Tương lai của sách giấy
Bên thềm thế kỷ XXI, trước sự bùng phát của internet và loại hình kinh doanh trên mạng, người ta bắt đầu lo lắng cho tương lai của sách, như có lúc người ta đã lo cho tương lai của tiểu thuyết. Nỗi lo lắng này song chiếu số phận của tiểu thuyết và sách in trong lịch sử, rộng ra là văn học và công nghệ ấn loát, như là hai nhân tố đã mở ra thời hiện đại.
Bên thềm thế kỷ XIX, trước sự bùng phát của internet và loại hình kinh doanh trên mạng, người ta bắt đầu lo lắng cho tương lai của sách, như có lúc người ta đã lo cho tương lai của tiểu thuyết. Nỗi lo lắng này song chiếu số phận của tiểu thuyết và sách in trong lịch sử, rộng ra là văn học và công nghệ ấn loát, như là hai nhân tố đã mở ra thời hiện đại. Vậy sách in có mất đi khi chúng ta bước vào thời hậu hiện đại, và mọi chuyển biến nếu có sẽ đem lại hệ quả gì, chúng ta có thực sự phải lo lắng về điều đó? Jean-Claude Carrière và Umberto Eco đã có những trao đổi thú vị về vấn đề này với sự dẫn chuyện của Jean-Phillippe de Tonnac ở những năm cuối cùng của thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Tập hợp các đối thoại này vừa mới được dịch sang tiếng Việt dưới tiêu đề: Đừng mơ từ bỏ sách giấy1. Sự phủ quyết nỗi lo lắng về số phận của sách giấy ở hai nhân vật hàng đầu này, Carrière không chỉ trong tư cách nhà văn, nhà viết kịch và biên kịch mà còn với tư cách một người thông tuệ các vấn đề công nghệ, Eco không chỉ trong tư cách nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa và văn học cổ mà còn với tư cách một lý thuyết gia ký hiệu học, đã vượt lên trên mức độ cảm tính của những nhà sưu tầm sách cũng hàng đầu, đưa câu chuyện vào địa hạt của những phân tích lý tính, và gợi ra những suy tư về tương lai của sách giấy nơi bạn đọc.
Câu chuyện đầu tiên trong hơn mười câu chuyện về sách của Carrière và Eco là lời khẳng quyết: Sách in sẽ không chết. Carrière là người gợi vấn đề, bằng việc đề cập đến nhận định của một nhà tương lai học tại Hội nghị thượng đỉnh tại Davos năm 2008 rằng trong tương lai gần, thế giới phải đối mặt với bốn vấn đề: giá dầu mỏ, vai trò của nước, vị thế của châu Phi, và cái chết của sách in. Sự khơi gợi này, theo câu chuyện, sẽ từng bước bị chính Carrière phủ nhận, bằng kinh nghiệm đối diện với các ngành công nghệ, nhất là công nghệ truyền thông đa phương tiện, đối thủ cạnh tranh của sách in trong lĩnh vực giải trí và lưu truyền văn hóa. Còn với Eco, từ góc nhìn ký hiệu học, ông đưa ra những nhận định thực sự ấn tượng và thấu đáo: “Cuốn sách cũng giống như cái thìa, cái búa, bánh xe hay cái kéo. Một khi đã phát minh ra chúng rồi, bạn không thể làm tốt hơn được nữa… Sách đã chứng tỏ được bản thân nó, nên chúng ta không thể biết làm thế nào để làm ra một kiểu sách tốt hơn với cùng một mục đích sử dụng như vậy”. Eco hiểu rằng, sách giấy là phương tiện chuyên chở chữ viết, một cuộc cách mạng của loài người ngang tầm với việc tìm ra lửa, bởi “chữ viết là phần kéo dài của bàn tay, và theo nghĩa đó, nó gần như mang tính sinh học”. Sự khác biệt làm nên sức sống của sách giấy so với các phát minh về lĩnh vực văn hóa thông tin khác về sau, như điện ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet, kể cả ebook, là bởi các phát minh sau này “không mang tính sinh học”. Chính tính sinh học làm cho sách in trường tồn với cuộc sống loài người, bằng tất cả các khả năng “tiến hóa sinh học” của nó, theo các con đường chọn lọc cả tự nhiên và nhân tạo.
Những câu chuyện tiếp sau đề cập đến những khía cạnh khác nhau của sách trong đời sống, lịch sử, sự lưu truyền, sự tiếp thu, sự lưu giữ, các cách thức mà sách ra đời, vượt qua các loại kiểm duyệt, trở thành một phần trong đời sống văn hóa, trong các bộ sưu tầm, sự tương tác với các kỹ thuật hỗ trợ thông tin và văn hóa khác,… Bằng lối nói hóm hỉnh, nên dù với rất nhiều thông tin, khả năng đan dệt đời sống của sách trong bức khảm văn hóa và thông tin đương đại, các tác giả vẫn níu giữ câu chuyện vào một sợi chỉ xuyên suốt, là tình yêu với các cuốn sách, sức sống và giá trị trường tồn của các cuốn sách. Có điều, tất cả không phải xuất phát từ một niềm tin duy ý chí, mà trong sự thức tỉnh về nỗi hoang mang hiện tại, mà như một lúc nào đó trong cuộc trò chuyện, cả Carrière và Eco đều thấu hiểu: “…ký ức của chúng ta ngắn ngủi vì quá khứ gần gây sức ép lên hiện tại và thúc đẩy nó, chèn ép nó về phía tương lai có hình dạng như một dấu hỏi to tướng. Hoặc như một dấu chấm than.” bởi “đây không phải là vấn đề ký ức tập thể sẽ bị mất …đúng hơn đây là vấn đề hiện tại dễ bị mất. Chúng ta không còn sống trong một hiện tại yên ả nữa, mà luôn cố gắng chuẩn bị cho tương lai.” Tương lai của sách nằm ở giữa sự do dự và sự chuẩn bị ngày một chóng vánh này. Theo các cách mà cuộc đối thoại giữa sách với người đọc sách và không đọc sách tạo nên.
—
1 Jean-Claude Carrière, Umberto Eco và Jean-Phillippe de Tonnac: Đừng mơ từ bỏ sách giấy, Hoàng Mai Anh dịch, Sao Bắc Media & NXB Thế giới, 2014.