Từ Overture đến “Những khúc dạo đầu”

Franz Liszt, một trong những đại diện nổi bật nhất của “trường phái Đức mới”, là người sáng tạo đích thực của thể loại thơ giao hưởng, một hình thức chưng cất tinh chất thi ca bằng âm nhạc.

Trong khoảng 10 năm, từ 1848 đến 1858, Liszt đã sáng tác được 12 thơ giao hưởng và đều đề tặng công nương Carolyne Sayn-Wittgenstein. Bản thơ giao hưởng số 13 và cũng là thơ giao hưởng cuối cùng của Liszt, Von der Wiege bis zum Grabe (Từ chiếc nôi tới nấm mồ), được soạn vào năm 1881- 1882. Liszt gọi chúng là các thơ giao hưởng vì chúng không giống những bản giao hưởng truyền thống. Chúng có thời lượng biểu diễn ngắn hơn và không được chia thành các chương tách biệt. Hơn nữa chúng không theo dòng tường thuật mà “trình bày” một ý tưởng. Chủ đề của các thơ giao hưởng được nhận ra qua tiêu đề và những lời giới thiệu. Hunnenschlacht (Cuộc chiến của người Hung) được lấy cảm hứng từ bức họa cùng tên của Wilhelm von Kaulbach và Von der Wiege bis zum Grabe (Từ chiếc nôi tới nấm mồ) lấy cảm hứng từ bức phác họa nổi tiếng cùng tên của Michel Zichy. Trong khi đó thơ giao hưởng Mazeppa (có xuất phát điểm từ một tác phẩm cho piano) và Ce qu’on entend sur la montagne lại lấy cảm hứng từ các bài thơ cùng tên của Victor Hugo.
Ce qu’on entend sur la montagne (Tiếng nghe trên núi), cũng được chính Liszt gọi là Bergsinfonie (Giao hưởng từ núi), là tác phẩm đầu tiên trong số các thơ giao hưởng của Liszt. Tác phẩm được viết vào khoảng thời gian 1848-1849 và dàn dựng ở Weimar vào năm 1850 dưới sự chỉ huy của chính tác giả. Sau đó Liszt đã tiếp tục sửa chữa tác phẩm vào năm 1851 rồi hoàn thành năm 1857. Thơ giao hưởng Ce qu’on entend sur la montagne phỏng theo một cách tự do bài thơ cùng tên của Victor Hugo rút từ tập thơ Feuilles d’automne (Những chiếc lá thu). Với thời lượng biểu diễn khoảng 33 phút, Ce qu’on entend sur la montagne là bản thơ giao hưởng dài nhất trong số những thơ giao hưởng một chương của thế kỉ XIX và chỉ bị vượt qua về thời lượng biểu diễn trong thế kỉ XX bởi thơ giao hưởng Pelléas et Mélisande của Arnold Schönberg, người chứng tỏ đủ tham vọng của người sáng tạo chính thức thể loại và giới hạn này. Và mặc dù được đánh dấu bằng tiêu đề của nó, song âm nhạc của Ce qu’on entend sur la montagne không hề có tính chất nhìn ngắm hay gợi nhắc tới thế giới núi non thực sự như các thơ giao hưởng Jour d’été à la montagne (Ngày hè ở núi) của Vincent d’Indy hay Eine Alpensinfonie (Giao hưởng núi Alps) của Richard Strauss.
Hamlet và Orpheus là 2 trong số các thơ giao hưởng hay nhất của Liszt và được hình thành như là các introduction cho các tác phẩm sân khấu. Hamlet (1858) bắt nguồn từ một overture cho vở kịch cùng tên của Shakespeare còn Orpheus bắt nguồn từ một prelude. Trong thời gian chỉ huy biểu diễn vở opera “Orfeo ed Eurydice” của Gluck tại Nhà hát triều đình Weimar năm 1854. Liszt quyết định soạn một prelude (khúc dạo đầu) và một postlude (khúc dạo kết) cho vở này. Chúng được trình diễn cùng với vở opera vào ngày 16/2/1854. Trong khi postlude vẫn ít được biết đến và thực tế là đã bị thất lạc sau nhiều năm thì prelude được lưu giữ lại và trở thành thơ giao hưởng số 4 của Liszt. Cũng phải nói thêm rằng “Orfeo ed Eurydice” của Gluck là một trong các vở giữ vị trí nổi bật nhất trong lịch sử opera và qua vở này Gluck trở thành nhà soạn nhạc đầu tiên đưa một số giai điệu của opera vào trong phần overture. Điều này giúp cho overture trở thành phần dự báo và giúp cho thính giả nắm được chủ đề cơ bản của vở opera. Trong khi đó, thơ giao hưởng Orpheus của Liszt cũng không giống như các thơ giao hưởng khác của ông ở chỗ nó không khắc họa xung đột, thất bại hay thắng lợi mà thay vào đó nó có vẻ giống như một dòng suối âm điệu.
Nổi tiếng nhất trong các thơ giao hưởng của Liszt là bản thơ giao hưởng số 3 với tên Les préludes (Những khúc dạo đầu). Mặc dầu tên tác phẩm là “Những khúc dạo đầu” nhưng tự nó là một tác phẩm trọn vẹn và độc lập. Khá lâu trước khi nó có được hình thức cuối cùng, Liszt đã mường tượng tác phẩm trong một bối cảnh khác. Vào khoảng năm 1844-1845, ông sáng tác một liên khúc cho hợp xướng nam và piano có tên Les Quatre Eléments (Bốn yếu tố) dựa theo các bài thơ của Joseph Autran. Liszt dự định dùng một overture để giới thiệu chùm 4 hợp xướng miêu tả trái đất, những cơn gió bắc, những con sóng và những vì sao (ngụ ý 4 yếu tố chính theo quan niệm của người Hy Lạp cổ là đất; gió; nước và lửa). Trong những năm tiếp theo, Liszt đã gác lại các hợp xướng trong khi vẫn tiếp tục sửa chữa chương nhạc giới thiệu. Khi chương nhạc này trở nên độc lập với mục đích ban đầu, Liszt không nhắc đến nó như một overture nữa và đến năm 1854 nó đã trở thành một tác phẩm chính thức ở thể loại của riêng nó – thể loại thơ giao hưởng.
Thơ giao hưởng số 3 được lấy tên theo tiêu đề bài thơ Les préludes (Những khúc dạo đầu) trong tập Méditations Poétiques (Những khúc trầm mặc nên thơ) của nhà thơ Pháp Alphonse de Lamartine, người mà trong số các môn đệ trung thành có Joseph Autran. Les préludes của Lamartine là một khúc tụng ca dài miêu tả cuộc sống của một con người từ tình yêu thời tuổi trẻ qua những thực tế khắc nghiệt của sự nghiệp và chiến tranh rồi cuối cùng tới toại nguyện. Vậy là Liszt đã viết xong thơ giao hưởng Les Préludes rồi mới liên hệ nó với bài thơ có vẻ thích hợp nhất trong tập thơ của Lamartine mà ông rất yêu thích. Nhà soạn nhạc thấy bài thơ ấy đáp ứng được tinh thần của bản thơ giao hưởng, tuy vậy ông đã kiến giải tư tưởng của Lamartine theo cách của mình. Trong xuất bản phẩm đã sửa chữa, Liszt viết: “Cuộc sống của chúng ta là gì nếu không phải là một chuỗi những khúc dạo đầu cho bài ca bí ẩn mà trong đó những nốt nhạc trang nghiêm đầu tiên do Sự Chết ngân lên? Tình yêu là buổi bình minh mê đắm của mọi cuộc đời; song có ai đủ may mắn để những hân hoan hạnh phúc ban đầu không bị cơn bão tố nào đó làm cho gián đoạn, luồng gió chết chóc của nó làm tiêu tan ảo tưởng của tình yêu, tiếng sét tai ác của nó thiêu hủy bệ thờ của tình ái, và ở đâu tâm hồn bị một trong các cơn bão làm tổn thương dữ dội lại không tìm cách vịn vào ký ức về sự thanh thản êm đềm của cuộc sống nơi đồng quê của mình? Song con người không cam chịu hưởng thụ lâu dài hơi ấm từ tâm là cái đầu tiên đã quyến rũ mình trong sự chở che đùm bọc của Thiên nhiên, và khi “Kèn trumpet vang lên báo động”, anh ta xông tới vị trí hiểm nguy dù cho chiến tranh có thể là cái kêu gọi anh vào hàng ngũ của nó, để tìm ra trong cuộc chiến đấu lương tâm trọn vẹn của bản thân và toàn bộ sức mạnh tiềm tàng của mình”
Dù không được lấy cảm hứng một cách cụ thể từ lời thơ của Lamartine nhưng âm nhạc của Les Préludes ở phiên bản sau cùng lại phản ánh một cách trung thành các cảnh huống tâm trạng thay đổi của mỗi đoạn trong bài thơ tuy có đảo lộn trình tự 2 đoạn cuối (1- Bình minh của cuộc đời; Tình yêu; 2- Cơn bão cuộc đời; 3- Trú ẩn và an ủi trong cuộc sống thôn dã; 4- Chiến đấu và chinh phục). Ngôn ngữ âm nhạc thể hiện những chủ đề tương đương với chủ đề được Lamartine thể hiện bằng lời thơ mà không cần phải đưa ra một diễn dịch trực tiếp các yếu tố của chủ đề. Motive 3 nốt riêng rẽ tạo ra chất keo dính trọng yếu, các hoán vị và biến đổi đa dạng của nó phản ánh nhiều tâm trạng khác nhau của mỗi đoạn. Một chủ đề khác, một người anh em họ xa của motive gốc, cuối cùng hòa nhập vào, tạo yếu tố tương phản khi nó cũng trải qua biến đổi. Tác phẩm kết thúc bằng sự trở lại với motive ba nốt ở hình thức gốc. Les Préludes là hình mẫu đẹp nhất cho kiểu thơ giao hưởng bắt nguồn từ overture hòa nhạc và lấy cấu trúc từ sự kết hợp giữa hình thức sonata và tương phản 4 đoạn trong cùng một chương nhạc.

Tác giả