Thư pháp thời hiện tại

Khoảng 15 năm nay trong nước nở rộ phong trào thư pháp, không với ý nghĩa phục hồi Hán học, mà chú ý vào nghệ thuật viết chữ. Một vài ông đồ cũ bỗng nổi danh, cũng như nhiều thanh niên có trình độ Hán văn luyện thêm thư pháp, ấy là chưa kể nhiều người dùng bút lông viết chữ quốc ngữ, và gọi đó là thư pháp Việt.

Nếu là một trò chơi bút mực, phần nào mang tính nghệ thuật, thì không phải bàn nhiều. Chỉ cần khéo tay đôi chút, biết chút ít Hán văn là có thể viết thư pháp, bằng chứng là có nhiều lão nhân chỉ biết khoảng 20 chữ đã ra Văn Miếu kiếm tiền, vì thực ra thiên hạ chỉ cần viết vài chữ, đại loại chữ Phúc, Thọ, Nhân, Nhẫn, Tài…, thì 20 chữ cũng đã thừa. Nhưng nếu coi đây là một nghệ thuật, thì thư pháp không dễ như vậy, và có thể nói ngay rằng chúng ta có truyền thống ngàn năm Hán học, nhưng không có truyền thống thư pháp. Tất cả những chữ trên bia đá, hoành phi câu đối ở đình chùa, chữ viết của bộ lễ trên sắc phong… mới chỉ là nghệ thuật viết chữ đẹp, thấp hơn thư pháp một bậc. Nói đến thư pháp là phải nói đến các tác gia thư pháp, giống như tranh dân gian, tranh thờ miền núi đều có thể gọi là hội họa, đồ họa, nhưng một nền hội họa thực sự phải đi liền với sự hình thành của họa sỹ. Ngàn năm Hán học của chúng ta, không có đến mươi nhà thư pháp có tên tuổi. Ở Trung Hoa có hàng nghìn họa sỹ thành danh ngay từ thời Tam Quốc đến nay, nhưng số nhà thư pháp không được một phần mười, mặc dầu toàn bộ người Trung Quốc lúc nào cũng viết chữ Hán. Mặc dù người Việt viết chữ Hán đã lâu, nhưng đối với thư pháp lúc nào ta cũng là non trẻ.

 
U UẨN CHIỀU LƯU LẠC
Tác giả: Nguyễn Quang Thắng (2007)
Kích thước: 140 x 70
Chất liệu: Mực Tầu trên giấy Xuyến chỉ

Việc có nhiều câu lạc bộ và lớp thư pháp hiện nay đã làm cho các nhà thư pháp Việt Nam nắm được các nguyên tắc của năm thể chữ triện, lệ, chân, hành, thảo, cùng phương pháp dùng bút lông. Nhưng viết sao có thần khí lại còn phải đợi thời gian nữa, và từ đó thành tác gia với tư cách là các danh nhân lại là một chặng đường dài, vì không hiểu sao trong lịch sử thư pháp, các nhà thư pháp danh tiếng đều đồng thời là danh nhân cả.
Nghệ thuật thư pháp phát triển sâu rộng từ Trung Hoa cho đến Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam trong quá khứ, nhưng đến thời hiện đại, người ta phải nhìn lại có nên tiếp tục như vậy nữa không. Thứ nhất toàn bộ xã hội đã chuyển sang viết bút máy, bút bi, và ngày nay viết bằng máy vi tính, còn bút lông chủ yếu cho các họa sỹ. Cái nền tảng xã hội của thư pháp đã yếu hẳn. Thứ hai tầng lớp văn nhân sỹ đại phu phong kiến không còn nữa, cái yêu cầu cầm – kỳ – thi – họa không đặt ra nữa, con người phát triển tài hoa ra hướng khác. Xã hội công nghiệp, con người ai nấy đều thực dụng ở mức độ khác nhau, nên cũng chẳng thể có con người tinh thần thuần túy, lấy trời làm màn lấy đất làm giường như trước. Cuối cùng cũng có nên chỉ khuôn thư pháp vào nghệ thuật viết chữ Hán nữa hay không. Người Nhật đã đi tiên phong, ngay từ những năm 1950, phái Tiền vệ của họ đã chỉ coi thư pháp như là phương tiện, nét chữ không cần bao hàm ngữ nghĩa, và thư pháp tiếp cận hội họa trừu tượng.

 
HỒI (Về)
Tác giả: Lê Quốc Việt (2007)
Kích thước: 70 x 70
Chất liệu: Mực Tầu trên giấy Xuyến chỉ

Tinh thần này lan ra phương Đông, không hẳn chỉ từ Nhật Bản, mà còn một phần từ nghệ thuật Hiện đại phương Tây (Modern art), bức thư pháp được coi như là một bức họa, thậm chí là phương tiện của nghệ thuật sắp đặt. Thư pháp không phụ thuộc vào thể loại và nghĩa chữ trở nên dễ dàng hơn cho quần chúng tham gia vào nghệ thuật. Cho nên, nhà nghiên cứu Trung Quốc Bạch Liêm Thận có viết: Thư pháp Trung Quốc thế kỷ 20 là một trong những biến thiên rất quan trọng, nó đã đi từ tinh hoa truyền thống nghệ thuật biến đổi thành nghệ thuật hoạt động quần chúng.
Ở nước ta, hiện tại chỉ có một nhóm thanh niên tiếp nhận tinh thần này , đó là nhóm thư pháp Tiền vệ đứng đầu là họa sỹ Lê Quốc Việt (sinh 1972), Trần Trọng Dương (sinh  1981), Nguyễn Quang Thắng (sinh  1973), Nguyễn Đức Dũng (sinh  1978), và Phạm Văn Tuấn (sinh 1979). Trừ Việt nguyên là họa sỹ tự học Hán văn trong chùa, còn những tiên sinh trẻ tuổi kia đều xuất thân từ học Hán Nôm. Nhóm này đã lẻ tẻ, hoặc tập thể đã trưng bày nhiều năm và thường niên viết tại Văn Miếu vào dịp tết, đến năm 2006 họ bày triển lãm Tiền vệ đầu tiên ở Văn Miếu và Hoàng thành Hà Nội. Cuộc trưng bày đó gây một choáng váng cho khán giả quen xem thư pháp truyền thống, nghĩa là các thể chữ viết thuần túy trên giấy. Nhiều bức đã từ bỏ hoàn toàn yếu tố nội dung, không để đọc nữa, cũng không phụ thuộc vào thể chữ, quy định chữ, mà ngẫu hứng như trò chơi nét và bút mực. Báo chí đã đặt vấn đề đây là thư pháp, hay phản thư pháp. Tuy nhiên so với cuộc triển lãm lần này, vào cuối tháng 9/2007 tới đây thì sự biến đổi sang hội họa trừu tượng còn mạnh hơn nữa. Năm trước họ còn phụ thuộc nhiều vào kết cấu cân đối hoặc biến đổi của chữ Hán, từ chữ mà phát triển thành tranh, dấu ấn cá nhân cũng chưa rõ, thì năm nay mỗi người đã là một diện mạo và tự do hơn với các nguyên tắc của thư pháp, đồng thời sử dụng nhiều kỹ xảo rắc phấn, nhũ, làm nhàu nền giấy và thay đổi màu giấy tạo các hiệu quả thẩm mỹ bề mặt.

 
KÉN CÁ
Tác giả: Trần Trọng Dương (2007)
Kích thước: 35 x 140
Chất liệu: Mực Tầu trên giấy Xuyến chỉ

Không thể vội vàng kết luận thư pháp Tiền vệ Việt Nam chịu ảnh hưởng của các phái Tiền vệ Trung Quốc và Nhật Bản, vì toàn bộ nhóm này hầu như không có tiếp xúc gì với ngoài nước cả, hoặc họ chỉ ít nhiều nhìn thấy trên báo chí mà thôi, song có cái tinh thần mặc nhiễm và tư duy trừu tượng vốn nằm sẵn trong bút nghiên mực giấy và trong hội họa trừu tượng vốn thịnh hành ở nước ta từ thập kỷ 1990. Nét và sự biến đổi không cùng của nét trong quá trình trừu tượng hóa từ sự vật cụ thể là một thành tựu của thư pháp, tuy nhiên để cho chữ mang ngữ nghĩa nét trong chữ không thể phát triển đến mức phi lý, đây chính là cái giới hạn mà các họa gia muốn vượt qua để đi đến cái đẹp thuần túy hoặc mang tính biểu hiện. Như vậy vốn thư pháp sinh ra từ tượng hình có cơ hội quay trở lại các hình thức mô tả hoặc tượng trưng, và càng làm rõ cái nghĩa thư họa đồng nguyên. Mực lan tỏa tự do trên giấy, với độ ngấm nước và độ nhòe nào đó tạo ra các mảng đẹp, dù không có màu nhưng có sắc độ. Nét đi với mảng tạo ra nhiều tương phản đậm nhạt khác nhau, và nếu người vẽ, viết có sự sâu xa về tinh thần, sự điêu luyện của bút mực thì bức thư họa không cần đến nội dung, mà đã có vẻ đẹp chân thiện.

 
DẦY DẦY SẴN ĐÚC
MỘT TÒA THIÊN NHIÊN
Tác giả: Phạm Văn Tuấn (2007)
Kích thước: 70 x 140
Chất liệu: Mực Tầu trên giấy Xuyến chỉ

Những người phản đối cho rằng trước hết thư pháp phải đọc được, phải có nội dung do chữ Hán đem lại, và rất có thể những người viết do hạn chế về Hán văn mà chỉ lạm dụng nó. Họ gọi đó là cách bịt tai trộm chuông, tức là do kém cỏi mà tự huyễn hoặc mình. Sự phê bình này chưa dành cho các thư pháp gia của ta, mà ở Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên sự tiến đến trừu tượng đã trở thành một trào lưu lớn của thư pháp đương đại, nó quyết không chui vào cái lồng ngũ thể (năm kiểu chữ) nữa, để dẫu có viết đẹp cũng chẳng hơn cổ nhân. Từ thư pháp tĩnh tại, viết trên giấy thuần túy, tiến đến nghệ thuật hành vi, chỉ có một bước. Nhà nghệ thuật không quan trọng ở sản phẩm, mà quan trọng ở hành động sáng tạo, và sáng tạo ở bất cứ đâu, vật thể nào, mặt phẳng nào, cứ gì phải là bút nghiên mực giấy. Trò chơi này chỉ mới bắt đầu. Ở Nhật Bản và Trung Quốc, thì đã có một quá trình và những sân chơi lớn, còn ở nước ta mới là một hiện tượng non trẻ. Nhưng nếu hướng đến nhân văn và cái mới, thì nghệ thuật nào mà chẳng hay. Đặc biệt đối với thư pháp, chữ nghĩa lớn lao bởi con người tầm cỡ.

ảnh trên cùng: NGUYỆT ẢNH (Bóng trăng)
Tác giả: Nguyễn Đức Dũng (2007)
Kích thước: 140 x 70
Chất liệu: Mực Tầu trên giấy Xuyến chỉ

Phan Cẩm Thượng

Tác giả