Triển lãm “dự án X A N H”: Các nghệ sĩ sẽ kể gì về màu xanh ở Hà Nội?

Sau nhiều tuần thảo luận và chia sẻ ý tưởng trên nền tảng trực tuyến, từ ngày 29/11 đến ngày 12/12, tám nghệ sỹ đến từ Nhật Bản, Thụy Sỹ và Việt Nam sẽ trưng bày các tác phẩm của mình tại Nhà Bảo tàng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Tháng Thực hành Nghệ thuật (MAP) là một dự án Nghệ thuật hàng năm của Heritage Space, do nghệ sỹ Trần Trọng Vũ khởi xướng từ năm 2015. Dự án nhằm tạo dựng một không gian nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển của nghệ thuật đương đại dựa trên sự hợp tác, trao đổi tri thức, kinh nghiệm thực hành nghệ thuật trong và ngoài nước.

Mỗi một năm, MAP có một chủ đề làm việc riêng, lấy cảm hứng từ khung cảnh và đời sống của Hà Nội, để các nghệ sĩ cùng suy tư, tranh luận và đưa ra những kiến giải nghệ thuật của riêng mình. Kết thúc dự án, các nghệ sĩ sẽ cùng trưng bày những sáng tác của mình tại triển lãm. 

Đó là cách mà MAP đã hoạt động xuyên suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, với năm nay, theo giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, “chúng tôi đã trải qua một quãng thời gian khó khăn khi các nghệ sĩ hầu hết đều ở xa, vì vậy mọi người buộc phải trao đổi qua nền tảng trực tuyến. Để vận hành một dự án trực tuyến, chúng tôi phải thay đổi rất nhiều từ chương trình tổ chức cho đến cách thức hoạt động.” 

Nếu như trước đây, các nghệ sĩ nước ngoài sẽ đến để làm việc với các nghệ sĩ Việt Nam trong cùng một môi trường lưu trú, môi trường văn hóa, nghệ thuật, cùng trải nghiệm những đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội ở Hà Nội; thì năm nay ban tổ chức và các nghệ sĩ phải trao đổi từ xa hoàn toàn. “Các tác phẩm trong triển lãm là kết quả của những cuộc thảo luận từ xa của chúng tôi. Dù triển lãm không hoàn chỉnh, nhưng đó là một thể nghiệm cho thấy nỗ lực của các nghệ sĩ và cả chúng tôi nhằm vượt qua bối cảnh địa lý, văn hóa để đưa ra được một triển lãm – kết quả của cuộc thảo luận, trải nghiệm và thực hành nghệ thuật” – anh chia sẻ. 

Là chủ đề làm việc của dự án Tháng thực hành Nghệ thuật 2020 (MAP 2020), “dự án X A N H” khởi đầu từ sắc màu xanh (blue) trong bảng pha màu của nghệ sỹ, và mở rộng các địa hạt xã hội như tâm lý, ngôn ngữ, văn học, âm nhạc, chính trị hay quảng cáo, truyền thông. Các nghệ sĩ sẽ kể cho chúng ta nghe điều gì về màu xanh ở Hà Nội? 

Một số hình ảnh tại buổi khai mạc triển lãm:


Tác phẩm của nghệ sĩ Lem Trag 

 


Tác phẩm sắp đặt “Làm Xanh Sông Hồng” của nghệ sĩ La Mai được trình bày trong phòng triển lãm như một đề án giả tưởng.


Tác phẩm “Screen” của nghệ sĩ Miho Shimizu trình chiếu cảnh người nghệ nhân đang tạo ra một cặp diều với hình dáng giống như con mắt. Theo cô, “đó có thể là đôi mắt của tôi trên nền trời, nhìn xuống Việt Nam, thay vì sự hiện diện của tôi.”


Tác phẩm Vô đề của nghệ sĩ Masahiro Wada, trong đó tác giả đã phỏng vấn bảy người từng hoặc đang học tiếng Nhật tại Hà Nội nhằm chiêm nghiệm về đời sống lao động và thường nhật ở cả Nhật Bản và Việt Nam. 


Chia sẻ về tác phẩm “Trời Hà Nội mãi chẳng xanh” của mình, nghệ sĩ của nghệ sĩ Katja Jug chia sẻ: “Chiếc ô là một vật dụng thường ngày, có chức năng bảo vệ con người khỏi mưa nắng. Nó ngăn cách con người với bầu trời và những yếu tố của nó – không để mưa hay nắng chạm đến da – và đồng thời, nó đại diện cho một mối liên kết giữa trời và đất. Theo nghĩa này, chiếc ô trở thành trung gian cho thứ ngôn ngữ không-mang-sắc-xanh. Những câu chuyện đang được kể lại và chứa đựng trong những chiếc túi làm từ ô.”
 

Tác giả