Tìm về cá tính H’Mông

Trong bảng hệ thành tựu nghiên cứu dân tộc học về các tộc người thiểu số ở miền núi phía Bắc Việt Nam, H’Mông dường như chưa được kĩ lưỡng và chiếm vị trí nổi bật. Nếu tộc người Mường ít nhất đã được xác thực và trở nên quan trọng trong mô tả của Jeanne Cuisinier, và đặc biệt, trong các giải mã của Từ Chi; tộc người Thái đã hiện hữu khá sáng rõ trong những quan sát, phân tích của Cầm Trọng, thì H’Mông, dù với một lịch sử tồn tại phức tạp và không hề thua kém về sức hấp dẫn gợi mở tìm biết, vẫn chỉ đã/đang là dân tộc Mèo trong phác thảo của Bế Viết Đẳng; là tiếng hát dân ca, bài khèn trong sưu tầm, dịch của Doãn Thanh, Hùng Đình Quý; là tục cưới xin, nghi lễ cúng ma, di cư, văn hóa... trong một số khảo tả gần đây mà phần lớn chỉ ở dạng bài tiểu luận, chưa đáp ứng trọn vẹn độ sâu rộng cần có.

Công trình Những đỉnh núi du ca, một lối tìm về cá tính H’Mông (NXB Thế giới, H., 2014) của Nguyễn Mạnh Tiến ra đời trong bối cảnh này, sau hơn bốn năm anh đi điền dã khắp vùng Hà Giang.

Bộ từ khóa xác lập cá tính H’Mông

Việc phân tích các dữ kiện dân tộc học về H’Mông trên nhiều phương diện của Nguyễn Mạnh Tiến có lẽ xuất phát từ quan điểm của Marcel Mauss (1872-1950), nhà nhân học lớn của Pháp, khi nghiên cứu các hiện tượng xã hội: các sự kiện đều là thành phần và nằm trong mối quan hệ tổng thể với toàn bộ tổ chức xã hội mà chúng thuộc về. Khái niệm “sự kiện xã hội tổng thể” (total social fact) của Mauss, do đó, thúc giục nhà dân tộc học đi tìm các thành phần (như định chế nghi lễ, hôn nhân, luật tục…) trong nhận thức rằng chúng đều nằm trong và tạo ra hệ thống. Khi hát, thổi khèn, H’Mông là gì; khi chọn đỉnh núi để cư trú, H’Mông là thế nào và khi cầm súng để tự vệ, H’Mông là ai,… Đấy là những dữ kiện mà tôi có thể lẩy ra để hình dung về bản sắc tộc người H’Mông thông qua quá trình cắt nghĩa của Nguyễn Mạnh Tiến. Chính bởi trong mỗi hành động tộc người đều chứa một liên đới rộng hơn và sự dị biệt, nếu có, cũng không làm mất đi tính phổ quát, nên Nguyễn Mạnh Tiến vừa chọn các yếu tố nổi trội của H’Mông, vừa tham chiếu các yếu tố ấy trong bức khảm văn hóa tộc người miền núi phía Bắc. Thao tác dân tộc học này của Nguyễn Mạnh Tiến, một cách chủ động, là gối tiếp có học tập những thành công của G. Condominas với người Mnông ở Sar Luk, J. Dournes với người Jorai, Từ Chi với người Mường…

Lựa chọn “sống trên những đỉnh núi”, giữa 1.000 và 1.800m mà Hà Giang là lí tưởng, của H’Mông, theo Nguyễn Mạnh Tiến, xuất phát từ căn tính tộc người: trong khả năng đương đầu với địa hình hiểm trở, khắc nghiệt là tâm thái mơ mộng trước núi non hùng vĩ, quanh năm sương mù buông phủ; trong thói quen du cư để kiếm chỗ sinh nhai, trong định mệnh chạy đua với các tộc người khác để tìm đất sống, là niềm hạnh phúc được hòa mình với khí hậu mát lành, thiên nhiên phóng khoáng. Trên những đỉnh núi, với không gian tách biệt các vùng cư trú thấp, với nền kinh tế phụ thuộc vào trồng ngô, kê và nhất là cây thuốc phiện, H’Mông đã tìm mọi cách để “có thể duy trì được nền tự trị tộc người. Tự do trên đỉnh núi” (tr.33).

Chính nhu cầu tự do như một ham muốn nảy nở ngay trong vô thức mà H’Mông, từ cư trú đến các hành vi xã hội khác, sẽ thiết lập và thực thi hết sức triệt để, thậm chí là cực đoan, tinh thần duy trì sự tự trị về hiện hữu. Cần nhấn mạnh điều này để hiểu rằng việc H’Mông chạy thoát khỏi quyền lực Hán, hay thường xuyên tìm kiếm đất mới canh tác sâu xa là nỗ lực kiến tạo một không gian tự do, chấp nhận cả lí lịch “không có quê hương” để bước vào thế giới tự do trong rừng, phân mảnh, phi chính phủ. Điều có thể gây e sợ cho các nhà nước đồng bằng này, thực ra, sẽ trở nên đáng tỉnh táo cân nhắc hơn thay vì vội vã giải quyết nếu các chính sách của nhà nước đồng bằng, như Nguyễn Mạnh Tiến nhắc nhở, “đạt tới một sự thông hiểu và đủ tôn trọng các quyền bản địa” (tr.113). Đặt H’Mông trong mô hình Zomia (tự trị, ngoại biên, tôn giáo bản địa và chủ nghĩa bình đẳng tộc người) trên khối núi Đông Nam Á, một đề xuất của H.W. van Schendel và J. Scott để chỉ các tộc người thiểu số trốn chạy khỏi các nhà nước đồng bằng mà quan trọng nhất là Hán tộc, Nguyễn Mạnh Tiến lùi xa hơn các điểm nhìn dân tộc học “cán bộ” đường lối, để tĩnh trí tái nhận định những định về kiến tộc người có khi đã được dùng để tối ưu hóa, thắng lợi hóa vai trò đồng bằng trong các diễn ngôn chủ đạo về mối quan hệ giữa miền núi – miền xuôi. Tiếng nói của cuốn sách, vì thế, luôn rộng hơn âm hưởng hồi cố.

Là tộc người “hiện hữu trong tiếng hát”, H’Mông nuôi giữ dòng mạch folklore truyền khẩu bất tận, đặc biệt là dân ca. Một cách trình tự, Nguyễn Mạnh Tiến tiến hành phân tích tâm lí chiều sâu, thế giới tinh thần của H’Mông ẩn chứa trong Tiếng hát mồ côi, Tiếng hát làm dâu, Tiếng hát cưới xinTiếng hát tình yêu. “Đọc” lại tiếng hát để thăm dò các tầng vỉa nhân sinh quan, ở mức độ khảo cổ học văn bản, là có thể chấp nhận được và càng hữu ích hơn nếu muốn dò tìm, phác dựng bối cảnh truyền thống của H’Mông vốn đang bị biến đổi mạnh mẽ. Chính khả năng bảo lưu bền vững toàn bộ các phóng chiếu cảm xúc, tâm thái con người mà dân ca, ngoài ý nghĩa là hình thức “sinh hoạt văn nghệ” thì trong những tình huống cụ thể, còn biểu đạt những cấu trúc nội giới quan trọng để nhà dân tộc học lập hồ sơ cá tính tộc người, khu biệt nó và đồng thời, chia sẻ những dữ liệu của nó cho các góc nhìn hiện đại tương ứng.

Phải có góc nhìn hiện đại, từ phân tâm học, xã hội học đến các thao tác đọc hiểu ngữ văn, Nguyễn Mạnh Tiến mới đủ bình diện để coi mỗi tiếng hát là một (hoặc nhiều) dấu chỉ về xã hội phân cấp, ám ảnh lưu vong, địa vị người phụ nữ, sự khác biệt giữa kéo vợ – bắt vợ – cướp vợ, sự chủ động và tự do trong tình yêu của H’Mông. Trong nhiều diễn giải thú vị ở đây, dễ thấy tác giả đã tránh trượt vào những giới hạn của truyền thống học thuật vốn chịu marxist hóa mọi quan điểm. Cố nhiên, các kết luận mới thường bao giờ cũng nằm ở vị thế làm phật lòng những quyền uy tri thức đã mặc định.

Trong bộ từ khóa xác lập cá tính H’Mông mà Nguyễn Mạnh Tiến muốn làm sáng tỏ (tâm thức lưu vong – tâm thức di dân – tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, tự vẫn, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi) thì, như một “trớ trêu” của ngôn từ, nó vừa được bảo hiểm bởi các dữ liệu dân tộc học, vừa dễ bị cho là “sáng tạo nên” bởi nhà nghiên cứu. Tôi ước đoán tình huống này cũng đã được tác giả lường trước và hẳn sẽ phải cân nhắc dài lâu thêm.

Một Việt Nam nhìn từ núi

“Lịch sử Việt Nam”, theo Jacques Dournes, nhà dân tộc học Pháp danh tiếng, từng nhiều năm gắn với vùng đất Tây Nguyên, “là lịch sử không có ở miền núi, chỉ có ở người Việt”1. Điều gần như phi lí này, nếu chiểu vào phần diện tích rừng núi, cao nguyên chiếm 2/3 diện tích quốc gia với tất cả bóng dáng khắp chốn của nó, sau nhiều năm vắng lặng trong sách vở, đã trở thành một cắc cớ nhận thức được một số học giả quốc tế về Việt học nêu ra với không ít ngỡ ngàng.

Philippe Papin trong công trình Việt Nam, hành trình một dân tộc đã khái quát ngắn gọn: “Với Việt Nam, những vùng cao là một thực tại mới mẻ, một ý niệm của thế kỉ XX mà họ vẫn chưa thấu rõ hết nội dung”2. Oscar Salemink, một tiếng nói Việt học thường xuyên trọng lượng, thì đề nghị: “Li Tana, John Whitmore, Charles Wheeler đã đưa ra một cách nhìn mới về lịch sử và sử liệu học Việt Nam với cái tên ‘một góc nhìn từ biển’. Tôi cho rằng sử liệu học và nghiên cứu dân tộc về Việt Nam cũng cần có một ‘góc nhìn từ núi’ để sửa lại những quan niệm của chủ nghĩa dân tộc và phát triển về tình trạng lạc hậu, xa xôi, cách trở do Nhà nước hiện đại tạo ra và được các tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ phát triển khác nhiệt tình ủng hộ”3.

Tỏ ra đồng cảm với những quan điểm trên, ở phần thứ ba và cũng là phần đặc sắc của công trình, Nguyễn Mạnh Tiến xem xét cá tính H’Mông trong hệ thống quyền lực của nhóm tộc người miền núi phía Bắc, và từ đây, tái dựng những cách thức cộng sinh của hệ thống quyền lực này với người Việt ở các châu thổ trong suốt chiều dài lịch sử kiến tạo quốc gia.

Theo Nguyễn Mạnh Tiến, “giữa hỗn độn của bức tranh tộc người, nhóm tộc người miền núi phía Bắc Việt Nam cuối thế kỉ XIX, hình thành hai lớp quyền lực chủ đạo. Trong đấy, lớp quyền lực vành đai núi thấp Mường – Thái (Tây Bắc) và Tày (Đông Bắc) là vành đai quyền lực nổi trội, sức mạnh của họ bao trùm toàn các vùng núi. Trong đấy, vượt thoát trên các đỉnh núi cả của Đông Bắc và Tây Bắc, bởi sự dữ dằn, thiện chiến và đông đảo, lại hình thành riêng lớp quyền lực của người H’mông” (tr.345).

H’Mông chọn những đỉnh núi để dễ thở hơn khi không bị cai trị trực tiếp bởi các chúa đất trong vùng và bằng cách thức riêng của mình, H’Mông, dù đến muộn, vẫn trở nên đáng kể trong thang bậc quyền lực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, H’Mông, cũng như các tộc người khác, đều chịu quyền bảo hộ của các nhà nước đồng bằng, Trung Hoa và Pháp. “Tùy bối cảnh thời cuộc khác nhau – tác giả viết, khi nền chính trị đồng bằng nào đủ tôn trọng và đem lợi (thực ra là ít gây thiệt hại nhất) cho tộc người, thì chính trị tộc người ngả về phía triều đình mang lợi ích” (tr.345).

Có thể nói phần lịch sử của các trung tâm quyền lực miền núi mà Nguyễn Mạnh Tiến mất công sức tìm chứng cứ, tường minh đã cho người đọc thấy được những thực tại khác về lịch sử Việt Nam. Dù đã lùi sâu vào quá khứ Việt Nam trung đại nhưng không thể nói rằng, quyền lực miền núi hoàn toàn mất tiếng vọng của nó. Kinh nghiệm và ứng xử kiểu Lý hay kiểu Nguyễn trước đây đối với quyền lực miền núi hẳn không phải là những phép thử nhất thời mà là những sách lược hẳn hoi để vào thời điểm ấy, quốc gia đồng bằng nhận được những gì từ chính trị tộc người. Và ngay cả khi khát vọng tự trị tộc người đã lắng xuống thì vẫn còn đó những ý thức tạo dựng bản sắc văn hóa riêng. Vì sự thật này mà sự cần thiết phải lắng nghe những diễn giải trong cuốn sách, theo tôi, là thuộc về hôm nay, thời điểm của tinh thần học thuật thông hiểu các khả thể đi đến nhận thức đầy đủ, và cũng là thời điểm cần đến nhiều hơn các đối thoại văn hóa trong mục đích xây dựng một xã hội nhân văn, tự trọng và dân chủ.

Nguyễn Mạnh Tiến sinh năm 1983, quê ở vùng Núi Đọ, Đông Sơn, Thanh Hóa. Tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế, anh chuyển ra Hà Nội công tác tại Viện Văn học. Ngoài nghiên cứu ngữ văn tộc người thiểu số, Nguyễn Mạnh Tiến dành nhiều thời gian và tâm sức tiến hành các hoạt động dân tộc học tự do. Sau nghiên cứu tộc người H’Mông, anh dự kiến mở rộng phạm vi nghiên cứu các vấn đề lịch sử của tộc người thiểu số nói chung. Ngày 4/3, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Hà Nội đã tổ chức buổi giới thiệu “Những đỉnh núi du ca, một lối tìm về cá tính H’Mông” để cùng tranh luận với tác giả cuốn sách và nhiều học giả khác về người H’Mông đương đại, về vị trí của họ ở Việt Nam ngày nay cũng như về đề tài rộng hơn là mối quan hệ giữa “thiểu số” và “đa số”.

Chú thích:

1 Jacques Dournes (2013), Potao, một lí thuyết về quyền lực ở người Jorai Đông Dương, Nguyên Ngọc dịch, NXB Tri Thức, H., tr. 93.

2. Philippe Papin (2001), Việt Nam, hành trình một dân tộc, Nguyễn Khánh Long dịch, NXB Thời Mới, tr.333

3. Oscar Salemink (2008), ‘Một góc nhìn từ vùng cao – phần lịch sử quan trọng về mối quan hệ giữa đồng bằng và miền núi ở Việt Nam’ trong CRES (2008), Thời kì mở cửa. Những chuyển đổi kinh tế – xã hội ở vùng cao Việt Nam, NXB KH&KT, H., tr.11-36.

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)