Anh ngữ của Roy Temple House, Poetry, Vol.70, No.4 (Jul., 1947), p.202-5.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)