Từ một góc nhìn khác tôi ước muốn gì?

Đừng xúc động bởi kiểu xã giao lịch sự của một vài khách nước ngoài nào đó (“Tôi hân hạnh được đến với đất nước xinh đẹp của các bạn”) và cái khẩu vị “hậu hiện đại” của dân Tây ba lô. Hà Nội của chúng ta mỗi ngày một phồn hoa, mỗi ngày một giàu lên thật nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ “Em ơi Hà Nội không còn gì”.

1

Hà Nội hấp dẫn một số khách du lịch có lẽ vì cái vẻ lộn xộn và sự chưa được sạch sẽ lắm, điều không thể có được ở các nước văn minh. Tôi ngờ là như vậy. Cho nên những dãy phố đằng sau chợ Đồng Xuân đầy rác bẩn và những phố còn lại nằm trong khu gọi là “khu phố cổ” (bây giờ thì còn cổ cái nỗi gì), chật chội, bất tiện và xấu nữa lại có vẻ Hà Nội nhất, nên đông khách du lịch nhất. Không tin bạn cứ đi dạo một lần thử xem.

Một thời khốn khó, cơm không đủ no, áo không đủ mặc đã phải lấy thơ ra để sống nên “Em ơi Hà Nội phố” với đầy đủ dư vị của “chủ nghĩa lãng mạn tiền chiến” nao nao lòng người. Bây giờ không cần thơ nữa nhưng sự sang trọng lại cần tô điểm bằng chất thơ nên vẫn “Em ơi Hà Nội phố” (nhưng là nhạc phổ thơ) với “mùi hoàng lan, mùi hoa sữa”, với “con đường vắng rì rào”, với “cây bàng mồ côi mùa đông” v.v. những thứ nếu nhìn vào Hà Nội bây giờ thì giống như một sự bịa đặt. Đừng mắc bệnh văn chương, đừng mắc bệnh “lãng mạn nửa mùa” nữa,.. Đừng xúc động bởi kiểu xã giao lịch sự của một vài khách nước ngoài nào đó (“Tôi hân hạnh được đến với đất nước xinh đẹp của các bạn”) và cái khẩu vị “hậu hiện đại” của dân Tây ba lô. Hà Nội của chúng ta mỗi ngày một phồn hoa, mỗi ngày một giàu lên thật nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ “Em ơi Hà Nội không còn gì”.

2

Tập hợp những bài viết đã đăng báo và cả chưa đăng báo lần nào suốt hơn hai mươi năm qua, Cà phê…mưa khắc họa những chân dung khác nhau của nhạc sĩ Dương Thụ.
Cuốn sách dày hơn 700 trang, gồm bốn phần – Phần I: Tạp bút về Hà Nội đan xen với những chuyện đời, chuyện người, là nơi nghệ sĩ trải lòng mình với những hứng cảm của cuộc sống xung quanh; Phần II: Chuyện văn nghệ cho thấy một cây viết sắc sảo, đa chiều về âm nhạc và giới nghệ sĩ; Phần III: Trò chuyện – Phỏng vấn – tác giả tỏ ra vô cùng chân thành và thẳng thắn, hóm hỉnh và cuốn hút trong những cuộc chuyện trò với người nổi tiếng; Phần IV: 14 bản chép tay những ca khúc nổi tiếng của tác giả chính là bức chân dung Dương Thụ sáng rõ và nguyên bản nhất được vẽ bằng âm nhạc.

Tôi lớn lên và trưởng thành ở Hà Nội nhưng không phải là một người Hà Nội đẻ ra giữa ba sáu phố phường (dù cách đây hơn thế kỷ, quê tôi – làng Vân Đình, chính là trung tâm của một trong ba phủ của tỉnh Hà Nội, phủ Ứng Hòa. Đến khi Tây chiếm thành Hà Nội, nó mới tách ra để lập tỉnh mới, tỉnh Hà Đông). Dù không được đẻ ra giữa ba sáu phố phường, tôi cũng như tất cả mọi người Việt Nam, đều rất yêu Hà Nội. Nhưng yêu Hà Nội không phải vì Hà Nội có mùi hoa sữa, mà vì nó là Việt Nam nhất hay nói đúng hơn nó mang hồn Việt nhất, nó là quê hương lớn, là nơi trở về không chỉ cho tôi mà cho bất cứ người Việt nào.

Với tôi Hà Nội không phải là những cao ốc “hoành tráng”, những dự án về những cây cầu và đường vượt làm bằng xi măng cốt sắt vĩ đại, về những khu đô thị hiện đại để Hà Nội sánh vai với Bankok. Hà Nội của tôi được tạo thành bởi những thứ khác. Theo tôi, có bốn thứ, có thể quý giá và cũng có thể không, nhưng nó là cái “vẻ riêng” của Hà Nội:

1. Phố cổ do dân các làng nghề ngoại tỉnh lập ra từ nhiều thế kỷ nay cùng với những di tích có cỡ vài trăm năm tuổi khiến Hà Nội mang vẻ đẹp rất đặc biệt: Hiện đại mà cũng rất cổ kính; Thị thành pha chút làng quê, phố mà có cái gần gụi của làng.

2. Đời sống “vỉa hè” của người lao động thành thị. Một thứ “siêu vỉa hè”, bởi nó không chỉ dành cho người đi bộ như ở bên Tây, mà nó sống bằng cái đời sống rất riêng: buôn bán, ăn nhậu, giải khát, hóng mát, tụ tập ngồi nói chuyện phiếm v.v. (ở vỉa hè phố Hàng Trống, giữa Thủ đô Hà Nội người ta còn nuôi gà. Gà nhảy lên nệm xe Honda gáy te te, còn đàn gà con thì lúi húi kiếm ăn trên vỉa hè ngay bên cạnh đám khách ngồi ăn bún ngan cũng vỉa hè nốt!).

3. Hà Nội, thủ đô của trí tuệ, nơi tập trung những tài năng bậc nhất của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật, chính trị và kinh tế. Tầng lớp tinh hoa này tạo ra những gia đình truyền thống với nề nếp, phong thái trí thức. Phong cách sống ấy một thời bị quy tội “tiểu tư sản”, nó đã bị bài trừ, nhưng vẫn còn lẩn quất đâu đây, vẫn còn lan tỏa để bây giờ mỗi khi bắt gặp, dù là hiếm hoi, ta vẫn phải kêu lên: “Ồ, Hà Nội đấy!”

4. Vẻ đẹp của phụ nữ Hà Nội, nhất là các thiếu nữ, đoan trang kiều diễm, kín đáo và học thức. Một sự hấp dẫn gợi lên từ những giá trị tinh thần nhiều hơn là là sự gợi dục của thể xác khiến ta dù mê đắm nhưng vẫn có cái cảm giác tôn trọng.

Cả bốn thứ rất Hà Nội ấy đang mất dần. Có những cái mất âu cũng là một lẽ tự nhiên như “đời sống vỉa hè” chẳng hạn, nhưng có những cái cần phải giữ lại cho Hà Nội để dù có đổi thay như thế nào Hà Nội vẫn cứ là Hà Nội thì cũng mất luôn. Mất để được những cái đáng giá hơn đã là một lẽ. Nhưng… bạn hãy xem những ngôi nhà mới trên những đại lộ trung tâm nổi tiếng một thời, cao thấp, to nhỏ, thụt ra, thụt vào lộn xộn nghịch mắt với đủ kiểu dáng bắt chước mọi phong cách kiến trúc và bằng đủ thứ vật liệu tân kỳ và lạc hậu. Bạn hãy xem những khu đô thị mới đường rộng thênh thang nhà cao chọc trời nhưng trơ trọi bê tông, kính, thép không gỉ, lòe loẹt tường sơn xanh đỏ trắng vàng, đất cát ngổn ngang, bụi mù. Bạn hãy nghe “những đứa con của đường phố” Hà Nội văng tục chửi thề hát karaoké “nhạc thị trường” nhảm nhí. Bạn hãy ngắm nhìn thiếu nữ Hà Nội của những năm cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 mặc thời trang “body” thiếu vải. Váy, quần soóc ngắn đến mức không thể ngắn hơn, trễ đến mức không thể trễ hơn và mốt không mặc đồ lót, mốt áo dây hở vai, hở lưng, hở ngực, vẻ đẹp của dân ăn chơi, cực kỳ hấp dẫn khiến người đàn ông nhìn thấy chỉ muốn cặp bồ để vui vẻ nhưng không dám lấy về làm vợ…

3

Ai đẩy Hà Nội vào nguy cơ “Em ơi Hà Nội không còn gì”?

Những “nhà quy hoạch”, những kỹ sư-cai thầu, những chủ đầu tư ngoại quốc và “nội quốc” ranh ma, những “nhà quản lý vĩ mô”, thói khoe khoang trưởng giả, sự thiển cận, cách làm manh mún, lòng tham cộng với sự ngu dốt, lạc hậu đang làm hỏng tất cả.

Vậy bạn hỏi tôi có ước muốn gì cho Hà Nội, tôi xin trả lời: Ước muốn trước tiên là có một ông tiên nào đó hô biến, thì tất cả những thứ kể trên biến sạch để trả lại cho tôi Hà Nội, một đô thị cổ 1000 năm tuổi, một biểu tượng của văn hóa Việt Nam ở cả khía cạnh tinh thần và vật chất mà ở đấy có sự hòa hợp của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thành phố Hồ Chí Minh tháng Bảy năm 2007
(Trích từ “Cà phê… mưa” – Dương Thụ, NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam, 7-2010)

Tác giả