Tình và Rác – Sự trớ trêu của việc làm người

Cái gì có thể là đối trọng của tình yêu?

Cố văn sĩ Ireland William Trevor từng viết một cuốn tiểu thuyết mang tên Tình yêu và mùa hạ (Love and summer), nhà văn nổi tiếng người Israel Amos Oz thì có cuốn Truyện tình yêu và bóng tối (A tale of love and darkness), ngôi sao văn học Mỹ Paula McLain lại viết Tình yêu và hoang phế (Love and Ruin), Erich Maria Remarque có Thời gian để yêu và thời gian để chết (A time to love and a time to die), xa xưa nữa thì có nữ sĩ Jane Austen cùng Tình yêu và tình bạn (Love and Friendship). Nếu nói rộng ra cả phim ảnh thì những nhà làm phim còn đặt tình yêu cạnh sự dối trá, sự khoan hồng, danh dự, và đủ thứ. Nhưng hẳn, trên đời này chỉ có duy nhất một người như Ivan Klíma – một trong những tên tuổi lớn nhất của văn học Séc đương thời, bên cạnh những Milan Kundera, Vaclav Havel – dám đặt Tình yêu bên cạnh Rác.

Ra đời năm 1986, tiểu thuyết Tình và rác của Klíma là lời tự thuật của một người đàn ông với hai số phận: ông vừa là nhà văn phản động, vừa là người quét rác; ông vừa là chồng, vừa là một người tình; ông vừa ngẫm nghĩ về Franz Kafka, vừa ngồi trong quán rượu tán chuyện cùng những người trong nhóm quét rác của mình. Ông giống như một á thần của thế giới hậu thần thánh, giằng co giữa thoát tục và phàm phu, giữa những chiêm nghiệm về cái phi phàm và ham muốn của cõi trần tục, hay nói ngắn gọn là giữa “tình” và “rác”.

Nhân vật của Klíma dịch chuyển liên tục giữa hai thế giới ấy, vừa đấy còn đang mặc chiếc áo bảo hộ màu vàng cam chóe lọe, cầm theo cây chổi và đi hót từng mẩu giấy, từng chiếc cốc nhựa và vỏ bao diêm, liền sau đó đã cùng người tình ôm ấp trong bóng tối, trong xưởng cưa, trong những chuyến đi bí mật. Nhưng Klíma làm một cuộc hoán đổi ngoạn mục giữa “tình” và “rác”: cứ ngỡ “tình” là cái tinh khiết, cái thánh thiện, cái cứu rỗi, và “rác” là cái hỗn tạp, cái xú uế, cái ô trọc. Thế mà không phải. Cõi “tình” của Klíma lãng mạn nhưng dằn vặt, day dứt, bất toàn, dối trá, những người tình luôn bị dồn vào đường cùng, vào thế bí, những người tình không ngừng buộc tội lẫn nhau, và rốt cuộc đời có “tình” chỉ rối rắm thêm. Trong khi đó, cõi “rác” là sự tẩy trần, sự lau chùi, quét dọn, sự làm sạch thế giới, một người quét rác thu vén cho cuộc sống đã bị vấy bẩn được trở lại với sự gọn ghẽ và tinh tươm – trong vai trò ấy, người quét rác ở khía cạnh nào đó cũng tựa như Đức Chúa Trời làm cơn Đại Hồng Thủy tẩy rửa thế giới suy đồi vô đạo.

Toàn bộ cuốn tiểu thuyết nằm trong một mặt phẳng kẹp giữa những bờ vực đối nghịch như thế. Ngay cả trạng thái sống của nhân vật tự thuật cũng lắc lư – dù chưa hoàn toàn bị phá hủy và đã được cái hố đen cuộc đời chừa ra, nhưng lại bị trói buộc bằng những sợi chỉ mà tuổi già, sự vụng về cùng thời đại đang bứt ra phừn phựt.

Có một điều tôi ngờ ngợ về tác phẩm của Klíma, rằng nó đang kể lại thần thoại Hy Lạp trong một thời đại mới. Những dấu vết mà Klíma để lại về nguồn gốc bất phàm của những nhân vật rất nhẹ nhàng thôi, nhưng khó mà chối cãi. Không thể nói đó là sự trùng hợp được, khi người cha của nhân vật tôi là một nhà sáng chế đã làm ra cả những cỗ máy biết bay và ông đã bay trong suốt cuộc đời mình, trong khi đứa con ông sống sót qua một vụ máy bay rơi – một sự mô phỏng hoàn hảo câu chuyện về Daedalus và đứa con Icarus bị Mặt trời thiêu rụi cùng đôi cánh sáp. Không thể nói đó là sự trùng hợp được, khi người tình của nhân vật tôi là một nhà điêu khắc tài hoa – một phiên bản nữ của Pygmalion yêu bức tượng do chính tay mình chạm trổ. Cũng không thể nói đó là sự trùng hợp được, khi một người quen của nhân vật tôi, cũng là một nhà sáng chế, đã tạo nên một chiếc máy có khả năng đổi màu băng tuyết vì y tin phải loại bỏ màu trắng khỏi quả đất này – một phiên bản giễu nhại của Hephaestus, vị thần đã chế tác toàn bộ vũ khí cho những vị thần khác trên đỉnh Olympia.

Nhưng, Klíma không áp y nguyên câu chuyện của người Hy Lạp. Ông phóng tác nó và cười nhạo nó. Daedalus của thế giới hiện đại có thể bay qua biển, nhưng sự khôn ngoan không cứu ông khỏi tuổi già và thần chết. Pygmalion phiên bản nữ thay vì muốn biến bức tượng thành người yêu thì chỉ muốn người yêu trở thành bức tượng tuân phục mình, để rồi cuối cùng cô mãi mãi mất anh. Còn Hephaetus phiên bản giễu nhại chỉ làm ra những món vũ khí hoàn toàn điên cuồng, vô dụng và tráo trở.

Hơn kém nhau khoảng 9 tuổi, cùng là người Séc, cùng từng là những đứa con ghẻ của quê hương, cùng bị cấm xuất bản suốt nhiều năm ròng rã, cùng chơi với nhau, nhưng Ivan Klíma và Milan Kundera là hai thái cực văn chương khác biệt. Philip Roth gọi Klíma là phản đề của Kundera, và với ông thì trải nghiệm đọc Tình và Rác đôi khi giống như đang đọc Đời nhẹ khôn kham được lộn trái.

Mà cũng đúng thôi. Kundera lạnh lùng, tỉnh táo và chính xác như một con dao phẫu thuật, Klíma nồng nàn, đa cảm và rối bời như một món đồ dễ vỡ. Kundera coi các nhân vật như những tiêu bản để nghiên cứu và mổ xẻ. Klíma bó tay với các nhân vật, không tìm cách thấu hiểu kể cả nguyên mẫu của bản thân. Kundera ngay khi viết về cuộc làm tình cũng đầy lý trí như một nhà tâm thần học. Klíma không kiểm soát được những áng văn về tình ái – có những phiến đoạn trong tiểu thuyết của ông trôi chảy như áng văn của một văn sĩ diễm tình. Cả Kundera và Klíma đều thích, đôi khi, rẽ ngang khỏi nội dung chính của tiểu thuyết để luận bàn triết học, nhưng triết học Kundera nghịch nhĩ, vặn xoắn, còn triết học Klíma có phần khuôn sáo, song được diễn giải bằng thứ ngôn ngữ đẹp đẽ đầy tính tượng hình.

Tình cờ, tôi đọc Căn cước, một tác phẩm nho nhỏ của Kundera ngay trước khi đọc Tình và rác. Tình cờ hơn nữa, Căn cước cũng có thể coi là một tiểu thuyết về chất nhị trùng của con người: một đôi tình nhân tưởng như rất yêu nhau, nhưng rồi họ vướng vào một trò chơi đôi lứa mà càng vướng vào sâu hơn, họ càng nhận ra cái thâm u cùng cốc của người kia là không thể xuyên thấu hay chọc thủng, và họ bị khống chế trong một bản dạng không cố định với bộ mặt liên tục biến đổi tùy trạng huống.

Ta là ta, nhưng dường như ta cũng luôn là một ai đó khác. Luôn là một doppelgänger của chính mình, vừa cao quý vừa tầm thường, vừa vĩ đại vừa bé mọn, sẵn sàng sa ngã và sẵn sàng sám hối, chao đảo trong cuộc tìm kiếm một lẽ sống đích thực chỉ để rồi phải chấp nhận rằng không có lẽ sống và cũng không có gì là đích thực.

Đoạn cuối tiểu thuyết Tình và Rác, nhân vật tôi đứng lặng bên dòng sông, ném một chiếc máy bay giấy lên trời. Chiếc máy bay bay vút lên trước khi lộn ngã xuống nước – một hình ảnh rõ ràng là lặp lại truyền thuyết về Icarus nông nổi bồng bột muốn bay tít tắp trên cao, và rồi vì bay quá sát Mặt trời mà hỏng tan đôi cánh và ngã nhào xuống biển. Con người là vậy đấy: muốn vươn tới một thế giới tốt đẹp hơn nhưng trớ trêu thay, luôn bị nhấn chìm trong thói tầm thường không thể nào khác được.

Brueghel kể rằng

khi Icarus ngã xuống

lúc ấy là mùa xuân

người nông dân đang cày

đồng lúa

cả quang cảnh lộng lẫy

của năm

đang thức giấc và đùa nghịch

với chính mình

mồ hôi dưới nắng

làm tan chảy

đôi cánh bằng sáp

một cách tầm thường

phía xa bờ kia

có một

tiếng nước bắn tóe không ai chú ý

đó là

Icarus đang chết đuối

[Bài thơ “Phong cảnh với cú rơi của Icarus” – William Carlos Williams]

Điều an ủi duy nhất với chúng ta là cuộc vật lộn âm thầm ấy cũng chẳng có gì quan trọng với cuộc đời lớn rộng.

Klíma làm một cuộc hoán đổi ngoạn mục giữa “tình” và “rác”: cứ ngỡ “tình” là cái tinh khiết, cái thánh thiện, cái cứu rỗi, và “rác” là cái hỗn tạp, cái xú uế, cái ô trọc. Thế mà không phải. Cõi “tình” của Klíma lãng mạn nhưng dằn vặt, day dứt, bất toàn, dối trá, những người tình luôn bị dồn vào đường cùng, vào thế bí, những người tình không ngừng buộc tội lẫn nhau, và rốt cuộc đời có “tình” chỉ rối rắm thêm. Trong khi đó, cõi “rác” là sự tẩy trần, sự lau chùi, quét dọn, sự làm sạch thế giới, một người quét rác thu vén cho cuộc sống đã bị vấy bẩn được trở lại với sự gọn ghẽ và tinh tươm.

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)