Tọa đàm về Đàn Xã Tắc và thông điệp từ các nhà khoa học

Buổi tọa đàm xung quanh vấn đề có nên bảo tồn Đàn Xã Tắc [Thăng Long] hay không do tạp chí Tia Sáng tổ chức sáng 8/5 đã đưa ra được một thông điệp khá rõ ràng từ các nhà khoa học về vấn đề được bàn luận.

Bởi chủ đề của buổi tọa đàm là một vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, bởi diễn giả là TS. Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) – một chuyên gia kỳ cựu của ngành khảo cổ, người phụ trách khai quật khảo cổ khu vực ngã tư Ô Chợ Dừa – Nguyễn Lương Bằng năm 2006, đồng thời có kinh nghiệm khai quật các di tích tương tự tại kinh đô Phú Xuân (Huế), Tây Đô (Thanh Hóa) v.v… nên chưa tới giờ khai mạc, Cà phê Trung Nguyên (52 Hai Bà Trưng) nơi tổ chức buổi tọa đàm đã chật kín không còn một chỗ nào. Cùng với các chuyên gia ngành sử học, khảo cổ học, Hán Nôm, các vị trong thời gian vừa qua có phát ngôn về vấn đề này trước báo giới là đông đảo phóng viên đến từ các báo mạng, báo giấy, các kênh truyền hình và những người quan tâm.

Tọa đàm diễn ra liên tục trong hơn hai giờ đồng hồ. Sau phần trình bày của diễn giả chủ chốt là TS. Nguyễn Hồng Kiên về quá trình khai quật di tích được coi là “Đàn Xã Tắc” này là phần trao đổi của các nhà khoa học và những người quan tâm. Như có thể dự đoán trước được, phương tiện thông tin đại chúng đã đồng loạt đưa tin về buổi tọa đàm vô cùng nhanh chóng, nhưng khi đọc một lượt các tin tức bình luận về buổi tọa đàm này (trong ba ngày 8, 9, 10/5/2013) có cảm giác còn rối hơn cả kết luận của SGGP Online về cuộc hội thảo: “Điều đáng tiếc là các đại biểu tham dự tọa đàm chủ yếu trong lĩnh vực khảo cổ mà ít chuyên gia ở lĩnh vực giao thông và cuộc tọa đàm dù diễn ra nhiều giờ xong xem chừng chỉ làm rối thêm nội dung tranh luận về bảo tồn Đàn Xã Tắc”. Và điều mà khá nhiều tin tức có cùng chung chia sẻ là: “Giới nghiên cứu bất đồng về Đàn Xã Tắc” (Vietnamnet); “Cuộc hội thảo có nên bảo tồn di chỉ khảo cổ Đàn Xã Tắc Thăng Long (tại Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) ngày 8/5 cuối cùng chưa tìm được tiếng nói chung (VTC New)” v.v…

Cá nhân tôi là người tham dự buổi tọa đàm (từ lúc máy chiếu còn đang được lắp đặt cho tới khi những thính giả cuối cùng bước ra khỏi không gian 52 Hai Bà Trưng để tham dự tiệc sinh nhật diễn giả được tổ chức ngẫu hứng ngay sau đó) cho rằng buổi tọa đàm đã đưa ra được một thông điệp khá rõ ràng từ các nhà khoa học về vấn đề đang được bàn luận. Từ góc độ hồi ứng của người tham dự, thông điệp này có thể tóm tắt như sau.

Trước hết, nên nói về trọng tâm của tọa đàm – bài thuyết trình của TS. Nguyễn Hồng Kiên, vì bị giới hạn về thời gian, đã được lược bỏ đi rất nhiều phần lịch sử vấn đề và những tri thức liên quan mà tập trung vào việc “kể câu chuyện khảo cổ Đàn Xã Tắc năm 2006”, và qua những chứng tích từ thư tịch cổ Hán Nôm, những hình ảnh minh họa quá trình khai quật, các hiện vật, bản đồ giải thửa v.v… diễn giả đã trình hiện đầy đủ diện mạo khu di tích và hiện trạng mặt bằng khu di tích trong tương quan với sơ đồ quy hoạch xây dựng khu vực này. Theo tôi, diễn giả đã đưa ra các kết luận chính cho nghiên cứu của mình như sau:

–    Khu vực đào các hố khảo cổ tìm thấy hiện vật từ thời Phùng Nguyên, Lí, Trần, Lê, không tìm thấy hiện vật thời Nguyễn do tới thời này thủ đô dời vào Phú Xuân và một Đàn Xã Tắc khác cũng được dựng ở đó. Khu vực này hoang phế nhưng vẫn được bảo lưu là đất công cho tới gần đây.

–    Theo nguyên tắc của khoa học khảo cổ, khi tìm được một số hiện vật, hoặc một bộ phận của kiến trúc có thể tạm kết luận về di tích được khai quật. Khu được khai quật có dấu tích của sàn mặt đàn tế, đường linh đạo của các đời) v.v…cùng với nhưng ghi chép về sự hiện diện Đàn Xã Tắc ở khu vực này trong thư tịch có thể kết luận đây chính là di chỉ Đàn Xã Tắc.

–    Khu vực khảo cổ đã thực hiện không phải là đảo giao thông với hòn đá có ba chữ Đàn Xã Tắc ở trên như hiện nay nhìn thấy mà trải trên một khu vực rộng, nằm dưới nền đường Kim Liên mới mở, như vậy quy hoạch giao thông đã xâm phạm thẳng vào khu di chỉ chứ không phải vào bên mé như các nhà quy hoạch tuyên bố.

–    Cần phải tôn trọng di chỉ khảo cổ này vì hai lẽ: đây là một di tích cần được bảo vệ theo luật di sản, hơn nữa đây là di chỉ quan trọng của thành Thăng Long.

Do TS. Nguyễn Hồng Kiên đã lược đi nhiều phần trong bài thuyết trình của mình nên có một số ý kiến từ cử tọa yêu cầu bổ sung thông tin ở chính những nội dung bị bỏ qua đó. Tiêu biểu là phát biểu của TS. Vũ Thế Khanh (Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng) về mô hình Đàn Xã Tắc ở Trung Quốc, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của Nội đàn và yêu cầu phải xác định kích cỡ của nó mới khoanh vùng khu vực bảo vệ. Do vậy, TS. Nguyễn Hồng Kiên đã trình chiếu thêm phần nghiên cứu những vấn đề đó của mình để cử tọa so sánh với nghiên cứu của TS. Vũ Thế Khanh. Tuy nhiên, quan điểm của TS. Vũ Thế Khanh đã được phản biện ngay sau đó bởi nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Trần Thị Kim Anh khi chỉ ra rằng không phải Đàn Xã Tắc chung chung nào đó ở Trung Quốc có thể được dùng để làm mẫu mực soi chiếu khi tìm kiếm di tích Đàn Xã Tắc ở Ô Chợ Dừa. Theo sử Việt, Đàn Xã Tắc Việt Nam thời Lê theo đúng mẫu mực đời Minh. Ắt hẳn có thể tìm được thông tin về kích thước, quy mô diện tích của Đàn Xã Tắc thời Lê nếu tìm trong Minh hội điển (sách ghi chép về điển chế chính thống nhà Minh). Hơn nữa, có theo thể thức của nhà Minh thì cũng phải xem xét Đàn Xã Tắc Việt Nam phải theo quy mô của thứ bậc nào, nhất định phải đàn của nước chư hầu chứ không thể là đàn của thiên tử nhà Minh được. Mặc dù thông tin do TS. Vũ Thế Khanh cung cấp khá thiên về khoa học thường thức nhưng ý kiến của ông rất đáng chú ý khi cho rằng di tích thì cần phải bảo tồn nhưng trước hết phải xác định được chính xác vị trí, quy mô của nó như thế nào.  Ông Nguyễn Văn Hảo (nguyên Phó Viện trưởng Viện khảo cổ học) cũng chia sẻ điều này trong phát biểu sau đó.

Vấn đề đặt ra ở đây là, để có câu trả lời cho vấn đề “Có đáng bảo tồn Đàn Xã Tắc hay không?” phải trả lời được các câu hỏi mang tính then chốt như sau:

–    Khu di chỉ đào được tại ngã tư Ô Chợ Dừa – Nguyễn Lương Bằng có phải là Đàn Xã Tắc hay không?

–    Trong lịch sử thành Thăng Long có bao nhiêu Đàn Xã Tắc? Nếu có hơn một Đàn Xã Tắc thì đàn ở đâu là quan trọng nhất, đó có phải là Đàn Xã Tắc ở Ô Chợ Dừa ngày nay không?

–    Đàn Xã Tắc ở Việt Nam qua các thời có quy mô vật lý thế nào, thờ thần nào, được tế tự bởi ai, vị trí của nó trong tế tự của triều đình, các triều đại phong kiến Việt Nam đã “đối đãi” với các vị thần được thờ ở đây như thế nào?

Để trả lời được những câu hỏi này, TS. Nguyễn Hồng Kiên trong bài thuyết trình của mình đã chỉ ra việc trong ngành khảo cổ có nhiều chuyên ngành sâu và ở mỗi ngành đều có chuyên gia riêng. Như khi phát hiện ra dấu vết của văn hóa Phùng Nguyên ở di chỉ khảo cổ này, TS đã phải mời ngay chuyên gia để xử lý, trong trường hợp này là PGS. TS Lâm Thị Mỹ Dung. Đây là một việc làm khoa học và cần thiết. Trong bài thuyết trình, TS đã dẫn một số thư tịch cổ và cả văn bia nhưng tiếc là tư liệu được đưa ra khá đơn tuyến nếu không nói là đơn giản nhằm mục đích chứng minh di chỉ khai quật được là Đàn Xã Tắc và đó là một kiến trúc quan trọng trong kiến trúc thành Thăng Long. Trong khi đó, ngoài những tài liệu như Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư (mà các thông tin trong này được các bộ sử về sau như Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhắc lại mà thôi) còn rất nhiều thư tịch khác trong cổ tịch Việt Nam và cả Trung Quốc có thể sử dụng để tham chiếu và giải minh vấn đề này. Thành công của buổi tọa đàm, mặt khác, lại chính ở điểm này. Nghiên cứu khảo cổ học của TS. Nguyễn Hồng Kiên được cung cấp thêm rất nhiều cứ liệu từ các nhà nghiên cứu Hán Nôm để soi chiếu, góp phần giúp người ngoài cuộc có thể đưa ra kết luận đúng đắn thay vì áp đặt một định đề.

Tóm tắt lại, trình bày của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ (Đại học KHXH & NV) và nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đã dựa nhiều cứ liệu từ cổ sử Trung Hoa, cổ sử Việt Nam các đời, các văn bản truyền thuyết, bút kí, tản văn, kí sự v.v… mà quan trọng nhất là ghi chép của Phạm Đình Hổ – một nhân chứng đương thời đồng thời là người bác lãm quần thư đã đưa ra rất nhiều thông tin quý giá như:

– Về mặt khái niệm: Đàn Xã Tắc thờ thần Xã (chủ về đất đai), thần Hậu Tắc (chủ về trồng trọt), về bản chất đây là tín ngưỡng liên quan đến tập quán canh tác nông nghiệp của người phương Đông. Đàn Xã Tắc có nhiều cấp độ và quy mô khác nhau từ thiên tử, tới chư hầu, tới quan lại, thứ dân, có nghĩa là không phải Đàn Xã Tắc nào cũng ở cấp độ Nhà nước và đương nhiên cùng một thời điểm trong lịch sử, tại một địa bàn hoàn toàn có thể có nhiều Đàn Xã Tắc khác nhau.

– Đàn Xã Tắc ở thành Thăng Long: Căn cứ vào ghi chép của thư tịch cổ cho thấy trên địa bàn thành Thăng Long nói riêng và thành phố Hà Nội ngày nay đã từng tồn tại nhiều Đàn Xã Tắc có quy mô và công năng khác nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, ít nhất có 3 đàn có chức năng của đàn Xã Tắc vào thời Lý, và còn có thể tìm được cứ liệu về số lượng nhiều hơn thế vào thời Lê. Không phải đàn nào cũng được gọi bằng tên Đàn Xã Tắc nhưng có công năng tương tự, hoặc vẫn mang tên Đàn Xã Tắc nhưng đã được chuyển đổi công năng (ví dụ như chuyển sang vị thần khác có cùng tính chất hoặc chuyển làm thành hoàng bản thổ v.v…). Đàn Xã Tắc được coi là quan trọng, ở cấp độ quốc gia, có quy mô và điển chế rõ ràng về kích thước, công năng được ghi chép trong chính sử là đàn dựng vào thời Lê, tại làng Yên Lãng, nay thuộc phường Hồng Mai.

– Vị trí của đàn Xã Tắc trong điển lthời phong kiến: Các nhà nghiên cứu Hán Nôm đồng thuận ở quan điểm tế thần Xã Tắc ở Việt Nam chưa từng được liệt vào hàng tế tự quan trọng nhất. Tính chất vị thần được thờ cúng cũng không đồng nhất. Thậm chí tới thời Lê chỉ có quan vâng lệnh tới tế, thiên tử không đích thân tế.

– Về di chỉ tìm được tại ngã tư Ô Chợ Dừa – Nguyễn Lương Bằng: Các ghi chép từ thư tịch cổ cho thấy ở đây có khả năng có một đàn Xã Tắc nhưng không cho thấy đây là đàn quy mô cấp nào, vị trí ra sao trong lịch sử tế tự của các triều đại phong kiến Việt Nam. Tại di chỉ này chỉ tìm thấy dấu vết cho tới Lê, trong khi đó lại có ghi chép về dù chuyển kinh đô tới Phú Xuân, nhưng vua Minh Mệnh năm 1839 cho xây dựng đàn Xã Tắc ở phía tây Hà Nội (trích theo Trần Thị Kim Anh). Như vậy, tạm thời chỉ có thể kết luận di chỉ khảo cổ khai quật được có khả năng cao là đàn Xã Tắc, là một trong những đàn Xã Tắc đã từng tồn tại trong lịch sử kinh thành Thăng Long mà thôi. Để nghiên cứu nó, cần đặt nó trong hệ thống đàn Xã Tắc tại địa bàn này. Tuyệt đối, không được đồng nhất ghi chép về các đàn Xã Tắc khác nhau trong lịch sử để gán cho di chỉ này.

Thay cho lời kết

Để có giải pháp cho một vấn đề khá rắc rối như vụ việc xung quanh di tích “Đàn Xã Tắc” cần phải có sự vào cuộc giữa nhiều bên, và quan trọng hơn hết là khả năng lắng nghe và thấu hiểu giữa các bên. Sau buổi tọa đàm này, với các cứ liệu được đưa ra đầy đủ như vậy thì câu hỏi đặt ra sẽ phải là “Di chỉ này cần được bảo tồn ở mức nào”, và để trả lời cho câu hỏi đó, những nhà nghiên cứu khoa học sẽ nghiêm túc lắng nghe quan điểm của những người hoạch định chính sách, các nhà quy hoạch giao thông đô thị. Xét cho cùng, mục đích cao nhất của nghiên cứu khoa học là thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người mà sát sườn hơn đó là phục vụ cho quốc kế, dân sinh.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)