Thú vui đọc sách*

Bạn là loại người về nguyên tắc vốn không còn chờ đợi bất cứ điều gì từ bất cứ cái gì... Bạn biết rằng điều tốt nhất bạn có thể mong đợi là tránh được điều xấu nhất...

Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino. Hãy thư giãn. Tập trung. Xua mọi ý nghĩ khác đi. Hãy để thế giới quanh bạn nhạt nhòa đi. Tốt nhất là đóng cửa lại, ở phòng bên ti vi bao giờ mà chẳng bật. Nói thẳng với những người khác, “Không, tôi không muốn xem ti vi!” Cao giọng lên, không thì họ chả nghe tiếng bạn đâu – “Tôi đang đọc sách! Tôi không muốn bị quấy rầy!” Có lẽ họ chưa nghe thấy bạn, là vì tiếng léo nhéo kia; nói to hơn đi, hét lên, “Tôi đang bắt đầu đọc tiểu thuyết mới nhất của Italo Calvino!” Hoặc, nếu bạn muốn, đừng nói gì cả; chỉ mong sao họ để bạn yên.

Hãy tìm tư thế thoải mái nhất: ngồi, duỗi người ra, cuộn tròn lại, hay nằm thẳng. Nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp. Trên ghế bành, trên đi văng, trên ghế bập bênh, trên ghế xếp, trên đệm. Trên võng, nếu bạn có võng. Trên giường, dĩ nhiên, hoặc trong chăn. Thậm chí bạn có thể trồng cây chuối, đầu lộn ngược, tư thế yoga. Sách thì phải để ngược, cố nhiên rồi.

Dĩ nhiên, tư thế lý tưởng để đọc sách là thứ bạn không bao giờ tìm được. Ngày xưa người ta thường đứng mà đọc, nơi giá đọc. Họ quen đứng một chỗ, không nhúc nhích. Họ nghỉ ngơi như thế những khi mệt vì cưỡi ngựa lâu. Chẳng ai từng nghĩ tới chuyện đọc trong khi cưỡi ngựa; thế nhưng bây giờ bạn lại thấy cái ý tưởng ngồi đọc trên yên ngựa, sách tựa vào bờm ngựa, hoặc có thể chằng vào tai ngựa bằng một lối đặc biệt, ý tưởng đó có mòi hấp dẫn. Hai chân xỏ vào bàn đạp, hẳn bạn sẽ thấy đọc sách thật thoải mái; để chân cao lên là điều kiện đầu tiên để thưởng thức việc đọc.

Nào, bạn chờ gì nữa? Duỗi hai chân ra, cứ thế kê chân lên một cái gối, lên hai cái gối, lên chỗ tựa tay của đi văng, lên hai tay ghế bành, lên bàn cà phê, lên bàn làm việc, lên đàn piano, lên bản đồ trái đất. Trước hết là tháo giày ra. Nếu muốn, giơ hai chân lên; nếu không, kéo hai chân về. Miễn là không đứng đó một tay cầm đôi giày một tay cầm sách.

Điều chỉnh ánh sáng sao cho không phải căng mắt ra. Làm ngay đi, bởi một khi bạn đã đắm mình đọc say sưa thì sẽ chẳng có gì bắt bạn nhúc nhích được nữa. Hãy sắp xếp sao cho trang giấy không nằm trong bóng tối, một nùi con chữ màu đen trên một cái nền màu xám, chữ nào cũng hệt chữ nào như một đội quân chuột: nhưng phải cẩn thận đừng để ánh sáng hắt lên trang sách quá mạnh, sáng lóa lên trên màu trắng tàn nhẫn của trang giấy, ngấu nghiến gặm vào bóng các con chữ như vào lúc giữa trưa ở phương Nam. Cố mà tiên liệu ngay từ bây giờ tất cả những gì có thể khiến bạn phải dừng ngang việc đọc. Thuốc hút trong tầm tay, nếu bạn có hút thuốc, cả gạt tàn nữa. Còn gì không? Bạn có phải đi đái không? Thôi được, bạn biết rồi đấy.

Chẳng phải là bạn mong chờ một cái gì cụ thể từ cuốn sách cụ thể này. Bạn là loại người về nguyên tắc vốn không còn chờ đợi bất cứ điều gì từ bất cứ cái gì. Có lắm người, trẻ hơn bạn hoặc không trẻ bằng, sống trong niềm mong đợi những trải nghiệm khác thường: từ những cuốn sách, từ người khác, từ những chuyến đi, từ những sự kiện, từ những gì ngày mai dành sẵn cho họ. Nhưng bạn thì không. Bạn biết rằng điều tốt nhất bạn có thể mong đợi là tránh được điều xấu nhất. Đây là kết luận bạn đã rút ra được trong đời tư và cả trong những vấn đề chung, kể cả trong những vụ việc trên trường quốc tế. Còn sách thì sao? À, thì chính bởi đã phủ nhận điều đó trong mọi lĩnh vực khác, nên bạn tin mình vẫn còn có thể ban cho chính mình một cách hợp lệ cái niềm vui thú của tuổi trẻ là mong đợi từ một khu vực được cẩn thận khoanh vùng như là lĩnh vực sách, nơi bạn có thể may mắn hoặc không may mắn, nhưng khả năng phải thất vọng là không quá lớn.

Vậy nên, bạn lưu ý thấy trong một tờ báo rằng Nếu một đêm đông có người lữ khách vừa xuất hiện, cuốn sách mới của Italo Calvino, ông ấy không in cuốn nào đã mấy năm nay. Bạn đến hiệu sách mua cuốn ấy. Tốt cho bạn thôi.

Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX của Ý. Phần lớn tác phẩm của ông là kiệt tác: nhóm tiểu thuyết Tổ tiên của chúng ta với Tử tước bị chẻ đôi người (1952), Nam tước trên cây (1957), và Hiệp sĩ không hiện hữu (1959); Cosmicomics (1965); Những thành phố vô hình (1972), và đặc biệt là Nếu một đêm đông có người lữ khách (1979). Ông cũng là tác giả Ý được dịch nhiều nhất ở Anh và Mỹ.

Nơi cửa kính hiệu sách, bạn nhận ra ngay lập tức cái bìa sách với nhan đề mà bạn đang tìm. Lần theo dấu vết thị giác này, bạn len mình vào trong cửa hiệu, ngang qua cái rào chắn dày đặc gồm những cuốn Sách Bạn Chưa Bao Giờ Đọc, chúng đang cau mày nhìn bạn từ trên những bàn những kệ, cố hù dọa bạn. Nhưng bạn biết mình không được cho phép mình kinh hoảng, rằng giữa đám sách đó, kéo dài từ héc ta này đến héc ta khác là những Sách Bạn Không Cần Đọc, những Sách Làm Ra Cho Những Mục Đích Khác Ngoài Đọc, những Sách Bạn Chưa Mở Ra Thì Cũng Đã Đọc Rồi Bởi Vì Chúng Thuộc Loại Sách Chưa Viết Ra Thì Người Ta Đã Đọc Rồi. Thế là bạn vượt qua được vành đai thành lũy phía ngoài, nhưng rồi bạn bị tấn công bởi lực lượng bộ binh gồm những Sách Mà Nếu Bạn Có Nhiều Hơn Một Cuộc Đời Thì Nhất Định Bạn Cũng Sẽ Đọc Nhưng Chẳng May Đời Bạn Chả Được Bao Nhiêu Cả. Bằng một chiêu nhanh thoắt bạn đánh vòng qua chúng và dấn vào giữa đội hình theo kiểu phalanx Hy Lạp gồm những Sách Bạn Cũng Có Ý Đọc Nhưng Có Những Sách Khác Bạn Phải Đọc Trước Đã, những Sách Hiện Giờ Quá Đắt Nên Bạn Sẽ Chờ Đến Khi Nào Chúng Được Bán Hạ Giá, những Sách giống như trên Chừng Nào Chúng Được In Dưới Dạng Bìa Mềm, những Sách Bạn Có Thể Mượn Của Ai Đó, Sách Mà Ai Cũng Đọc Nên Cứ Như Là Bạn Cũng Đọc Rồi Vậy. Thoát được những cuộc đánh xáp lá cà đó, bạn tiến đến dưới những ngọn tháp của pháo đài, nơi các đội quân khác đang dàn trận:

những Sách Bạn Lên Kế Hoạch Đọc Đã Nhiều Năm Nay,

những Sách Bạn Đã Săn Lùng Suốt Bao Năm Mà Không Thấy,

những Sách Đề Cập Đến Điều Gì Đó Mà Bạn Hiện Đang Suy Nghĩ,

những Sách Bạn Muốn Là Của Mình Để Nếu Cần Là Có Trong Tay,

những Sách Bạn Có Thể Để Riêng Ra Hè Này Có Khi Sẽ Đọc,

những Sách Bạn Cần Xếp Cạnh Những Sách Khác Trên Giá Sách Của Mình,

những Sách Khiến Lòng Bạn Đột Ngột Tràn Đầy Nỗi Tò Mò Không Thể Lý Giải, Không Dễ Biện Minh.

Giờ bạn đã có thể giảm bớt số quân vô tận của các lực lượng đối phương xuống còn một đội hình lớn thì lớn thật nhưng vẫn còn có thể tính đếm thành một số hữu hạn; nhưng rồi niềm nhẹ nhõm tương đối này lại bị phá hỏng vì cuộc tập kích của những Sách Bạn Đã Đọc Từ Lâu Mà Nay Đã Đến Lúc Đọc Lại và những Sách Bạn Luôn Vờ Là Đã Đọc Và Nay Đã Đến Lúc Ngồi Xuống Thực Sự Đọc.

Bằng một cú lao mình lắt léo bạn rũ bỏ chúng đi đặng nhảy thẳng vào trong pháo đài những Sách Mới Mà Tác Giả Hay Chủ Đề Là Hấp Dẫn Với Bạn. Ngay cả trong thành trì này bạn vẫn có thể gây ra tan vỡ trong hàng ngũ những kẻ cố thủ, chia cắt chúng thành những Sách Mới Của Những Tác Giả Hay Về Những Chủ Đề Không Mới (với bạn hoặc nói chung) và những Sách Mới Của Những Tác Giả Hay Về Những Chủ Đề Hoàn Toàn Chưa Biết Tới (ít nhất là với bạn), và xác định sức hấp dẫn của chúng đối với bạn trên cơ sở khát vọng và nhu cầu của bạn về cái mới hay cái không mới (về cái mới mà bạn tìm trong cái không mới và cái không mới mà bạn tìm trong cái mới).

Toàn bộ chuyện này chẳng qua chỉ có nghĩa là, sau khi đã liếc nhanh qua tên những cuốn được bày trong hiệu sách, bạn xoay về phía một chồng Nếu một đêm đông có người lữ khách mới in xong, bạn liền chộp một bản, và bạn mang nó đến quầy thu ngân đặng người ta xác lập quyền sở hữu của bạn đối với nó.

Bạn ném thêm một cái nhìn ngẩn ngơ vào những cuốn sách xung quanh bạn (hay đúng hơn, chính những cuốn sách kia đang nhìn bạn, với cái nhìn ngẩn ngơ của những con chó trong mấy cái chuồng ở trại nhốt chó của thành phố, khi thấy một con vốn là bạn cùng cảnh ngộ nay được chủ đến tháo cũi sổ lồng, cầm dây dắt ra khỏi đó), thế rồi bạn đi ra.

Bạn thấy mình có một niềm vui thú đặc biệt từ cuốn sách vừa xuất bản này, và bạn đang mang đi không chỉ một quyển sách mà còn cả sự mới nguyên của nó, sự mới nguyên mà cũng có thể chẳng qua chỉ là sự mới nguyên của một món đồ vừa xuất xưởng, sự tươi tắn thanh tân của những cuốn sách mới, vốn kéo dài cho đến khi cái bìa ngoài bắt đầu ngả vàng, đến khi một lớp màng mờ bám lấy mép trên, đến khi góc bìa quăn hết cả, trong mùa thu nôn nả của các thư viện. Không, bạn những mong luôn luôn gặp sự tươi mới đích thực, sự tươi mới hễ đã mới một lần rồi là sẽ tiếp tục mới mãi. Sau khi đọc cuốn sách vừa xuất bản, bạn sẽ nắm quyền sở hữu sự tươi mới này ngay khoảnh khắc đầu tiên, mà không phải theo đuổi nó, săn lùng nó. Điều đó có xảy ra lần này không? Bạn chả bao giờ biết được. Ta hãy xem nó mở đầu ra sao nhé.

Có thể là ngay lúc còn trong hiệu sách bạn đã bắt đầu lật lật quyển sách từ đầu tới cuối rồi. Hay bạn không làm thế được, bởi nó được gói kín mít bằng giấy bóng? Giờ bạn ở trên xe buýt, đứng giữa đám đông, một tay níu quai giữ thăng bằng, tay kia bạn bắt đầu mở gói, làm những động tác hao hao như khỉ, một con khỉ muốn bóc quả chuối trong khi vẫn bám cành cây. Cẩn thận, bạn đang thúc cùi chỏ vào mấy người bên cạnh đấy; ít nhất cũng xin lỗi người ta đi.

Hoặc có thể người bán sách không gói sách lại; anh ta đưa cuốn sách cho bạn đựng trong một cái túi nhỏ. Thế thì đơn giản hơn. Bạn đang ngồi sau vô lăng ô tô, chờ đèn hiệu giao thông, bạn rút cuốn sách ra khỏi túi, xé rách lớp giấy bóng kính, bắt đầu đọc mấy dòng đầu. Một trận còi dữ dội trút xuống bạn; đèn xanh rồi, bạn đang làm tắc nghẽn giao thông.

Bạn ngồi nơi bàn làm việc, bạn đặt quyển sách giữa đống giấy tờ công việc như thể chỉ là tình cờ; đến một lúc bạn dẹp tập hồ sơ sang bên và thấy cuốn sách nằm ngay trước mắt, bạn lơ đãng mở nó ra, bạn chống hai cùi chỏ lên bàn, bạn tì hai bàn tay nắm chặt lên hai thái dương, nom bạn như đang tập trung xem xét giấy tờ nhưng kỳ thực bạn đang khám phá những trang đầu của cuốn tiểu thuyết. Dần dần bạn ngả người vào ghế, bạn nâng cuốn sách lên ngang tầm mũi, bạn ngả ghế ra, cho nó dồn trụ lên hai chân sau, bạn kéo một ngăn kéo bên của bàn làm việc ra để kê chân lên đó; vị trí hai bàn chân trong quá trình đọc có tầm quan trọng rất lớn, bạn duỗi dài hai chân lên mặt bàn, lên mớ hồ sơ cần xử lý.

Nhưng chẳng phải làm thế xem ra có phần thiếu trọng thị sao? Không phải trọng thị với công việc của bạn (chẳng ai đòi quyền phê phán năng lực chuyên môn của bạn: chúng ta giả định rằng bổn phận của bạn là một nhân tố bình thường trong cái hệ thống những hoạt động phi sản xuất vốn chiếm một phần không nhỏ nền kinh tế quốc gia và quốc tế), mà với cuốn sách. Còn tệ hại hơn nếu như bạn – sẵn lòng hoặc miễn cưỡng – thuộc về số người xem làm việc có nghĩa là thực sự làm, là thực hiện, một cách hữu ý hoặc không suy ngẫm trước, một cái gì đó cần thiết hoặc ít nhất là không vô dụng với người khác cũng như với bản thân mình; thì cuốn sách bạn đã mang theo đến nơi làm việc như một thứ bùa hộ mệnh khiến bạn chốc chốc lại bị cám dỗ; cứ mỗi lần lại có vài giây bị trừ ra khỏi đối tượng chú ý chính của bạn, dù đó là việc đột lỗ lên những cái phiếu, hay mấy cái đầu đun của một bếp lò, bảng điều khiển một chiếc xe ủi, một bệnh nhân nằm dài trên giường mổ, ruột phơi ra.

Nói tóm lại, tốt hơn bạn hãy kìm nén cơn nôn nóng, ráng đợi về đến nhà hẵng mở sách ra. Là khi này đây. Phải, bạn đang ngồi trong phòng mình, bình tâm; bạn mở sách ra ở trang đầu, không, trang cuối, trước hết bạn muốn biết nó dài đến đâu. Không dài lắm, cũng may. Ngày nay viết tiểu thuyết dài thực là một chuyện trái khoáy: chiều thời gian bị đập vỡ tan, chúng ta chỉ có thể sống hay nghĩ trong những mẩu thời gian vụn mà mỗi mẩu tách ra xa theo quỹ đạo riêng của mình và lập tức biến mất. Chúng ta chỉ có thể phát hiện lại sự liên tục của thời gian trong những cuốn tiểu thuyết của cái thời kỳ khi thời gian chưa có vẻ đã dừng lại và chưa có vẻ đã nổ tung, một thời kỳ kéo dài không quá một trăm năm.

Bạn xoay xoay cuốn sách trên tay; bạn nhìn lướt mấy câu nơi bìa sau, những lời chung chung chả nói được gì nhiều. Thế càng hay, không có một thông điệp nào tuy úp mở nhưng lại nói hay hơn cái thông điệp mà bản thân cuốn sách phải truyền đạt trực tiếp, mà bạn phải rút ra được từ cuốn sách, dù nó nhiều hay ít thế nào đi nữa. Dĩ nhiên, việc xoay tới xoay lui cuốn sách như thế này, cả nó nữa, việc đọc trước đọc sau nó trước khi đọc vào bên trong nó, là một phần của niềm vui thú nơi một cuốn sách mới, song cũng như mọi niềm vui thú mào đầu, nó có độ dài tối ưu của nó nếu bạn muốn nó đóng vai trò như cú hích về phía niềm vui thú mang thực chất hơn, đấy là thực hiện chính hành vi đó, cụ thể là hành vi đọc sách.

Thế là bây giờ bạn đã sẵn sàng tấn công những dòng đầu của trang đầu. Bạn sẵn sàng nhận ra cái giọng không thể lẫn vào đâu được của tác giả. Không. Bạn hoàn toàn không nhận ra nó. Nhưng giờ đây nghĩ lại, đã có ai bảo tác giả này có một giọng không lẫn vào đâu được nào? Ngược lại, ông ta có tiếng là một tác giả mà cuốn sau khác cuốn trước một trời một vực. Và trong chính những thay đổi đó bạn nhận ra ông ta là chính ông ta. Tuy nhiên ở đây ông ta dường như tuyệt chẳng có liên hệ gì với tất cả những thứ khác ông ta từng viết, ít nhất là theo chỗ bạn nhớ. Bạn có thất vọng không? Xem nhé. Có lẽ ban đầu bạn hơi bối rối, như khi có một người xuất hiện, nghe cái tên thì bạn cho rằng người này với một khuôn mặt nào đó hẳn chỉ là một, và bạn cố làm cho những nét mặt mình đang thấy kia tương hợp với những nét mặt bạn nhớ trong tâm trí, nhưng không được. Song bạn cứ đọc tiếp và nhận ra rằng cuốn sách dẫu sao vẫn đọc được, không phụ thuộc vào những gì bạn từng mong đợi từ tác giả này, chính bản thân cuốn sách khơi gợi lòng hiếu kỳ của bạn; trên thực tế, khi tỉnh táo hồi tưởng lại bạn thấy thế là hay hơn, khi ta đối mặt với một cái gì đó hãy còn chưa rõ lắm là điều gì.

Trần Tiễn Cao Đăng dịch

* Phần mở đầu – Trích tiểu thuyết Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Văn học ấn hành tháng 5/2011) – tiêu đề do Tia Sáng đặt.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)