Từa tựa sự thật*
Cái hiện thực trong Sông không hoàn toàn là hiện thực nhưng chưa bước hẳn sang bên kia lằn ranh ngăn cách với cái kỳ ảo, cái kỳ ảo vẫn neo đậu đậm đà vào hiện thực, nên độ chênh thì có, nhưng bầu không khí mà cuốn tiểu thuyết tạo ra dường như là một cái gì đó “từa tựa sự thật”, một cái bóng của sự thật; mạch truyện đi trên vệt mờ mỏng mảnh giữa thực và hư.
Với một “tâm trạng […] bở như dưa gang chín rục” và bầu khí quyển đượm “mùi rầu rĩ” (tr. 18), Ân bỏ thành phố bước vào cuộc hành trình bất định ngược con sông bất định tên là “Di”, và với Sông, Nguyễn Ngọc Tư bước vào hành trình tiểu thuyết của mình, để lại sau lưng truyện ngắn và tản văn, và không biết có cùng cảm nghĩ như Ân khi “lục lọi cậu tìm được hai bàn chải đánh răng, thấy tan nát cõi lòng” (tr. 7)?
Mở truyện là kéo người ta trôi ngay vào con sông lắm mộng mị, hẳn Nguyễn Ngọc Tư khiến nhiều độc giả lập tức nghĩ tới một tính chất kỳ ảo hay huyền ảo cố tình, nhưng hình như không hoàn toàn như vậy. Cái hiện thực trong Sông không hoàn toàn là hiện thực nhưng chưa bước hẳn sang bên kia lằn ranh ngăn cách với cái kỳ ảo, cái kỳ ảo vẫn neo đậu đậm đà vào hiện thực, nên độ chênh thì có, nhưng bầu không khí mà cuốn tiểu thuyết tạo ra dường như là một cái gì đó “từa tựa sự thật”, một cái bóng của sự thật; mạch truyện đi trên vệt mờ mỏng mảnh giữa thực và hư.
Có lúc nó tạt về bên này, lúc khác lại ngả sang phía kia, dùng dằng chứ không bao giờ dành sự thượng phong tuyệt đối cho hư hay thực. Ta thấy những tên riêng Mù Sa, Tầm Sương hoang vắng như lôi về từ một miền hư ảo, nhưng dãy núi Thượng Sơn thì hao hao Trường Sơn, sông Mê Giang nhất định gợi tới Mê Kông, Vũng Thuyền thì âm hưởng Vũng Tàu, và vẫn nhiều chi tiết không có chút đổi thay nào, như phố Lý Thường Kiệt, tên người (Nguyễn Trãi, Quang Trung hay Nguyễn Ánh), rồi cái truyện Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc.
Tiếp sức cho bầu không khí ảo là những sách vở bịa ra: cuốn Ba tháng ở miền Hạ của mấy nhà truyền giáo người Bồ, di cảo Sông nước miền Hạ của Mai Nam Tư hay Những làng nghề thủ công châu thổ sông Di “ém được từ thư viện”, Di lưu ký rồi Tương tàn ngoại sử và nhất là quyển ghi chép dày 186 trang của một vị tu sĩ người Pháp, trong đó chín trang rưỡi liên quan đến thượng nguồn sông Di, nhưng những diễn đàn phượt và nhiếp ảnh trên mạng, giới phóng viên báo “lá cải”, rồi cả vài ám chỉ đến các cuộc biểu tình đòi biển đảo… ít nhất cũng là những nỗ lực miêu tả sát kề với hiện thực.
Và câu chuyện tiến lên, hay nói đúng hơn là “trôi” đi (đây là một trong những từ có tần suất xuất hiện lớn nhất trong cuốn tiểu thuyết), bằng đủ mọi loại phương tiện như trong một bộ phim road movie, cập đủ mọi bến bờ và có những lúc đạt đến được những vẻ đẹp tuyệt vời, rất có không khí nhưng đượm nét u hoài rất đặc trưng trong văn Nguyễn Ngọc Tư, như trường đoạn những cái lu tắm chung nam nữ (hội Tắm Lu chợ Thương tổ chức vào ngày rằm tháng Hai những năm chẵn, chương 11), một dạng chợ tình Khâu Vai miền sông nước.
Không khí đặc trưng của miền Tây vẫn tiếp tục rõ nét trong Sông, lần này cũng cộng thêm một yếu tố “gia tăng” nhưng không phải tính chất tàn nhẫn của Cánh đồng bất tận mà là sự ma quái mà ta như thể bắt gặp được ở bất kỳ khuôn mặt và khung cảnh nào.
Ở lần rời khỏi truyện ngắn và tản văn này, Nguyễn Ngọc Tư xây dựng được một tiểu thuyết đúng nghĩa, tuy ngắn, trừ việc quán tính viết tản văn khiến tác giả hình như lo sợ độc giả giảm bớt chú ý nên cố kể quá nhiều chuyện, chuyện này gối đầu chuyện kia, nhiều lúc ta thấy như thể bị mắc kẹt giữa một chuyện chưa kết thúc và một chuyện khác đã bắt đầu. Hoặc giả đây cũng là một điều gì đó liên quan đến không khí “ở giữa” như đã thấy ở tính chất “hư” và “thực”. Một tiểu thuyết không nhất thiết bắt người đọc chú tâm mọi lúc, nó không cần quá nhiều “đạm”, nó dung chứa được những đoạn chùng xuống, chậm lại, thậm chí lê thê, không cần quá nhiều cảm nghĩ, quá nhiều miêu tả trộn trong cảm giác. Điều này liên quan tới một khái niệm, tempo (nhịp). Chính vì xử lý không tốt tempo nên Nguyễn Ngọc Tư không hẳn là thành công ở đoạn cuối, lẽ ra phải lên cao trào khi các nhân vật đến được cái hồ Thiên huyền bí. Vài chương cuối cùng không đủ độ chùng xuống nên đi đến một cái kết tương đối lộ liễu, dễ đoán.
Sông là rất nhiều câu chuyện nhỏ ghép thành, nhưng nó chỉ xoáy sâu vào một điều: sự bỏ đi. Ân bỏ đi, làm nên cốt truyện chính cho cuốn tiểu thuyết, rồi còn những cuộc bỏ đi gây nhiều hậu quả như những gì liên quan tới nhân vật Ánh và San, rồi Bối, nhưng không chỉ có vậy, nếu đếm kỹ, trong Sông tổng cộng có đến chừng trên dưới ba mươi cuộc bỏ đi, mất hút, biến mất, trong đó một số được kể chi tiết nhưng nhiều lần chỉ được nhắc thoáng qua; có gia đình trong lịch sử có tới vài cuộc bỏ đi của các thành viên. Ai cũng bỏ đi ở trong Sông, vì dòng sông chính là sự bỏ đi miệt mài nhất (“từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”). Chắc hẳn sự thật cuộc đời cũng từa tựa như vậy, dẫu rằng ham muốn lớn nhất của con người có khi chỉ là “có một ai đó để mình quanh quẩn cả đời” (tr, 97).
—
* Đọc tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ 2012
Đọc thêm:
Mai Anh Tuấn, Khảo về sự biến mất
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=5636
Nguyễn Chí Hoan, Một tiểu thuyết – tại sao?
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=5716