“Tôi rất vui mừng trước Cúp bóng đá thế giới 2014, nhưng…”

Đó là tít bài viết trước giải vô địch bóng đá thế giới 2014 (2014 FIFA World Cup - Brazil) lần thứ 20 tại Brazil, được đăng trên nhật báo Bild, Đức của đương kim Tổng thống Đức Joachim Gauck, người Đông Đức, từng đồng sáng kiến hoạch định chương trình tái thống nhất nước Đức, luôn dấn thân cho sự nghiệp đấu tranh vì quyền của mỗi người dân cả trong lẫn ngoài nước.

Là một fan hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, Tổng thống của một nước được xếp hàng đầu các quốc gia dân chủ trên thế giới, lẽ ra ông được quyền thả mình cuốn hút vào cơn lốc giải vô địch thế giới này, nhưng vẫn cứ canh cánh trong lòng không phải bởi những gì cao siêu, to lớn cho riêng nước ông, mà bởi những gì xảy ra trên sân cỏ cũng đều có thể xảy ra cả trong đời sống cá nhân lẫn chính trị, ở bất kỳ quốc gia nào. Thể thao chỉ có ý nghĩa thực sự khi không „chơi xấu“. Chính trị cũng vậy, chỉ có giá trị khi „chơi đẹp“: quyền bình đẳng, quyền sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc cho mỗi người dân luôn được coi trọng, đảm bảo; ngay cả trong những sự kiện quốc tế lớn lao như World Cup càng không thể sao nhãng.
                                                               Nguyễn Sỹ Phương dịch và giới thiệu


“Quý Độc giả thân mến!

Chắc chắn Qđộc giả đã biết mình sẽ xem ở đâu trận đấu bóng ngày 12.06.2014 mở màn Cúp vô địch bóng đá thế giới? Tại thành phố São Paulo, hay Saalfeld, Stuttgart Đức? Điạ điểm không quan trọng, miễn ở đó ai cũng hâm mộ bóng đá và tất cả cùng chung cảm xúc như tôn chỉ Cúp bóng đá thế giới đặt ra. Hoặc như tên quả bóng được triệu người Brazil hâm mộ bình chọn: Brazuca, có nghĩa hứng khởi, hãnh diện và nhiệt thành. Tên gọi đó như một nguồn cổ vũ to lớn, một niềm tin mãnh liệt vào cộng đồng, đầy tình cảm, và phấn khích!

Tôi nghĩ ngay tới huyền thoại Cúp vô địch bóng đá thế giới 2006 mà nước chúng ta là chủ nhà. Chúng ta đã trải qua một đại lễ hội, cởi mở, hãnh diện, hiếu khách, và cực kỳ thoải mái. Trong những ngày này, tôi cùng tâm trạng như hàng triệu người trên thế giới, tận hưởng niềm vui trước sự kiện Cúp vô địch bóng đá Thế giới 2014.

Thực ra suốt cả năm tôi mê bóng đá, và thuộc những người cuối tuần hồi hộp theo dõi các cuộc tranh tài trên sân cỏ. Do tôi ở thành phố Rostock nên thường xuyên xem cả những sự kiện bóng đá hạng 3. Tất nhiên không thể so với giải vô địch quốc gia. Tôi chia sẻ cảm xúc đặc biệt này với bao người dân theo dõi tại nhà, hay cùng nhau xem nơi công cộng, rung người vung quả đấm nắm chặt lên trời, hay hò reo chiến thắng. Thế là mọi lo toan hằng ngày biến mất.

Theo dõi các sự kiện bóng đá, hay thể thao khác, tôi thường nghiệm ra rằng, tất cả những gì xảy ra trên sân đấu như việt vị, chèn ép, mưu thắng, thậm chí viện tới cả thuốc tăng lực… đều có thể xảy ra ngay trong chính đời sống cá nhân và chính trị.

Sân cỏ thực ra không phải nơi phân phát thẻ vàng hay đỏ, nhưng chúng ta vẫn thường xuyên thấy bao cầu thủ, cá nhân hay cả đội bất chấp luật chơi. Trong thể thao cũng như chính trị, bao giờ người ta cũng thoả thuận với nhau „chơi đẹp“, nhưng phải được luôn nhắc nhở và trải nghiệm. Chơi đẹp chỉ đạt được, khi chúng ta thừa nhận và tôn trọng nhân phẩm, bất luận họ là ai, đến từ đâu. Trước đây không lâu, chúng ta đã không dễ dàng chấp nhận những nhà thể thao có nguồn gốc nhập cư. Ngày nay những cầu thủ xuất sắc gốc Thổ Nhĩ Kỳ hay Phi châu có mặt trong đội tuyển quốc gia, làm nên thành công cho nước Đức.

Trên sân đấu, đa sắc tộc đã trở thành hiển nhiên với phần đa công chúng hâm mộ, thật đáng tiếc không phải với tất cả. Tôi nhận thấy sẽ tuyệt vời, khi những tài tử sân cỏ như Steffi Jones hay Philipp Lahm, với danh tiếng sẵn có trở thành những biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống lại sự ích kỷ hẹp hòi. Sự hẹp hòi ích kỷ đó dù về nguồn gốc hay quan hệ giới tính, trước sau đều cần tới lòng can đảm chống mọi thành kiến, phân biệt – cả trong phòng thay quần áo, lẫn trên khán đài, cả tuyển thủ đang thi đấu hay đã về hưu. Cảm ơn tất cả những ai kêu gọi lòng can đảm và tự trải nghiệm nó.

Để thể hiện lòng can đảm đòi hỏi phải cố gắng, ngay tại nước Đức. Nhìn ra thế giới, đó là một sứ mệnh khổng lồ, bởi trong những sự kiện thể thao lớn, trước hết người ta thường chỉ tập trung ngắm nhìn những ánh hào quang,  nghe hò reo trên khán đài, ngưỡng mộ huy chương vàng lấp lánh.

Những cuộc đọ tài thế giới cuốn hút tất cả chúng ta. Tuy nhiên chúng cũng có thể kèm theo những hệ lụy đến điên rồ hay đơn giản thiếu an toàn. Không cho phép chúng ta được thờ ơ, chấp nhận các sự kiện lớn kèm hủy hoại môi trường, cưỡng bức di dân, sử dụng bạo lực đối với họ, bóc lột và gây thiệt mạng khi xây dựng các sân vận động thiếu an toàn. Điều đó không phù hợp tinh thần hiến chương Thế vận hội, lý tưởng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới.

Bao thập niên qua, nhiều quan chức thể thao cũng như chính trị đã cố tình tránh né vấn đề quyền lợi dân chúng khó xử đó, thường biện minh cho những cuộc tranh luận như thế sẽ làm phương hại đến hình ảnh thể thao. Theo tôi, những cuộc tranh tài lớn có được không chỉ dựa vào mỗi chương trình hoàn hảo và tiếp thị. Mà chính nhờ vào lòng tin, tôn trọng nhân phẩm và sức mạnh đạo đức.

Tôi muốn là một người đồng minh của tất cả những ai theo đuổi ý tưởng này. Những cuộc tranh cãi hiện thời có thể cho ta hy vọng, chủ đề nhân quyền trong tương lai phải được xem xét, bàn thảo, chú ý kỹ hơn khi trao quyền đăng cai tổ chức các thế vận hội. Tôi nhận thấy đó là một chiều hướng phát triển tốt đẹp. Nhân quyền cần được vận động mạnh mẽ, cả trong thể thao.

Quí bạn đọc hâm mộ bóng đá thân mến! Với những ý nghĩ trên tôi không bao giờ muốn làm giảm đi hứng thú về bóng đá nhất là lúc chúng ta đang trước ngưỡng cửa huyền thoại Cúp vô địch bóng đá thế giới cuốn hút này. Thế nhưng tôi tin rằng, niềm vui sẽ còn nhân gấp bội, khi chúng ta có thể tin chắc rằng: trong tương lai trước mỗi thế vận hội, không một ai sẽ bị thiệt thòi, mất nhà cửa, sức khỏe thậm chí cả mạng sống. Không ai phải trả giá bằng thiệt hại, bất hạnh để người khác hạnh phúc. Thật tốt biết bao, khi trong mỗi trận chung kết thế giới, đều có thể biết chắc rằng, đối với tất cả chúng ta đó là một cuộc chơi đẹp, một cuộc chơi với nhiều người thắng.

Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến hàng triệu người cùng sôi sục theo dõi Cúp vô địch từ ngày 12.06, gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến đội tuyển chúng ta!”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)