Trần Trọng Vũ: Muốn phá vỡ biên giới của các thể loại

Nhân dịp về Việt Nam làm cố vấn nghệ thuật trong dự án “Chuyển động Brown”, nghệ sĩ Trần Trọng Vũ đã có cuộc trò chuyện với Tia Sáng chung quanh quan niệm của anh về hiện thực trong sáng tác, về cách anh khai thác mối quan hệ giữa ngôn từ và hình ảnh, về ý đồ nhân bản những hình ảnh giống nhau trong không gian ba chiều…

PV: Anh có thể giới thiệu sơ lược về vai trò của mình trong “Chuyển động Brown”?

Trần Trọng Vũ: Tôi là người đề xuất dự án và sau đó tôi làm việc với từng nghệ sĩ, trao đổi với họ. Ví dụ, với một số bạn trẻ vẽ tranh, tôi có đề nghị họ thay đổi cách làm. Thay vì vẽ trên một khổ tranh nhất định, họ sẽ chia nó thành nhiều khổ tranh nhỏ. Chúng được xếp lại với nhau để nghệ sĩ có thể vẽ lên chúng một cách bình thường như trên một bức tranh lớn vậy. Khi trưng bày, các mảnh nhỏ này sẽ được sắp xếp, được xê dịch, hoặc thậm chí sẽ chạy sang tác phẩm của họa sĩ khác. Bức tranh lớn của họ vì vậy sẽ bị biến dạng, bị phá vỡ, bởi những chuyển động không định trước. Sau cuộc trưng bày, các nghệ sĩ có thể đem chúng về, xếp lại theo đúng trật tự ban đầu. Chuyển động Brown kết thúc ở đây.

Một thể nghiệm nghệ thuật như vậy sẽ mang lại kết quả gì cho người xem và bản thân các nghệ sỹ?

Tôi muốn các nghệ sĩ trẻ làm việc khác với thói quen của họ. Qua công việc này, có thể họ sẽ thu về một quan niệm khác về hội họa. Và lúc đó, hội họa có thể sẽ chỉ là một phương tiện chứ không phải là mục đích của họ nữa, kết quả có thể sẽ khác hoàn toàn so với mong muốn ban đầu của họ.



Những lũy thừa không số, bày tại Hà Nội, 2014, gồm 60 hình ảnh thực hiện trên chất liệu nhựa trong, đặt trong không gian để tạo thành một hình ảnh ba chiều (3D), khổ của mỗi hình ảnh: 100cm x 270cm. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

Ngoài ra, tất cả các buổi chiều thứ Bảy hằng tuần sẽ dành cho thảo luận. Một nghệ sĩ được mời sẽ đề xuất chủ đề của buổi thảo luận. Ví dụ chủ đề “Hiện thực! Hiện thực! Hiện thực!” đã được đề nghị bởi Yun-Woo Choi, một nghệ sĩ đến từ New York. “Hiện thực” của anh được đề cập đến ba lần có thể không chỉ là một “hiện thực” nữa mà đã là đa số, không còn là một khẳng định nữa mà đã có thể là một nghi vấn, có thể không chỉ có một “hiện thực”, một “sự thật” mà có thể có vô số hiện thực, vô số sự thật, những cái đó hết sức mới mẻ ở Việt Nam…

Bản thân anh cũng rất thích đề cập đến khái niệm “Hiện thực”, ví dụ, anh đã từng nói “nghệ thuật bây giờ tiếp cận gần với hiện thực hơn bao giờ hết, nghệ sĩ đương đại cướp lại những mảnh vụn hiện thực…”

Tôi có nói trong buổi thảo luận, rằng người Việt thường khẳng định một hiện thực, một sự thật, một kết luận, và một, một một… cái gì cũng duy nhất. Nhưng hiện thực ở trong tôi đã được xào nấu rất nhiều trong nhiều biến tấu của nó, để được ở số nhiều. Và khi tôi biểu đạt lại chúng, tôi luôn tìm một ngôn ngữ nào đấy để nói rằng hiện thực không chỉ là cái ta nhìn thấy, hoặc cảm thấy, mà nó bị giấu đi ở phía sau hình ảnh. Cái bị giấu đi ấy có thể được kể lại bằng ngôn từ. Tôi cũng thường xuyên sử dụng mâu thuẫn để làm tác phẩm, ví dụ, tôi dùng nhiều màu sắc, màu sắc như có vẻ “hết sức sung sướng”… nhưng lại để nói đến những vấn đề “trầm trọng” hơn. Có rất nhiều cách làm tương tự như thế ở tác phẩm của tôi.

“Quà sinh nhật”, tác phẩm trưng bày tại triển lãm Những lũy thừa không số ở Hà Nội (2014) , gồm sáu hình ảnh thực hiện trên chất liệu nhựa trong, khổ của mỗi hình ảnh: 100cm x 270cm. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

Chẳng hạn như loạt hình ảnh chân dung của chính anh, ngồi trên những chiếc máy bay có những bông hoa rất sặc sỡ ở triển lãm “Những lũy thừa không số”1… “Hiện thực” gì, ký ức gì anh muốn nói đến ở đằng sau những hình ảnh đó?

Tác phẩm ấy đơn giản hơn nhiều. Đấy là một món quà của con trai tôi, tặng tôi ngày sinh nhật, một chiếc máy bay Mickey. Tôi chẳng bao giờ nhận được quà sinh nhật cả, và món quà đó giống như từ đâu rơi xuống, và tôi cảm thấy mình rất sẵn sàng ngồi vào chiếc máy bay đó để bay đến những nơi khác. Lúc đầu, câu chuyện chỉ là như thế, nhưng… Tôi rất muốn khi làm việc, tôi có thể bắt đầu từ những gợi ý rất nhỏ, rồi từ xuất phát điểm ấy, tôi có thể đi tới những không gian khác.

Tương tự, trong triển lãm “Những lũy thừa không số”, cách làm của tôi là nhân bản toàn bộ những hình ảnh, những hình người ngồi xổm và không ngồi xổm; những hình ảnh giống nhau và những chiếc máy bay giống nhau ấy cũng được nhân lên, tôi muốn nhân họ lên nhiều lần. Tôi cho rằng, khi chỉ có mình tôi, chỉ có mình bạn, chỉ có một mình ai đó, tất cả sẽ tồn tại như một thực thể. Nhưng khi tôi nhân bạn lên 50 lần chẳng hạn, thì đấy là một cách tôi đã xóa bạn đi, bạn sẽ trở thành vô danh, cùng 49 con người vô danh, mặc dù mặt mũi vẫn như thế, vẫn là hình ảnh của bạn. Đấy, công việc của tôi là như thế. Tôi thấy thế giới ngày nay có nhiều điều kiện để khiến con người trở nên vô danh, ví dụ như: nhiều người cùng đi một loại ô tô, cùng mua một loại xe máy, cùng mặc quần áo giống nhau, cùng ăn pizza và uống Coca – Cola. Tóm lại, điều kiện để họ giống nhau là rất nhiều. Nhưng đấy chỉ là một cảnh báo của tôi thôi, như một dự cảm nào đấy. Tôi luôn bắt đầu từ những cái gì rất nhỏ, rất cá nhân, nhưng những cái rất cá nhân ấy có thể sẽ trở nên không còn cá nhân nữa, gương mặt của tôi cũng sẽ không còn là của mình tôi nữa.

Mặt khác, tương tự như khi ta cứ đặt đi đặt lại một số ngôn từ, chúng sẽ trở thành nghi vấn, hoài nghi. Trong tác phẩm của tôi cũng thế, khi tôi lặp đi lặp lại hình ảnh, hình ảnh sẽ trở thành hoài nghi.

Bởi vậy chúng ta luôn thấy những chân dung đó có những câu hỏi to tướng ở bên trong?

Tôi luôn cố gắng đưa vào trong một hình ảnh, trong một tác phẩm, rất nhiều thứ và trong cùng một lúc. Và sau đó, có lẽ tác phẩm của tôi cũng sẽ cho ra nhiều kết quả khác nhau. Tôi cho rằng ngay cả ở trong văn chương hay trong bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác cũng thế thôi. Khi ta đưa vào tác phẩm một đồ vật đơn nghĩa, thì tác phẩm sẽ đơn nghĩa. Nhưng nếu ta chủ động đưa vào đấy những sự vật nhiều nghĩa thì tác phẩm sẽ đa nghĩa, và lúc đó, giống như một sự dân chủ trong nghệ thuật, công chúng sẽ tự cho thêm nghĩa, tôi nghĩ như thế sẽ thú vị hơn.

Nhưng có lẽ đó sẽ là một thách thức rất lớn cho người làm nghệ thuật bây giờ nếu như muốn đưa vào tác phẩm những thứ vốn không có hình ảnh, thành những hình ảnh cụ thể. Ví dụ khi anh muốn đưa vào tác phẩm nhiều câu hỏi, nhiều suy nghĩ, tư tưởng khác nhau…

“Khúc Partita ngẫu nhiên”, sơn dầu trên vải, 210cm x 130cm, 2015. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

Rất rõ là như thế. Nghệ sĩ thị giác ngày nay đi tìm sự bất thường, họ say sưa với sự bất thường ấy. Với bản thân tôi thì tôi muốn phía sau tác phẩm sẽ là những gì không còn là hình ảnh nữa, những gì ở phía sau hình ảnh ấy có thể được khán giả kể lại thành lời nói, thành ngôn từ. Trước kia người ta không thể kể lại một tác phẩm hội họa bằng lời nói, ví dụ như Picasso, Van Gogh đã vẽ như thế nào, đã bôi màu ra sao. Nhưng ngày nay, ta có thể kể lại được bằng ngôn từ, rằng một nghệ sĩ nào đó, đã làm tác phẩm như thế này, với những ý tưởng như thế kia… Đấy là điểm hết sức khác nhau giữa nghệ thuật Hiện đại và Đương đại.

Như trên anh đã nói, mình luôn tìm một ngôn ngữ nào đấy để nói rằng hiện thực bị giấu đi ở phía sau hình ảnh, và cái bị giấu đi ấy có thể được kể lại bằng ngôn từ. Vậy từ khi nào anh nhận ra mình muốn dùng ngôn từ để bổ sung cho hình ảnh?

Tôi đến với nghệ thuật trước tiên bằng ngôn từ chứ không phải là hình ảnh. Tôi vẽ muộn lắm, 13 tuổi mới vẽ bức tranh đầu tiên, trước đó tôi tiếp xúc với nghệ thuật bằng ngôn ngữ, bằng văn học… Và ngôn từ đã theo đuổi tôi trong suốt quá trình làm tác phẩm thị giác. Chỉ có điều, từ bốn năm nay, tôi khai thác ngôn từ triệt để hơn nhiều. Tôi đã có những tác phẩm hoàn toàn làm bằng ngôn từ2 và những ngôn từ đó, tất nhiên, liên quan nhiều đến bản thân tôi. Có lẽ mọi công việc của tôi đều liên quan đến bản thân, liên quan đến kinh nghiệm của bản thân, thậm chí có thể cũng liên quan đến Việt Nam nữa, nhưng chúng vẫn thuộc về những câu chuyện của tôi.

Và câu chuyện của anh luôn có hình bóng của cố nhà thơ Trần Dần, thân phụ anh?

Suy cho cùng, vẫn là nguyên tắc “vừa có, vừa không có”. Tôi bao giờ cũng thế: vừa như thế, vừa không như thế. Tại sao tôi đưa ngôn từ và hình ảnh vào cùng nhau là bởi vì, cái mà tôi đi tìm từ xưa tới nay là muốn phá vỡ biên giới của các thể loại, sao cho hội họa không còn là hội họa, tiểu thuyết không còn là tiểu thuyết. Tôi đưa cái nọ vào cái kia như một cách để phá vỡ thể loại. Chính vì thế nhiều người đọc tiểu thuyết của tôi sẽ không tìm thấy cái họ muốn ở tiểu thuyết, nhiều người khác xem tranh của tôi lại không thấy cái họ cần. Có thể họ sẽ bị bỡ ngỡ bởi nó không phải là một bức tranh, cũng không phải là một cuốn tiểu thuyết…

Đó là đặc trưng của nghệ thuật đương đại?

Đúng, nó cũng giống như ngày nay đường biên giới của các quốc gia đang bị xóa nhòa, thế giới ngày càng “ảo”.

Trong rất nhiều tác phẩm của anh, từ những bức tranh hồi thập niên 1990, tới triển lãm “Chúc sống lâu” tổ chức ở L’espace năm 2007… tính chất giễu nhại rất rõ, giễu nhại bằng hình ảnh, bằng cả chữ viết ở trên tranh, như khẩu hiệu chẳng hạn, nhưng gần đây, hình như chất giễu nhại đang ít dần đi?

Sự thay đổi về tính giễu nhại có thể do với mỗi đề tài, tôi cần tìm thấy một cách ứng xử khác nhau. Trước đây, khi tôi sáng tác về chủ đề Việt Nam, tác phẩm của tôi sẽ đụng chạm rất nhiều đến thực trạng Việt Nam…, và để bày tỏ quan hệ của tôi với hiện thực này, tôi chọn một cách diễn đạt mà tôi cho là phù hợp, có thể là thông qua những nụ cười… Nhưng nay tính giễu nhại này ít dần đi. Có thể do cách đây một thời gian tôi cảm giác mình đang xa rời Việt Nam. Thời gian đầu khi tôi ở Pháp, Việt Nam trong tôi vẫn còn nhiều lắm, ngay cả những khi tôi nằm mơ – trong vô thức, cũng chỉ có Việt Nam. Nhưng đến một lúc tôi cho rằng, tôi có thể sống không Việt Nam, điều này hoàn toàn cá nhân thôi, có một cái gì đấy, đẩy tôi ra rất xa khỏi cuộc sống nơi này.

Câu hỏi cuối cùng, giống như hình ảnh máy bay anh vẽ, cái máy bay được cậu con trai tặng trong ngày sinh nhật, so sánh với bức tranh trong giai đoạn còn ở trong nước, cũng vẽ về ngày sinh nhật, một người đàn ông đau đớn, dúm dó, cô đơn ôm một bó hoa. Có thể nói nghệ thuật của Trần Trọng Vũ giai đoạn trước hướng vào cái bên trong, nhưng giờ đây, có vẻ hướng nhiều hơn ra phía bên ngoài. Quan sát của anh đã rộng ra nhiều hơn, sự cần thiết của một hiện diện “Tôi – Trần Trọng Vũ” không nhiều như ngày xưa, đây là sự thay đổi một cách tự nhiên hay có chủ đích?

Tất nhiên là có chủ đích, đấy là những cách làm việc mà tôi đã chọn. Đến một thời gian nào đó, khi tôi thấy những cách làm việc cô đơn như thế, kết quả cũng cô đơn như thế, tôi phải tìm cách làm khác đi, và cách làm khác đi đơn giản nhất mà tôi thường làm, là làm ngược lại những gì tôi đã làm. Nó có thể là sự nghi vấn về bản thân, là sự từ chối, là sự phản bội bản thân, là từ chối cái đã có, đã làm. Con đường nghệ thuật tôi đi giống như một hình xoáy trôn ốc, đồng tâm nhưng nhìn từ những góc khác nhau, sẽ rất khác nhau.

Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!

Vũ Huy Thông thực hiện
—————
1 Từ 20/9 đến 15/10/2014 ở Heritage Space-Dolphin Plaza, Hà Nội.
2 Tiểu thuyết Thành phố bị kết án biến mất, Nxb Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2014.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)