Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ – chìm và nổi

Bức tranh tả cảnh Hoàng đế Trần Nhân Tông đi từ động Vũ Lâm (Ninh Bình) ra Thăng Long được vẽ cách đây hơn 600 năm, là bảo vật trong kho tàng của các hoàng đế Trung Hoa, nhưng mãi gần đây mới lộ rõ diện mạo qua một cuộc đấu giá. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra quanh tác phẩm này: bức tranh vẽ những ai, vẽ như thế nào, và vì sao bao danh nhân đại bút Trung Hoa đã thêm bút nối lời cho tác phẩm?

Số phận lênh đênh

Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ được cho là do họa sư Trần Giám Như người Trung Quốc vẽ năm 1363. Là báu vật trong kho tàng của Hạng Nguyên Biện – một giám thưởng gia nổi tiếng vào đời Minh sang đời Thanh, nó được giữ trong Cố Cung nhiều năm. Có thể thấy điều này qua rất nhiều ấn chương [con dấu, triện] của Càn Long, Gia Khánh hay Tuyên Thống.

Năm 1922, Phổ Nghi – Hoàng đế cuối cùng nhà Thanh – tuy đã thoái vị nhưng vẫn ở trong Tử cấm thành, bí mật “tuồn” ra ngoài hơn 1.300 bảo vật, trong đó có cả Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ. Lưu lạc trong chiến cuộc, đến năm 1949, số báu vật nói trên mới được đưa vào Bảo tàng Đông Bắc (nay là Bảo tàng Liêu Ninh) lưu giữ, công chúng không mấy dịp được chiêm ngưỡng nữa. Bức thư họa cũng vì thế mà biệt tích. Năm 2004, Bảo tàng Liêu Ninh triển lãm và công bố các báu vật bị thất tán thời Phổ Nghi, nhưng phải đến khi bản sao bức tranh được bán đấu giá gần 1,8 triệu USD hồi tháng 4 năm nay, công chúng mới được thấy rõ diện mạo.

Bức tranh vẽ những ai?

Bức tranh được cho là hoàn thành vào năm 1363 bởi họa sư Trần Giám Như, sau đó được các danh sĩ đời Minh viết thêm lời bình dẫn, tôn vinh. Thư pháp đặc sắc của họ hợp cùng họa phẩm tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật thư – họa, có tổng chiều dài lên đến 9,61m trong đó phần lòng tranh dài 3,16m.

Tranh vẽ tất cả 82 nhân vật gồm những người từ núi ra và người đến đón, trên nền cỏ cây, mây trời và sông núi. Nhân vật chính là Phật hoàng Trần Nhân Tông có mày dài, tai to, tay lần tràng hạt. Phía sau Ngài là hai đệ tử – một cầm gậy trúc, một cầm phất trần, cùng đạo sĩ Lâm Thời Vũ cưỡi trâu, tăng nhân Ấn Độ tay cầm tích trượng, bình bát, kinh quyển, trong đó một tăng nhân Ấn Độ được một tăng sĩ người Việt cầm gậy dắt đi. Có lẽ vị tăng này đã quá già, hoặc chăng đường đi dài đã mệt vì khó. Các tăng nhân Ấn Độ đi cùng có đặc trưng về dị tộc rất đặc thù qua mũi nhọn và râu rậm tóc xoăn cho thấy sự khác biệt với người Á Đông.

Điều đặc biệt trong nhóm từ núi ra là hình ảnh chim hạc dẫn đường phía trước và voi trắng chở kinh đi phía sau. Hình ảnh voi với trang trí trên thân gợi liên tưởng đến những trang trí tạo hình trong nghệ thuật Champa.

Phía đoàn đón rước gồm 61 người, trong đó có vua Trần Anh Tông. Bên cạnh nhóm phục vụ mặc áo chẽn đến nách tay cầm gậy lông chim và nhóm 10 người áo cụt đến khuỷu, tay cầm nghi trượng, là nhóm khiêng ngai, kiệu, dắt ngựa, cầm đao v.v… chiếm số đông và tất cả đều đi chân đất; trong khi nhóm quan lại phía trước vua Anh Tông, gồm hai quan võ cầm gươm và năm quan văn đều đi giày nghiêm cẩn, tay chắp tôn kính.

Màu sắc đen trắng của tranh thủy mặc, cùng các điểm nhấn là con người, cây tùng cổ thụ, cỏ dại ven đường, núi và mây… tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ rõ rệt về không gian và thời gian. Nét vẽ tinh tế, lối điểm xuyến đậm nhạt của màu sắc nơi dáng người, quần áo, mũ nón, quạt, quang gánh, lá cây, mây lượn cũng như nước chảy… cho thấy sự điêu luyện của người cầm bút.
Ngoài ra, phần triện của các nơi thu tàng cùng với phần thư pháp làm cho bức tranh mang vẻ cổ phác và trang trọng.

Ấn triện và thư pháp trong tranh

Ấn chương là một nét văn hóa rất độc đáo của Trung Quốc. Khắc ấn là một nghệ thuật, nghiên cứu và giám định ấn cũng là một nghệ thuật. Ấn có thể bằng vàng, đá quý, ngà, xương. Ấn dùng trong công văn giấy tờ, lại có thể kết hợp với thư (thư pháp) và họa (tranh thủy mặc), tương hỗ tương thành. Một bức họa có thư pháp và một hoặc nhiều ấn chương trở thành một chỉnh thể gọi là “kim thạch thư họa cộng nhất thể” (ấn triện đá/vàng cùng thư pháp, hội họa hợp nhất thành một thể). Dấu triện và thư pháp trong tranh giúp khẳng định ai đã từng lưu giữ/xem qua bức tranh.

Về cơ bản trong Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ có hai loại triện được sử dụng: của các thâu tàng gia – danh gia, và của nhà nước.

Đến nay có thể xác định triện của nhóm tác giả đề bạt [lời bình phẩm đánh giá hay ngợi khen] ở hai đầu tranh vào các năm 1420-1423 là sớm nhất. Về sau là triện của thâu tàng gia họ Hạng, đến triện của cung Càn Thanh từ Càn Long đến Tuyên Thống. Dấu ấn của triện để lại chính là dấu ấn thời gian cũng như mức độ trân quý của tác phẩm qua các thời kì ở Trung Quốc.

Ngoài ra, khá nhiều danh gia để lại thư pháp trên tranh, như Trần Đăng đứng bậc thượng thủ đương triều nhà Minh khi đề tên tranh. Ngay bên trái lòng tranh là bài đề của Trần Quang Chỉ. Trần Quang Chỉ có lẽ là người cầm bức tranh để xin một số danh gia đề bạt, bởi trong phần viết của Tăng Khải nói rằng Quang Chỉ cầm tranh này xin ông đề từ. Quang Chỉ để lại một bài tổng thuật bằng chữ chân phương, nét chữ cương kiện, ngay ngắn.

Về sau, nội dung bức tranh còn được đưa vào các chế tác khác như nghiên đá thời Minh, nghiên gốm thời Thanh, đến nay còn lưu truyền.

Tác giả và những người đề bạt – họ là ai?

Ngoài Trần Giám Như là người viết lạc khoản vào trong tranh tại thời điểm 1363, về sau, tranh được các danh gia viết triện ngạch [viết tên tranh bằng chữ triện] cũng như đề bạt. Thông qua các bài tựa bạt, có thể thấy Trần Quang Chỉ là người giữ tranh những năm đầu thế kỉ XV khi ông nhờ Tăng Khải viết cho một bài. Tăng Khải cho biết bài tán ông viết sau khi được người học Phật ở đất Lô Giang là Trần Quang Chỉ thỉnh mời.

Cũng trong thời gian từ năm 1420 đến 1423 có thêm nhiều danh nhân hoặc là quan trong triều như Tăng Khải, Dư Đỉnh [bài của ông có đoạn: Nam giao chi nhân, hội kì nhất thời chi sự, lạc vi truyền quan”- Người Nam giao vẽ lại sự kiện nhất thời, và vui vẻ truyền xem. Phải chăng Giám Như đã chép lại một bản gốc do người Nam giao vẽ hoặc giả “Người Nam giao” mà Dư Đỉnh nói đến ở đây chính là Giám Như?]; hoặc là đạo sĩ, tăng nhân như sa môn Đức Thủy, Thượng đạo nhân Lâm Phục đề bạt lên tranh… Về mặt thư pháp, nổi bật nhất vẫn là chữ triện của Trần Đăng và chữ khải của Trần Quang Chỉ.

Ngoài Trần Quang Chỉ mà đến nay tư liệu không còn gì ngoài thông tin từ tranh cho biết ông theo đạo Phật và người ở sông Lô, còn về cơ bản, những người khác đều là danh nhân đầu triều, tên tuổi còn mãi. Dưới đây là phần giới thiệu về Trần Giám Như, Trần Đăng, và Hạng Nguyên Biện, những người để lại dấu ấn đậm nét trong tranh:

– Về Trần Giám Như, theo các tư liệu thời Nguyên như Đồ Hội bảo giám, 5 quyển, do Hạ Văn Ngạn thời Nguyên soạn; Họa sử Hội yếu quyển 3, do Chu Mưu Nhân thời Minh soạn; Ngự định Bội văn trai thư họa phổ, quyển 53, phần họa gia thứ 9, sách thời Thanh, cho biết ông sống ở Hàng Châu, nguyên văn: “Trần Giám Như cư Hàng Châu [Trần Giám Như sống ở Hàng Châu]”. Như vậy không thể khẳng định Trần Giám Như có phải là người Trung Quốc hay không, vì thông tin chỉ cho thấy ông sống ở Trung Quốc mà thôi. Ngoài ra, các thư tịch thời Nguyên về sau đều ghi Giám Như là môn hạ của họa sư lừng danh Triệu Mạnh Phủ (1254 – 1322), từng nhiều lần vẽ truyền thần thầy của mình. Điều này cho thấy Trần Giám Như sống trong khoảng thời gian trước năm 1322 và đến những năm 1363 khi bức tranh được đề từ.

Trần Giám Như vẽ bức tranh này vào thời điểm nào, có phải thời điểm như trong tranh đề bạt – tức năm Chí Chính 23 hay không vẫn còn là câu hỏi. Hoặc chăng sau khi Mạnh Phủ chết, Giám Như vẫn đương là họa gia đứng đầu trong triều, nhưng ông đã sang Đại Việt và vẽ bức tranh vào năm 1363, khi ít nhất đã ở tuổi 60-70? Một số học giả hiện đại của Trung Hoa nghi ngờ Giám Như không phải là tác giả của tranh.

– Trần Đăng (1362 – 1428), tên tự là Tư Hiếu, người Trường Lạc, giữ chức Trung thư xá nhân triều Vĩnh Lạc. Ông được xưng tụng: phàm là quốc gia có văn chế tác bằng chữ triện to lớn đều từ tay Đăng mà ra cả. Trần Đăng là bậc thượng thủ viết triện thời Minh, hiện còn nhiều tác phẩm để lại.

– Hạng Nguyên Biện (1525 – 1590): Họa sĩ, nhà sưu tập, tên tự là Tử Kinh, các tên hiệu là Mặc Lâm, Hương Nghiêm cư sĩ, Thoái Mật Trai chủ nhân, Huệ Tuyền Sơn Tiêu, Uyên Ương Hồ Trường, Tất Nguyên Ngạo Lại, Tĩnh Nhân Am chủ nhân…, là người Triết Giang. Nhà ông giàu có nên thu tàng nhiều tác phẩm thư pháp hội họa của các họa gia nổi tiếng, đứng đầu vùng Giang Nam. Do ông thu tập lâu ngày mà nhiễm dần, trở thành thư họa gia. Ông giỏi vẽ Trúc mai lan. Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ được đóng rất nhiều ấn triện của ông.

        ***
Lưu ý rằng, một số ghi chép trong Thạch cừ bảo cấp tục biên thời Thanh về thân thế sự nghiệp Nhân Tông, như mộng trao bảo kiếm, xuất gia ở động Vũ Lâm – Ninh Bình… đều phù hợp với nội dung trong thư tịch Phật giáo Việt Nam cũng như Đại Việt sử kí toàn thư (trang 433 tập 2 viết: Ất Mùi, [Hưng Long] năm thứ 3 [1295]… Mùa hạ, tháng 6, Thượng hoàng trở về kinh sư. Vì [trước] đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm rồi lại trở về).

Ngoài ra, không chỉ nhân vật, trong tranh chúng ta còn bắt gặp những hình ảnh như quang gánh, võng, lọng, nghi trượng… dường như rất đặc trưng Việt Nam. Để kiểm chứng mức độ tả thực của chúng đến đâu chắc hẳn cần thêm nhiều thời gian. Tuy nhiên những hình ảnh đó về cơ bản cho thấy không gian và con người một thời cách đây mấy trăm năm, gắn liền với Trúc Lâm đệ nhất tổ Trần Nhân Tông.

Bài viết của chúng tôi chỉ mang mục đích giới thiệu sơ lược về toàn cảnh tác phẩm Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ vẽ cảnh Trần Nhân Tông xuống núi. Chắc rằng sẽ còn nhiều chuyên luận sâu nghiên cứu về tác phẩm, bài viết này tạm xem như một hướng gợi mở.

Tác giả