… Tôi thường làm thơ vào thời gian đi bách bộ quanh Bờ hồ…
Mỗi nhà thơ có một cách làm việc khác nhau. Victor Hugo không mấy khi ngồi mà đứng viết. Goethe ưa cưỡi ngựa trên một chiếc ghế ngựa gỗ trong một tư thế hết sức bất tiện để sáng tác. Flaubert thường ăn mặc rất tề chỉnh như sắp đón một thượng khách trước khi ngồi vào bàn. Nguyễn Tuân ưa viết trên loại giấy hảo hạng.
Tôi thường làm thơ vào thời gian đi bách bộ quanh Bờ hồ. Không khí thoáng đãng khuyến khích tự do liên tưởng, một trong những vận hành quan trọng hàng đầu của sáng tác. Có thể nói hầu hết những bài Haikâu hay nhất của tôi đều là những bài thơ “bách bộ”(lẽ dĩ nhiên người ta cũng có thể tự do liên tưởng trong một ổ chuột chật hẹp. Không có một nguyên tắc chung trong cách tạo môi trường viết của các nhà thơ).
Mắt Đáp Cầu Đương nắng
Tim lặng lạnh gốc bồ đề mưa cũ Ương bước dấn thương cầu bất trắc Đất lở đá mòn một hai chìm nổi |
Tôi vừa bách bộ vừa nghĩ lan man. Một câu thơ bỗng nảy ra trong đầu:
Người đến rồi người lại đi
Câu bắt đầu hơi bình dân kia khiến tôi nghĩ đến thể lục bát.
Tôi vẫn vừa đi vừa lẩm bẩm:
Người đến rồi người lại đi
Việc lặp đi lặp lại một câu thơ cho ta một tình huống thơ tương tự một trạng thái nhập đồng.
Tôi buột nghĩ câu thơ thứ hai:
Khiến người đứng gốc cây si đợi chờ
Trên đời những người “sốt sắng quá” thường không phải là kẻ vô tư.
Trên giấy những chữ “sốt sắng quá” chạy đến đầu ngòi bút thường là những chữ không đáng tin, cần phải kiểm tra lại.
Giai đoạn thơ bách bộ chỉ là giai đoạn sơ khởi.
Ưu điểm cũng như nhược điểm của nó là tính tự phát của những câu thơ “ xuất khẩu”.
Và thơ thì không thể hoàn toàn tự phát được.
Nó đòi hỏi, nhất thiết đòi hỏi một giai đoạn tu từ, thường khi hết sức gian khổ trên giấy.
Ở Bơ hồ về nhà, tôi lập tức ghi Haikâu thơ tự phát kia vào nháp.
Và tôi đọc đi đọc lại hàng chục lần bằng mắt.
Việc ngâm nga lúc đầu giờ đây trở thành có hại, nó dễ khiến người ta chìm đắm trong âm thanh không có lợi cho việc thẩm định chữ.
Tôi lặng lẽ đọc và nhận thấy trong tập hợp đứng gốc cây si đợi chờ chỉ gốc cây si là thật sự phát nghĩa còn những từ đứng và đợi chờ có vẻ thừa … Đứng hay ngồi có quan trọng gì đâu! Đợi chờ quá dễ dãi, thiếu tính bất ngờ do đó lượng thông tin rất thấp, thậm chí bằng số không.
Tôi nghĩ mãi không biết nên thay đứng đợi chờ bằng biểu thức gì. Miệng cứ lẩm nhẩm đọc đi đọc lại mãi. Tôi gần như bị nhạc điệu của câu thơ ru ngủ. Tôi biết đã đến lúc phải ngừng lại. Tiếp tục có nguy cơ bị rơi vào rãnh mòn của âm điệu dễ dãi. Tôi bỏ bản nháp đi làm việc khác để thay đổi không khí. Lúc này tốt nhất là nghe một bản nhạc (ưu tiên nhạc không lời). Cùng lắm có thể bật một chương trình tivi miễn là nó đừng “sến” quá ( một chương trình thời sự, vòng quanh thế giới hay khoa học là tốt nhất).
Vì tôi vốn mắc bệnh mất ngủ mãn tính nên buổi chiều tôi dứt khoát không động đến thơ – chỉ đọc sách, ưu tiên sách lý luận hay trinh thám. Cũng có thể xem một phim võ hiệp Tàu.
Sớm hôm sau, bách bộ quanh Bờ hồ, tôi lại tiếp tục công việc hôm trước. Tôi vừa đi vừa lẩm nhẩm. Tôi bỗng vô tình nhìn thấy cây si trong đền Ngọc Sơn. Ơrêka! Tôi thích thú sửa lại:
Để người đền gốc cây si đợi chờ
Từ đền nhất định phát nghĩa tốt hơn là đứng hay ngồi. Nhưng hình như từ đền quá to so với không gian chung của câu thơ. Hơn nữa hai từ dấu huyền người và đền đi cặp kè đọc lên nghe có phần hơi chối tai.
Tôi lẩm bẩm mãi từ đền. Tôi chợt nghĩ đến một hình ảnh rất dân dã và cũng rất độc đáo. Trong tiếng lóng “đường phố”, người ta thường gọi một cửa hàng có cô chủ bắt mắt là miếu. Thời kháng chiến lần thứ nhất, cánh cán bộ và chiến sỹ trẻ ở ATK không mấy người là không biết tiếng miếu cô Hạ áo tím ở Cao Vân.
Để người miếu gốc cây si đợi chờ
Tập hợp miếu gốc cây si có vẻ đắc địa.
Tôi viết ra giấy, đọc đi đọc lại, cười một mình lấy làm thú vị.
Nhưng hai từ đợi chờ vẫn có cảm giác khó chịu như những vị khách không mời mà đến ám quẻ. Tôi gạch đi gạch lại dưới gốc cây si. Từ miếu bỗng gợi tôi nghĩ đến từ khấn. Khấn chờ nhất định là nhiều thông tin hơn đợi chờ. Nhưng từ chờ vẫn chưa ổn. Nó nhàm quá. Tôi đọc đi đọc lại mãi ( lẽ dĩ nhiên bằng mắt). Không hiểu sao tôi bỗng vụt nghĩ đến hai từ khấn tình. Hình ảnh này lóe sáng như một đốn ngộ. Tôi đọc lại:
Người đến rồi người lại đi
Để người miếu gốc cây si khấn tình
Cổ nhân nói: Người đẹp từ trong chữ bước ra, thật là sâu sắc và hữu lý.
Tôi bỗng có cảm giác lâng lâng hạnh phúc như vừa kỳ ngộ một giai nhân. Tôi tạm đặt tên duyên may này là hiệu ứng Từ Thức.
Trong thâm tâm tôi biết mình đã gặp câu thơ hằng chờ đợi. Những người yêu thơ và làm thơ hết lòng đôi khi có cái cơ may của họ Từ.