Tùy duyên

Dù là nhà hay đình, đền, chùa, miếu, phủ gì đi nữa thì người Việt cũng thích ngang hơn dọc. Nhỏ thì ba gian hai chái; to thì năm gian, bảy gian.

Không như người Tây, nhà Tây, nhà thờ Công giáo lại thích chiều dọc, thích lấy mặt hồi làm mặt tiền. Ấy thế nhưng khi chùa vào phố, vốn là không gian kiến trúc mặt tiền hẹp, thì chùa cũng phải nương theo, thuận theo kiểu nhà ống, đành phải bỏ kiểu ngang đi mà thành dọc. Chùa Lý Quốc Sư ở Hà Nội là một ví dụ. Chả còn ba gian, năm gian, chả còn chữ nhất, nhị, tam gì nữa. Từ tam quan, phương đình đến chính điện (ngoại cung và nội cung đều bỏ ngang theo dọc). Cứ tùy thôi, nhập gia tùy tục.

Đầu Công nguyên, khi các nhà sư Ấn Độ mang Phật giáo đến Luy Lâu (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thì “chủ nhà” đã có sẵn tín ngưỡng thờ Tứ pháp rồi (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) nên “người khách” Phật giáo cũng phải “tùy duyên” mà biến báo, mà hòa hợp để tồn tại. Trong chùa Dâu vẫn có tượng Pháp Vân là vậy.

Trở lại chuyện chùa Lý Quốc Sư, mọi người quen gọi là đền Lý Quốc Sư cũng không sai vì trong chùa có ban thờ mẫu. Chả cứ chùa Lý Quốc Sư mà phần lớn chùa ở Việt Nam đều có ban thờ mẫu vì đó cũng là đạo của người Việt. Trong chùa có đền, đền chùa một chốn. Tiền Phật hậu Thánh.


Mẹ thiền sư Minh Không

Chính điện


Chùa Lý Quốc Sư như tên gọi, thờ Thiền sư Minh Không, ông đã chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông năm 1138. Có lẽ đây là ngôi chùa duy nhất thờ một vị “bác sỹ”. Nhưng hay nhất là còn có cả ban thờ cha và mẹ của “bác sỹ” Minh Không nữa. Ấy là chưa kể, có hai ban thờ nữa thờ ông Quan huyện Thọ Xương với vợ ông (trước đây chùa Lý Quốc Sư thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương) và Nhà bia thờ các liệt sỹ của phường Hàng Trống. Thế là ngoài chính điện thờ Phật còn có nhiều ban thờ khác. Sở dĩ phải nói kỹ như vậy để thấy cái cách mà Phật giáo đến với người Việt rất “lỏng”, rất buông, rất “thõng tay”, rất “tùy tâm”, rất “tùy duyên”, đó cũng là tinh thần của Phật giáo. Phật giáo đến và ở lại được với người Việt vì sự hòa đồng đó, hòa mình với người đó, không phải là bỏ người thay bằng mình, bỏ cũ thay bằng mới mà chỉ thêm vào thôi. Hiểu ở chiều ngược lại thì thấy cách tiếp nhận của người Việt cũng rất đặc biệt, đón cái mới vào cùng với mình trên cái nền móng vốn có của mình, song song tồn tại, hòa hợp bên nhau. Tùy duyên mà nhận, tùy duyên mà cho. Tùy duyên mà thêm, tùy duyên mà bớt.

Thấy tính thành Phật, Phật tức tâm, tâm tức Phật cho nên hiểu rốt ráo thì chùa ngang hay dọc, tượng Phật to bé, thờ chung hay riêng… tất cả chỉ là phương tiện để đến “bên kia sông”, đến Niết Bàn. Nhưng liệu có cái bờ bên kia không, có Niết Bàn không hay Niết Bàn chính là hành trình qua sông, là con đường đến? Tùy tâm! Tùy hỉ! Tùy duyên!

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)