Valery Gergiev – Người mang thế giới âm nhạc trên đôi vai

 Dưới cây đũa chỉ huy của Valery Gergiev, Nhà hát Maryinsky, vốn được biết nhiều ở phương Tây với cái tên Xô Viết Kirov đã trở thành một nhà hát nổi tiếng của thế giới. Tháng 9 vừa qua, Metropolitan đã mời Gergiev làm nhạc trưởng khách mời và New York Philharmonic mời ông làm nhạc trưởng thường trực. Ông được mệnh danh là người mang thế giới âm nhạc trên đôi vai và là một trong những biểu tượng của văn hóa Nga.

Ba tháng trước đây, trên chuyến bay của Aeroflot từ Nga đi Israel, Valery Gergiev ngủ say. Trong vòng 1 giờ sau, Valery Gergiev vẫn im lặng. Ông không nói bất cứ câu nào với cả đồng nghiệp của Nhà hát Opera và ballet Maryinsky của thành phố St. Petersburg, nơi ông làm giám đốc. Ông cũng không gợi lại những kỷ niệm từ nơi ông đã lưu diễn trong vòng 6 tháng London, New York, Rotterdam, Milan, Lisbon, Tel Aviv, Istanbul và 12 thành phố khác. Ông cũng không quan tâm đến những câu hỏi tọc mạch của giới báo chí rằng có phải ông sẽ nhận lời làm việc cho một dàn nhạc Mỹ hay không. Ông cũng không để ý đến những câu chuyện tầm phào với những người bạn trong dàn nhạc hoặc tranh luận với thành viên của bè kèn đồng, một nhạc công quan trọng chơi trombone trầm trong bản giao hưởng số 4 của Shotstakovich. Ngược lại, Gergiev ngủ, hoặc tỏ vẻ như thế. Tôi ngồi cạnh ông ấy, và tôi không thể chắc rằng, ông ấy rảnh rang. Đôi chân của ông đung đưa theo giai điệu đầy bất thường của Stravinskky. Theo tôi, ông đang nhẩm lại “The rite of Spring” trong đầu mình.

Valery Gergiev trải qua một mùa diễn đầy mệt mỏi. Từ 8 giờ sáng đến nửa đêm, ông luôn xuất hiện ở bục chỉ huy của Maryinsky, hướng dẫn khúc khải huyền “Parsifal” của Wagner. Ông làm việc trong văn phòng đến tận 5 giờ sáng hôm sau – ông thường chỉ ở St. Petersburg 2 tháng trong năm và có một đống công việc phải làm. Trong lúc tập trung căng thẳng, đôi mắt ông đờ đẫn và mặt xám lại. Trước khi đi ngủ, ông vẫn còn cố gắng đọc cuốn tự truyện của nhạc trưởng nổi tiếng Georg Solti, do một người bạn tặng. Trên trang nhất, người bạn của ông viết: “Có thể cuộc đời nghệ thuật của anh sẽ dài và giàu có như của Sir Georg”. Nhiều người đã khuyên Gergiev hãy lo lắng nhiều hơn cho sức khỏe của mình. Họ biết rằng cha của Gergiev đã chết ở tuổi 49, sang tháng Gergiev sẽ bước sang tuổi 45. Nhưng Gergiev thường kết thúc cuộc thảo luận về kế hoạch tương lai của mình bằng một mệnh đề “nếu tôi còn sống”.

Nhạc trưởng Gergiev thường tham gia nhiều buổi hoà nhạc được nối kết toàn thế giới: quyên tiền cho nạn nhân thảm kịch Beslan ở Bắc Ossetia và nạn nhân vụ động đất Nhật Bản và vì hoà bình ở Trung Đông… Nhưng không có buổi biểu diễn nào có tác động mạnh đến dư luận xã hội như ở Tskhinvali vào ngày 21 tháng 8. Nhiều người chứng kiến buổi hòa nhạc kể lạ: khi những giai điệu bản giao hưởng số 7 của Shostakovich, một thiên hùng ca của thành phố Leningrad chống lại quân xâm lược Đức vang lên giữa một thành phố tối đen, khói tỏa ra từ ngôi làng Georgia, mọi người dường như sống lại những năm tháng đau thương của nước Nga trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Nhà bình luận Jens F. Laurson và George A. Pieler đã viết trên Forbes.com. “Những người Nam Ossetia là nạn nhân vô tội; quân đội Nga, những hiệp sỹ của họ toả sáng trong bộ áo giáp sắt”. Còn Gergiev thì tin tưởng “Tôi tin chắc 100% là tôi đã làm đúng. Tôi là người Ossetia.”

Nói về việc lựa chọn trình diễn bản giao hưởng “Leningrad”, Gergiev cho rằng, Shostakovich “đã viết để chống lại những điều xấu xa. Shostakovich đã sáng tác dựa trên những suy nghĩ phải bảo vệ những điều đẹp đẽ và lẽ phải trên thế giới này”.

Điều đầu tiên nói về Gergiev là ông có thể lực ổn định lạ thường. Dàn nhạc, dàn hợp xướng và các nghệ sỹ solo Kirov, đã kết thúc “Parsifal” vào lúc nửa đêm và bay đi Israel vào buổi sáng hôm sau, bắt xe buýt đến Eilat để trình diễn vở opera “Mazeppa” của Tchaikovsky vào đêm đó. Tuy nhiên, Gergiev quản lý công việc sao cho buổi trình diễn cân bằng được giữa vẻ đẹp nghệ thuật và tính tư tưởng sâu sắc. Buổi biểu diễn với phần âm nhạc gây choáng váng, Gergiev đã xây dựng tác phẩm của Tchaikovsky với những cảnh tuyệt vời của đam mê và nỗi tuyệt vọng. Ông đã sáng tạo nên một hiện tượng hợp nhất, một sự chăm chú say mê của điệu thức. Những nhạc trưởng khác của thế hệ Gergiev đã làm nên tên tuổi với ý thức về sự trình diễn của cá nhân, còn Gergiev đem lại nét thanh thoát, tự nhiên không gò ép của cảm xúc, sự xưng tụng của âm thanh.

Gergiev cũng là một người thừa kế được truyền thống của nhà hát Maryinsky lừng danh. Gergiev đã nối kết sức mạnh của quá khứ được xây dựng tại Học viện Rimsky-Korsakov. Ông bắt đầu học tại đây từ khi người thầy của ông là một người nổi tiếng mang tên Ilya Musin, từng dạy học cho ba đời giám đốc nhà hát Kirov và đến bây giờ vẫn dạy 5 ngày mỗi tuần ở tuổi 94. Thông qua Ilya Musin, Gergiev hầu như có thể chạm vào thế giới trước Cách mạng tháng 10 vĩ đại: Musin từng dạy nhạc trưởng Nikolai Malko và Malko được chính Rimsky Korsakov truyền thụ. Khi Gergiev chỉ huy Shostakovich, ông có thể nhận thức rõ hơn nhờ cuộc gặp gỡ của Musin với Shostakovich trong quán cà phê sinh viên.

Tuy nhiên, Gergiev lại không phải là một người con thuần túy của St. Petersburg. Ông được sinh ra tại Moscow và bố mẹ ông là người Ossetia, một nước cộng hoà nhỏ vùng núi Caucasus, nằm ở phía Nam Liên bang Nga. Cha ông là một người lính đến từ Ossetia và từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Người Ossetia vốn có cuộc sống nay đây mai đó như những kẻ du mục: họ có nguồn gốc từ Scyths, những kẻ táo tợn băng qua Trung Đông đến lãnh thổ nước Nga ngày nay từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Họ thuộc nhóm ngôn ngữ Iran. Cùng với hơn 50 nhóm dân tộc khác ở vùng Caucasus, người Ossetia là những kẻ ngoại tộc: người Nga vẫn coi thường họ như những kẻ kỳ dị, lạc hậu và ngoài vòng pháp luật.

Bởi vậy, đã có nhiều lo lắng và băn khoăn khi một người Ossetia có thể đem vinh quang đến một nhà hát opera và ballet của Sa hoàng. Theo nhà phê bình âm nhạc John Ardoin, người đã từng viết một cuốn sách về nhà hát Maryinsky: “Nhiều người trong nhà hát này không thích Gergiev vì ông không phải là người Nga”. Ngần ấy điều đó chứng tỏ, Gergiev đã không hề gặp thuận lợi khi đến với Maryinsky, mặc dù khi mới còn là sinh viên của Học viện Rimsky-Korsakov, đã được mời tham gia nhà hát này. Và ở tuổi 23, Gergiev đã chiến thắng ở cuộc thi Herbert von Karajan tại Berlin.

Gergiev từng tâm sự với tôi sau bữa ăn trưa: “Tôi chưa bao giờ muốn trở thành một nhà hoạt động âm nhạc. Đó là điều tôi không thể tự quyết định. Tôi đã chơi bóng đá từ lúc 6 hay 7 tuổi gì đó. Và tôi rất háo hức được chơi cùng những đứa trẻ khác”. Ông trở thành giám đốc nhà hát là từ tác động của người mẹ, một phụ nữ kiên quyết. Và những âm thanh đầu tiên mà Gergiev đánh từ cây đàn piano đã thôi miên cô giáo đầu tiên của ông. Cô giáo Alexander Toradze, người vẫn giữ mối liên hệ với Gergiev đến tận bây giờ, cho biết: “Cậu bé duy trì âm thanh một cách không thể tin được, như tiếng vang của cả dàn nhạc”. Và vì thế, Gergiev đã đến học tại St. Petersburg với cả hai chuyên ngành là piano và chỉ huy, nhưng ngay sau đó chỉ tập trung vào phần học chỉ huy.

Sau khi Gergiev giành vị trí á quân ở cuộc thi Karajan vào năm 1977, đích thân Karajan đã mời Gergiev làm trợ lý cho ông tại Berlin. Nhưng do đặc điểm chính trị thời đó, Gergiev đã không thể đáp ứng được lời mời của vị nhạc trưởng danh tiếng này. Gergiev cảm thấy may mắn khi được giao công việc chỉ huy tại nhà hát Kirov: “Điều đó quá tốt với tôi. Trong suốt quãng thời gian đó tôi chỉ còn biết làm việc hết mình để trở thành một nhạc trưởng thực sự. Sau nữa, tôi đã được quốc tế biết đến”.

Tất cả mọi điều trong thế giới của Gergiev đều được thẩm thấu bằng âm nhạc. Hai tai của ông luôn vểnh ra như tai một con mèo, để lắng nghe bất kỳ âm thanh nhỏ nhặt nào. Những người bạn thân thiết của Gergiev như Toradze, Bashmet đều là những nghệ sỹ được yêu thích của nhà hát Kirov. Gergiev thường kể lại: “Tôi thường so sánh Bashmet với Olga Borodina, một mezzo-soprano hàng đầu của Kirov, người nghệ sỹ có giọng hát phi thường của thời đại này. Họ như những người cùng dòng máu. Điều tuyệt diệu là âm thanh alto hoặc contralto, đặc biệt là từ dàn cello, contrabasses, tuba và timpani. Điều đó có thể làm nên sự đồ sộ, sức nặng, sự trữ tình”.

Nhiều nhạc trưởng thường giữ bản tổng phổ trong tay mình. Nhiều người trong số họ thường chuyển thể lại bản tổng phổ trên cây đàn piano. Nhưng với Gergiev, tất cả đã được sao chụp trong bộ nhớ, thậm chí cả bản tổng phổ được thấy cách một năm. Gergiev là một tài năng đặc biệt: ông có thể thấy được hình thức và tư tưởng bản nhạc và mang theo cả bản năng cuộc sống. Vào năm 1978, ông đã chỉ huy và dàn dựng tác phẩm đồ sộ của Prokofiev là “Chiến tranh và hòa bình”. 10 năm sau, khi người tiền nhiệm là nhạc trưởng Yuri Temirkanov rời Kirov để đến Leningrad Philharmonic, Gergiev khi mới 35 tuổi, đã nhận trách nhiệm nặng nề thay thế. Gergiev bắt đầu tìm kiếm cơ hội đến với phương Tây. Các nghệ sỹ của nhà hát như Borodina hay soprano Galina Gorchakova cũng được quốc tế quan tâm. Hãng Philips mời họ dưới sự chỉ huy của Gergiev thu âm các chương trình cơ bản của opera Nga. Nhận được sự chào đón nhiệt tình của phương Tây, năm 1995, Gergiev đem Kirov tới New York để biểu diễn vở “Con đầm pích”. Năm 1996, Yeltsin đã quyết định cho Gergiev toàn quyền chỉ huy cả opera và ballet.

Gergiev là một người được kính trọng của Nga, trong khi nhiều nhà hoạt động âm nhạc Nga đã chạy trốn sang phương Tây để kiếm thật nhiều tiền. Ông dồn sức vào âm nhạc. Khán giả Nga dõi theo Gergiev từng bước còn báo chí thổi phồng lên mọi chuyện. Ví dụ khi Gergiev được mời sang Met chỉ huy, thì ngay trên phía đầu trang báo của Nga cũng xuất hiện dòng chữ “Chúng ta đã đánh mất Gergiev”. Người đứng đầu Bộ Văn hóa và Thông tin Nga phản đối báo chí và Gergiev mới thoát khỏi sự bủa vây này.

Gergiev phải trải qua một quãng đường gian khổ khi đến Met chỉ huy New York Philharmonic. Một nhạc công của dàn nhạc cho rằng, Gergiev giống như một thầy tu và thường nói quá nhiều, điều đó đem lại sự khác biệt lớn so với các nhạc trưởng Mỹ khác. Gergiev là một kiểu mẫu của sự lịch thiệp sau Toscanini. Khi chỉ huy Philharmonic, ông thường nói rất nhã nhặn “tôi muốn một đoạn ngắn diminuendo” hoặc “Chúng ta hãy tôn trọng đoạn staccato của Mahler” chứ không phải giật giọng “Diminuendo!” hay “Staccato!”.

Trong những lần hiếm hoi gặp Gergiev ở London, tôi đã được nghe ông chơi đàn. Căn phòng hoàn toàn tối đen, có một cây đàn piano cỡ lớn ở gần chúng tôi. Gergiev ngồi xuống và bắt đầu một chuỗi lộng lẫy những hợp âm từ “Lohengrin.”. Tiếng đàn, như Toradze đã từng ví, kỳ vĩ, tuyệt đẹp như âm thanh của cả dàn nhạc. Tất cả như bị mê hoặc và căn phòng dường như đổi khác. Khách sạn đã trở thành Kitezh, một vùng đất tuyệt đẹp của nước Nga cổ xưa, được đánh thức bằng những chiếc chuông bạc…

Thanh Nhàn dịch  

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)