Tiểu thuyết vĩ đại sau cùng của Victor Hugo

Chín mươi ba* - tiểu thuyết cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Victor Hugo, và cũng là tác phẩm thể hiện gần như trọn vẹn và đầy đủ tư tưởng của ông. Hugo trong Chín mươi ba không kém phần lãng mạn và nhân văn so với Hugo trong Thằng gù nhà thờ Đức bà và  Những người khốn khổ, nhưng sâu sắc và quyết liệt hơn trong suy nghĩ

Năm 1793, năm kinh hoàng của Cách mạng Pháp mà người ta còn gọi là thời kỳ khủng bố, đã xảy ra sự kiện sau. Lão hầu tước già De Lantenac thuộc phe bảo hoàng từ Anh trở về, cầm đầu dân quê vùng Bretagne nổi dậy chống phá cách mạng và mở đường cho quân Anh đổ bộ vào đất Pháp hòng cứu vãn chế độ quân chủ. Loạn Vendée trở thành mối hiểm họa khôn lường, cái ung nhọt mà không phá vỡ sẽ lan ra khắp đất nước. Ủy ban cứu quốc cử một tướng trẻ và tài giỏi là Gauvain tới Bretagne chặn đứng âm mưu của De Lantenac, đồng thời cử Cimourdain, từng là cha xứ, đến để giám sát Gauvain. Hóa ra Cimourdain chính là người thầy, người cha đỡ đầu, đã từng nuôi nấng Gauvain từ lúc anh mới sinh ra, và yêu thương anh như con ruột.

Tại Vendée, Gauvain đã đẩy lùi được quân phiến loạn, dồn Lantenac vào đường cùng. De Lantenac mở đường máu thoát khỏi vòng vây của quân cộng hòa trong đường tơ kẽ tóc. Ra tới bìa rừng, hắn bỗng nghe tiếng gào thét bi thương, đau đớn của một người mẹ đang chứng kiến ba đứa con ngây thơ của mình bị chìm trong biển lửa. Cả mấy nghìn quân cộng hòa không cách nào phá nổi cánh cửa sắt đang nhốt chúng, chiếc chìa khóa duy nhất đang nằm trong tay lão hầu tước. De Lantenac quay lại nơi hắn vừa trốn thoát để cứu lũ trẻ. Lão đã thoát khỏi hang cọp, nay lại tự mình đưa đầu vào miệng cọp, hy sinh tính mạng cao quý của lão để cứu ba sinh linh tầm thường, không thân thuộc, cũng chẳng can gì tới những âm mưu của lão. Cimourdain bắt sống De Lantenac, chuẩn bị đưa y lên máy chém. Gauvain chứng kiến hành động anh hùng của lão hầu tước lại bị lương tâm cắn rứt, quyết định thả cho y trốn thoát một lần nữa. Cimourdain biết tin, đau đớn không thể nào tả xiết, nhưng bản tính là một người không khoan nhượng, Cimourdain vẫn biểu quyết chém đầu Gauvain để bảo vệ nghiêm minh của cách mạng. Khi đầu Gauvain rơi xuống, Cimourdain cũng tự tay bắn một phát súng vào tim, cho “đôi linh hồn đồng điệu đau thương ấy cùng cất cánh bay, bóng đen của linh hồn này hòa trong ánh sáng của linh hồn kia”.

Nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt của cuốn sách, Nhà xuất bản Trẻ và Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức buổi tọa đàm về tác phẩm vào 18 giờ, thứ Năm, ngày 27/03/2014 tại Thư viện L’espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội với hai khách mời là dịch giả Châu Diên và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Chín mươi ba, mặc dù lấy bối cảnh là một trong những cuộc chiến khốc liệt và tàn bạo nhất trong lịch sử, nơi con người dường như không còn là con người, vậy mà cái bản chất lương thiện, tốt đẹp của chính những con người ấy, sống trong cái xã hội ấy, bị bóng đen của lịch sử ấy đè bẹp, vẫn thoi thóp muốn lóe sáng lên, lúc ẩn lúc hiện, như vùng vẫy, như muốn hét lên thật to: “Ta ở đây, ta vẫn hiện diện trong các ngươi.” Gauvain lương thiện, Raboub lương thiện, Cimourdain tàn bạo nhưng từ bi, De Lantenac lạnh lùng sắt đá nhưng cũng phải tan chảy trước tiếng kêu cứu tuyệt vọng của một người mẹ, và rơi lệ trước nụ cười ngây thơ của một đứa trẻ lên hai.

Chín mươi ba có tầm vóc của một tiểu thuyết lịch sử hùng tráng, nhưng thực ra lại là một tiểu thuyết lãng mạn đậm chất Victor Hugo, nơi tính nhân văn vẫn là trọng tâm, là cái mà tác phẩm hướng đến, là thông điệp mà ông luôn tha thiết muốn gửi gắm tới nhân loại. Khi Gauvain, chỉ còn sống được vài khắc, vẽ lên một bức tranh tươi đẹp của tương lai, của một xã hội tiến bộ, nơi con người sống bình đẳng và hạnh phúc, tôn trọng và yêu thương nhau, nơi trái tim bác ái chính là chiếc chìa khóa, chứ không phải lý trí khô khan và lạnh lùng, khi Gauvain trút hết những tâm sự ấy cho Cimourdain với ánh mắt mơ màng, dường như đó cũng chính là ánh mắt của Victor Hugo đang tưởng tượng về một tương lai mà ông luôn mơ ước, luôn hướng tới, và dùng ngòi bút của mình để biến nó trở thành sự thực.

Đây là tiểu thuyết cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Victor Hugo, và cũng là tác phẩm thể hiện gần như trọn vẹn và đầy đủ tư tưởng của ông, cái mà ông đã đúc kết sau một quá trình dài nghiền ngẫm, sáng tác và tranh đấu không mệt mỏi. Hugo trong Chín mươi ba không kém phần lãng mạn và nhân văn so với Hugo trong Thằng gù nhà thờ Đức bà và  Những người khốn khổ, nhưng sâu sắc và quyết liệt hơn trong suy nghĩ như nhà văn Phan Việt nhận xét: “Mặc dù Những người khốn khổ là tác phẩm lớn nhất và nổi tiếng nhất của Hugo, với cá nhân tôi, Chín mươi ba thể hiện một Hugo hoàn chỉnh hơn. Là một nhà chính trị, nhà cách mạng, nhà triết học, nhưng trước hết và trên hết là một nhà văn, Hugo bản chất là một người hiền, muốn thay đổi xã hội bằng con đường nhân văn, thông qua giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo, vv… thay vì thông qua bạo lực, đổ máu. Ta thấy rất rõ điều này ở Những người khốn khổ và các tác phẩm trước đó. Nhưng Chín mươi ba có sự quyết liệt mới. Ở cuốn sách này, Hugo khẳng định: đôi khi cần phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực cách mạng. Điều phải làm thì phải làm, mà cái chân – thiện – mỹ không suy giảm.”

* Châu Diên dịch, NXB Trẻ ấn hành

Tác giả

(Visited 34 times, 1 visits today)