Tình bạn và âm nhạc của Saint-Saëns ở Đông Dương

Nếu vị trí của Đông Dương vẫn ở ngoài lề trong lịch sử âm nhạc Pháp thì chuyến đi tới Việt Nam năm 1895 của nhà soạn nhạc Camille Saint-Saëns được coi như một dấu ấn độc đáo gắn liền với quá khứ thuộc địa của quốc gia này. Trên một hòn đảo ngoài khơi, Côn Đảo, thậm chí ngày nay còn có một phòng trưng bày lưu niệm dành riêng cho Saint-Saëns, nơi ông hoàn thành vở opera năm màn Frédégonde.

Nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nghệ sĩ organ và nghệ sĩ piano người Pháp Camille Saint-Saëns.

Âm nhạc cổ điển ở thuộc địa

Nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nghệ sĩ organ và nghệ sĩ piano người Pháp Camille Saint-Saëns được nhớ đến với một loạt tác phẩm, bao gồm Le Carnaval des Animaux (Lễ hội muông thú), Danse macabre (Vũ điệu tử thần), Giao hưởng số 3 (Giao hưởng Organ) và vở opera Samson et Dalila (Samson và Dalila)… Thường được nhớ đến nhiều nhất là người theo chủ nghĩa bảo thủ, khi từng chỉ trích gay gắt âm nhạc của Debussy và Stravinsky trong những năm cuối đời nhưng Camille Saint-Saëns đã từng đi tiên phong trong đời sống âm nhạc Pháp, háo hức đón nhận những ảnh hưởng sáng tạo mới từ Trung Đông và châu Á, thứ đã truyền cảm hứng cho một số tác phẩm lớn của ông như vở opera La Princesse jaune (Nàng công chúa da vàng, 1872) cùng các tác phẩm dàn nhạc Suite Algérienne (Tổ khúc châu Phi, 1879) và Melodies persanes (Những giai điệu Ba Tư, 1870).

Saint-Saëns đã sáng tác hơn 300 tác phẩm, trong đó có 13 vở opera, 5 giao hưởng, 5 concerto piano, 3 concerto violin và 2 concerto cello, nhưng trong những năm cuối đời, khi nhịp độ sáng tác giảm dần, Saint-Saëns dành đam mê cho sự dịch chuyển. Ông đến châu Phi, châu Mỹ, Scandinavia, Nga, Trung Đông, Ceylon và Sài Gòn ở Viễn Đông. Saint-Saëns có đầu óc tò mò và tinh thần cởi mở. Ông quan tâm đến rất nhiều thứ. Ngoài âm nhạc, ông cũng đam mê toán học, khảo cổ học, địa chất, côn trùng học, thực vật học, triết học và thiên văn học. Với ông, những chân trời xa xôi có một sức hấp dẫn khó cưỡng. Claude Debussy đã nói về ông “Saint-Saëns là người hiểu rõ nhất về âm nhạc của toàn thế giới”. Nhiều hành trình quốc tế của ông bao gồm các chuyến thăm thường xuyên đến Quần đảo Canary và Algeria, và vào năm 1891, một chuyến thám hiểm tới Colombo, nơi người ta nói rằng ông đã phát triển mối quan tâm sâu sắc đến văn hóa các dân tộc ngoài Pháp. 

Vào mùa đông năm 1889, với cái tên giả là Charles Sannois, Saint-Saëns ở trong khoang hạng hai của một con tàu trên hành trình đến Ceylon. Thuyền trưởng cứ tưởng ông là một “tay buôn kim cương người Do Thái đến từ Hà Lan”. Quả thực, không ai nghi ngờ danh tính của ông cho tới khi đến đích. Trong số những người ông kết bạn trên tàu có Louis Jacquet, cơ duyên dẫn đến chuyến thăm Đông Dương và lưu trú tại Côn Đảo năm 1895 của Saint-Saëns.

Là người chứng kiến một trang đen tối trong lịch sử, Camille Saint-Saëns ngày nay là một sợi dây liên kết văn hóa quan trọng giữa Việt Nam và Pháp.

Saint-Saëns và Louis Jacquet trao đổi thư từ với nhau trong gần 20 năm (từ 1890 đến 1919). Mặc dù các lá thư Saint-Saëns gửi đi đã bị thất lạc song trong tài liệu lưu trữ về nhà soạn nhạc vẫn còn những lá thư ông nhận được từ Jacquet. Cả hai cùng quan tâm đến tự nhiên và âm nhạc. Những miêu tả về thiên nhiên Đông Dương đã góp phần thúc giục nhà soạn nhạc tới thăm nơi này. Năm 1891, Jacquet viết rằng mình muốn làm giám đốc Vườn Bách thảo Sài Gòn song trên thực tế thì từ ngày 4/1/1892, ông được bổ nhiệm làm Đại diện hành chính ở Côn Đảo1

Có lẽ là qua Jacquet, Saint-Saëns mới bắt đầu nghĩ đến Đông Dương như một điểm đến cho âm nhạc của mình. Trước chuyến thăm Đông Dương một năm, ông đã gửi tổng phổ opera Phryné cho Emile Siefert, thống sứ Hà Nội lúc bấy giờ. Sài Gòn đã dàn dựng vở opera phương Tây đầu tiên, vở Les deux Aveugles của Offenbach, ngay sau khi người Pháp đến vào năm 1864. Nhưng Camille Saint-Saëns không phải là người đầu tiên quan tâm đến âm nhạc Đông Nam Á. Năm 1889, Claude Debussy (1862-1918) đã được nghe tuồng Nam bộ trong Triển lãm Thế giới tại Paris. Nhà âm nhạc dân tộc học Julien Tiersot (1857-1936) lưu ý, “những lớp kịch này được ngâm ngợi bằng một giọng trì tục và hát bằng những nốt nhạc ngân dài trên một số âm tiết nhất định”. Alexandra David-Néel, ca sĩ đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội (1894), đã hát Les Noces de Jeannette của Victor Massé ở đó.

Nhưng âm nhạc cổ điển phương Tây bắt rễ ở Đông Dương khá chậm chạp và khó khăn. Năm 1900, Nhà hát Lớn ở Sài Gòn (nay là TP.HCM) được khánh thành và một thập kỷ sau là Nhà hát Lớn Hà Nội. Hằng năm, hội đồng thành phố phát hành một bản kế hoạch ngân sách trong đó chỉ định ngân quỹ cùng những yêu cầu khác dành cho mùa diễn sân khấu và chọn một đạo diễn chịu trách nhiệm tập hợp ca sĩ và nhạc công đến từ Pháp. Các nhạc công trong ban quân nhạc địa phương cũng thường được bổ sung vào, việc mà theo lời Jacquet kể với Saint-Saëns là thi thoảng vẫn gây tranh cãi giữa đạo diễn và bên quân nhạc. Kịch mục khá bảo thủ, song vào năm 1894, trong số 12 tổng phổ được đạo diễn mua về có đến bảy vở được công diễn lần đầu ở Paris cách đó không lâu. Bản Kế hoạch ngân sách năm 1898 còn yêu cầu phải có “tối thiểu năm vở opéra-comique và năm vở operette chưa được trình diễn ở Sài Gòn trong vòng ba năm trở lại đây” hoặc “các tác phẩm nổi tiếng mới được trình diễn tại Pháp”.

Phải đến năm 1927, Conservatoire d›Extrême-Orient (Nhạc viện Viễn Đông) được Albert Poincignon thành lập tại Hà Nội và mở cửa cho người Việt. Nghệ sĩ piano Yvonne Périé, được đào tạo tại Paris, đã quản lý việc giảng dạy (piano, sáng tác, hòa âm, khiêu vũ) cho đến khi cuộc khủng hoảng năm 1930 buộc nhạc viện này phải đóng cửa. Bà tiếp tục giảng dạy tại Trường Albert Sarraut ở Hà Nội cho đến năm 1954. Cả một thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã được đào tạo dưới sự bảo trợ của bà. Học trò Thái Thị Liên của bà – người mẹ và thầy dạy đầu tiên của Đặng Thái Sơn, đã tiếp nối ngọn đuốc.

Công quán ở Côn Đảo giờ trở thành nơi trưng bày lưu niệm về nhà soạn nhạc nổi tiếng.

Việt Nam vẫn chưa mấy nổi bật trong lịch sử chính trị Pháp. Như nhà báo, nhà sử học Alain Ruscio gợi nhắc, Đông Dương là một chủ đề không hợp lòng dân, “chỉ là việc của quân đội chuyên nghiệp”. Hiện tượng này giải thích về khoảng cách giữa cộng đồng âm nhạc với lịch sử Pháp – Việt. Bởi vậy, chuyến đi tới Việt Nam của Camille Saint-Saëns không được chú ý trong lịch sử âm nhạc cũng như trong các ghi chép của chính ông.

Hoàn thành vở opera Frédégonde 

Camille Saint-Saëns đến Sài Gòn ngày 13/2/1895 trên con tàu biển chở hàng Saghalien. Ông đã hoàn thành Souvenir d’Ismailia (Kỷ niệm về Ismailia), Fantaisie số 2 giọng Rê trưởng và La mort de Thaïs (Cái chết của Thaïs), một phiên bản viết cho dàn nhạc vở opera của Jules Massenet. Đến Sài Gòn vào đầu tháng 2/1895, Saint-Saëns đăng ký vào khách sạn bằng cái tên giả là Charles Sannois, nhưng một phóng viên đã được tiết lộ việc ông đến. Một bài báo đăng ngày 11/2 trên tờ Le Courrier de Saigon tường thuật rằng nhà soạn nhạc đã mang theo “một lượng lớn giấy, bút lông và một hộp màu nước” và dành phần lớn thời gian ở trong nhà để làm việc. Tuy nhiên, bài báo cũng nói rằng Saint-Saëns yêu thành phố và thích đi dạo quanh các con phố, rằng ông phản đối việc bị người hâm mộ đuổi theo khi tản bộ và nửa thật nửa đùa dọa rằng nếu không được để cho yên, ông sẽ trốn đến Mũi Saint-Jacques (Vũng Tàu ngày nay).

Trong thời gian sáu tuần ở Sài Gòn, Saint-Saëns đã đến thăm Chợ Lớn vài lần, nơi ông xem biểu diễn sân khấu Trung Hoa và được cho là bị ấn tượng bởi âm thanh của dàn nhạc Trung Hoa, thứ ông đã cố gắng tái tạo trong một số tác phẩm âm nhạc sau này của mình.

Vào giữa tháng 3/1895, Louis Jacquet mời Saint-Saëns đến Poulo-Condor (quần đảo Côn Đảo) với vị trí là đại diện hành chính lúc bấy giờ của Poulo-Condor. Từ năm 1861, chính quyền thực dân Pháp đã thành lập một nhà tù ở đây để giam giữ tù nhân chính trị. Lúc này, người hàng xóm cũ của nhà soạn nhạc là Armand Rousseau, vừa được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương và rất hào hứng xúc tiến việc thu xếp chuyến đi của ông.

Một lần nữa sử dụng tên giả, Saint-Saëns ẩn danh ở nhà Công quán trước đây trên đảo Côn Sơn từ ngày 20/3 đến ngày 19/4/1895. Người ta nói rằng ông đã rất thích thú với “đời sống thực vật kỳ lạ, những con thằn lằn khổng lồ và những con chim có bộ lông đủ sắc màu” và thực hiện một số hành trình đến các đảo khác để nghiên cứu đời sống hoang dã. Ông nhận xét “Tôi sinh ra để sống ở vùng nhiệt đới. Tôi đã bỏ lỡ thiên hướng này!”

Trong thời gian lưu lại đây, ông hoàn thành hai màn cuối của Frédégonde, vở opera năm màn theo libretto của Louis Gallet mà nhà soạn nhạc Ernest Guiraud (1837-1892) đã khởi thảo năm 1889 và jeets lại bằng dòng chữ “Sài Gòn, 1895, tháng tư”. Tác phẩm được gửi tới nhà hát Opéra Garnier ngày 9/9 và được công diễn lần đầu tại Paris ngày 18/12/1895. Đó là câu chuyện về một người hầu gái đã chinh phục trái tim vua Chilperic đệ nhất và trở thành một hoàng hậu phong lưu và quyền lực. Theo nhà sử học Charles Oman, câu chuyện kể về một trong những trang đen tối nhất trong lịch sử vương triều Merowig “Chẳng thấy điều gì kinh hoàng đến thế trong lịch sử các quốc gia khác ở vùng này của Địa Trung Hải”. Louis Gallet (1835-1898) từng cộng tác với Camille Saint-Saëns trong vở opera Proserpine (1887). Ba màn đầu tương ứng với phong cách Ernest Guiraud, hai màn IV và V, điềm tĩnh hơn, tương ứng với phong cách Camille Saint-Saëns. “Phong cách của hai nhà soạn nhạc khác biệt rõ ràng. Guiraud tìm cách duy trì một cường độ tăng dần mà không chú ý đến nội dung kịch, nhất là trong màn III. Có nghĩa là ông thiếu tính nghiêm ngặt cổ điển và tính sáng sủa của Camille Saint-Saëns. Giống như Franck và Chausson, âm nhạc của ông vẫn là một ví dụ điển hình của âm nhạc Pháp, khác xa với Gounod và Wagner”, Charles Oman nói. 

Nhưng có lẽ, ấn tượng về Côn Đảo còn khơi dậy ở Saint-Saëns nhiều suy nghĩ khác ngoài âm nhạc. Côn Đảo là sự kết hợp giữa vẻ đẹp lộng lẫy của tự nhiên và một chương đen tối của nước Pháp bởi nhà tù Poulo-Condor này được đặt biệt danh “Địa ngục trần gian”. Camille Saint-Saëns khi ấy đã cảm thấy khó chịu giữa tình cảm ông dành cho người dân bản xứ, sự nhân bản Pháp đang cổ xúy, và những gì thực sự diễn ra ở các buồng giam. Trong phòng trưng bày lưu niệm dành riêng tại nhà Công quán ông từng dừng chân, người ta có thể đọc được những lời trong bức thư ông gửi Louis Jacquet “Phong cảnh Côn Sơn thật tuyệt vời. Trong những nơi đã qua tôi không thấy nơi nào như thế… Tiếc là tôi không biết nhiều về con người, về văn hóa và nhất là về âm nhạc của xứ xở này. Nhưng những gì cảm nhận được khiến tôi tin rằng âm nhạc của họ phản ánh trung thực tính cách cùng tâm hồn phong phú và trong sáng của họ. Họ đau khổ biết bao nhiêu… Anh thấy đấy, con người chúng ta thay đổi nhiều quá… Điều gì đã khiến chúng ta đã gây ra chừng ấy tội ác trên mảnh đất này, trên hòn đảo này? Là một nhạc sĩ, tôi tin chắc rằng ở đâu cái Đẹp được tôn trọng thì ở đó không có tội ác…”.

Thời gian đủ để khỏa lấp những câu chuyện cũ. Cả trăm năm sau, bản tổng phổ Frédégonde được giám đốc âm nhạc Trần Vương Thạch của Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM lôi ra từ kho lưu trữ. Ông kiếm được một bản sao bản thảo viết tay và mời giám đốc Patrick Souillot của nhà hát Fabrique Opera Grenoble tham gia dàn dựng. Năm 2017, Patrick Souillot đồng ý đến Sài Gòn bằng kinh phí tự túc cùng giọng nữ cao kiêm đạo diễn Caroline Blandpied. Patrick Souillot thổ lộ với với Thời báo kinh tế Sài Gòn rằng chủ đề rất hấp dẫn theo kiểu Shakespeare và có sự khác biệt rõ rệt giữa hai nhà soạn nhạc. Camille Saint-Saëns mang đến những nét phương Đông bằng cách tích hợp cồng chiêng và mở đầu màn 5 bằng tiếng trompette gỗ (kèn bầu).

Hành trình mang tính sử thi đến Sài Gòn của Saint-Saëns là chuyến đi nước ngoài lớn cuối cùng của ông. Năm năm sau, vở opera Samson et Dalila rất được yêu thích của ông đã đứng đầu doanh thu phòng vé trong mùa diễn khai mạc năm 1900-1901 của Nhà hát Thành phố Sài Gòn mới, cùng với La Bohème của Puccini và La Navarraise của Massenet.

Khi đến Côn Đảo, du khách thường ngạc nhiên khi thấy bức tượng bán thân của Camille Saint-Saëns giữa các di vật cách mạng trong nhà Công quán trước đây. Là người chứng kiến một trang đen tối trong lịch sử, Camille Saint-Saëns ngày nay là một sợi dây liên kết văn hóa quan trọng giữa Việt Nam và Pháp.□

Ngọc Anh tổng hợp

Nguồn: “Camille Saint-Saëns and his world”. Princeton University Press. 2012

https://www.resmusica.com/2021/05/05/camille-saint-saens-et-le-vietnam/
https://www.historicvietnam.com/saint-saens-in-saigon/

————-

1. Đến ngày 30/10/1896, Louis Jacquet chuyển sang ngạch Thanh tra nông nghiệp Nam Kỳ; năm 1901, trở thành Giám đốc canh nông của An Nam và Đông Dương, tiếp theo là Giám đốc Vườn Bách thảo Hà Nội. Chức “Giám đốc nhà tù Côn Đảo” đến năm 1896 mới được lập chính thức.

Tác giả

(Visited 71 times, 1 visits today)