Tóc của thiên tài âm nhạc giá bao nhiêu?

Ở các nước phương Tây trước đây, tóc thường được lấy từ di hài người vừa nhắm mắt xuôi tay và giữ làm vật lưu niệm trong gia đình. Các món tóc từng ở trên đầu hai nhà soạn nhạc bậc thầy Wolfgang Amadeus Mozart và Ludwig van Beethoven đã được đem ra bán đấu giá trong cùng một phiên tại nhà Sotheby London vào ngày 28/5 mới đây, sau một đợt triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn.

Lọn tóc quăn sáng màu của Mozart quá cố được buộc bằng một sợi dây lụa màu xanh và đựng trong một mề đay mạ vàng thế kỉ 19. Bảo vật này đã được bán với giá 35.000 bảng Anh (53.820 USD), gấp ba giá mà các chuyên gia Sotheby ước tính trước phiên đấu giá.

Có một bản viết tay từ thế kỉ 19 do nhà soạn nhạc người Anh Arthur Somervell (1863-1937) và bố vợ của ông tên là John Collet thực hiện miêu tả lai lịch của vật lưu niệm này. Theo đó, lọn tóc Mozart được truyền từ bà quả phụ của Mozart là Constance tới bà mẹ của nhạc trưởng người Đức Karl Anschutz. Vị nhạc trưởng này trao tiếp bảo vật được thừa hưởng từ mẹ mình cho một người tên là Jas Collet vào khoảng giữa những năm 1848-1851 khi ông ở London. Hậu duệ của nhà soạn nhạc người Anh Somervell là người sở hữu bảo vật trước phiên đấu giá vừa qua.

Đây không phải lần đầu nhà Sotheby tổ chức bán đấu giá tóc của Mozart. Năm 2002, một lọn tóc khác của Mozart (vốn được truyền lại từ tình nhân của một trong những người con trai nhà soạn nhạc) đã bán được với giá 38.240 bảng Anh, gấp đôi giá ước tính ban đầu. Vợ chồng Mozart sinh tổng cộng sáu người con nhưng chỉ có hai người con trai sống đến tuổi trưởng thành. Cả hai đều tham gia hoạt động âm nhạc và không lập gia đình.

Cũng trong phiên đấu giá vào ngày 28/5/2015 của nhà Sotheby, một lọn nhỏ tóc bạc của Beethoven (khâu trên một mảnh lụa xám) được đem bán đấu giá kèm với một tờ giấy mời dự tang lễ năm 1827 của nhà soạn nhạc người Đức. Lọn tóc của Beethoven đã bán được với giá 8.125 bảng Anh (12.494 USD).

Tờ giấy mời lồng trong khung kính chào đón những người tham dự tang lễ của “nhà soạn nhạc trứ danh và không ai thay thế được, người đã qua đời do hậu quả của chứng phù nề vào hồi 6 giờ chiều ngày 26/3/1827.” Gần 200 năm trước, khi biết tin Beethoven qua đời, rất nhiều khách đã tới căn hộ của nhà soạn nhạc để viếng thăm lần cuối. Bác sĩ người Áo Gerhard von Breuning nhớ lại rằng khi ông tới nơi thì thấy nhiều người lạ mặt “đã cắt trụi tóc trên đầu người quá cố.” Hiện một lọn tóc bạc khác của Beethoven đang được trưng bày tại Nhà Beethoven ở Born.

Cả Mozart và Beethoven  đều qua đời trong khốn khó và để lại nhiều món nợ. Họ chẳng thể ngờ rằng sẽ có ngày một nhúm tóc bé xíu của họ có thể bán được với giá hàng chục ngàn USD.

Ngọc Anh tổng hợp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)