Thức nhận lại những điều hiển nhiên

Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào về một vấn đề đang được nhiều chuyên gia trong giới kiến trúc hết sức quan tâm: đó là thực trạng kiến trúc quy hoạch bất cập của Thủ đô; cuộc cạnh tranh giữa KTS Việt và quốc tế cùng suy nghĩ của anh về “kiến trúc du kích”…

Phóng viên (PV): Xin anh cho biết đặc điểm của kiến trúc Hà Nội (KTHN) hiện tại?
Kiến trúc sư (KTS): Rất riêng.

Riêng?
Đúng, có thủ đô nào trên thế giới nhiều hồ ao, nhiều nhà ống chia lô, nhiều các kiểu loại kiến trúc như “Pháp rởm”, củ hành củ tỏi điện Kremlin, mái cong kiểu Tàu, kiểu Hồi giáo, bê tông đá rửa XHCN, rồi kiểu Ciputra… cùng tồn tại như ở HN?

Vâng, giống lẩu thập cẩm. Sao chính quyền không bỏ nhà lô đi xây chung cư như bên Tàu, bên Tây, giải phóng đất đai cho cây xanh, công viên, mặt nước?
Chịu, cách làm riêng của VN mà.

Dân mình đa số mê kiến trúc Pháp, như bị nhiễm virus ấy (cười). Các anh không có vắc xin ư?
Đang nghiên cứu chế tạo. Không chỉ người dân mà hầu hết trụ sở, cơ quan công quyền trung ương và địa phương cũng lây dịch kiến trúc Pháp rởm. Quan trí và dân trí trong kiến trúc giống hệt nhau.

Hóa ra bản sắc mấy chục năm qua của KTHN chính là kiến trúc Pháp rởm và nhà chia lô?
Đấy là anh nói nhé.

Thôi vậy, hỏi anh chuyện khác. Ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Singapore… đường phố không bao giờ úng ngập, ngược hẳn với Hà Nội, tại sao?
Anh phải hỏi Sở Giao thông Công chính.

Chính quyền thành phố đã đầu tư hàng tỉ tỉ đồng cho hệ thống thoát nước?
Đúng, và Sở Giao thông Công chính đã rất cố gắng…

Thế chẳng nhẽ do thế đất Hà Nội quá trũng hay vua Lý Công Uẩn ngày xưa chọn sai vị trí Thủ đô?
Anh phạm húy rồi.

Gần đây Trung Quốc xây sân vận đông (SVĐ) Tổ chim, nhà thi đấu dưới nước, sân bay Bắc Kinh, nhà hát Opera…Việt Nam có SVĐ Mỹ Đình, nhà ga Nội Bài, Trung tâm hội nghị Quốc gia…Anh thấy sao?
Thì như bóng đá Việt Nam so với bóng đá Châu Âu thôi. Vả lại, Hà Nội nếu có công trình cỡ SVĐ Tổ chim hay nhà hát Bắc Kinh cũng phí quá, sẽ rất lạc lõng.

Được biết, Chính phủ Trung Quốc không chọn KTS người Trung Quốc thiết kế, họ thuê toàn KTS “number one” của thế giới. Sao Việt Nam không làm như vậy?
Vì thiết kế phí của KTS hàng sao cao khủng khiếp. Việt Nam chọn giải pháp tiết kiệm. Ví như nhà thầu thiết kế và xây dựng SVĐ Mỹ Đình đều đến từ Trung Quốc, sân bay Nội Bài thì hoàn toàn do ta thiết kế xây dựng. Và cả hai công trình này đều đã rất tiết kiệm chỗ để xe máy, ôtô…(cười)

Nhưng sân bay Nội Bài vừa xây xong đã dột, nứt. Giải pháp tiết kiệm không phải bao giờ cũng tiết kiệm???
Anh có thể hỏi thêm Chính phủ.

Được biết những cuộc đấu thầu, thi thiết kế nhà Quốc hội, trung tâm hội nghị Quốc gia, SVĐ, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng lịch sử Quốc gia…, 100% KTS nước ngoài thắng thầu, thế KTS nội các anh không tham dự?
Chúng tôi bị cớm nắng, liên tục knock out trên sân nhà.

Bao giờ các anh đủ sức?
Còn phải chấp nhận dài dài KTS ngoại “đánh con mẫu” và “chốt hạ”.

Nhưng đã có công trình nào được như SVĐ Tổ chim hay tháp truyền hình của Trung Quốc đâu?
Tất nhiên, vì đến thời điểm này chỉ toàn KTS thế giới hạng “number two” vào Việt Nam.

Ra thế, KTS các anh không làm được gì à? Thời chiến, khó khăn thiếu thốn muôn vàn, chúng ta vẫn thắng Pháp, Mỹ. Cạnh tranh với KTS ngoại khó hơn sao?
Đúng là đấu trực diện KTS Việt tạm thời thua, buộc nhường thế chủ động cho KTS ngoại. KTS trẻ thì chuyển sang làm những công trình nhỏ, tranh thủ xây dựng lực lượng.

Anh nói rõ hơn đi.
Để VN làm được công trình như SVĐ Tổ chim hay tháp truyền hình CCTV cũng gian nan như bóng đá VN vượt qua vòng loại World Cup. Và để hình thái đô thị Hà Nội trở nên mạch lạc, khoa học đồng thời vẫn lãng mạn tầm cỡ Paris, Rome, Bắc Kinh, Thượng Hải…khó khăn càng gấp bội. Khó như cơ hội thắng Đức, Braxin của đội tuyển VN. Chúng ta cần chuẩn bị nhiều thế hệ KTS tiếp nối, sang Mỹ, Anh, Nhật học công nghệ quy hoạch hiện đại, học kiến trúc hi-tech, kiến trúc tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Học xong vào làm 5 đến 7 năm tại các văn phòng kiến trúc của Norman Foster, Renzo Piano, Calatrava… Phải chữa trị căn bệnh cố hữu, muôn thuở của người Việt nói chung và KTS nói riêng là tư duy kĩ thuật kém. KTS trẻ phải học, làm chủ bằng được kiến trúc kĩ thuật cao và công nghệ quy hoạch hiện đại ngay tại chính nước có nền kiến trúc quy hoạch phát triển. Thế hệ tôi đã quá đát cho những mục tiêu này.

Anh định về hưu?
Chưa, từ vài năm nay tôi tập trung vào “kiến trúc du kích”.

“Kiến trúc du kích”?
Kiến trúc không chỉ là những công trình đồ sộ. Còn mảng nhà ở xã hội, những không gian công cộng, kiến trúc nông thôn…Những kiến trúc này không đòi  hỏi kĩ thuật quá cao siêu, then chốt là hiện đại hóa những tri thức văn hóa bản địa, là sự nhạy cảm nhân văn.

Cụ thể anh sẽ làm gì?
Thức nhận lại những điều hiển nhiên.

Khó hiểu quá?
Như nói đến kiến trúc bằng đất, đá, tre, lá, người ta lập tức nghĩ nó là tạm bợ, không sang trọng. Nhưng các resort 5 sao vẫn sử dụng đất, tre, nứa, lá đấy thôi. Chúng rất gần gũi, thích ứng với tự nhiên và tiết kiệm năng lượng. Nghĩ đến đình làng, ta hình dung ra một kiến trúc nặng với mái to, xòe rộng. Ông cha ta làm vậy để chống mưa, gió bão. Song có thể mái đình sẽ khác nếu người xưa năng lực kĩ thuật cao hơn, có thể lắm chứ? Hay đề cập đến cấu trúc nhà 5 gian vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, ta luôn biết đó là kiến trúc mở, song ít ai nghĩ cái đóng quy định cái mở và ngược lại, đồng thời tính mở – đóng hoàn toàn có thể phát huy trong không gian đa chiều của kiến trúc hiện đại chứ không chỉ bó hẹp ở không gian hai chiều của kiến trúc xưa.

Tức là thức nhận lại truyền thống?
Chính xác, chúng tôi cần một truyền thống mới thuyết phục hơn. Thậm chí nhiều điểm có thể ngược với truyền thống cũ.

Xin cảm ơn anh và chúc truyền thống mới nở hoa!

P.V thực hiện

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)