Trò chuyện với Linda Lê

Nhà văn Linda Lê trả lời phỏng vấn của nhà phê bình Cao Việt Dũng qua email về tác phẩm mới nhất của bà, Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh (À l’enfant que je n’aurai pas).

Linda Lê (sinh năm 1963) là nhà văn gốc Việt viết văn bằng tiếng Pháp, với những tác phẩm nổi tiếng: Phúc âm tội ác, Ba nữ thần số mệnh, Cronos… Tiểu thuyết của bà gây kinh ngạc vì sự u tối, văn chương đẹp dị thường và những suy tư ám ảnh. Linda Lê còn là một nhà phê bình văn học nổi tiếng với những bình luận sắc sảo về nhiều nhà văn lớn trong quá khứ. Tại Việt Nam, tiểu thuyết Vu khống và tập truyện ngắn Lại chơi với lửa đã được ấn hành trong mấy năm trở lại đây. Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh (À l’enfant que je n’aurai pas) là tác phẩm mới nhất của bà, được viết dưới dạng một lá thư.

Với tôi, “Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh” chứa đựng nhiều đặc tính của một tác phẩm thuộc truyền thống “tiểu thuyết bằng thư” [roman épistolaire] vốn có dấu ấn đậm đà trong lịch sử văn học Pháp (ví dụ như “Julie” của Rousseau hay “Những mối quan hệ nguy hiểm” của Laclos), nhưng bức thư của bà trên thực tế lại không phải là một “tiểu thuyết bằng thư” đúng nghĩa. Bà nghĩ thế nào về nhận xét này?

Bức thư này có thể được coi như một tác phẩm hư cấu, mặc dù tôi đã cho người kể chuyện mang một số nét của con người tôi. Đây là câu chuyện về một người phụ nữ nhìn lại một giai đoạn trong quá khứ của mình, vào lúc cô lựa chọn là sẽ không sinh con. Tuy nhiên đây không phải là một “tiểu thuyết bằng thư”, vì người phụ nữ này gửi thư cho một nhân vật không tồn tại và vì bức thư của cô sẽ không có được tiếng vọng nào.

Cuốn sách của bà có một chủ đề thật khó xử lý. Bà đã làm thế nào để thực hiện được điều đó? Và ý tưởng về bức thư này, nó từ đâu đến?

Trong nhiều năm, tôi đã suy nghĩ về vấn đề không sinh con. Ý tưởng ở lúc khởi đầu là viết một bức thư với ý nghĩa giống như sự giải thoát cho một người đã có được quyết định: có lẽ là quyết định thú nhận những gì cô vẫn luôn luôn che giấu với chính mình. Hẳn tôi đã viết bức thư này dưới dạng truyện, nếu không nhận được lời đề nghị viết một bức thư cho một tủ sách toàn các tác phẩm dưới dạng thư (tủ sách “Les Affranchis” của NXB NiL). Đây là một dự án đã được ấp ủ từ lâu, vì tôi vẫn thường xuyên nói về người cha, hoặc mối quan hệ giữa một người mẹ và con trai bà ta, rồi thì có lẽ đã đến lúc cũng phải nói rằng tại sao tôi tránh sinh con. Tuy nhiên cuốn sách này hoàn toàn không phải một tuyên ngôn, cũng không phải một cuốn sách về những nuối tiếc.

Bà có nghĩ “Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh” là một bức thư giả để nói ra sự thật không?

Có, trong chừng mực tác giả, bằng cách hé lộ những bí mật sâu kín, có lẽ lại nói nhiều với bản thân mình hơn là với đứa trẻ sẽ không bao giờ ra đời kia.

Thực tế thì trong bức thư của bà có hai mối quan hệ mẹ-con: một là mối quan hệ có thực giữa người kể chuyện và mẹ của mình (biệt danh “Big Mother”), thêm vào đó là mối quan hệ tưởng tượng giữa cô và một đứa con sẽ không chào đời. Đâu là các ảnh hưởng giữa hai mối quan hệ ấy?

Người kể chuyện nói cô e ngại sẽ tái tạo các mô hình quyền uy áp chế. Nhưng có lẽ đó không phải là yếu tố then chốt trong lời chối từ sinh nở của cô. Các lý do thuộc về khía cạnh triết học nhiều hơn. Cô như thể bị tê liệt bởi nỗi sợ ném một đứa bé vào một thế giới nơi bản thân cô cũng gặp phải những khó khăn vô cùng lớn để có thể trụ vững ở vị trí của mình.

Viết thư cho một ai đó, ngay cả khi “một ai đó” vắng mặt, có phải là một cách thức làm cho con người ấy được hiện diện?

Đúng, từ rất lâu tôi đã thử làm tái sinh khuôn mặt người cha, đã đến lúc phải tự hỏi liệu đứa con mà tôi không sinh có cũng đóng góp vào cái mà người kể chuyện coi là một sự tinh tấn về tinh thần hay không.

Nỗi đau nào lớn hơn: sinh một đứa con không sống được hay từ chối sinh một đứa con? (Tôi nghĩ tới đoạn cuối bức thư, khi bà kể về cuộc gặp giữa người kể chuyện và một bà mẹ đau khổ vì mất con).

Tôi nghĩ người phụ nữ từ chối sinh con không sống trong đau khổ, hoặc dù gì thì đó cũng không phải loại tình cảm mà người kể chuyện cảm nhận thấy. Khi dự phần vào sự hoảng loạn của người mẹ bị mất đi đứa con kia, cô hiểu ra rằng xét cho cùng cô vẫn là một con bé chưa trưởng thành, không có khả năng đảm nhiệm vai trò mà thiên chức làm mẹ giao phó.

Bức thư này có khả năng làm dịu đi nỗi hoang mang mà ta có thể cho là thuộc về khía cạnh bản thể luận của người kể chuyện hay không?

Theo tôi, viết không thực sự là một nỗi nguôi ngoai, đôi khi nó còn làm trầm trọng sự tra vấn thêm nữa là khác. Nhưng dù có thế nào thì tôi vẫn cảm thấy được giải phóng khi kết thúc bức thư, nó đã thật nhanh chóng tuột ra mặt giấy, như thể mọi điều tôi nói trong đó đã ở bên trong tôi từ lâu rồi.

Một đứa con có thể có ý nghĩa gì với một nhà văn quá mức bị ám ảnh bởi sự viết?

Đứa con có thể là một trở ngại không à? Tôi không biết. Người kể chuyện nói cô không biết một đứa con sẽ có vị trí như thế nào trong sự tồn tại kỳ cục của cô, bởi vì cô tự hiến mình hoàn toàn cho công việc viết văn. Nhưng khi có ý thức về một sự cắt bỏ nào đó, dù sao thì cô cũng có thể tiến về phía trước, sau khi đã chào đón đứa con của mình trên con thuyền Noé bằng giấy.

Tôi thấy câu văn này: “Việc cho ra đời một tác phẩm văn chương không tương đương với sự bừng nở bên trong mình một mầm sống” (tr. 45) là rất đặc biệt. Có phải bà muốn nói ngược lại cả một truyền thống hay hình dung sự sáng tạo như là thai nghén một đứa con?

Trong bức thư của tôi có một đoạn dài về việc tác giả bức thư từ chối so sánh viết với thai nghén. Tôi không mấy coi trọng các ẩn dụ kết nối quá trình hoàn thành một tác phẩm hư cấu với việc sinh nở. Những quyển sách không phải thế phẩm của những đứa con mà người ta không sinh.

Tôi có thể hỏi về dự án sắp tới đây của bà không?

Tháng Chín tới cuốn tiểu thuyết mới mang tên “Lame de fond” (Sóng ngầm ở đáy biển) của tôi sẽ được ấn hành. Đó là một cuốn sách có bốn giọng, viết về sự lưu đày, về một mối tình loạn luân.

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)