Trò chơi điện tử mang giới trẻ đến với nhạc cổ điển

Nhạc viết cho các trò chơi điện tử nhập vai đã mang đến cho âm nhạc cổ điển một thế hệ thính giả trẻ trung hơn - bảng xếp hạng các tác phẩm được yêu thích nhất do thính giả bình chọn của kênh phát thanh Classic FM (Vương quốc Anh) mới đây đã chỉ ra điều này.

Từ vài năm trước, Classic FM bắt đầu mở rộng bản danh sách thiêng chỉ bao gồm các tác phẩm giao hưởng và sonata của mình tới chỗ tính đến cả các bản nhạc trong các trò chơi điện tử nhập vai. Và năm nay, lẫn vào khu rừng 300 “cây cổ thụ” là 12 bản nhạc game, mà ba trong số đó đàng hoàng bước vào top 20.

Theo thống kê của Classic FM, có 20% số người bình chọn ở độ tuổi dưới 35. Danh sách Top 10 do người trên 35 tuổi bình chọn không hề có nhạc game và nhạc phim. Ngược lại, danh sách Top 10 do người dưới 35 tuổi bình chọn chủ yếu là nhạc game và nhạc phim.

John Suchet, một DJ trên Classic FM, cho biết: “Sau 20 năm kể từ cuộc bình chọn đầu tiên, tôi rất lấy làm mừng là lần này chúng tôi đã nhận được nhiều phiếu bình chọn đến thế [200.000 phiếu]. Điều tôi thấy thật sự phấn khích là số lượng thính giả nhạc cổ điển trẻ hơn tiếp tục gia tăng – tôi chẳng mong chờ ngành công nghiệp trò chơi điện tử giới thiệu thể loại nhạc cổ điển cho một thế hệ mới nhưng điều này thật tuyệt vời.”

Top 20 của kênh Classic FM năm nay:

 1. Vaughan Williams – The Lark Ascending
 2. Rachmaninov – Piano Concerto No. 2
 3. Vaughan Williams – Fantasia on a Theme by Thomas Tallis
 4. Elgar – Enigma Variations
 5. Beethoven – Piano Concerto No. 5 (‘Emperor’)
 6. Allegri – Miserere
 7. Beethoven – Symphony No. 9 (‘Choral’)
 8. Mozart – Clarinet Concerto
 9. Uematsu – Final Fantasy
 10. Beethoven – Symphony No.6 (‘Pastoral’)
 11. Soule – The Elder Scrolls
 12. Holst – The Planets
 13. Kirkhope – Banjo Kazooie
 14. Elgar – Cello Concerto
 15. Bruch – Violin Concerto No. 1
 16. Barber – Adagio for Strings
 17. Pachelbel – Canon
 18. Tchaikovsky – 1812 Overture
 19. Jenkins – The Armed Man: A Mass for Peace
 20. Dvorak – Symphony No. 9 (‘From the New World’)

Âm nhạc trong series trò chơi điện tử nhập vai Final Fantasy do nhà soạn nhạc người Nhật Nobuo Uematsu sáng tác đứng ở vị trí thứ chín trong bảng xếp hạng. Âm nhạc trong trò chơi The Elder Scrolls do nhà soạn nhạc từng đoạt giải Bafta (tương đương giải Oscar ở Anh) Jeremy Soule viết đứng ở vị trí thứ 11. Âm nhạc trong trò chơi Banjo Kazooie của Grant Kirkhope đứng ở vị trí thứ 13.

Ngày nay, một số nhà phát triển game sẵn sàng trả những khoản lớn cho các nhà soạn nhạc cổ điển để họ viết nhạc cho game thay vì các âm thanh bíp và bốp của dòng game Atari 8 bit xưa kia. Những ca khúc như “One Wingel Angel” trong Final Fantast VII do Uematsu soạn cho dàn nhạc và hợp xướng cũng sôi nổi không kém gì “Dies Irae” trích từ Requiem của Verdi đang góp phần lôi kéo một thế hệ game thủ trẻ đến với nhạc cổ điển.

James Hannigan, một nhà soạn nhạc đoạt giải Bafta, cho biết: “Nhạc viết cho game ngày càng được công nhận và nó thực sự mang tính giao hưởng. Tôi đã từng là một fan của Final Fantasy và phần lớn sản phẩm của hãng Nintendo đều rất tuyệt vời. Tôi cho rằng cách tiếp cận âm nhạc sắp sửa thay đổi. Nếu âm nhạc viết cho dàn nhạc muốn tăng số lượng khán giả trẻ và điều đó có thể làm được nhờ các video game thì tại sao lại không? Tôi chẳng thấy có mặt xấu nào cả. Tôi thật sự nghĩ rằng điều này quả là tuyệt vời. Bất cứ cái gì khiến nhạc game nhập vào dòng chính thống và khiến những người trẻ tương tác với nhau đều tuyệt vời.”

Beethoven của nhạc game?

Uematsu đã ở trong top 10 bảng xếp hạng Classic FM ba năm liên tiếp với âm nhạc viết cho loạt game Final Fantasy. Năm nay, ông tụt từ vị trí thứ bảy xuống vị trí thứ 9, nép giữa Clarinet Concerto của Mozart và  Giao hưởng Đồng quê của Beethoven, nhưng theo Classic FM thì Uematsu vẫn xứng đáng được gọi là “Beethoven của nhạc game”. Thứ hạng đáng nể của Uematsu trong bảng xếp hạng nói trên khiến Guy Dammann, giảng viên Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Guildhall, nhà phê bình âm nhạc của Times Literary Supplement và cây viết về nhạc cổ điển cho tờ Guardian, “quyết định đã đến lúc mình cần dành chút thời gian để nghe Uematsu”. Và ông đã bình luận về âm nhạc của Uematsu trong một bài báo như sau:

“Aerith’s Theme là một trong số hơn 100 trích đoạn nhạc được phát trên kênh Classic FM. Aerith là nữ nhân vật chính trong Final Fantasy VII, và âm nhạc của game này được viết cho piano độc tấu có sự duyên dáng và mềm mại mà tôi đoán là phù hợp với nhân vật là “người cuối cùng của dòng giống Cetra cổ xưa”. Cuộc lang thang không ngưng nghỉ của nữ nhân vật chính này được truyền đạt bằng âm nhạc với hòa âm lượn sóng trong khi các năng lực huyền diệu của cô được gợi mở bằng thủ pháp chuyển giọng trưởng sang giọng thứ. Beethoven thì chẳng phải đâu còn về mặt âm nhạc viết cho piano thì nó gần với Elton John hơn bất kỳ nhạc sĩ cổ điển lớn nào, mặc dù có những khoảnh khắc giống phong cách Grieg trong giai điệu và chút gì đó của Satie trong hòa âm.

Các bản nhạc khác cho thấy ảnh hưởng rõ ràng hơn từ nhạc cổ điển. Như Libeti Fatali (Final Fantasy VIII) chịu ảnh hưởng từ Camina Burana, với những hợp âm nhanh, lặp đi lặp lại và phần ca từ dùng tiếng Latin hòa lẫn với một thứ ngôn ngữ giả tưởng để tạo ra bầu không khí ngạt thở của quyền năng mãnh liệt và thần bí cổ xưa.

Ở bối cảnh khác, Endless Sorrow (Final Fantasy IX) vẽ nên một thế giới âm thanh của John Dowland1 và mốt u sầu thời Elizabeth. Trong khi Ronfaure (Final Fantasy XI) với sáo điện tử và nhịp trống tang thương nghe giống phong cách Purcell hơn.”

Nobuo Uematsu soạn nhạc game cho hãng Square-Enix từ năm 1986. Từ đó đến nay ông đã phát triển được một số lượng người hâm mộ có lẽ còn đông hơn số lượng fan của The Beatles. Nhu cầu âm nhạc đã dẫn ông tới việc tổ chức một buổi hòa nhạc với Dàn nhạc giao hưởng Tokyo vào năm 2002. Buổi hòa nhạc bao gồm các tác phẩm nổi tiếng trích từ loạt game Final Fantasy được soạn cho dàn nhạc cũng như cho các nhạc cụ độc tấu, trong đó có piano.

Theo đà thành công lớn của buổi hòa nhạc đầu tiên, năm 2004, Uematsu tổ chức một chuyến lưu diễn xuyên sáu thành phố của Nhật có tên “Tour of Japan” với Taizo Takemoto chỉ huy và Shiro Hamaguchi là nhạc sĩ chuyển soạn. Cũng trong năm này, Uematsu có buổi hòa nhạc “Dear Friends – Music from Final Fantasy” đầu tiên ở Hoa Kỳ, tại phòng hòa nhạc Walt Disney ở Los Angeles với dàn nhạc giao hưởng của thành phố này và vé đã bán hết chỉ trong ba ngày.

Sau đó, loạt hòa nhạc giao hưởng “Final Symphony” do các nhạc sĩ Masashi Hamauzu, Jonne Valtonen và Roger Wanamo chuyển soạn từ các bản nhạc game trong Final Fantasy VI, VII và X được Dàn nhạc giao hưởng Wuppertal (Đức) công diễn lần đầu ở Wuppertal, dưới sự chỉ huy của Eckehard Stier. Cũng vào tháng 5/2013, Final Symphony được Dàn nhạc giao hưởng London công diễn ở Vương quốc Anh, tại Barbican Centre, London. Đây là lần đầu tiên Dàn nhạc giao hưởng London chơi nhạc xuất xứ từ game. Các buổi hòa nhạc tiếp theo được tổ chức tại Nhật Bản, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Uematsu chia sẻ, ông không bao giờ tưởng tượng nổi có ngày âm nhạc của ông được các dàn nhạc trình diễn và cảm nhận của ông là “phiên bản do dàn nhạc giao hưởng trình diễn hoàn hảo hơn hẳn so với các bản nhạc gốc.”

Mới đây, vào tháng 3/2015, Dàn nhạc giao hưởng London đã phát hành album Final Symphony do Eckehard Stier chỉ huy. Album được ghi âm tại phòng thu danh tiếng Abbey Road với sự hiện diện của Nobuo Uematsu. Ngoài các bản nhạc game nổi tiếng trong Final Fantasy VI, VII và X, album còn có trọn vẹn một piano concerto dựa trên các chủ đề từ Final Fantasy X do nghệ sĩ dương cầm Katharina Treutler chơi với kỹ thuật xuất sắc. Album đã chiếm vị trí số một trong bảng xếp hạng iTunes Classical ở hơn 10 quốc gia và lọt vào Top 5 album cổ điển ở cả bảng xếp hạng Billboard lẫn bảng xếp hạng chính thức của Vương quốc Anh.

Trẻ em cần tiếp cận nhạc cổ điển, dù chúng có thích hay không

Nghệ sĩ violin cổ điển danh tiếng Nicola Benedetti, người có được hợp đồng thu âm 1 triệu bảng Anh ở tuổi 17, mới đây phát biểu trên truyền thông rằng, đứa trẻ nào cũng cần được tiếp cận nhạc cổ điển dù chúng có muốn hay không.

“Tôi thật sự rất buồn khi người ta bảo: ‘Trẻ em ghét nghe giao hưởng, tại sao chúng ta lại bắt chúng phải nghe?’ Nhưng bạn thử nghĩ xem, nếu bạn bảo một đứa trẻ: ‘Con muốn chơi game hay học toán?’ thì dĩ nhiên chúng sẽ đáp rằng thích chơi game.”

Nữ nghệ sĩ 27 tuổi người Scotland nói thêm: “Ở trường chúng ta đâu có cần sự tán thành của bọn trẻ khi bắt chúng học toán học, khoa học, lịch sử, tiếng Anh. Nhưng với âm nhạc thì lại là: ‘Ồ không, chúng ta không thể ép bọn trẻ làm cái việc mà chúng không thích.’ Tôi thấy thật sửng sốt.

“Trẻ em cần được tiếp cận bất cứ thứ gì có độ phức tạp và nội dung rộng lớn đến khó tin như âm nhạc cổ điển, cũng như chúng cần được tiếp cận với những cuốn sách đồ sộ nhất từng được viết ra.

“Bạn không chỉ phát triển khả năng tập trung và chú ý nhằm hiểu được âm nhạc. Bạn còn nhận thấy âm nhạc có trong nó bài học về cuộc sống, có vẻ đẹp, có sự nâng đỡ, niềm vui, nỗi buồn và bi kịch – tất cả những điều mà bạn sẽ gặp trong cuộc đời ở thời điểm nào đó,” nữ nghệ sĩ nhấn mạnh.

     
———————–
1John Dowland (1563 – 1626): nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ và nghệ sĩ đàn luýt người Anh thời Phục hưng

Tác giả