Thời gian và không gian âm nhạc

Âm nhạc là môn nghệ thuật của thời gian, âm nhạc trải ra theo thời gian, một tác phẩm âm nhạc bao giờ cũng có mở đầu, có tiếp diễn, và có kết thúc. Người thưởng thức âm nhạc luôn bị bắt buộc (một cách hoàn toàn tự nhiên) phải tuân theo trình tự thời gian: từ lúc bắt đầu đến khi tác phẩm kết thúc hết bao nhiêu phút, bao nhiêu giây, và đó cũng chính là độ dài của tác phẩm âm nhạc ấy

Vì là môn nghệ thuật của thời gian, nên âm nhạc chịu sự chi phối của các qui luật tương đối của thời gian, một tác phẩm âm nhạc khi vang lên bao giờ cũng đến với người nghe dần dần (với nghĩa đen) theo thời gian trôi: bản “Bolero” của nhà soạn nhạc người Pháp Ravel ở những phút đầu tiên nghe thật chậm và nhẹ nhàng, nhưng dần dần âm nhạc cuốn dần lên, nhanh dần lên, mạnh dần lên, người nghe có cảm giác thời gian trôi nhanh lên, không gian mở rộng ra, cả một khối âm thanh đồ sộ đang cuồn cuộn chảy. Khi âm nhạc vang lên nhẹ nhàng, người nghe cảm thấy thời gian trôi chậm, không gian dường như mỏng manh, khi âm nhạc được đẩy lên mạnh hơn, người nghe sẽ cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn và không gian được mở rộng hơn Âm nhạc cũng là môn nghệ thuật của thính giác, khác hẳn với hội họa, điêu khắc, kiến trúc… là những ngành nghệ thuật thị giác. Đối với nghệ thuật thị giác, người xem vừa có thể tiếp nhận (thưởng thức) tác phẩm ở chi tiết, vừa có thể xem (nhận thức) tác phẩm ở dạng toàn thể, bởi hầu hết các chi tiết lẫn toàn bộ (bức tranh, pho tượng, hay ngôi nhà) đều được hiển thị trước mắt, thậm chí nếu những chi tiết bị che khuất ở góc nhìn này, thì vẫn có thể được thấy ở góc nhìn kia…; nghệ thuật của thính giác thì hoàn toàn khác, người nghe chỉ có thể tiếp nhận tác phẩm ở từng (và từ) chi tiết (vang lên trước và tiếp theo sau) tuân theo thời gian trôi, cuối cùng thì cấu trúc toàn thể của tác phẩm (âm nhạc) chỉ đọng lại (hiển thị) trong trí nhớ và dường như vô hình, không thể cân đong, đo đếm một tác phẩm âm nhạc trong không gian được

Trong chương trinh học nhạc của toàn bộ các trường âm nhạc từ chuyên nghiệp đến không chuyên trên khắp thế giới, môn học và giờ luyện tai nghe, luyện trí nhớ, là một trong những môn quan trọng nhất, tốn nhiều thời gian luyện tập nhất, bởi vì một tác phẩm âm nhạc chỉ tồn tại trong trí nhớ của người nghe sau khi họ đã tiếp nhận (và ghi nhớ) từng chi tiết (âm nhạc hoặc âm thanh) theo thời gian tác phẩm ấy đã diễn ra, bất kỳ một tác phẩm âm nào cũng vậy, đều trải dài theo thời gian, và chỉ hình thành toàn bộ trong trí nhớ người nghe mà thôi…
Có những buổi chiều muộn mùa thu, trời đất khô cong se lạnh, tôi lang thang dọc mấy dãy phố chợ Trời chuyên bán các loại loa và ampli cũ, nhìn những đống loa xếp chồng lên nhau, cái to nặng ở dưới, cái nhỏ nhẹ ở trên, rồi ngó vào tận bên trong của từng chiếc loa cũng vậy, ô loa to phát ra tiếng trầm luôn được lắp dưới cùng, ô loa trung phát ra tiếng trung luôn nằm giữa, ô loa nhỏ phát ra tiếng cao thì ở trên, cấu trúc ấy không thấy bị đảo ngược bao giờ, bởi nó tuân theo cảm nhận (và cảm giác) của chính chúng ta: những âm thanh trầm luôn cho cảm giác nặng và chìm xuống dưới, những âm thanh cao nghe thấy nhẹ và nổi lên trên. Cũng giống như mỗi khi nghe một dàn nhạc giao hưởng hòa tấu, ta cảm thấy cả khối âm thanh lớn chuyển động, không gian rộng, nặng và sâu, nhưng khi nghe chỉ một tiếng violon độc tấu, ta lại hình dung ra những đường nét mỏng bay, không gian nhỏ và nhẹ

Âm nhạc ôm trong lòng nó cả thời gian và không gian, âm nhạc chuyển động, thời gian và không gian dường như cũng co dãn theo, một cấu trúc thời gian và không gian cảm tính, cũng như chính âm nhạc, chỉ tồn tại trong trí nhớ và trong trí tưởng tượng của người nghe mà thôi.

Vũ Nhật Tân

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)