Thói quen

Xung quanh khu vực bản Đông Lốc (thuộc xã Đăkman, huyện Đăklei, tỉnh Kontum), một nơi được coi như một góc Đà Lạt bị bỏ quên giữa rừng Trường Sơn, suốt sáu tháng mùa khô gió Lào quật tơi tả cả ngày lẫn đêm, riêng ngôi làng nằm chót vót trên mỏm núi vẫn thản nhiên như không. Làng quanh năm gần như không bao giờ nóng hơn 20 độ C.

Bản đang tổ chức cho một đôi trai gái lập nhà mới. Đám cưới rất to. Cả bản ăn heo, bò luộc và uống rượu đến say quanh những chiếc bàn tròn theo kiểu người Kinh. Mâm rượu có cả những đứa trẻ mới mười lăm tuổi. Chủ rể tên A Âu bảo, vì lấy vợ lần thứ hai nên không thể làm to hơn, không xuống thị trấn để gọi người đặt tiệc. Lắc lư hát với một ca rượu trong tay, chú rể trố mắt trước câu hỏi ngày mai sẽ làm gì, bắt đầu phát nương rẫy hay vợ chồng dẫn nhau đi hưởng tuần trăng mật ? Ngày mai vẫn tiếp tục đãi bà con chứ còn làm gì, phải ăn uống đủ ba ngày để mừng lấy vợ mới chứ ? Còn sau đó nữa ? Thì mình dẫn vợ đi rẫy, chú rể cười thật to, phải đi rẫy để trồng thật nhiều khoai mì, mới có đủ để làm rượu uống chứ, và sau đó kiếm cái gạo cho lũ nhỏ trong nhà.
Để cho đỡ lạnh, phụ nữ trẻ em thường quấn một tấm vải gai dệt xen kẽ những hình khối hoa văn. Giống như những người da đỏ dưới chân rặng núi Apache, họ đi lại co ro, lặng lẽ nhưng liên tục suốt cả ngày lẫn đêm trên những con đường đất nối các ngôi nhà trong bản. Tấm vải ban ngày làm áo khoác, ban đêm làm mền đắp cho cả nhà. Nhà nào cũng sẵn rượu làm từ sắn tươi nhổ trên rẫy về, luộc sơ, phơi chiếu lệ, ủ với lá rừng sau hai tuần là chiết ra uống. Những người đàn ông ở rẫy về là ngay lập tức chìm đắm trong làn hơi men ngòn ngọt để chống lại cái khí lạnh của cao nguyên đầu mùa mưa.
Mùi rượu ngọt lịm quanh năm lưu cửu trước cửa các ngôi nhà bằng gỗ và bất kể khách nào dừng xe vào bản, khó mà từ chối ca rượu đầy chủ nhà bưng ra mời. Không chỉ ở tiệc cưới mà vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, gần như ở bất kỳ ngôi nhà nào trong bản, chủ nhà lúc nào cũng ngà ngà và đương nhiên không bao giờ chịu để cho khách tỉnh táo ra đi. Vào thăm năm nhà sẽ cùng chủ uống xong năm ca rượu mới được giã từ. Cả chủ lẫn khách chìm trong hơi men ngọt lịm. Họ uống cho đến lúc đỉnh núi Ngọc Linh nhạt nhòa, trôi dần qua bên kia dãy Trường Sơn.
Quá trình khám phá và xây dựng Bà Nà – Núi Chúa, cũng được coi như một Đà Lạt thứ hai ở miền Trung, vào những năm đầu thế kỷ hai mươi ngoài viên sĩ quan lục quân Debay có lẽ còn có một cái tên quen thuộc nữa là bác sĩ Albert Sallet. Vị này, cùng một số chuyên gia khác nữa do chính phủ bảo hộ Trung kỳ chỉ định, đã dành rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện các công trình nghiên cứu về khoáng sản, lâm sản, về khí hậu, thời tiết và vệ sinh y tế, về địa chất, động thực vật học… tại những cánh rừng nguyên sinh ở miền Trung và Nam Trường Sơn mà một số đã được giới thiệu trên tờ Bulletin des Amis du Vieux xuất bản ở Huế vào những năm 1924. Riêng về Bà Nà – Núi Chúa, Sallet có những dòng ghi chép rất cặn kẽ như sau : có thể tổ chức những cuộc du ngoạn có nhiều dáng vẻ ngạc nhiên, Bà Nà chỉ nhờ cậy vào thiên nhiên nơi nó tồn tại và thiên nhiên đó đem lại lợi ích cho mọi người. Tại đây không có vấn đề săn bắn hoặc nếu muốn săn bắn, phải xuống tận những tầng thấp dưới chân núi, ở đó không có sự hấp dẫn của những di tích người xưa để lại. Giá trị những cuộc du ngoạn ở đây nằm trong những cuộc tản bộ, trong sự hấp dẫn của những địa điểm yên tĩnh mà rất đẹp trong sự phát hiện những cảnh quan tuyệt vời. Những cuộc du ngoạn chiếm một vai trò to lớn trong đời sống ở Bà Nà, chúng có ý nghĩ to lớn đối với sức khoẻ mọi người, chắc chắn chúng đem lại cho mọi người sự ngon miệng ngày càng tăng và những giấc ngủ ngon lành.
Cũng trong một bài viết khác, Sallet cho rằng giai đoạn Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long về sau) sa cơ lỡ vận phải vào sâu trong rặng Bà Nà – Núi Chúa hạ trại thâu nạp những người dân tộc thiểu số rồi khai khẩn hơn năm mươi héc ta đất canh tác tại đây trong giai đoạn chống quân Tây Sơn đã để lại những hệ luỵ rất xấu đối với khu rừng nguyên sinh này. Người Pháp lên Bà Nà – Núi Chúa khởi đầu từ trụ sở của Sở Kiểm lâm năm 1915. Trong suốt nhiều năm hình thành thị trấn Bà Nà, vị bác sĩ này luôn lưu ý đến việc kiềm chế tốc độ xây dựng. Không phải là vấn đề cảnh quan bởi vì các kiến trúc sư Pháp thời đó đã tiến hành quy hoạch bình nguyên trên đỉnh Bà Nà – Núi Chúa (khoảng 4 héc ta) cực kỳ chặt chẽ. Sallet lo ngại số lượng nhân công xây dựng người bản địa tập trung quá đông trong cùng một thời điểm cùng những thói quen xấu như sinh hoạt bừa bãi, rượu chè, hút sách, sẽ nảy sinh những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường. Khoan nghĩ đến thái độ coi khinh người An Nam của một viên chức bảo hộ, thì Sallet trước tiên là một nhà khoa học. Vị bác sĩ này, một người nước ngoài, chắc chắn đã hiểu rõ tâm tính, thói quen cũng như tập quán sinh hoạt của người Việt. Và quan trọng là ông ta đã nói ra điều đó, bài xích điều đó vì lợi ích của nhiều người khác. 
Người bản Đông Lốc vốn là người Lào gốc Việt, hồi hương từ năm1984 và lập nghiệp ở đây để tìm kiếm một cơ hội mới bên đường Trường Sơn. Nhưng ngôi làng này không nổi tiếng bởi cái mác cả làng đều là “Việt kiều”, mà lại được biết nhiều nhất vì cái thói quen vào nhà là phải uống rượu. Người uống được thì khen, người không uống được cũng chỉ im lặng, hình như chưa từng có ai thử đặt ra với trưởng bản câu hỏi xem cái lệ này là hay hoặc dở. Cả bản có bốn mươi lăm nóc nhà đến giờ mới có một chiếc xe máy, mặc dù bản nằm kề đường Trường Sơn. Đã gần hai mươi bốn năm kể từ khi những con người này hồi hương từ bên kia biên giới về đây định cư, và gần năm năm từ khi đường Trường Sơn rộng hai làn xe chạy ngang qua bản nhỏ, Đông Lốc vẫn vậy với những ngôi nhà gỗ vách trát đất.

Nhiều năm nay trong những cánh rừng Trường Sơn thâm u, vẫn còn rất nhiều những ngôi làng như Đông Lốc, nơi mà người miền xuôi vẫn thỉnh thoảng lui tới trong những chuyến du lịch điền dã. Trong những ngôi nhà rông trống trải, trong cái hơi men ngọt ngào ngấm từ đời này sang đời khác làm cho các thế hệ người trở nên yếu ớt trong hình hài thấp nhỏ, chẳng có ai sẵn sàng từ chối một ca rượu sắn, rượu mía hoặc rượu nếp than. Trong những cánh rừng Trường Sơn thâm u, những ngôi nhà rông, nhà ưng, nhà gươl của từng dân tộc mái cao vút kiêu hãnh đôi khi đột ngột hiện ra trước mắt bạn, được vây bọc dù trong màu xanh bất tận của vườn cây hay trống trải của đất đỏ trông mạnh mẽ và đôi khi đẹp một cách man dại, nhưng để lại một cảm giác rất cô đơn. Hầu hết không còn gì trong những ngôi nhà làng như thế.

Đỗ Phước Tiến

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)