Trẻ như là bổn phận kế thừa chăng?
Các cụm từ nhà văn/nhà thơ “trẻ” chưa từng là định danh chung phổ biến, cho đến những năm gần đây, đặc biệt tràn lan từ sau khi ai đó nhập khẩu cụm từ “thế hệ nhà văn (n) X” và rồi truyền thông đại chúng đã mau mắn nhân lên và định vị như một thuật ngữ văn hoá mới.
Dẫu thành ngữ đã nói vậy, thì trong hành ngôn thông dụng người ta vẫn không dùng; chẳng hạn, không nghe thấy ai bảo: Này, ở đằng kia có nhiều con hát trẻ.
Một quan niệm đã định vị trong chữ “trẻ” này – “con hát” phải có thanh có sắc, và những phẩm chất ấy thì phải trẻ mới là.
Ai từng quan tâm đến sân khấu cải lương hẳn biết có những tên tuổi mà giọng ca hớp hồn hàng thế hệ người xem, ngay cả khi những ngôi sao đó đã thành lão xuân lục thất thập; và phẫu thuật thẩm mỹ phải giúp họ, bên cạnh thuật điểm trang và ánh sáng sân khấu, giữ một diện mạo xem như trẻ trung, giữ lấy bóng dáng “trẻ” của “sắc” khi “thanh” vẫn còn. Điều đó nghe rất thông thường, như một sự thực ai cũng có thể biết, song cái khía cạnh ít được lưu tâm là: một chữ “trẻ” gắn vào đâu đó bỗng hoá ra không chỉ là một định tính về tuổi đời mà chủ yếu mang đến một quan niệm.
Có những quan niệm bền vững nhiều thời và có những quan niệm một thời hay tạm thời. Như xưa kia gọi người tuổi nhỏ lộ tài lạ là “thần đồng”; đến nay người ta vẫn nhắc nhà thơ Trần Đăng Khoa là một “thần đồng” thơ, mà dường như không ai nhớ đã có khi nào gọi anh là nhà thơ thiếu nhi hay nhà thơ trẻ (- đã không nhớ tức là nếu có thì cũng qua rồi); bởi có lẽ khá đơn giản: đứng cạnh tên tuổi ấy, một chữ “trẻ” (hay “thiếu nhi” cũng vậy) đâm ra lạc lõng, không gắn vào để làm gì (nhất là chẳng để làm gì khi nghe nói ngay cả Xuân Diệu đã từng cười một cách nghiêm túc gọi “ông cụ Trần Đăng Khoa”…); và bởi, quan trọng hơn, “thần đồng” ở đây là chữ mang quan niệm, cái quan niệm mà chữ “trẻ” – nếu đặt vào tương đương vị trí – không thể đem đến: “thần đồng” là ký hiệu của cái biệt lệ, biệt tài, cái đơn nhất và khác thường về mặt hiện tượng, không bao giờ là một số đông (, trong khi “trẻ” thì nhìn chung ngược lại).
Cho đến khi thời buổi đã khiến “trẻ” dường như cũng có một vai trò biểu đạt sự khác biệt về mặt hiện tượng – ta vẫn đang nói về ngôn từ – thì “thần đồng” vẫn còn nguyên ý nghĩa, tức nó đã bị nâng cấp độ về mặt khan hiếm, về tầm vóc trông đợi và do đó về sức phủ định đối với những cái-khác-biệt không đủ thực chất; như trong cuộc họp báo mới đây về Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ VIII, nhà thơ Hữu Thỉnh (- Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT VN, Chủ tịch HNV VN -) nói thẳng thắn các hội nghị viết văn trẻ gần đây đều không chứng kiến thần đồng văn học nào; và bằng cách nói như vậy thì ông cũng “giảm tải” cho chữ “trẻ” trong cụm từ “nhà văn trẻ” hoặc “nhà thơ trẻ”.
Các cụm từ nhà văn/nhà thơ “trẻ” chưa từng là định danh chung phổ biến, cho đến những năm gần đây, đặc biệt tràn lan từ sau khi ai đó nhập khẩu cụm từ “thế hệ nhà văn (n) X” và rồi truyền thông đại chúng đã mau mắn nhân lên và định vị như một thuật ngữ văn hoá mới.
Sau những Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, chẳng ai gọi những Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương hay Thuận là “nhà văn trẻ”; ngược lên một chút thì có lẽ cũng không ai còn nghĩ đã từng gọi những Xuân Quỳnh, Bùi Minh Quốc, Hoàng Nhuận Cầm là “nhà thơ trẻ” theo cái cách gọi hiện hành.
Hẳn đơn thuần bởi vào những thời điểm ấy, hoặc với những nhà văn nhà thơ ấy, chữ “trẻ” không có vai trò mang một quan niệm đặc thù hay đem một dấu hiệu phân biệt gắn vào cái danh xưng nhà văn/nhà thơ mà tác phẩm của họ đã đem vào tên tuổi họ.
Hay, để cho công bằng, nhắc đến những tên tuổi ít được nhắc, chẳng hạn nhà văn Vũ Huy Anh, người từng đoạt một Giải thưởng Hội Nhà văn (năm 1986) với cuốn tiểu thuyết “CUỘC ĐỜI BÊN NGOÀI”, cho đến thời điểm ấy hầu như là tác phẩm duy nhất viết về đời tu Công giáo, mà trong suốt những năm anh thầm lặng viết, cũng như sau tác phẩm thành công đầu tiên này, chưa bao giờ thấy anh được “dán nhãn” là một “nhà văn trẻ”.
Cho nên kể cũng khá mơ hồ nếu coi “nhà văn trẻ” là một thứ hàng rào do ai đó, hay thậm chí do một tờ báo độc đáo như tờ Văn Nghệ Trẻ, tạo ra. Nhiều người quan sát, nhiều nhà bình luận thường nhìn vào hay nói về hàm nghĩa quy ước tính không chính danh của cái định danh “nhà văn trẻ” và lập tức đặt nó vào mối liên hệ hầu như duy nhất và trực tiếp, như tiền tố kiến tạo hay định ngữ phái sinh của “nhà văn”. Tình thế này hoàn toàn nằm vào lĩnh vực thuần ngôn ngữ, bởi dù “nhà văn” hay “nhà văn trẻ” thì cũng chỉ để biểu đạt một thực tại duy nhất, là kết quả của việc sáng tác văn chương, mà thôi.
Vậy dường như ít ai chiếu cố đến thực tế thời ta sống là một thời đại của các ngôn ngữ – màn hình TV, màn hình máy tính các loại, màn hình quảng cáo ngoài trời, màn hình cellphone đổi thay như thời tiết, rồi iPod v.v., và báo chí và www tràn mọi ngả. Tương ứng với thời buổi, dù vì lý do khác nhau, không ngẫu nhiên mà những năm gần đây ngày càng hay thấy nhắc đến “tính chuyên nghiệp” – văn chương như một nghề, tất nhiên, để sống; nếu chưa thể được như Nhật Tuấn trước đây hay Nhật Ánh mới đây thì cũng là để sống một cách tích cực trong một thế giới mà một phần ba của bất cứ tảng băng trôi nào cũng đều là ngôn ngữ cả.
Song, thực tế thôi, giả sử karaoke có tuồng chèo, ta trẻ và ta đi hát, ta “ra bộ”, tay cầm mic…, chắc vẫn không người gọi ta “con hát trẻ”; và bạn viết văn và tôi làm thơ nếu không xuất bản được, không in từng chùm trên báo chí, không làm “event”, thì khó để ai gọi ta “nhà văn trẻ”; hay tệ hơn, nhại một lối dân gian, là tình trạng: Khi thơ cần trẻ thì ta đã già,…
Ta vẫn đang nói chuyện từ ngữ. Lịch sử hiện đại của xứ sở chúng ta ghi nhận nhiều mệnh đề lừng lẫy để đời, một trong số đó là: “Những người trẻ làm nên lịch sử”. Như vậy, chữ “trẻ” nói đến ở đây còn mang trong nó cái quan niệm về truyền thống – lại một thành ngữ, “Tre già măng mọc”.
Đấy hẳn là cái dấu hiệu mà “nhà văn” muốn thấy khi nhìn vào “nhà văn trẻ”. Mấy năm trước, có một tác giả rất trẻ, đang du học ngành nghiên cứu nghệ thuật, đưa ra một bản thảo tiểu thuyết làm kinh ngạc những người biên tập cho cô. Bọn họ chuyển cho nhà văn Nguyễn Khải sinh thời khi ấy đọc. Và con người văn chương tài ba sắc sảo đã chuyển lại một lời khen cùng niềm hy vọng của chính ông. Thế rồi cuốn tiểu thuyết đó được ấn hành, và qua đi hầu như trong yên lặng. Văn chương của tác phẩm trẻ và đẹp một vẻ chính xác, giản dị, chân thực, hiểu biết, nhưng vì lý do nào đó mà nó đã không đánh động được những xúc tu nhanh nhạy cồn cào đói cái mới của media. Bởi thế, chữ “trẻ” nói đến ở đây, ngoài những ý nghĩa đã đề cập, còn mang một hàm ngụ hầu như chìm khuất, hoàn toàn thầm lặng – chính là cái ý thức tự nhiên về bổn phận kế thừa, với tư cách là ngôn ngữ mẹ đẻ, trong dòng chảy tự thân của “tiếng ta còn”, mà thường vẫn trẻ đến độ không cần thêm một chữ “trẻ”.