Tung tung – da dá, điệu múa tái hiện vũ trụ

Từ bao đời nay, người Cơ-tu múa tung tung-da dá như một cách để kết nối với vũ trụ và ông bà, tổ tiên.

Đây là điệu múa tập thể dành cho cả nam và nữ, trên nền tiếng trống, tiếng cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống khác.

Già làng Cơ Lâu Năm, 76 tuổi dân tộc Cơ-tu, hiện đang sống tại thôn Pơ Ning xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, và những người già Cơ-tu lớn tuổi am hiểu về phong tục – tập quán cho biết: Tung tung theo nghĩa của tiếng Cơ-tu là vươn lên cao, sôi động, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa…

Để thể hiện điệu múa tung tung một cách sinh động giữa bao la của đại ngàn, đàn ông Cơ-tu mặc khố, choàng một áo dệt bằng thổ cẩm, chân trần, tay nắm chắc tấm khiên và cây dáo/mác/dụ, nếu không thì nắm chắc tay bạn bên cạnh, vừa bước đi với đôi đôi tay vung lên cao vừa hú một cách tự tin, sôi động và hùng dũng, thể hiện sức mạnh của trai làng, không sợ hãi khi đương đầu với thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên hay kẻ thù.

Người Cơ-tu ở Quảng Nam sinh sống tập trung trong 197 buôn, làng (karnon, bươl, vêêl) thuộc ba huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang với dân số khoảng gần 5 vạn người và phân bố thành ba vùng: người Cơ-tu vùng cao (Cơ-tu đriu), người Cơ-tu vùng trung (Cơ-tu nal) và người Cơ-tu vùng thấp (Cơ-tu phương).

Còn già làng Bh’ling Hồng, 80 tuổi, hiện đang sống tại thôn Công Dồn, xã Zuôih, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: da dá là điệu múa dành đàn bà, con gái. Da dá theo tiếng Cơ-tu có nghĩa là thẳng hàng, nhịp đều. Khi múa, phụ nữ Cơ-tu mặc váy thổ cẩm để lộ vai trần, cổ đeo vòng cườm, hai cánh tay đưa ngang với vai, còn cẳng tay đưa lên vuông góc với cánh tay, bàn tay ngửa ra sau, mắt nhìn thẳng, miệng luôn tủm tỉm cười, đôi chân trần bước đi nhón gót nhịp nhàng.

Toàn thể những người tham gia điệu múa xếp thành vòng tròn, di chuyển chậm và ngược chiều kim đồng hồ, đồng thời từng người trong vòng tròn lại nhẹ nhàng tự xoay quanh thân mình theo chiều kim đồng hồ.


Múa da dá trong lễ hội ăn mừng lúa mới thôn Bh’ Hôồng, xã Sông Kôn,
huyện Đông Giang, Quảng Nam, tháng 8 năm 2006.

Khi trống chiêng bắt đầu nổi lên, con gái bước ra múa trước, sau đó con trai mới bước ra và nối tiếp vào. Nếu đã xếp đủ một vòng tròn mà vẫn còn dư người múa thì họ lại tạo thêm một vòng tròn khác, nhưng bao giờ cũng theo nguyên tắc nữ đi trước, nam đi sau; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam.

Theo già làng Cơ Lâu Năm, mỗi khi người Cơ-tu tổ chức lễ hội, bao giờ cũng có một đống lửa được đốt lên ở trước nhà Gươl (nhà cộng đồng). Đống lửa ở trung tâm được xem như mặt trời, vòng tròn múa chung quanh đống lửa ẩn dụ cho đường hoàng đạo khi trái đất quay quanh mặt trời để có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, còn mỗi cá nhân trong vòng tròn tự xoay quanh mình ẩn dụ cho sự luân chuyển giữa ngày và đêm. Như vậy có thể nói tung tung-da dá là một sự tái hiện vũ trụ, và cùng với điệu thức của tiếng trống thập thình và âm thanh cồng chiêng ngân dài và lan tỏa, nó cũng như muốn thấu đến tận cõi siêu nhiên của thần linh, tổ tiên, ông bà.
   

* Bảo tàng tỉnh Quảng Nam

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)